Báo Philippines ca ngợi tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam
Truyền thông Philippines dẫn kết quả nghiên cứu từ báo cáo mới nhất cho thấy Việt Nam đã “chuyển mình” từ một nền kinh tế nông nghiệp thành một trong những quốc gia sản xuất ấn tượng nhất ở khu vực Đông Nam Á trong vòng 20 năm qua.
Việt Nam được xem là một trong những điểm sáng công nghiệp tại Đông Nam Á (Ảnh: BRENT LEWIN/BLOOMBERG)
Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam là điểm sáng công nghiệp mới của Đông Nam Á”, báo Inquirer (Philippines) ngày 17/7 đã dẫn báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle (JLL), tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản của Mỹ, nhận định về sự thay đổi đáng kể của Việt Nam, từ một quốc gia nông nghiệp thành một trong những điểm sáng ấn tượng nhất về sản xuất tại Đông Nam Á trong 20 năm gần đây.
“Việt Nam đang khẳng định vị thế như một quốc gia công nghiệp mạnh của khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi dự đoán thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị trong tương lai, chuyển từ nền kinh tế lấy lao động làm chủ đạo sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn”, Stephen Wyatt, giám đốc khu vực của Jones Lang LaSalle tại Việt Nam, nhận định.
Theo báo cáo của JLL, vào năm 1986, Việt Nam chỉ dành 335 ha đất dành cho các khu công nghiệp. Trong khi đó, con số này ở thời điểm hiện tại đã lên tới 80.000 ha.
Video đang HOT
“Tốc độ tăng trưởng đột biến này có được là nhờ Việt Nam đã định hình một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế chuyên biệt, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và một lực lượng lao động trẻ, dồi dào với chi phí thấp”, báo cáo cho biết thêm.
Việc Trung Quốc thay đổi nền công nghiệp lấy lao động làm chủ đạo và tiến lên một bước tiến mới trong chuỗi giá trị đã dẫn dến việc các doanh nghiệp chuyển địa bàn sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á khác. Do vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xu thế dịch chuyển này và có thể trở thành điểm đến hấp dẫn để các công ty đặt cơ sở.
Báo cáo của JLL nhận định Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km bờ biển, là cửa ngõ tuyệt vời nối ra Biển Đông – một trong những tuyến vận tải hàng hải lớn nhất thế giới. Gần 40% hàng hóa chuyển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương phải đi qua Biển Đông trước khi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Xu thế phát triển
Giới phân tích dự đoán thị trường logistics (vận tải và hậu cần) có thể sẽ chiếm vị thế nổi bật tại Việt Nam trong vòng từ 5-10 năm tới. Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm dân cư có thu nhập trung bình đã tạo ra mức thu nhập sau thuế cao hơn và sự phát triển của thương mại điện tử sẽ thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam dành 5,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là con số cao nhất trong khu vực.
Báo cáo của JLL cho rằng để Việt Nam có thể bước vào giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển công nghiệp/logistics và trở thành quốc gia có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạt tầng, bao gồm các mạng lưới cao tốc, cảng biển nước sâu và nâng cấp các điều kiện nền tảng khác như năng lượng có thể tái tạo.
Một trong những thách thức của Việt Nam trong vài năm tới là khả năng thích nghi với những thay đổi và khó khăn không thể tránh khỏi do quá trình ứng dụng công nghệ và tự động hóa mang lại, hay còn được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tất cả các sáng kiến về kinh tế đã giúp thu hút lượng lớn đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam. Một ví dụ điển hình nhất là tập đoàn Samsung với số tiền đầu tư được cho là lên tới hơn 17 tỷ USD. Điều này đã tạo lòng tin cho các công ty nước ngoài khác từ khắp nơi trên thế giới khi muốn mở thêm địa bàn hoạt động tại Việt Nam.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cựu Tổng thống Hàn Quốc mắc nhiều bệnh trong nhà giam
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye than phiền về tình trạng sức khỏe yếu khi bà mắc nhiều bệnh trong nhà giam.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye ngồi trên xe lăn (Ảnh: Yonhap)
Yonhap dẫn thông tin từ Nhà giam Trung tâm Seoul ngày 15/1 cho biết cựu Tổng thống bị phế truất, bà Park Geun-hye, than phiền về bệnh viêm khớp gối và thoát vị đĩa đệm của bà. Nhà giam Trung tâm Seoul là nơi giam giữ cựu Tổng thống Park sau khi bà bị phế truất hồi năm ngoái.
Theo Nhà giam Trung tâm Seoul, bà Park đang được dùng thuốc để điều trị chứng phù nề do bệnh viêm khớp và bệnh đau lưng của bà có thể tồi tệ hơn vì thoát vị đĩa đệm. Nhà giam cũng cho biết cựu Tổng thống phải đi bộ mỗi giờ một ngày để cải thiện sức khỏe.
Hiện bà Park vẫn lấy lý do sức khỏe để từ chối xuất hiện trong các phiên xét xử tại tòa. Trong khi đó, Tòa án Quận Trung tâm Seoul vẫn tiến hành xét xử dù vắng mặt cựu Tổng thống, đồng thời cho biết rất khó xác định việc liệu sức khỏe của bà có yếu tới mức không thể dự các phiên xét xử hay không.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất và bắt giữ hồi tháng 3/2017 với cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Bà bị cáo buộc thông đồng với người bạn thân lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận 43 tỷ won (khoảng 37 triệu USD) từ lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, trong đó có tập đoàn Samsung. Ngoài ra, bà cũng bị chỉ trích vì để bà Choi can thiệp vào công việc quốc gia.
Thành Đạt
Theo Dantri
Người phụ nữ khuynh đảo chính trường Hàn Quốc đối mặt 25 năm tù Bà Choi Soon-sil, bạn thân của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, đối mặt với mức án 25 năm tù giam sau khi bị cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khuynh đảo chính trường Hàn Quốc thời gian qua. Bà Choi Soon-sil bị áp giải tới tòa án Hàn Quốc (Ảnh: AP) Công tố viên đặc biệt...