Bảo quản sai cách phần chi đứt lìa, người đàn ông mất ba ngón tay
Ba ngón tay bị đứt rời của bệnh nhân được đặt trực tiếp vào thùng nước đá, mất 9 giờ đưa về TP HCM ghép nên mô đã hoại tử.
Bệnh nhân 44 tuổi từ Đồng Tháp được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn ITO cấp cứu với bàn tay phải bị dập nát, đứt lìa hoàn toàn ba ngón giữa. Phần chi đứt lìa này được đưa đến viện cùng bệnh nhân song đã bảo quản sai cách nên mô hoại tử, bác sĩ không thể tiến hành khâu nối lại. Thay vì phải bọc phần chi đứt trong một túi nilon trước khi đặt vào thùng nước đá, người nhà đã bỏ trực tiếp ba ngón tay vào đá lạnh. Ngoài ra thời gian di chuyển từ Đồng Tháp đến TP HCM quá lâu, mất gần 9 giờ nên các mô tế bào của ngón tay đứt đã bị hoại tử.
Theo các bác sĩ, phần cơ thể bị đứt lìa không được tưới máu, các mô thiếu oxy và dưỡng chất. Trong khi đó quá trình chuyển hóa ở tế bào tạo ra CO2 và các chất độc hại sẽ dần phá hủy mô, làm mô chết dần trong khoảng 2-3 giờ sau khi đứt. Nếu phần đứt được bảo quản đúng cách với điều kiện môi trường bảo quản từ 2 đến 8 độ C thì có thể tăng thời gian sống lên 1-1,5 lần. Thời gian vàng để khâu nối cứu sống phần đứt thường không quá 6 giờ sau.
Hướng dẫn sơ cứu người bị đứt lìa chi.
Cách sơ cứu:
Bác sĩ hướng dẫn, khi gặp tai nạn đứt rời chi, cần tiến hành cầm máu vết thương. Đối với các chi nhỏ như ngón tay, chân, bàn tay, cổ tay, có thể băng ép trọng điểm để cầm máu. Các chi lớn như bàn chân, cổ chân, cánh tay, cẳng chân…, cần buộc garo cầm máu.
Video đang HOT
Nếu trong điều kiện khó khăn không có sự hỗ trợ y tế, hãy dùng vải sạch quấn nhiều vòng quanh chi nơi bị đứt. Lưu ý không siết quá chặt phía trên vết đứt rời khoảng 10 cm để garo. Trường hợp thời gian vận chuyển người bệnh từ nơi bị nạn đến bệnh viện quá lâu thì nên xả garo cứ 90 phút một lần.
Thực hiện các bước sau để tránh sốc cho nạn nhân:
- Đặt nạn nhân nằm và giữ ấm cơ thể bằng cách đắp chăn lên người.
- Nâng vị trí vết thương lên cao bằng tim để duy trì tuần hoàn và lưu lượng máu tới các cơ quan quan trọng.
Bảo tồn chi bị đứt lìa:
- Nhẹ nhàng rửa chi bằng nước muối hoặc nước sôi để nguội nhằm làm trôi đi các dị vật.
- Bao gói phần chi đứt bằng miếng gạc sạch hoặc vải sạch.
- Đặt chi đã được bao gói vào túi nilon sạch và buộc chặt miệng túi.
- Đặt túi đựng chi vào thùng có chứa nước đá lạnh.
Các thao tác bảo tồn cần làm nhanh nhưng phải cẩn thận, nhẹ nhàng.
Vận chuyển ngay người bị nạn và phần chi được bảo quản đến bệnh viện chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình trong thời gian nhanh nhất để quá trình phẫu thuật khâu nối có cơ hội thành công.
Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước. Không bỏ trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá lạnh.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Dùng vạt da nối cứu hai ngón tay bị đứt rời cho bé trai hai tuổi
Bé trai ở Đồng Nai bị kẹt tay vào cửa sắt nên cố vùng vẫy để thoát ra, khiến hai đầu ngón tay bị thương tổn nặng.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Phạm Văn Khương, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngón 3 và 4 bị đứt nửa đốt. Người nhà mang theo phần đầu chi đứt rời để bác sĩ khâu nối, song bác sĩ xác định trường hợp này không thể nối như thông thường được.
Tiên lượng khả năng móng tay bé còn có thể mọc được nên các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật làm vạt da chéo ngón đa tầng. Kíp vi phẫu đã lấy vạt lưng của hai ngón lành che vào hai đầu ngón bị thương, đồng thời lấy da vùng cổ tay ghép vào vùng vạt lưng ngón vừa bị lấy.
Sau một tháng rưỡi phẫu thuật, bàn tay của bé hồi phục ngoài mong đợi của các bác sĩ. Phần khâu nối liền sẹo tốt, móng mọc lại đẹp, chức năng các ngón tay trở về bình thường. Theo bác sĩ Khương, trường hợp này nếu không sử dụng vạt da để đắp mà đóng mỏm cụt thì bé trai sẽ vĩnh viễn mất phần đầu của cả hai ngón tay.
Người nhà cho biết khi bị kẹp cửa sắt, bé trai đã cố vùng vẫy để giật ngón tay ra khiến phần đầu ngón mắc lại trên cửa. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng phòng tránh các tình huống có thể xảy ra tai nạn ở trẻ. Trẻ dập nát tay, chân cần đưa đến cơ sở y tế xử trí kịp thời, đúng cách.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Người đàn ông bị đứt gân tay khi nâng tạ tập thể hình Người đàn ông 50 tuổi (TP HCM) đang tập tạ ở phòng gym thì mất lực tại khuỷu tay dẫn đến đứt gân. Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Bệnh viện Sài Gòn ITO cho biết bệnh nhân đến viện khám trong tình trạng khuỷu tay sưng bầm. Kết quả chụp MRI phát hiện bệnh nhân bị đứt nơi bám gân ở đầu cánh...