Báo Pháp: Chu Vĩnh Khang, bài học cho ai cản đường ông Tập Cận Bình
Thông qua vụ án về Chu Vĩnh Khang, nhật báo Le Monde nhận định, đây là một thành công cá nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một bài học cho những ai có thể cản đường lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Báo chí chính thức Trung Quốc đồng loạt khen ngợi quyết định “nhốt hổ vào chuồng” (Tiger Caged) – REUTERS /Jason Lee
Báo chí Pháp bình luận sôi nổi về chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thông qua vụ án về Chu Vĩnh Khang, nhật báo Le Monde nhận định, đây là một thành công cá nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một bài học cho những ai có thể cản đường lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Nhật báo Le Monde nhắc lại tiểu sử của Chu Vĩnh Khang. Sinh năm 1942 tại nông thôn phía bắc Thượng Hải, ông Chu đậu vào học viện dầu hỏa Bắc Kinh vào năm 1961. Sau đó nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa và các trường đại học đóng cửa, nên ông được phân bổ làm kỹ thuật viên tại một khu vực khai thác dầu mỏ tại phía đông bắc Trung Quốc.
Chính tại đây, ông đã từng bước thăng tiến đến chức vụ giám đốc tập đoàn dầu khí Petrochina. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài nguyên vào năm 1998. Tiếp đến, ông lãnh đạo tỉnh Sơn Đông và chính tại đây, ông đã thành lập lãnh địa chính trị của mình, trước khi nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Trong bài viết đề tựa: “Trung Quốc: thất bại nặng nề của con hổ Chu” trên nhật báo Le Figaro, tờ báo nhận định, khi triệt hạ cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang phô trương quyền lực của mình và khẳng định, quyền lực từ nay không bị phân tán, mà tập trung trong tay ông.
Ông Chu Vĩnh khang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”. Hồ sơ điều tra về ông Chu như một cú sấm sét, đến mức phá vỡ điều kiêng kỵ của chế độ Cộng sản Trung Quốc, đó là các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc không bao giờ bị triệt hạ.
Một đòn cảnh cáo
Le Figaro nhận thấy, chính nhờ vào tài xử sự và các biện pháp mạnh tay đã đưa ông Chu lên nắm chức lãnh đạo ngành an ninh với sự tiến cử của ông Giang Trạch Dân.
Video đang HOT
Đây là một chức vụ quan trọng, do ông Chu nắm trong tay các nguồn thông tin, các phương tiện trấn áp và chính điều đó đã trở thành mối đe dọa cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ông Chu Vĩnh Khang lại thân cận với ông Bạc Hy Lai, hoàng tử đỏ cũng đã bị hạ bệ vào năm ngoái và lãnh án chung thân vì tội tham nhũng. Do đó, kết cuộc của họ Bạc phần nào cũng ảnh hưởng đến số phận của “con hổ” Chu Vĩnh Khang.
Đồng thời theo La Croix, chiến dịch chống tham nhũng được xem là có mục đích chính trị. Việc tập trung mọi quyền lực trong tay Chủ tịch gây lo ngại cho giới trí thức trong nội bộ đảng vì nó “ngăn cản mọi viễn cảnh cải tổ chính trị”.
Theo Jean-Luc Domenach, nghiên cứu gia tại Ceri (trung tâm nghiên cứu quốc tế), công chúng Trung Quốc đang lên án sự tàn bạo của cảnh sát. Để đáp lại yêu cầu của dân chúng, ông Tập đã làm suy yếu sức mạnh của ngành cảnh sát bằng cách hứa đóng các trại lao cải. Hạ bệ ông Chu cũng là cách làm hài lòng dân chúng.
Như đã biết, ông Chu Vĩnh Khang vốn là ông chủ trong ngành công nghiệp dầu khí. Vụ triệt hạ ông Chu đưa ra một thông điệp cảnh cáo với các nhóm lợi ích đang điều hành lãnh vực rằng ngành công nghiệp này vẫn phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước.
Le Figaro cho biết, thất bại của ông Chu đang gây hoang mang, hoảng hốt cho các cán bộ quan chức Trung Quốc.
