Bão Sơn Tinh bất ngờ di chuyển ’siêu nhanh’ đổ bộ đêm 27/10
Bão Sơn Tinh có thể đổ bộ sớm vào tối 27-10 và gây mưa 300-400mm cho các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Trị. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong 10 năm gần đây và mạnh nhất trong năm nay.
Bão Sơn Tinh trên Biển Đông chiều 26-10. Ảnh: NEA.
Chiều 26/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương họp khẩn để ứng phó với bão Sơn Tinh. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão Sơn Tinh di chuyển rất nhanh nên trưa nay chỉ còn cách Hoàng Sa 300km về phía đông nam với cường độ cuối cấp 9, đầu cấp 10. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 25-30km mỗi giờ. Trong chiều tối và đêm 26-10 sẽ vượt qua phía nam Hoàng Sa.
Tối 27/10, bão sẽ áp sát bờ biển Nghệ An đến Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 9-10 vùng biển Hoàng Sa và nam Vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 10/11.
Theo ông Tăng, đến chiều 26-10, vẫn chưa thể xác định vị trí bão đổ bộ. Nếu bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc thì khả năng bão sẽ đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Bình, phía nam Hà Tĩnh vào chiều tối 27/10. Sau đó do ảnh hưởng rãnh thấp suy yếu, bão di chuyển lên phía tây Nghệ An, Thanh Hóa. Đây là phương án nhiều khả năng xảy ra nhất.
Phương án 2 là bão đổ bộ vào Nghệ An vào sáng 28-10. Mưa và gió mạnh tập trung ở phía bắc cơn bão trong đó, mưa lớn bắt đầu từ chiều tối 27/10 ở ven biển Nghệ An đến Quảng Trị và tăng dần cường độ, mở rộng.
“Thanh Hóa đến Quảng Trị là trọng tâm mưa trong đêm 28 đến hết 29-10 với cường độ 300-400mm, có nơi 500-600mm”, ông Tăng cho hay. Ngoài ra, sau bão sẽ có không khí lạnh nên mưa trở lại. Miền Bắc có mưa diện rộng từ 28 đến hết 30-10. Tây Bắc có mưa trên dưới 100mm, đồng bằng, ven biển Bắc Bộ mưa 200-300mm, có nơi trên 300mm.
Video đang HOT
Hơn một ngày trước khi bão đổ bộ, các đài khí tượng vẫn chưa xác định được thời điểm và vị trí bão cập bờ. Ảnh: NCHMF.
Với kinh nghiệm nhiều năm chỉ đạo công tác ứng phó bão lũ, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết, Sơn Tinh là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Càng vào gần bờ, bão càng mạnh. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.
Về tình hình sản xuất vụ đông, Bộ trưởng Nông nghiệp bày tỏ lo ngại khi đã có tới 300.000 ha trên tổng số 490.000 ha đã xuống giống. Trong đó, đang ngại nhất là đỗ tương đã xuống giống được 15-20 ngày, nếu diện tích này bị ngập khoảng 2 ngày là mất trắng. “Tôi rất lo hỏng vụ đông vì có năm đã mất 100.000 ha. Diện tích cây trồng này nếu chết thì chỉ có bỏ ruộng. Vì thế, các tỉnh cần quan tâm đúng mức với những công việc liên quan”, ông Phát nói.
“Bão Sơn Tinh được dự báo không đổ bộ vuông góc mà quét dọc bờ biển miền Trung. Thực tế không chỉ như vậy, đường đi của bão ngoằn nghoèo, kể cả khi đổ bộ rồi vẫn quét dọc trên đất liền. Vì thế, diện ảnh hưởng của bão đối với ven bờ và đất liền là rất lớn”, ông Phát cảnh báo.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo PCLB cũng lưu ý tránh lặp lại câu chuyện nhiều năm là bão đánh chìm tàu thuyền neo đậu ven bờ, gây chết người vì mưa gió sát bờ biển rất mạnh. Các vùng nằm trong diện ảnh hưởng của bão cần sớm khẩn trương chằng chống nhà cửa, sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm.
Ngoài ra, sau khi bão đổ bộ, một nguy cơ lớn khác là mưa lớn trên diện rộng, vì thế cần đối phó với lũ quét ở vùng núi và ngập ở đồng bằng. Ông Phát bày tỏ lo ngại với các hệ thống sông Bắc Trung Bộ, đặc biệt là Thanh Hóa khi vừa rồi chỉ mới mưa thôi mà đã vỡ đê khiến 1.500 nhà dân bị nhấn chìm. Các hồ chứa cần bố trí người canh gác, đảm bảo mực nước ở mức an toàn.
Để chỉ đạo sát việc ứng phó, trong chiều 26-10, Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu một đoàn công tác vào Nghệ An, sau đó đi dọc xuống các tỉnh ở Bắc Trung Bộ.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (trái) yêu cầu không được chủ quan trong việc sơ tán dân, neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, các địa phương cần đôn đốc tới từng gia đình chủ tàu để liên hệ đưa tàu về tránh trú an toàn tàu vào bờ thì phải neo đậu cẩn thận, sơ tán người trên các lồng bè… “Không được chủ quan vì kinh nghiệm các năm trước cho thấy chủ quan, không rà soát là có người chết, có thiệt hại ngay”, ông Hải nhấn mạnh.
Qua công tác dự báo, ông Hải lưu ý, nếu xác định mưa lớn chủ yếu ở cánh bắc của bão thì vùng nguy hiểm do mưa bão còn bao gồm toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, ở Bắc Trung Bộ mưa lớn có thể lên tới 500-600 mm là lượng mưa cực lớn. Vì thế, ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh cần thường trực cho đến khi bão tan. Ngành giao thông và công an lưu ý đảm bảo giao thông thông suốt và bố trí người tại các điểm ngập nếu có.
Ngoài ra, để chủ động, Phó thủ tướng yêu cầu lấy phương án thời điểm bão đổ bộ là vào tối nay 27/10, để triển khai các công tác ứng phó, sơ tán dân.
Theo xahoi
Bão số 8 hoành hành trên quần đảo Hoàng Sa
Bão số 8 hoành hành trên quần đảo Hoàng Sa
Bão số 8 tiếp tục di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, lúc 4 giờ ngày 27/10 tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với cường độ mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 và sẽ gây mưa to kèm gió mạnh cho quần đảo Hoàng Sa ngay từ sáng nay.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể tăng lên cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão 19,6 độ Vĩ Bắc 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và nam đồng bằng Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, suy yếu và tan dần.
Lúc này do ảnh hưởng của bão số 8, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (27/10) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội khu vực Vịnh Bắc Bộ từ chiều và đêm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ sáng mai (28/10) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ trưa và chiều mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7. Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Thời tiết một số thành phố lớn:
Thủ đô Hà Nội: Đêm có lúc có mưa. Nhiệt độ 29 - 31 độ C.
Thành phố Đà Nẵng: Có mưa to. Nhiệt độ 26 - 28 độ C.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ 32 - 34 độ C.
Theo 24h
Đêm nay bão cấp 12 đổ vào miền Trung Với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh thêm, bão Sơn Tinh dự kiến đổ vào Bắc Trung bộ vào đêm 27/10. Dự báo đường đi của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ Cơn bão cấp 10-11 này có thể gây mưa lớn cho khu vực đồng bằng Bắc bộ. Sáng nay, bão Sơn Tinh chỉ còn cách quần...