Bão số 14 đang tiến sát bờ, Bắc bộ bắt đầu mưa gió lớn
Bão số 14 đang tiến sát bờ, các tỉnh ven biển vùng tâm bão như Thái Bình, Hải Phòng mưa gió đang mạnh dần lên, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ).
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định) giật cấp 8, Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Bắc bộ mưa đang tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ 58mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 37mm…
Hồi 20h ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc Bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 11-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13.
Ở khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Đông Bắc bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.
Sóng lớn phá hủy bờ kè khu du lịch Đồ Sơn
Tại Hà Nội, càng về khuya, mưa càng to, gió mạnh hơn. Ngay trong ngày 10-11, Thành đoàn Hà Nội cũng đã huy động 1.200 thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh cấp thành phố, sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa, bão, trước mắt từ ngày 10-11 đến ngày 13-11.
Video đang HOT
1.200 thanh niên tình nguyện sẽ được chia làm 7 ca trực từ 12h trưa 10-11 đến hết ngày 13-11, mỗi ca trực có từ 250 đến 300 tình nguyện viên – những tình nguyện viên đã được tổ chức tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản để ứng phó với các tình huống trong mưa bão và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão thành phố.
Tại Thái Bình: Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Thái Thụy và thành phố Thái Bình phối hợp với Bộ đội biên phòng và các lực lượng khác đã di dời 3.914 lao động trên 3.252 chòi nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, 3.252 người dân sinh sống ở ngoài đê chính, trong các nhà xung yếu vào nơi trú bão an toàn. Các trụ sở cơ quan, trường học, nhà cao tầng được trưng dụng để làm nơi tránh, trú bão.
Lúc 22h10, tại địa bàn xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải – Thái Bìnhcó mưa to, gió lớn. Người dân đều ở trong nhà, còn bên ngoài gió rít liên hồi. Cả khu vực chìm trong bóng tối do mất điện, không một bóng người qua lại.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho 730.000 học sinh từ bậc học mầm non đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh được nghỉ học trong ngày 11-11 để tránh mưa bão.
Quảng Ninh đã di dời 1.000 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm và sẽ tiếp tục triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 14. Đến khoảng 21h, khu vực huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rải rác, gió mạnh dần lên cấp 6 cấp 7; giật cấp 8, cấp 9. Chính quyền huyện đảo Cô Tô đã huy động mọi lực lượng để ứng phó với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Nam Định đã di dời 50.000 hộ dân với gần 220.000 người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Các đoạn đê biển xung yếu cũng đã được địa phương khẩn trương gia cố. Đến 20h ngày 10-11, ở khu vưc đê biển Quất Lâm chỉ còn khoảng 50 người còn bám trụ để trông coi ở các cửa hàng kinh doanh và nhà nghỉ, khách sạn.
Tại Hải Phòng, mưa to xuất hiện trên diện rộng, gió rất lớn, đường phố mịt mù, vắng người qua lại
Theo ANTD
Bộ Công an họp trực tuyến chỉ đạo phòng chống bão Haiyan
Chiều nay, 10/11, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chủ trì buổi họp trực tuyến với công an các tỉnh để kiểm tra công tác và chỉ đạo các biện pháp phòng chống cơn bão Haiyan tại các địa phương.
Theo báo cáo tại buổi họp, công an các tỉnh miền Bắc đều bố trí 100% quân số trực, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng một cách nghiêm túc, bảo quản tài liệu, tránh mất mát; chuẩn bị về hậu cần, vật tư, kỹ thuật, xăng xe, thuốc chữa bệnh...
Phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh tăng cường phân luồng, hướng dẫn giao thông, đặc biệt ở tuyến quốc lộ chính và các tuyến đường xung yếu. Đối với những địa bàn ven biển, lực lượng công an nắm số lượng tàu thuyền ngư dân, điều động về nơi tránh bão an toàn.
CSGT Hà Nội xuất quân ứng trực với bão Haiyan.
Công an Hà Tĩnh đã tổ chức di dời hơn 54.000 hộ dân tại các vùng trọng điểm, hơn 72.000 nhân khẩu tại vùng rừng có nguy cơ lũ quét. Công an tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch cụ thể phòng chống bão, tiến hành sơ tán hơn 23.000 hộ dân vùng ven biển, vùng sạt lở, ven hồ đập đến nơi an toàn.
