Bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Tối 10-11, bão số 6 ngay sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Cây xanh tại TP Tuy Hòa, Phú Yên bị bão quật ngã. Ảnh: NGỌC OAI
Chưa ghi nhận thiệt hại
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 23 giờ ngày 10-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Tại tỉnh Phú Yên, khi đổ bộ vào đất liền, bão số 6 đã suy yếu hẳn. Nhiều khu vực ở Phú Yên gió và mưa ngớt nhanh; chưa ghi nhận thiệt hại do bão số 6 tại tỉnh này. Trước đó lúc 22 giờ 30, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay khi bão đổ bộ với gió giật mạnh đã gây mất điện trên diện rộng tại Phú Yên.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ chiều tối 10-11, tỉnh Phú Yên có mưa rất lớn, triều cường có nơi cao 3 – 6m. Tối cùng ngày, Hồ Thủy điện Sông Ba bắt đầu xả lũ, lưu lượng càng tăng lên đến 1.000m3/s, tổng lưu lượng về hạ du 1.400 m3/s. Đến 20 giờ, hồ chứa thủy điện La Hiêng 2 lưu lượng nước lên rất nhanh, bắt đầu bị tràn qua đập.
Tại làng biển Xuân Hải (xã Xuân Hải, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), trước khi bão đổ bộ, PV Báo SGGP ghi nhận cảnh người dân ven biển khẩn trương chằng chống, buộc lại nhà cửa, tàu bè lần cuối. Khoảng 18 giờ 30, bắt đầu có mưa rất lớn, kèm theo gió giật mạnh, triều cường dội cao 3 đến 5 mét.
Tại làng biển An Hòa (xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), chính quyền và người dân xã Xuân Hòa cùng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng huy động hàng ngàn bao cát để làm kè tạm bảo vệ nhà dân. Địa phương cũng đã tiến hành di dời khẩn cấp hơn 200 hộ dân vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên huy động 3.545 cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh, Bộ đội Biên Phòng, Quân sự… cơ động xuống cơ sở để hỗ trợ nhân dân chống bão. Trước cơn bão số 6, tỉnh Phú Yên đã vận động di dời 36.000 dân đến nơi ở an toàn. Trong đêm 10-11, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1, qua địa bàn Bình Định, Giám đốc Công an tỉnh này đã chỉ đạo các phương tiện không được lưu thông trong khi bão đang đổ bộ, các phương tiện Bắc – Nam quan Bình Định sẽ bị yêu cầu dừng lại.
Oằn mình chạy bão
Video đang HOT
Chiều 10-11, vài giờ trước khi cơn bão số 6 đổ bộ, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn, cho biết: “Có 53 tàu hàng, tàu lai dắt vào tránh trú tại cảng Quy Nhơn. Đơn vị đã yêu cầu 33 thuyền trưởng tàu hàng di chuyển tàu lên vùng thượng lưu đầm Thị Nại để neo đậu, tránh trú bão. Trong đó, chỉ thuyền trưởng mới được ở lại trên tàu, còn lại các thủy thủ, công nhân buộc phải rời tàu trước bão số 6 vào đất liền”.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, vùng biển từ Bình Định đến Phú Yên được xác định là vùng “lõi”, chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 6. Cục Hàng hải Việt Nam đã điều động 2 tàu SAR đến vùng biển tâm bão Bình Định, Phú Yên để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Tại vùng vịnh Quy Nhơn, Cục Hàng hải cũng đã huy động trên 200 cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 giờ để cùng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Cảnh sát biển, Quân đội…chủ động ứng phó với bão.
Tính đến 11 giờ ngày 10-11, tỉnh Bình Định đã tiến hành sơ tán khoảng 6.000 hộ dân ở những khu vực xung yếu đến nơi tránh trú. Ngoài ra, lực lượng chức năng hướng dẫn cho 8 tàu vỏ sắt của ngư dân khẩn cấp di chuyển đến nơi neo trú an toàn. Người dân ven biển ở xã bán đảo Nhơn Hải cũng đã chủ động chằng chống nhà cửa, di dời tài sản lên cao an toàn. Đoạn kè bị bão số 5 đánh vỡ đã được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và người dân huy động hàng ngàn bao cát, rọ đá để khôi phục tạm. Chính quyền cũng đã vận động di dời trên 140 hộ dân xã bán đảo này đi tránh trú bão.
Sáng 10-11, ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại thị xã Ninh Hòa. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang, trên địa bàn thành phố hiện có 88 điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao khi bão số 6 đổ bộ. Thống kê sơ bộ, các địa điểm này có 3.707 hộ dân với trên 15.400 nhân khẩu có khả năng bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đá khi mưa lớn. Trong đó, các điểm xung yếu chủ yếu nằm trên địa bàn các xã Phước Đồng, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, phường Ngọc Hiệp…
Theo ghi nhận của PV, công tác vận động, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn tại các điểm xung yếu của TP Nha Trang được triển khai từ chiều 9-11, đến sáng 10-11. Chính quyền địa phương xã Phước Đồng tiếp tục đến tận nhà dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở thông báo, vận động di dời trước 12 giờ trưa. TP Nha Trang huy động lực lượng gần 2.000 người ứng trực, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Riêng lực lượng vũ trang thuộc thành phố cũng chuẩn bị hơn 1.200 người cùng phương tiện sẵn sàng hỗ trợ khi bão đổ bộ.
