Bão số 13 diễn biến khó đoán nên không được chủ quan
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (BCĐ), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) khi chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 13 với 10 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định vào ngày 13/11.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng nhắc nhở các ngư dân chằng chống, neo đậu tàu cá an toàn tại âu thuyền Thọ Quang. (ảnh Báo Đà Nẵng)
Ứng phó với mức độ cao nhất
Thông tin về cơn bão số 13 (bão Vamco), Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Video đang HOT
Dự báo trong 48 giờ tới, bão sẽ ở trên đất liền, nhiều khả năng sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Ngãi và Hà Tĩnh. Từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.
Ông Khiêm nhấn mạnh: “Với cơn bão này, các địa phương cần hết sức quan tâm đến sức gió. Gió trong cơn bão này có khu vực ảnh hưởng có thể lên tới cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12… Theo kinh nghiệm của những cơn bão gió lớn trước đây, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Cần hết sức cảnh giác với lốc xoáy và gió giật như cơn bão số 5 vừa qua”.
Báo cáo về tình hình triển khai ứng phó trước bão số 13, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban BCĐ cho biết: Cơn bão quét dọc tuyến biển từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa với sức tàn phá rất lớn trên biển. Thủy triều cao nhất tại khu vực Cửa Ranh, sóng có thể đến 10m. Đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn. Lũ trên toàn tuyến sông từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế vẫn hầu hết ở mức báo động 3.
BCĐ đã rà soát rất chi tiết và kêu gọi toàn bộ tàu cá vào bờ (59.752 tàu, thuyền). Tuy nhiên, vẫn có những tàu nhỏ đi-về trong ngày nên các địa phương cần bám sát thông tin các tàu này vì có thể sáng mai, gió bắt đầu ảnh hưởng đến ven bờ. Ngành Giao thông Vận tải đã thông tin về lệnh cấm ra khơi với các tàu vận tải nhưng thực tế vẫn còn nhiều tàu vận tải hoạt động tại khu vực nguy hiểm trên biển.
Theo dự báo, diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ. Vì vậy, tại cuộc họp, BCĐ cũng yêu cầu các ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, lơ là. Tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất theo phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.
Không được phép chủ quan, kể cả khi bão tan
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa cho hay, các địa phương đã sẵn sàng các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 13, kế hoạch di dời người dân ở các khu vực xung yếu muộn nhất trong sáng 14/11.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, công tác tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn và Nam Trà My chỉ tiếp tục khi đảm bảo an toàn. Trong tình huống không an toàn tỉnh sẽ rút toàn bộ lực lượng tìm kiếm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lực lượng cứu hộ bị gặp nạn.
Nhận định bão số 13 diễn biến khó đoán, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị không được chủ quan khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, khi cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ từ đêm 14/11 đến rạng sáng 15/11.
Đối với tuyến biển, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đảm bảo an toàn trên biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định rà soát tất cả các tàu thuyền còn trên biển, đưa ra khỏi vùng nguy hiểm về khu tránh trú bão; kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền; đảm bảo an toàn cho người dân và các thuyền viên; sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển và các vùng đảo, nếu cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Trên đất liền, các địa phương, đơn vị tập trung sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, di dời người dân khỏi các nhà ở có cấu trúc yếu; bảo vệ các công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các khu công nghiệp cũng như vùng ven biển; thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng không được phép chủ quan trong bất kỳ tình huống nào, kể cả sau khi bão tan; tiếp tục rà soát các hồ đập, xử lý các hồ đập yếu, thực hiện quy trình vận hành an toàn hồ chứa; tập trung bảo vệ các công trình thủy điện, thủy lợi, các hồ đập đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng, điện, giao thông, cơ sở vật chất, hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc.
TT-Huế: Hơn 6.500 ngôi nhà còn bị ngập
Tính đến chiều 12/11, tại TT-Huế vẫn còn hơn 6.500 ngôi nhà bị ngập do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 12. Trong khi đó, nhiều nơi trong tỉnh lại tiếp tục căng mình ứng phó với bão số 13.
Nhà cửa tại vùng trũng TT-Huế vẫn còn ngập lụt ngày 12/11, trong khi lại chuẩn bị ứng phó bão số 13
Đến chiều 12/11, nhiều người dân sống ở vùng ven biển, cửa sông, vùng thấp trũng, vùng núi tỉnh TT-Huế đã được yêu cầu sơ tán. Toàn tỉnh đã triển khai di dời hơn 2.100 hộ dân, với hơn 6.400 nhân khẩu để phòng tránh nguy hiểm do cơn bão số 13 có thể gây ra.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ có công điện yêu cầu tạm dừng xử lý tràn dầu tàu biển JAKARTA mắc cạn, bị gãy; dừng trục vớt tàu biển Công Thành 27 và tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3... do thời tiết rất nguy hiểm.
Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm vận hành đưa lượng nước hồ về mức thấp nhất để đón lũ theo quy trình đã phê duyệt; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng khi xảy ra mưa bão...
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 13 Cuối giờ chiều nay (12/11), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1597/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên, các bộ ngành liên quan tập trung ứng phó với bão số 13. Công điện nêu rõ: Bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta....