“Bão” rồi cũng đi qua
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng nguyên nhân cá chết cũng đã được công bố theo đúng lời hứa của Chính phủ trước dân. Việc làm này không chỉ khiến ngư dân miền Trung mà người dân trong cả nước đều hết sức phấn khởi, quan trọng hơn là chính lời công bố này đã mang lại niềm tin cho ngư dân miền Trung trong giai đoạn khó khăn cùng cực này.
Đây là hình ảnh mà nhân dân cả nước chờ đợi suốt mấy tháng qua.
“Chính phủ đã làm được điều cam kết trước dân”
Ông Nguyễn Ngọc Mỵ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Hà Tĩnh cũng thở phào nhẹ nhõm khi nghe Chính phủ công bố Formosa là thủ phạm gây ra tình trạng cá chết tại nhiều tỉnh miền Trung. “Phải ở vào hoàn cảnh của ngư dân mới hiểu được người dân mong chờ kết luận này như thế nào, vì nó liên quan đến miếng cơm manh áo của người dân. Đến lúc này việc Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết đã đáp ứng được sự mong đợi của người dân” – ông Mỵ nói.
Ông Nguyễn Huy Thông, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay cùng với việc tìm ra thủ phạm để xử lý, việc trước đó Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương hỗ trợ ngay ngư dân gặp khó càng khiến uy tín của Chính phủ trong lòng dân tăng lên.
“Khi xảy ra rồi cuộc sống của nhân dân về ngư nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là không đi đánh bắt được, nếu có đánh được thì cá người ta cũng nghi ngại, không mua, cho nên ảnh hưởng đời sống và việc làm của nhân dân miền biển. Nhưng Chính phủ đã kịp thời động viên bằng vật chất, tức là về lương thực, tiền hỗ trợ. Và đối với Hà Tĩnh cũng đã làm rất kịp thời, chia sẻ và động viên nhân dân để khắc phục khó khăn trước mắt” – ông Thông khẳng định.
Thật vậy ngay sau khi nghe thông tin cá chết bất thường, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học khẩn trương vào cuộc xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại Hà Tĩnh ngay trong những ngày “ nóng” nhất để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Sau phiên họp với lãnh đạo các Bộ, Ngành, chính quyền các địa phương liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận và chỉ triển khai các công việc cấp bách nhằm tìm ra nguyên nhân vụ ô nhiễm, có biện pháp hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, từ phải sang) đến thăm và động viên bà con ngư dân tỉnh Quảng Trị .
Cảm động &’một miếng khi đói’
Anh Hoàng Lĩnh, ngư dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam, Hà Tĩnh cho biết, “Mấy tháng qua biển ô nhiễm, cá chết hàng loạt nên tàu thuyền nằm bờ, rất ít người đi biển. May có Nhà nước hỗ trợ nên thời gian gần đây chúng tôi mới có cơm ăn hàng ngày. Gia đình tôi đã nhận đủ 22kg gạo/người và 5 triệu đồng tiền hỗ trợ thuyền”.
Lão ngư Nguyễn Văn Thoạnh, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, Hà Tĩnh cũng cho biết đã nhận được tiền hỗ trợ 5 triệu/thuyền và gạo, quà, tiền của Nhà nước và các nhà hảo tâm.
Theo ông Từ Đức Bé – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim, Hà Tĩnh cho biết xã đã cấp phát 193 tấn gạo cho hơn 8.000 nhân khẩu. Hiện xã đang lập danh sách tiếp nhận 570 tấn gạo để tiếp tục hỗ trợ cho người dân.
Video đang HOT
Ngư dân Thạch Kim nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Ngư dân đã bám biển trở lại
Ở tỉnh Quảng Bình, anh Nguyễn Ngọc Tú, ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi vẫn đi biển đều. Cá đánh về có thương lái thu mua tại chỗ, chúng tôi cũng đã nhận đủ gạo và tiền hỗ trợ bước đầu của Chính phủ, giờ đã tìm được thủ phạm, mong rằng dân được nhận đền bù thoả đáng, và phải làm trong sạch biển trở lại”.
Ông Trần Văn Linh (35 tuổi, trú Phù Mỹ, Bình Định, chủ tàu BĐ 04058 TS) cho biết, “Gần 1 tháng trở lại đây, ngư dân nhiều tỉnh đã quay trở lại với biển để tiếp tục đánh bắt. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cũng như những chính sách hợp lý của chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển”.
“Chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước là nguồn động viên, khích lệ và giải pháp kịp thời để giúp ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm trở lại với công việc đánh bắt”, ông Nguyễn Thành (trú thị trấn Thuận An, chủ tàu cá TTH 96734) bày tỏ.
Hải sản đánh bắt được của ngư dân Kỳ Phương
“Bà con chúng tôi rất lành, đã đồng hành với chính quyền các cấp từ lâu nay. Chúng tôi có bức xúc nhưng chúng tôi tin Nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi sớm có cuộc sống bình yên. Đấu tranh để tìm ra thủ phạm Formosa thì Chính phủ và các ngành chức năng đã nỗ lực hết sức. Mong Nhà nước kiểm soát làm sao để không tái diễn thảm họa này”, một ngư dân bộc bạch tâm sự.
Sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ đã có hiệu ứng tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề nóng bỏng tác động bất lợi lên cuộc sống người dân. Trước sự kiên quyết của Chính phủ, Formosa đã cúi đầu xin lỗi, đền bù thiệt hại và hứa sẽ khắc phục hậu quả môi trường. “Bão” đã đi qua, việc còn lại là khắc phục hậu quả. Tin rằng với sự đồng hành của Chính phủ, ngư dân miền Trung sẽ vượt qua những khó khăn và ổn định cuộc sống, yên tâm trở lại với công việc đánh bắt.
Tại cảng Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) sáng 30/6, ông Trần Văn Linh (35 tuổi, trú Phù Mỹ, Bình Định, chủ tàu BĐ 04058 TS) cho biết, gần 3 tấn cá trên tàu vừa vào đến cảng Thuận An đã được thương lái mua hết. Đây là dấu hiệu đáng mừng để chúng ta tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng tại vùng biển miền Trung thân thương.
Hạ Băng
Theo NTD
Các chuyên gia lên tiếng về kết quả công bố thủ phạm gây cá chết
Việc Formosa nhận lỗi và đền bù được giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá là thắng lợi lớn của Chính phủ, trong khi giáo sư Chu Hảo bày tỏ "bất ngờ và thất vọng" vì những thông tin chưa minh bạch.
Ghi nhận Chính phủ đã rất cố gắng bằng luận cứ khoa học đích đáng để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ ông không quá bất ngờ.
Việc Formosa thừa nhận hành vi, theo giáo sư Võ, là thắng lợi lớn của Việt Nam, bởi giới chức đã tìm ra bản chất vấn đề, tạo niềm tin trong người dân. "Đưa ra kết luận chắc chắn và khách quan sẽ giúp nhân dân không bị mất phương hướng và lấy lại lòng tin của họ trước nghi ngờ Chính phủ ém thông tin", ông Võ nhận định.
Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Vneconomy.
Ông Võ cũng đánh giá cao khả năng xử lý của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Từ chỗ bỡ ngỡ vì sự cố môi trường quá lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Bộ trưởng đã bình tĩnh, đưa ra các giải pháp đúng đắn.
Ông Võ đồng tình khi Việt Nam lấy hai trụ cột quan trọng là cơ sở khoa học và tính pháp lý cùng sáng kiến đưa nhà khoa học quốc tế vào. "Việt Nam đã tận dụng cao nhất năng lực của nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, giúp "buộc tội" Formosa", ông Võ nói.
Ngược lại, giáo sư Chu Hảo bày tỏ sự "bất ngờ và thất vọng". Ông cho rằng, cuộc họp báo chưa phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng khi dự họp với các tỉnh miền Trung hôm 1/5 - rằng đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Nếu như vậy Chính phủ cần thông báo bằng văn bản, chứ không thể nói miệng.
Nhân dân gần 3 tháng chờ mong thông báo của Chính phủ với ba vấn đề lớn. Một là nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết. Thứ hai là tác hại trước mắt và lâu dài cũng như phương án khắc phục. Thứ ba, Chính phủ cần minh bạch vì sao chậm chễ và lúng túng trong công bố.
Giáo sư Chu Hảo chưa thỏa mãn với cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết của Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh.
"Chính phủ mới nói về vấn đề thứ nhất là nguyên nhân là thủ phạm - điều mà nhân dân và thế giới khẳng định từ lâu, còn hai vấn đề sau tôi không thấy nói đến cụ thể và minh bạch", giáo sư Hảo cho hay.
500 triệu USD bồi thường là ít hay nhiều thì nên có thêm đánh giá. Nhưng tác hại của vụ việc không chỉ làm mất nguồn sống của đồng bào miền Trung theo nghề đánh cá, du lịch mà quan trọng hơn nó gây ra khủng khoảng truyền thông và niềm tin. "Vì vậy, tất cả thông báo và trả lời của thành viên Chính phủ làm tôi thất vọng", ông Hảo nói.
Khi biết Formosa là thủ phạm khiến cá chết, ông Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Biển và hải đảo "vừa mừng, vừa lo". Mừng vì điều ông và nhân dân chờ đợi đã có và dựa trên cơ sở căn cứ khoa học vững chắc. Còn ông lo không biết Formosa có thực hiện đúng cam kết hay không, Việt Nam giám sát như thế nào trong thời gian tới.
Ứng xử của Việt Nam với Formosa
Nhận định Formosa có khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng không nên tiếp cận theo kiểu cực đoan. Formosa đã có chủ trương đầu tư xây dựng và không có ý định rút nên ông tin đơn vị này sẽ tránh những chuyện tương tự. Quan trọng hơn là phía Việt Nam cần có hệ thống quản lý, giám sát môi trường, đầu tư chặt chẽ.
Dẫn câu nói "Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại", ông Chu Hồi bày tỏ, Formosa cần thay đổi nhận thức và hành động thực tế để nhanh chóng nghiêm túc giải quyết hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Hồi, Formosa phải đưa ống xả thải lên trên đất liền, không được chôn ngầm xả trực tiếp ra biển. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho việc quản lý và giám sát môi trường trong hoạt động của dự án Formosa. Công ty này cũng cần chuẩn bị phương án khi vận hành sản xuất thật chứ không phải thử. "Người Việt sẽ không đánh đổi cá lấy thép", ông Hồi khẳng định.
Trong số rất nhiều việc phải làm, theo giáo sư Chu Hảo, Việt Nam cần tập trung làm rõ tác hại trước mắt và lâu dài, biện pháp khắc phục cụ thể thế nào. "Môi trường biển nguy hiểm bao năm nữa, khi nào mới phục hồi được và phương án khắc phục ra sao, chứ không chỉ dừng lại ở việc Chính phủ hỗ trợ hay Formosa đền bù", ông Hảo nói.
Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt dự án và hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, từ đó xem xét trách nhiệm và đưa ra hình thức xử lý phù hợp, trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự. Giới chức Việt Nam cần xem xét văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư, môi trường cho phù hợp.
Không chỉ chủ động giám sát xả thải công nghiệp, ông Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng viện quy hoạch thủy lợi Việt Nam lưu ý nên giám sát cả chất thải rắn và không khí mà Formosa thải ra môi trường.
Số tiền 500 triệu USD đền bù cần được công khai, minh bạch và phải đến tận tay những người thụ hưởng. Về lâu dài, Formosa còn phải tiếp tục xem xét đóng góp vào việc khôi phục hệ sinh thái biển, nhất là rạn san hô, ngôi nhà chung của sinh vật biển.
Nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Bài học sau thảm họa
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, sự cố vừa qua cho thấy lỗ hổng về ứng phó với thảm họa môi trường nói riêng và thiên tai nói chung. Cụ thể, hiện tượng cá chết diễn ra từ đầu tháng 4 nhưng cơ quan chức năng chậm phản ứng và khi vào cuộc thì lại đưa ra thông tin mơ hồ, gây nghi ngờ trong dân.
"Các nước trên thế giới thường có Ủy ban hoặc Bộ phụ trách những vụ việc mang tính nghiêm trọng và khẩn cấp do con người gây ra. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của họ hoặc đưa ra những việc cần làm khi có sự cố nghiêm trọng", ông Thuyết gợi ý.
Bài học tiếp theo, giáo sư Thuyết nêu ra là phát triển kinh tế gắn với môi trường bền vững, không nên chạy theo mục đích kinh tế mà đưa công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, giáo sư Chu Hảo nói: "Việt Nam nên chấp nhận đầu tư không đánh giá cao về kinh tế mà quan trọng hơn phải là đánh giá tác động môi trường, nhất là khâu giám sát kiểm tra. Phải giám sát chất thải ra khỏi nhà máy có đạt tiêu chuẩn hay không chứ không tiếp tục phạt để tồn tại".
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường cần được xem xét lại, nhất là quy chuẩn về xả thải công nghiệp, về thẩm định và giám sát môi trường.
Phạm Hương
Theo VNE
Lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa xả thải Sáng 1/7, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh vừa ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường do Formosa xả thải gây ô nhiễm. Ngư dân vùng biển Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) vẫn kiên trì bám biển sau sự cố cá chết (ảnh: T.Hoa) Ngày 30/6...