Thông tin từ Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và TKCNCH cho biết, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã huy động 250.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; 150 phương tiện trên biển; 2.300 phương tiện trên bộ để ứng phó với bão số 6 sắp đổ bộ. Hiện tại, Quân khu 5 đã hoàn tất lập Sở chỉ huy tiền phương tại tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, để hỗ trợ nhân dân chống bão.
Hơn 1.400 ngư dân vào Trường Sa tránh bão
Chiều 10-11, Phòng Chính trị Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn cho biết, sau khi bão số 6 di chuyển vào đất liền, thời tiết trên biển cơ bản ổn định, một số tàu cá vào tránh bão tại âu tàu Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa) đã được cấp nước ngọt tiếp tục vươn khơi khai thác hải sản.
Từ ngày 3-11 đến 10-11, Trung tâm Hậu cần – Kỹ thuật (HC-KT) đảo Sinh Tồn, Trung tâm HC-KT thị trấn Trường Sa, Trung tâm HC-KT đảo Song Tử Tây thuộc Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 đã tiếp nhận 147 tàu cá với 1.479 ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang vào các âu tàu neo đậu tránh cơn bão số 6. Trong thời gian bà con vào tránh trú bão, các trung tâm HC-KT đã đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cần thiết cho bà con ngư dân.
Cùng với các hoạt động phòng chống cơn bão số 6, các trung tâm HC-KT đã tổ chức thông tin và tuyên truyền đến ngư dân về tình hình biển đảo và những nỗ lực của Trung ương trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC trong thời gian vừa qua.
NÔNG NGÂN – CÔNG HOAN
NHÓM PV
Theo SGGP
Phú Yên chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu
Phú Yên đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy ...
Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, hàng năm phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy...
Những tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững.
Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, kiểu thời tiết điển hình là nền nhiệt độ tăng cao. Thực tế này khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Phú Yên ngày càng nghiêm trọng, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất đất sản xuất, gây khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, dễ phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi...
Hạn hán khiến diện tích lúa bị héo, chết khô. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (ban hành năm 2016), nếu nước biển dâng 50cm, khoảng 0,55% diện tích của tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị ngập. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì diện tích bị ngập tăng lên 1,08%. Các huyện ven biển có nguy cơ ngập cao là Đông Hòa và Tuy An.
Nước biển dâng sẽ làm mất đất sản xuất lúa, rau màu..., đất lâm nghiệp và đất thổ cư cũng bị thu hẹp. Thực tế, nhiều năm qua, do mực nước biển tăng, một số khu vực ven biển đã ăn sâu vào đất liền vài trăm mét. Tốc độ bình quân bị xâm thực hàng năm từ 10-20m. Có nơi như thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu) và thôn Long Thủy (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) bị xâm thực từ 25-35m/năm.
Tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán trên diện rộng khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên càng khó khăn. Năm 2014, có 576 ha đất trồng lúa vụ hè thu không có nước gieo sạ phải chuyển đổi sang cây trồng khác.
Đến nay, diện tích lúa hè thu phải chuyển đổi cây trồng tăng thêm 400 ha. Ngoài ra, có hơn 7.000 ha lúa hè thu đã gieo sạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do thiếu nước. Toàn tỉnh có 600 ha đất bị nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao, hơn 6.000 hộ dân ở các huyện miền núi phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên nhận định: Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Yên xảy ra nhiều thiên tai có nguồn gốc biến đổi khí hậu. Các hiện tượng này có chiều hướng tăng về cường độ, tần suất và diễn biến khó lường. Hậu quả là rất nghiêm trọng kéo theo thiệt hại về kinh tế, đời sống của người dân cũng như môi trường...
Chuyển đổi sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân
Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó. Trong đó, nội dung quan trọng nhất được xác định là các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế.
Ở khu vực đồng bằng, miền núi, việc chuyển đổi được thực hiện từ trồng cây lúa nước sang rau màu, đậu tương ở vùng thiếu nước cục bộ; chuyển đổi từ cây sắn, mía tại vùng năng suất thấp sang cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp...
Bên cạnh việc chuyển đổi các loại cây trồng nông nghiệp thuần túy, tỉnh Phú Yên đã có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: Những năm qua, Trung ương và địa phương đã dành ngân sách để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Các mô hình đều hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và có khả năng nhân rộng. Cụ thể như mô hình: sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu (tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa); mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để trồng và chế biến cây dược liệu cà gai leo (tại xã An Mỹ, huyện Tuy An).
Khu vực các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên, sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có sự chủ động trong việc phối hợp với các nhà khoa học để xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Tỉnh Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190 km. Người dân chủ yếu sống nhờ các ngành nghề liên quan đến biển như: đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, làm muối... Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề xuất đến các nhà khoa học, mới đây nhất là Viện Địa lý nhân văn (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) quan tâm nghiên cứu sâu về lĩnh vực kinh tế biển vì đây là một trong những ngành nghề quan trọng của tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, có ảnh hưởng lớn đến sinh kế cũng như nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Xuân Triệu (TTXVN)
Bão Nakri giật cấp 15 đang hướng vào Nam Trung Bộ Lúc 19h tối 8/11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Cơn bão này đang hướng vào khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19h ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh...