Báo Singapore viết về nỗi đau da cam 40 năm sau chiến tranh
Dù 40 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng triệu nạn nhân vẫn đang phải vật lộn với những di chứng do chất độc da cam, loại hóa chất được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, gây ra.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt được gần bốn thập niên song kể từ đó tới nay, vẫn còn khoảng 3 triệu nạn nhân của chất độc da cam đang phải gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, tờ News Channel Asia của Singapore viết.
Một nạn nhân chất độc da cam (Ảnh: AFP)
Trong số đó này, có Đạt, cậu bé mới chỉ 14 tuổi. Với bố mẹ của em, các bữa ăn hàng ngày là những lần thử thách sự ý chí và sự kiên trì. Di chứng của chất độc da cam khiến cậu bé gặp vấn đề về phát triển.
Mẹ của Đạt, bà Hiển cho biết: “Con tôi không giống những đứa trẻ khác, có thể tự đi lại và đến trường. Tay chân nó bị xoắn lại khi mới lên ba. Bác sĩ bảo chúng tôi rằng nó bị bại não”.
Trong khi đó, cha của Đạt, ông Khoa cũng bị những ảnh hưởng tương tự như người con trai vì cha của ông đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Tuy vậy, trong gia đình của ông Khoa, 4 anh chị em khác của ông đều khỏe mạnh và con cái họ cũng vậy. “Cả nhà chỉ có mình tôi”, ông Khoa buồn bã nói.
Chất độc da cam
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1972, quân đội Mỹ đã rải xuống các khu vực ở miền Trung của Việt Nam một lượng lớn chất diệt cỏ hay còn gọi là chất độc da cam, với mục đích làm rụng lá cây rừng để quân du kích Việt Nam không còn nơi trốn tránh.
Biển cảnh báo khu vực nhiễm dioxin tại Đà Nẵng (Ảnh: AFP)
Chất độc da cam có chứa dioxin, một loại chất độc hại có thể gây ung thư, dị dạng và rối loại chức năng cho những người bị nhiễm và các thế hệ sau của họ.
Đạt hiện nhận được khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật 40 USD, khoảng 800.000 VND, nhưng đây là số tiền không đủ để gia đình em chi trả các loại viện phí và thuốc men chữa bệnh. Dẫu vậy, đây vẫn là khoản thu nhập ổn định duy nhất của gia đình và khi thiếu thốn, họ lại phải trông đợi từ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình và những lần quyên góp.
Hiện mẹ của Đạt ở nhà để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con, trong khi cha của em đang thất nghiệp. Cách đây 7 năm, ông Khoa đã phải nghỉ làm vì các cơn đau ở khớp trở nên nghiêm trọng.
Không bồi thường
Huyện Ứng Hòa thuộc ngoại thành Hà Nội là một trong những địa điểm bị quân đội Mỹ rải chất độc da cam. Theo nguồn thông tin nơi sở tại, khoảng 3.000 nạn nhân chất độc da cam đang sống tại huyện này, trong khi vẫn chưa có số thông kê chính xác về nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3.
Video đang HOT
Theo Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), chỉ có 10% trong tổng số khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam được hưởng trợ cấp của chính phủ. Nguyên nhân có nhiều như tình trạng quan liêu, cơ sở hạ tầng y tế kém chất lượng và ngân sách hạn chế.
“Chúng tôi vẫn còn nghèo. Chính phủ không thể hỗ trợ được cho toàn bộ các nạn nhân”, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch VAVA cho biết.
Kinh tế Việt Nam phát triển hiện được coi là cơ hội duy nhất giúp các nạn nhân của chất độc da cam được hưởng trợ cấp đầy đủ.
Tổng thư ký của VAVA, ông Nguyễn Thế Lực cho rằng: “Hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân chất độc da cam phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Khi đất nước phát triển, chúng tôi có thể tăng khoản hỗ trợ lên”.
Hiện chính phủ Mỹ đã đầu tư 40 triệu USD cho một dự án tẩy độc tại Đà Nẵng, và đề nghị hỗ trợ kinh phí cho nạn nhân chất độc da cam nói chung ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tới lúc này, các nạn nhân của chất độc da cam vẫn chưa nhận được bất cứ khoản đền bù nào từ các công ty hóa học sản xuất ra loại chất độc hại này. Các công ty như Monsanto hay Dow Chemical vẫn luôn bác bỏ vai trò trong việc gây ra những trường hợp thương tâm vì chất độc da cam tại Việt Nam.
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Những day dứt của các cựu binh Mỹ ngày trở lại Việt Nam
Day dứt với những hậu quả do chiến tranh gây ra, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam và có các hoạt động nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, trợ giúp các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam.
Một nhóm cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã trở lại dải đất hình chữ S trong khuôn khổ chuyến thăm do Hội Cựu chiến binh vì Hòa Bình (VFP) của Mỹ tổ chức từ 16/4-2/5, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam.
Một vài người trong số họ từng quay trở lại Việt Nam nhưng cũng có một số chưa từng trở lại. Họ có những ký ước riêng để chia sẻ, nhưng đều day dứt về những hậu quả mà cuộc chiến để lại và có chung mong muốn góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ. Họ đã đến Hà Nội trước khi thăm lại chiến trường xưa.
Suel Jones: Yêu Việt Nam ngay từ lần đầu trở lại
Cựu chiến binh Suel Jones
Ông Suel Jones từng là lính thủy đánh bộ, tham chiến tại Đông Hà, Cam Lộ, Cửa Việt, Khe Sanh, Quảng Trị năm 1968. Jones nói ông ghét phải kể lại những việc đã làm trong chiến tranh, nhưng thừa nhận nhiệm vụ của ông cầm súng giết những người ở bên kia chiến tuyến.
Jones rời Việt Nam năm 1969 và trở lại lần đầu tiên năm 1998. Ông nói đã yêu Việt Nam ngay từ lần đầu trở lại ấy nên còn tiếp tục quay lại. Năm 2000, Jones chuyển tới sống tại Hà Nội và kể từ đó tới nay ông qua lại hàng năm giữa Mỹ và Việt Nam.
"Càng sống tại đất nước các bạn, tôi càng hiểu về đất nước, con người Việt Nam, yêu thẩm thực, phố phường. Tôi nhận ra mình rất yêu Việt Nam", cựu binh Mỹ tâm sự.
Ông nói Việt Nam đã thay đổi rất nhanh, ngoài sức tưởng tượng của ông. Trong lần trở lại này, ông đã rất ngạc nhiên với một con đường mới, to đẹp trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Thời mới trở lại Việt Nam, Jones nói những con đường còn rất nhỏ và ông phải bắt xe ôm ra sân bay.
Trong nhiều năm sau chiến tranh, Jones từng không nghĩ sẽ trở lại Việt Nam. "Nhưng khi trở lại rồi, người Việt Nam đã bắt tay tôi và cho tôi tình cảm thực sự và tôi không còn cảm thấy lo lắng. Tôi đã dặn mình không nghĩ về quá khứ nữa vì khi bạn sống trong quá khứ, bạn sẽ thấy đau khổ. Bạn nên hướng về tương lai, hi vọng. Tôi học điều này từ người dân Việt Nam".
Jones cho hay đã nhận ra rằng người Mỹ và người Việt có nhiều điểm chung. "Người Việt Nam rất yêu nước, tôi cũng yêu đất nước của tôi. Các bạn yêu gia đình và làm việc rất chăm chỉ. Tôi cũng yêu gia đình tôi và tôi cũng làm việc cần mẫn. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng dù chúng ta sống cuộc sống khác nhau nhưng chúng ta có nhiều điểm tương đồng".
Ông trở lại nhiều lần để trợ giúp khắc phục hậu quả chiến tranh để lại. Jones hiện là thành viên của tổ chức Cựu Chiến binh Mỹ vì Hòa bình (VFP). Tổ chức của ông hoạt độn nhiều nơi, trong đó có Quảng Trị. Họ trợ giúp rà phá bom mìn chưa nổ, giúp các nạn nhân chiến tranh xây lại nhà cửa hay phát quà cho họ. Jones nói ông cảm thấy rất vui khi làm những việc đó bởi nó phần nào khắc phục những hậu quả do chiến tranh gây ra, giúp ông cảm thấy thanh thản trong tâm hồn.
Rất may mắn là có nhiều cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam và làm những điều rất nhỏ như dạy tiếng Anh cho trẻ em, Jones nói. Nhóm của ông đang cố gắng vận động nhiều hơn nữa các cựu chiến binh Mỹ để tham gia vào các hoạt động có ích như vậy.
Jones tâm sự ông giờ đã cao tuổi và có thể không sống được bao lâu nữa, nhưng các bạn trẻ không phải trải qua chiến tranh. Hai nước có tình bạn với nhau thế hệ trẻ phải cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
"Tôi rất đồng ý với ý kiến của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Những năm 1998-99 tôi không thể tưởng tượng được Việt Nam lại thay đổi như bây giờ. Tôi nghĩ rằng câu nói của đại sứ rằng "Mọi thứ đều có thể" là hoàn toàn có thể xảy ra", Jones nói.
Louis Andre: Tôi đã bị lừa dối khi là lính trẻ
Ông Louis Andre
Louis Andre từng là lính đặc nhiệm của Mỹ, đóng quân tại vùng núi ở tỉnh Quảng Trị. Ông rời Việt Nam tháng 2/1970, sau đó ra quân và trở thành một công dân bình thường.
