Báo quân đội Mỹ nói về triển vọng hợp tác với Việt Nam
Báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ ngày 18.6 có bài viết về triển vọng hợp tác với quân đội Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gây căng thẳng khi hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa – Ảnh: Độc Lập
“ Mối quan hệ quân sự Mỹ – Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, và phát triển rất nhanh chóng kể từ năm 2010. Sự quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ chỉ tiếp tục thuyết phục Việt Nam rằng họ nên mở rộng liên minh quốc tế, trong đó có Mỹ”, ông Christian Le Mière, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Mỹ) nói.
Hải quân Mỹ đã viếng thăm cảng Đà Nẵng trong những năm gần đây, tham gia vào các hoạt động thể thao và thăm tàu với thủy thủ Việt Nam, và thực hiện một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ chung năm ngoái. Sự tiếp cận nhiều hơn của các tàu Hải quân Mỹ đến vịnh Cam Ranh, phía nam Nha Trang, sẽ là một bước tiến lớn trong mối quan hệ quân sự của hai nước.
Cảng nước sâu này chỉ cách đại dương khoảng 10 km, và cơ sở hậu cần của nó có khả năng chứa các tàu sân bay, các cơ sở này gần đây đã được chi hàng triệu USD để nâng cấp. Sân bay Cam Ranh được sử dụng cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.
Bộ chỉ huy hậu cần Mỹ đã từng đưa tàu hậu cần vào Cam Ranh để sửa chữa, chiếc đầu tiên vào cảng này cùng lúc với cuộc viếng thăm Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Leon Panetta năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có chiến hạm nào của Hải quân Mỹ đến thăm cảng kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ngày 31.5.2014, tại đối thoại an ninh quốc phòng Shangri-La ở Singapore, có sự tham dự của các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc, Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã nói rằng cảng Cam Ranh đón chào cả thương mại và quân sự các nước.
“Việt Nam nhận thấy rằng thật là một sự lãng phí nếu vịnh Cam Ranh không được đưa vào sử dụng, vì vậy chúng tôi đang xem xét việc đầu tư, quản lý và xây dựng cảng để cung cấp dịch vụ cho tàu thuyền của các nước”, tướng Phùng Quang Thanh nói.
Video đang HOT
Tuy vậy, các nhà phân tích đồng ý rằng Việt Nam sẽ tiếp cận thận trọng trong quan hệ với Mỹ, cân bằng các mối quan hệ với những cường quốc khác. Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam. Nga đang đóng sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam, và họ sẽ có sự hiện diện thường xuyên tại Vịnh Cam Ranh.
Hầu hết các nhà phân tích không nhìn thấy sự hiện diện của Nga như là một điểm gắn bó. Nhưng sự hiện diện luân phiên của Mỹ tại Vịnh Cam Ranh, tương tự thỏa thuận ấn tượng hồi đầu năm nay giữa Mỹ và Philippines khi cấp quyền cho lực lượng Mỹ đến các căn cứ của Philippines, là một trong số các câu hỏi chưa có lời đáp cho bây giờ.
Tàu hậu cần USNS Amelia Earhart (T-AKE 6) của Mỹ đang được sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, ngày 1.5.2013 – Ảnh: Nguyễn Chung
Thay vào đó, Mỹ và Việt Nam có thể gửi một thông điệp hiệu quả đến Trung Quốc thông qua các chuyến viếng thăm cảng thường xuyên, các chuyến vào tiếp nhiên liệu và các biện pháp khác, theo phân tích của chuyên gia Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Úc), là người có mặt ở Hà Nội lúc Trung Quốc tiến hành hành vi gây hấn đầu tháng 5 vừa qua.
Việt Nam đã dọn đường cho quan hệ nói trên với Mỹ khi ngày 21.5 vừa qua đã có một quyết định quan trọng là tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (PSI), ông Thayer nói.
PSI do Mỹ và Ba Lan khởi xướng vào năm 2003 là một nỗ lực quốc tế để ngăn chặn các tàu thuyền chở vũ khí hủy diệt hàng loạt, và đã thu hút được chữ ký từ hơn 100 quốc gia.
Lúc đó Việt Nam cùng với Trung Quốc phản đối, cho rằng PSI vi phạm luật pháp quốc tế, và Việt Nam đã thay đổi quan điểm này vào tháng trước.
Vấn đề này được giáo sư Thayer nhận định rằng: “Đó là một giải pháp để yêu cầu Mỹ hỗ trợ Việt Nam về khả năng tiến hành trinh sát và giám sát hàng hải, liên kết với hệ thống radar trên bờ cùng thiết bị kỹ thuật khác”.
