Bảo tàng ở Paris đuổi khách mặc váy xẻ ngực
Sau vụ việc gây tranh cãi, bảo tàng nổi tiếng Musée d’Orsay (Paris, Pháp) phải lên tiếng xin lỗi vị khách nữ.
Musée d’Orsay – một trong những bảo tàng lớn tại Paris (Pháp), nơi trưng bày một số tranh khỏa thân nổi tiếng thế giới – bị cáo buộc phân biệt đối xử và phân biệt giới tính sau khi từ chối cho một phụ nữ mặc váy xẻ ngực vào cửa, theo The Guardian.
Cụ thể, khi nữ sinh viên tên Jeanne (22 tuổi) cùng bạn đến bảo tàng, một nhân viên tại đây chặn lại và yêu cầu cô mặc thêm áo khoác.
“Đến lối vào bảo tàng, tôi thậm chí còn chưa kịp lấy vé thì một nam nhân viên nhất quyết không cho tôi đi tiếp. Tôi hỏi chuyện gì đang xảy ra thì không ai trả lời, các nhân viên cứ nhìn chằm chằm vào ngực tôi”, nữ sinh viên viết trên trang cá nhân.
Cô gái không được vào bảo tàng vì mặc váy xẻ ngực.
Jeanne cho biết tình huống khiến cô cảm thấy rất xấu hổ. Nam nhân viên liên tục nói “quy tắc là quy tắc”, nhưng không nói rõ là cô vi phạm điều gì. Jeanne cho biết thêm khi đó bạn cô mặc một chiếc áo ngắn hở eo, nhiều khách tham quan khác cũng mặc đồ thoải mái vì thời tiết nóng.
Không muốn tiếp tục tranh cãi, Jeanne chấp nhận mặc áo khoác để được vào bảo tàng.
“Không cho tôi vào chỉ vì tôi mặc váy khoét cổ sâu? Đừng có để tiêu chuẩn kép của các người ngăn cản tôi tiếp cận văn hóa và kiến thức”, cô bức xúc.
Sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội, phía bảo tàng viết trong một bài đăng trên Twitter rằng “rất lấy làm tiếc” về sự việc đã xảy ra. Một lãnh đạo nơi này đã gọi điện thoại cho Jeanne để xin lỗi.
Bảo tàng Musée d’Orsay trưng bày nhiều tranh khỏa thân. Ảnh: Shutter Stock.
Nữ sinh viên cho biết cô chấp nhận lời xin lỗi qua điện thoại song dòng tweet ngắn gọn của bảo tàng cho thấy họ chưa nhận ra bản chất “phân biệt giới tính và kỳ thị” của sự việc vừa rồi.
Đây không phải là lần đầu tiên Musée d’Orsay gây tranh cãi. Năm 2016, bảo tàng này báo cảnh sát khi một nghệ sĩ tạo dáng trong tình trạng khỏa thân cạnh tác phẩm của họa sĩ Manet. Nghệ sĩ này sau đó bị giữ lại đồn cảnh sát gần 2 ngày. Sau đó, thẩm phán đã bác bỏ các cáo buộc.
Video đang HOT
Nữ DJ ở châu Á khó sống với nghề
Các nữ DJ phải nỗ lực nhiều năm để chứng minh tài năng khi vẫn còn quá nhiều định kiến xung quanh nghề nghiệp của họ.
Tối 25/5, Jade Rasif - DJ được trả lương cao nhất Singapore - chia sẻ việc bị một thiếu niên 14 tuổi quấy rối tình dục trên TikTok. Cô cho biết mình thường xuyên nhận được các tin nhắn, hình ảnh khiêu dâm từ người này.
Ngày hôm sau, trang tin Goody Feed đăng tải câu chuyện của Jade. Khi đề cập đến vụ quấy rối, Goody Feed đã sử dụng các hình ảnh gợi cảm trên Instagram của DJ 26 tuổi và viết: "Đứa trẻ (người đã gửi các tin nhắn nhạy cảm) học ở đâu ra hành vi như vậy? Tôi không biết các bạn nghĩ sao nhưng tôi có cảm giác mình biết nó ở đâu ra".
Ngoài ra, Goody Feed cũng dẫn lại bài phỏng vấn trong quá khứ nói rằng Jade thích chia sẻ hình ảnh nóng bỏng trên trang cá nhân để thu hút sự chú ý của nam giới.
