Bão số 11 tàn phá miền Trung: ‘Rứa là mất hết cả rồi, còn gì đâu’
Trường học, công sở sập, tốc mái; cây cối ngã đổ; nhà sập, thuyền bè hư hỏng… Cả TP.Đà Nẵng chìm trong khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Nước mắt người dân cũng rơi nhòe bởi những mất mát. Gia sản mất đi, người dân rơi vào cảnh không nhà.
Cậu bé Trần Anh Vũ, con chị Xuân buồn bã nhìn nơi cư ngụ của ba mẹ con không còn gì – Ảnh: Diệu Hiền
Nhà sập khi bão vừa nổi lên
Dọc tuyến đường biển Hoàng Sa (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), những căn nhà sau trận bão kinh hoàng đã không còn hình hài nguyên vẹn. Tất cả đều bị hư hại. Nhà thì sập bờ tường, nhà thì bay mái tôn, nhà thì đổ sụp hoàn toàn trước sự hoang mang của người dân.
Đi sâu vào trong các xóm nhà ven biển, bắt gặp cảnh hai vợ chồng ông Phạm Đình Chiến và bà Nguyễn Thị Nga (trú tổ 12A, khối Tân An, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) đang ngồi nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ đống đổ nát.
Ông Chiến tuy cố tỏ ra cứng cỏi, nhưng giọng nói không giấu được sự lo sợ tột cùng: “Lúc nớ khoảng 12 giờ đêm, khi nghe gió quần bên ngoài, tôi không khỏi lo lắng bởi cứ nghe lớp tôn trên đầu nhảy múa ràn rạt theo hướng gió. Rồi chỉ được thêm một lúc thì bờ tường phía trước đổ sập. Gió thốc hết tôn lên. Cả nhà 4 người tôi hoảng sợ, nấp xuống dưới bàn thờ để trú ẩn suốt đêm. Đến khi gió lặng một chút vào sáng sớm thì cả nhà chạy qua nhà hàng xóm để trú ẩn”.
Bà Nga thì rưng rưng: “Rứa là mất hết cả rồi, còn gì đâu nữa. Cái nhà sụp rồi, cái quán ngoài kia (nằm ven biển, đối diện nhà vợ chồng bà – PV) cũng đổ sụp theo luôn. Giờ nhà không có ở, kế sinh nhai cũng không còn. Giờ phải làm sao, tui thiệt là bối rối”.
Theo những người hàng xóm thì bà Nga còn bị mắc căn bệnh ung thư. Cú tàn phá của cơn bão số 11 càng xoáy vào nỗi đau của vợ chồng ông bà. Có lẽ vì vậy mà lúc chia tay chúng tôi ông Chiến cứ thẫn thờ, thở dài nói: “Làm sao đây. Giờ phải làm sao đây”.
Rứa là mất hết cả rồi, còn gì đâu nữa. Cái nhà sụp rồi, cái quán ngoài kia (nằm ven biển, đối diện nhà vợ chồng bà – PV) cũng đổ sụp theo luôn. Giờ nhà không có ở, kế sinh nhai cũng không còn. Giờ phải làm sao tui thiệt là bối rối
Bà Nguyễn Thị Nga
Cách đó không xa là hoàn cảnh của chị Trần Thị Xuân (trú tổ 15 P.Mân Thái, Q.Sơn Trà). Chị và hai con nhỏ sống nương tựa vào nhau trong một cái quán được dựng lên ven biển.
Khuya 14.10, bão số 11 đã cuốn bay sạch cả quán của chị Xuân. Cũng may là cả ba mẹ con đi sơ tán tránh bão nên không bị ảnh hưởng về người. Nhưng giờ ba mẹ con đã hoàn toàn trắng tay.
“Tui lo cho hai đứa nhỏ đang còn đi học. Giờ có sửa lại quán cũng không dễ, vì đâu dễ mượn tiền trong khi bà con xung quanh ai cũng gặp thiệt trong bão”, chị Xuân buồn rầu.
Thuyền nát, thúng tan tành
Dọc tuyến đường biển ra bán đảo Sơn Trà, dù trước bão Nari, người dân đã dùng mọi phương tiện để kéo thuyền, thúng lên bờ, neo đậu chắc chắn. Nhưng trước sức gió quá mạnh, tất cả thuyền lớn, nhỏ, thúng chai đều bị sóng biển kèm gió lớn hất tung lên bờ. Hầu hết đều bị hư hại từ nhẹ đến nặng.
Ngồi thẫn thờ bên chiếc thúng, tài sản duy nhất của gia đình đã bị hư hỏng nặng, bà Phùng Thị Bốn nghẹn ngào: “Cả nhà tui trông cậy vô nó. Cứ gió yên thì ra đánh bắt kiếm bữa cơm. Giờ thì tan nát hết rồi”.
Cũng như bà Bốn, vợ chồng chị Phan Thị Hai và anh Huỳnh Văn Tuấn, những ngư dân ở khu vực Mân Thái cũng thảng thốt khi thấy chiếc thúng chai mình đã chèn kỹ lưỡng bị sóng biển phá nát.
Video đang HOT
“Muốn kiếm mua một chiếc thúng giờ phải đặt họ cả tháng. Mà chưa chắc có nếu trời không chịu nắng. Suốt tháng tới không biết phải làm răng”, chị Hai buồn bã.
Rất nhiều thuyền lớn, nhỏ cũng bị hư hỏng do gió rất lớn, đánh bạt thuyền từ chỗ neo đậu văng lên bờ. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ một chủ thuyền rấm rức: “Bão lớn ri, ở nhà không bị răng nghĩ là may rồi, ai ngờ ra thấy thuyền tan hoang, thiệt không biết tính sao cho những bữa cơm sắp tới. Rồi lấy tiền đâu mà sửa thuyền, trong khi nợ nần vẫn chưa thanh toán hết”…
Khắp nơi, đâu đâu cũng đầy những dấu vết tàn phá của bão Nari.
Sau bão, như lẽ thường bao năm, bao đời ở miền Trung, người dân Đà Nẵng sẽ mất khá nhiều thời gian, để có thể vực dậy và ổn định cuộc sống.
Ông Chiến thẫn thờ trước ngôi nhà bị bão đánh tan hoang – Ảnh: Diệu Hiền
Hai vợ chồng tìm kiếm những vật dụng còn sót lại trong đống đổ nát – Ảnh: Diệu Hiền
Tan hoang, trơ trọi – Ảnh: Diệu Hiền
Chị Hai chết lặng bên chiếc thúng đã bị hỏng – Ảnh: Diệu Hiền
Người đàn ông này thẫn thờ bên chiếc thúng không thể sửa chữa được nữa – Ảnh: Diệu
Nhiều ghe thuyền dù neo đậu chắc chắn, nhưng bị gió bão thổi bay lên bờ, hư hại nặng – Ảnh: Diệu Hiền
Cả bãi biển ngày 15.10 như một đại công trường ngổn ngang gạch đá, thuyền bè nằm sấp ngửa – Ảnh: Diệu Hiền
Diệu Hiền
Theo TNO
Tan hoang Lộc Vĩnh
Mãi đến 8 giờ sáng nay 15.10, sau một đêm cố thủ trong nhà và cơ quan công sở, lực lượng chức trách cùng một số ít người dân ở xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) mới có thể ra đường và chứng kiến bão số 11 tàn phá một phần vùng đất này.
Là vùng đất ven biển, gần với TP.Đà Nẵng nên Lộc Vĩnh cũng không nằm ngoài sự tàn phá của cơn bão số 11.
Hàng trăm cây tràm, xà cừ đổ ngã nằm chắn ngang đường liên thôn liên xóm.
Đặc biệt, tại thôn Bình An 2, vùng đất nằm sát biển vốn đã từng tang hoang sau cơn bão Xangsane năm 2006, nay lại hứng chịu cơn bão số 11 tàn phá dữ dội.
Theo thống kê sơ bộ từ UBND xã Lộc Vĩnh, toàn xã đã có trên 50 ngôinhà bị tốc mái từ 30-60%. Đã có 3 ngôi nhà dân bị sụp đổ, trong đó có hai ngôi nhà tạm và một ngôi nhà kiên cố ở thôn Cảnh Dương. Có một người dân bị thương nhẹ lúc rạng sáng 15.10 do bị tôn bay va vào người.
PV Thanh Niên Online có mặt tại khu vực nói trên khi chưa có lực lượng chức năng đến thống kê con số thiệt hại cụ thể.
Ghi nhận ban đầu cho thấy ít nhất 30 ngôi nhà dân ở thôn Bình An 2 bị tốc mái với mức độ thiệt hại từ 40-60%.
"Theo lệnh, tối qua cả thôn chúng tôi đều đi sơ tán tránh bão, sáng nay về thì cảnh tượng như rứa đó", bà Trần Thị Duyên (62 tuổi, thôn Bình An 2) nhìn ngôi nhà trên lẫn nhà dưới của mình tốc mái đến 60%, lau nước mắt.
Bà Duyên cùng với rất nhiều người dân khác ngay sau khi cơn bão số 11 suy yếu đã tức tốc từ chỗ trú ẩn trở về nhà và chứng kiến ngôi nhà của mình bị bão hất tung mái lợp.
Hầu hết đồ đạc trong nhà ướt sũng. Ngay cả những ngôi nhà tưởng chừng như kiên cố cũng bị tốc mái hiên, hay bị hất vài chục viên ngói.
"Trước khi đi cha con chúng tôi đã chằng néo nhà kỹ, thế mà nó vẫn không chịu nổi. Chừ thì bố mẹ tui vẫn còn trú ẩn chưa dám về vì gió còn to. Cả nhà 7 người không biết chừ phải lợp lại để ở làm răng đây", người con trai trưởng của ông Trần Dũng (ngoài 60 tuổi, ở thôn Bình An 2) than thở.
Ngôi nhà của ông Trần Dũng (thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc) bị tốc mái một nửa trong khi cả nhà đi trú bão chưa về
Tan hoang sau bão
Mái lợp bị hất văng
Nhiều ngôi nhà không thể ở được chỉ sau một đêm
Nhà tốc mái, cửa tan hoang
Cây xanh ngã đổ sau bão
Hàng cây phi lao chắn bão ven biển Chân Mây đổ rạp
Nhiều con đường liên thôn liên xóm ở xã Lộc Vĩnh chưa thể đi lại do cây xanh ngã đổ chắn ngang
Chủ ngôi nhà này vẫn còn đi trú bão chưa về
Một người dân cố hạn chế thiệt hại ngôi nhà sau khi mái lợp đã bị hất một phần
Theo TNO
Bão số 11: Quảng Trị chuyển từ chống bão sang phòng lũ Sáng nay 15.10, PV Thanh Niên Online đã có mặt tại hai huyện vùng cao Đắk Rông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị. Hiện tỉnh này đang phải nhanh chóng chuyển từ kế hoạch chống bão số 11 sang phòng lũ. Nước dâng cao trên cầu tràn ở sông Đắk Rông (xã Ba Lòng) đã vượt mặt đường 3 m Mặc dù...