Sự gia tăng hiện diện của Mỹ có thể buộc Trung Quốc giảm bớt các hành động hung hăng trong khu vực, đồng thời cho thấy Việt Nam chẳng có hành động khiêu khích nào chống lại Trung Quốc.
heo Tin nong
Sự ngang ngược của Trung Quốc đã đẩy châu Á xích gần Mỹ
Những tham vọng bành trướng của Trung Quốc khiến các quốc gia láng giềng xích lại gần nhau hơn, buộc các cường quốc có lợi ích liên quan như Mỹ, Nhật Bản phải lên tiếng và tăng cường ảnh hưởng quân sự ở Đông Nam Á, gây nên những đe dọa an ninh cho chính Trung Quốc. Các quốc gia đã đáp lại Trung Quốc bằng 5 phản ứng.
Các hành vi của Trung Quốc đã trở thành vấn đề nóng bỏng tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5.2014 cũng như các hội nghị bàn tròn Châu Á-Thái Bình Dương tại Kuala Lumpur. Một câu hỏi đặt ra tại các buổi đối thoại là thái độ ngang ngược hiện giờ của Trung Quốc liệu có khôn ngoan?
5 phản ứng của các nước đã trả lời một cách rõ ràng cho câu hỏi trên.
1. Nhật Bản quyết định khẳng định vai trò lớn hơn của mình đối với an ninh châu Á, một hành động mà suốt hơn 70 năm qua nước Nhật chưa bao giờ làm.
Quyết định này đang được chào đón nồng nhiệt ở Úc và Đông Nam Á. Trong vài tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài phát biểu trước quốc hội Úc, tượng tự như những gì ông Obama đã làm hồi tháng 11.2011 khi cam kết chính sách xoay trục châu Á.
Lúc ấy, ông Obama đã khẳng định Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn với an ninh khu vực bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh. Trong chuyến đi đến Úc lần này, ông Abe sẽ có những quyết định chiến lược cho riêng Nhật Bản.
2. Tổng thống Mỹ Obama đã đến Nhật Bản vào tháng 4.2014 và tuyên bố hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản sẽ gồm cả quần đảo Senkaku. Tuyên bố rõ ràng này của Mỹ đã đẩy Trung Quốc vào tình thế đầy khó khăn trong tranh chấp biến đảo với Nhật. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ sẵn sàng tham chiến nếu Trung Quốc đối đầu Nhật Bản.
3. Để đối trọng với Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia đã mở rộng quan hệ với Mỹ. Mỹ cũng đã tuyên bố "quan hệ đối tác toàn diện" với Việt Nam và Malaysia.
4. Mỹ với Philippines cũng tìm cách làm mới lại quan hệ hai nước, Philippines cần dựa vào Mỹ để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.
5. Đối với khu vưc châu Á, chính sách tái cân bằng của Mỹ được xem là trung tâm và quan trọng. Nhưng có một câu hỏi mà các nước đều muốn biết là mức độ cam kết của Mỹ sẽ đến đâu. Hiện tại, tất cả các kế hoạch quân sự của Mỹ ở châu Á đều mặc định Trung Quốc là đối thủ. Các nước châu Á hết sức hưởng ứng điều này bằng cách tích cực tham gia vào hệ thống an ninh mà Mỹ là trung tâm.
Một chiến lược gia người Canada cho rằng, chính Bắc Kinh đã làm cho chính sách tái cân bằng của Mỹ thành công ở châu Á.
Các quan chức, cán bộ và chiến lược gia của Trung Quốc đều cho rằng, họ chính là nạn nhân. Tất cả các hành động bạo ngược của Trung Quốc đều là đáp trả lại sự khiêu khích của các nước khác và rằng Trung Quốc bị ép vào thế buộc phải làm như vậy. Đó là một sự biện dẫn hết sực lạ lùng của quốc gia được xem là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang sỡ hữu một sức mạnh ưu việt vượt trên các nước láng giềng châu Á khác.
Trung Quốc đã đạt được nhiều đặc quyền của một siêu cường và đang kích ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng cháy trong tư tưởng của hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc, nhưng lại dùng giọng điệu của một kẻ bị ức hiếp để chỉ trích các nước khác
Ông Rodolfo Severino, người đại diện Philippines nắm quyền Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 1998-2002, và hiện đang là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, cho rằng: "Mỹ đang được âm thầm chào đón, người ta không công khai vì cho rằng hiện giờ không phải lúc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang phạm một sai lầm. Họ nghĩ rằng Philippines và Việt Nam bị lệ thuộc vào người Mỹ và họ thì không. Với những gì đã làm, Trung Quốc đang chính tay mình trao cho Mỹ một lý do để tăng cường ảnh hưởng với các nước láng giềng quanh Trung Quốc".
Theo Một thế giới
Tình hình Biển Đông: Quốc tế nói gì về giàn khoan Nam Hải 9? Hành động Trung Quốc kéo giàn khoan thứ hai có tên Nam Hải 9 vào Biển Đông lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Trước đó, ngày 18/6, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, nước này đã đưa giàn khoan thứ hai mang tên Nam Hải 9 vào Biển Đông để thăm dò và khai thác dầu khí. Tin...