Đáp lại, Jade tố cáo bài viết của Goody Feed là "phân biệt giới tính" và cho rằng người viết chỉ tập trung vào ngoại hình, phong cách ăn mặc của cô thay vì hành vi quấy rối tình dục của thiếu niên 14 tuổi.
DJ được trả lương cao nhất Singapore Jade Rasif. Ảnh: Instagram NV.
Ngày 27/5, Goody Feed đã gửi tin nhắn xin lỗi Jade. Trang web thừa nhận rằng bài đăng có nội dung phân biệt giới tính. "Chúng tôi sẽ xóa bài viết vì ngay từ đầu đáng ra nó không nên được xuất bản".
Tuy nhiên, sau vụ việc, DJ Jade vẫn nhận nhiều bình luận chỉ trích, đổ lỗi. Bên cạnh phong cách thời trang, lối sống, ngay cả công việc của cô cũng trở thành cái cớ để dân mạng "ném đá".
"Làm nghề đó rồi còn đòi cao sang", "Nếu không muốn vậy thì bỏ nghề đi"... là những bình luận gièm pha nghề DJ phổ biến trên trang cá nhân của cô gái 26 tuổi.
Nhạc sĩ bóng tối
"Nghề DJ chưa bao giờ dễ dàng và nữ giới theo nghề này càng khó khăn hơn", Peggy Gou (29 tuổi), một trong những DJ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, đúc kết sau nhiều năm làm nghề.
Gou sinh ra tại Hàn và bén duyên với nghề DJ từ năm 2009. Nhưng phải 3 năm sau đó, cô mới bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc nghiêm túc khi đang sống ở London và theo học ngành thiết kế thời trang tại London College of Fashion.
Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, Gou không được bố mẹ ủng hộ. "DJ là cái gì vậy?", "Tại sao phải đi ra ngoài lúc 2 giờ và trở về lúc 5 giờ sáng với đầy mùi thuốc lá và rượu"... là những chất vấn Gou thường xuyên nhận được từ những người xung quanh.
"Việc tôi trở thành DJ nổi tiếng cũng không có nhiều ý nghĩa với bố mẹ", cô nói.
Peggy Gou (29 tuổi) là một trong những DJ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Ảnh: weraveyou.
Nỗ lực làm việc để chứng minh bản thân trong thời gian đầu khiến Gou gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cô tiết lộ mình từng phải tiếp nhận điều trị trầm cảm và lo lắng cực độ.
Giống Gou, nhiều DJ khác cũng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe do môi trường làm việc quá ồn ào và giờ giấc sinh hoạt thất thường, khắc nghiệt.
"Nhạc sĩ bóng tối" là cách các DJ Trung Quốc ví von công việc của mình. Nghề DJ, đặc biệt đối với nữ, có tuổi thọ không cao, chỉ 5-10 năm nếu có thể duy trì độ hot. Chính vì vậy, bên cạnh công việc này, không ít cô gái trẻ phải cố học thêm 1-2 nghề khác.
Ngoài ra, vì những định kiến xung quanh công việc, nhiều DJ rất ngại tiết lộ nghề nghiệp. "Nhạc sĩ bóng tối vừa bí ẩn nhưng cũng vừa chua xót. Đó là công việc mà ngay chính người làm nghề cũng cảm thấy hổ thẹn khi nhắc đến", một DJ giấu tên tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô nói.
"Bạn tài năng nhưng không đủ gợi cảm"
Tại một số nước châu Á, các DJ ngoại quốc có thể được trả lương cao gấp 2-3 lần vì phong cách phóng khoáng, gợi cảm và không ngại hở bạo. Mức lương của DJ không chỉ dựa trên tài năng, độ nổi tiếng mà còn phụ thuộc vào hình ảnh ngoài đời cũng như trên mạng xã hội của họ.
Sabrina Ooi, cựu DJ người Singapore, kể rằng trước đây cô chỉ được nhận việc ở các quán bar nhỏ, vắng người vì "không nóng bỏng như những cô gái khác".
"Họ nói với tôi rằng: 'Bạn tài năng hơn nhưng không đủ gợi cảm'", Sabrina Ooi kể.