Andre nói ông đã mạnh mẽ phản đối chiến tranh Việt Nam sau khi rời quân ngũ. Ông đã tuần hành để phản đối chiến tranh, tham gia cùng các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
Chiến tranh dần lùi xa khi Andre lập gia đình và có 3 con. Ông không trò chuyện hay gặp gỡ ai từ thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng 5 năm trước, một cựu chiến binh cùng nhóm với ông đã đổ bệnh do chất độc da cam và muốn Adnre tìm lại các cựu chiến binh còn sống sau chiến tranh.
Sau đó, Andre đã dành thời gian để quan tâm tới hậu quả của cuộc chiến. "Cho dù kết cục có thế nào, chúng tôi cũng phải giải quyết các hậu quả do chiến tranh gây ra... Những điều tồi tệ chúng tôi từng làm trong chiến tranh đã để lại hậu quả lâu dài. Những gì chúng tôi gây ra là những điều chúng tôi bị lừa dối khi còn trẻ và đã đến lúc mỗi cá nhân như tôi nên tham gia vào việc có thể làm điều gì đó để khắc phục các hậu quả đó".
Trong chuyến thăm lại Việt Nam lần đầu tiên, ông Andre đã đưa người vợ Dena đi cùng. Họ cũng có kế hoạch thăm lại chiến trường cũ ở Quảng Trị.
Andre nói ông đã quyền tiền cho việc rà phá bom mìn tại Quảng Trị và đang kêu gọi các chiến binh khác, cũng như những người không phải cựu chiến binh, hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh.
"Tôi sẽ tiếp tục quyên góp thêm tiền cho Dự án Renew tại Quảng Trị để giúp đỡ rà phá bom mìn và nạn nhân chất độc da cam. Tôi sẽ khuyến khích các cựu binh khác tham giao vào những việc mà tôi đang làm".
Trong vài thập niên, Mỹ đã từ chối thừa nhận hậu quả đối với những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nhưng Andre nói ông đã nhìn thấy sự đổi và hi vọng điều đó sẽ tiếp tục.
Andre nói hiện nay vẫn có một số người nghĩ rằng khó có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam nhưng ông khẳng định số đó rất ít.
"Giờ đây có nhiều hoạt động của Mỹ tại Việt Nam, các hoạt động đầu tư, du lịch. Tôi mong trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ".
Frank Campbell: Chiến tranh không bao giờ là câu trả lời cho bất kỳ vấn đề gì
Cựu chiến binh Frank Campbell
Cựu chiến binh Frank Campell kể rằng khi tham chiến tại Việt Nam, ông là thuyền trưởng trên tàu hải quân Mỹ đóng ở Biển Đông. Vì vậy, ông không tiếp xúc với người dân Việt Nam khi đó và ông cũng chưa bao giờ nghĩ Việt Nam là kẻ thù. Nhưng ký ức chiến tranh trong ông là những hậu quả do bom mìn gây ra, các hố sâu để lại sau các vụ ném bom của máy bay B-52.
"Sau khi trở về nước, tôi đã vận động mọi người từng tham gia cuộc chiến nói lên tiếng nói của mình để phản đối chiến tranh nói chung. Tôi cho rằng chiến tranh không bao giờ là câu trả lời cho bất kỳ vấn đề gì, không có kẻ thắng người thua trong chiến tranh".
Đây là lần đầu tiên Campbell trở lại Việt nam từ năm 1974. "Tôi rất xúc động và ngạc nhiên trước sự thay đổi của Việt Nam. Sân bay hiện đại, mọi thứ rất hiện đại, rất nhiều hoạt động đang diễn ra ở ngoài kia Đó là những điều mà tôi chưa từng nghĩ đến khi tôi ở đây trong chiến tranh".
Campbell cũng thừa nhận rằng dù chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng hậu quả vẫn còn rất nhiều, như trong vấn đề chất độc da cam. Ông nói không chỉ người Việt Nam mà người Mỹ cũng phải chịu đựng hậu quả của chiến tranh.
Nói về quan hệ 2 nước, Campbell cho biết ông nghĩ mọi việc đang đi đúng hướng và còn nhiều điều để 2 nước có thể thực hiện cùng nhau nhằm thúc đẩy quan hệ, hàn gắn chiến tranh như các chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, các chương trình trao đổi hơn nữa sinh viên giữa hai nước...
An Bình
Theo Dantri
John McCain: Cựu binh Mỹ có nhiều duyên nợ với Việt Nam Từ một tù binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phi công hải quân Mỹ John McCain đã trở thành một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong chính giới Mỹ, ông cũng là người có nhiều duyên nợ với quốc gia cách Mỹ nửa vòng Trái đất. Tù binh năm xưa nay...