Tại Ninh Bình, ở 2 địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh bởi bão là huyện Kim Sơn và Gia Viễn, lãnh đạo Công an tỉnh đã xuống kiểm tra tình hình, đồng thời điều động 1 trung đội cảnh sát cơ động xuống để giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời dân vào trong đê, chuẩn bị các điều kiện để chống lũ.
Công an tỉnh Thái Bình huy động 7 đại đội cảnh sát cơ động xuống giúp dân tại 2 địa bàn trọng điểm là huyện Thái Thụy và Tiền Hải; đã kêu gọi 1.380 tàu về nơi trú ẩn; công tác bảo vệ an toàn tàu được triển khai; khai thông hệ thống thoát nước tại trại tạm giam, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho 460 phạm nhân.
Nam Định đã tiến hành di dời trên 500 hộ trong vòng nguy hiểm, 11.000 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cuờng 1.000 cán bộ, chiến sỹ xuống 52 xã trọng điểm ven biển, di dời 25.000 nguời khỏi vùng có nguy cơ lũ quét...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu các địa phương có bão đi qua cần theo dõi sát dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, chủ động triển khai các phương án đã đề ra với phương châm 4 tại chỗ để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất; rà soát lại các mặt công tác, khắc phục những sơ hở, tập trung công tác phòng, chống bão, sơ tán dân với tinh thần kiên quyết nhằm hạn chế thiệt hại về người; triển khai các phương án đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ tài sản của nhà nước và của nhân dân.
Các tỉnh bão không đổ bộ cần chú ý đến khả năng mưa to kiểm tra khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở để có phương án đề phòng.
Các Tổng cục tăng cường lực lượng, kiểm tra công tác theo chức năng nhiệm vụ, sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn sau khi bão đổ bộ. Các Đoàn công tác của các Tổng cục cần tiếp tục tiến hành kiểm tra tại các địa phương mà bão sẽ đi qua.
Ngay sau buổi làm việc, Bộ Công an tăng cường thêm các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão ở các địa phương Bắc bộ. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm; Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ dẫn đầu các Đoàn công tác đi kiểm tra các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Chiều 10/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (Ban chỉ huy PCLB&TKCN EVN HANOI) cũng họp trực tuyến về việc đối phó với cơn bão Haiyan.
Hà Nội hoãn lịch cắt điện trong 2 ngày 11 và 12/11 để chủ động ứng phó với bão Haiyan.
Trước đó, sáng cùng ngày 10/11, Ban chỉ huy PCLB&TKCN EVN HANOI đã ra Lệnh báo động cấp 1 về cơn bão Haiyan. Đến chiều ngày 10/11/2013, Ban chỉ huy PCLB&TKCN EVN HANOI tiếp tục ra Lệnh báo động cấp 2, yêu cầu các đơn vị tổ chức lực lượng ứng trực theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng các phương tiện, vật tư để huy động được ngay khi có lệnh.
Tại buổi họp trực tuyến, Tổng giám đốc đã yêu cầu các đơn vị triển khai theo đúng phương án phòng chống lụt bão đã đề ra, ưu tiên đảm bảo điện phục vụ tiêu úng, kịp thời khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn điện cho nhân dân.
Trung tâm Điều độ - Thông tin hoãn lịch cắt điện ngày 11 và 12/11/2013, theo dõi tình hình mất điện do sự cố, ngập nước, sa thải nguồn điện...
Ban An toàn Tổng công ty theo dõi sát diễn biến của cơn bão Haiyan, hàng ngày báo cáo nhanh tình hình cho Ban chỉ huy PCLB&TKCN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của Thành phố Hà Nội trước 16h.
Các Công ty Điện lực đặc biệt lưu ý các đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng (như trạm bơm Yên Sở, Thanh Trì, Hà Đông...)
Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội bám sát phương án PCLB, đặc biệt tại các trạm 110kV có bơm thoát nước hầm cáp.
Công ty Thí nghiệm điện Điện lực Hà Nội tăng cường trực rơ-le và cao áp từ chiều ngày 10/11.
Theo Dantri
Hối hả "chạy" theo hướng đi của cơn bão Nghe dự báo bão 14 đổ bộ vào miền Trung, hôm qua thời tiết các tỉnh phía Bắc vẫn rất đẹp nên người dân khá chủ quan. Nay biết bão đổi hướng, các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình hối hả di chuyển đồ đạc, gia cố nhà cửa, lên tinh thần chống bão. Quảng Bình, tại khu vực ven biển Bảo...