Nữ DJ khuấy động cuộc sống về đêm nhộn nhịp ở các nước châu Á. Ảnh: Pinterest.
Cách đây vài năm, Sabrina được tuyển làm DJ trên du thuyền đến Batam với một cô gái khác. Hai tuần trước sự kiện âm nhạc, cô và đồng nghiệp bất ngờ được yêu cầu đăng một bức ảnh họ mặc bikini lên mạng xã hội để quảng cáo cho một thương hiệu đồ bơi như một phần của hợp đồng.
"Thật nực cười. Dù không làm sẽ đồng nghĩa với mất việc, tôi đã từ chối vì nó chẳng liên quan gì đến chuyên môn của mình. Họ có trả tiền gấp đôi, tôi cũng sẽ không làm điều đó", nữ DJ kể.
Tuy nhiên, cô gái còn lại đã chấp nhận đề nghị. Khi cạnh tranh trong nghề ngày càng khốc liệt, chăm chỉ luyện tập khả năng phối nhạc thôi là chưa đủ. Những nữ DJ còn phải biết chăm chút ngoại hình, chịu khó giữ dáng, phô thân và tích cực giao lưu với người hâm mộ.
"Phụ nữ trong ngành này thường bị coi thường"
Đối với phụ nữ, để tồn tại và thành công trong lĩnh vực do nam giới thống trị là một nhiệm vụ khó khăn.
Khi xu hướng DJ nữ bùng nổ vào đầu thập kỷ trước, đạt đỉnh điểm vào năm 2013-2015, dù khoảng cách giới đang dần được thu hẹp, nam DJ vẫn dễ dàng hơn nữ rất nhiều.
"Phụ nữ trong ngành này thường bị coi thường. Họ buộc phải thỏa mãn đủ loại yêu cầu về trang phục, hình ảnh trên mạng xã hội, cách cư xử, giao thiệp với người hâm mộ... Mọi thứ ngoài âm nhạc", DJ người Singapore Jade Rasif nói.
Cựu DJ Sabrina cũng đồng ý rằng sự khác biệt giữa nam và nữ là rất lớn. "Khi nữ DJ được thuê để chơi tại một câu lạc bộ, khách hàng thường mời rượu và họ rất khó để từ chối. Rất ít đồng nghiệp nam gặp trường hợp tương tự".
Nữ DJ gặp nhiều khó khăn, bất lợi so với đồng nghiệp nam. Ảnh: Rice Media.
Trong khi DJ nam chỉ phải chứng tỏ âm nhạc, tài năng của họ thì các DJ nữ phải làm việc chăm chỉ hơn để được chấp nhận và tín nhiệm. Thế nhưng, các DJ nữ có thu nhập chỉ bằng một nửa nam giới trong ngành, theo Standard.
Đối mặt với sự phân biệt giới tính, mỗi DJ có một cách giải quyết khác nhau. Amanda Tan, DJ người Singapore, nói rằng chính cụm từ "nữ DJ" đã khiến khán giả chú ý vào ngoại hình và lượt theo dõi trên mạng xã hội hơn là khả năng của cô và các đồng nghiệp nữ.
"Đừng gọi tôi là nữ DJ. Hãy ngừng phân loại và gắn nhãn phụ nữ trong thế giới DJ".
Còn với DJ người Hàn Peggy Gou, sau hơn 10 năm theo nghề, cô nhận ra rằng cách tốt nhất để chiến đấu chống lại nạn phân biệt giới là làm thật tốt công việc của mình.
"Tôi cũng không thích bị gọi là nữ DJ. Nhưng cách đáp trả tốt nhất là khẳng định thực lực của mình. Tôi đã chứng minh những người từng coi thường tôi là hoàn toàn sai", Gou nói.
Tháp Eiffel tại Việt Nam xây chưa xong, dân tình đã rủ nhau chụp ảnh Nhiều người có mong muốn được một lần đến Paris (Pháp) để chụp những bức hình "sống ảo" ngay dưới tháp Eiffel nổi tiếng. Thế nhưng, giờ đây không cần phải đi qua tận trời Tây mới có bức ảnh "xịn sò" như vậy đâu nhé, bởi một tháp Eiffel thu nhỏ đang được xây dựng tại Thanh Hóa. Tất cả hứa hẹn...