Jean-Philippe Béja, giám đốc trung tâm nghiên cứu CNRS nhận định: “Ông Tập Cận Bình muốn cho thấy cả hổ cũng không thoát. Vấn đề đặt ra là có những tên tuổi đầy quyền lực nào sắp tới sẽ cùng chung số phận như ông Chu”. Từ nhiều tháng nay, nhiều quan chức cấp cao đang lo sợ mình sẽ là nạn nhân của chiến dịch “bàn tay sạch”.
Le Figaro phân tích, chiến dịch diệt trừ “cả ruồi lẫn hỗ” của ông Tập Cận Bình, một cụm từ mà ông mượn ý của Mao Trạch Đông, là một công cụ để lấy lòng dân, đồng thời làm suy yếu đối thủ tiềm tàng. Tuy nhiên, vụ hạ bệ ông Chu chỉ là một đòn cảnh cáo.
Le Figaro nhấn mạnh, chiến dịch của ông Tập cũng đầy rủi ro. Giáo sư Joseph Cheng thuộc đại học Hồng Kông, dự đoán: “từ nay, ông Tập Cận Bình sẽ làm dịu tình hình, vì nếu ông đi quá xa, các đối thủ của ông có nguy cơ hợp lực với nhau để chống lại ông”.
Là con trai của bạn Mao Trạch Đông, cho tới lúc này, ông Tập Cận Bình chưa động đến các hoàng tử đỏ. Ông Chu Vĩnh Khang là người có quyền lực, tham nhũng, không được lòng dân và không phải là hoàng tử đỏ.
Theo NTD/Bizlive
Chu Vĩnh Khang và những tiết lộ động trời
Sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc - Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra, những thông tin về thủ đoạn đấu đá chính trị, đời tư hay những bình luận liên quan đến nhân vật này lập tức bung ra trên khắp báo chí Trung Quốc và cả nước ngoài.
Chu Vĩnh Khang từng có âm mưu lật đổ ông Tập Cận Bình
Âm mưu ám sát
Được ví là "ông trùm" an ninh ở Trung Quốc bởi từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an (năm 2002), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Ủy ban Chính pháp (2007-2012), ở tuổi 71, Chu Vĩnh Khang chính thức bị chính quyền Bắc Kinh tuyên bố lập án điều tra do "những sai phạm nghiêm trọng" - cụm từ chỉ hành vi tham nhũng tại nước này. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin lại cho biết, ông Chu Vĩnh Khang bị "sờ gáy" là do liên quan tới mưu đồ đảo chính. Tờ "Nhật báo Tinh đảo" bản tiếng Trung phát hành tại Canada đã đăng tải bài viết "tiết lộ" Chu Vĩnh Khang bị bắt vì có âm mưu đảo chính. Tờ báo này cho rằng mặc dù Chu Vĩnh Khang từng nắm trọng trách cao trong Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc nhưng đã vượt quá giới hạn khi dùng cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh - Bạc Hy Lai để thực hiện mưu đồ đảo chính.
Liên quan đến nội dung trên, tờ Minh Kính xuất bản tại Hồng Kông từng đưa tin, ngày 4-12-2013, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - ông Vương Kỳ Sơn đã công bố trước hội nghị Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc về tiến triển của vụ Chu Vĩnh Khang. Trước đó, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông cho biết, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc đã nhất trí điều tra Chu Vĩnh Khang từ tháng 8-2013. Theo công bố của ông Vương Kỳ Sơn, ông Chu liên quan đến 4 vấn đề vi phạm nghiêm trọng: Đẩy Bạc Hy Lai leo cao để làm con rối chính trị; Thông qua việc điều khiển Bạc Hy Lai để thực hiện âm mưu chiếm đoạt các lợi ích lớn hơn; Chu Vĩnh Khang còn được cho là đã tìm cách thay thế vai trò của ông Giang Trạch Dân ở hậu trường và "phạm tội đặc biệt nghiêm trọng" khi lên kế hoạch ám sát Tập Cận Bình sau khi ông này được xác định là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Theo Reuters, Chu Vĩnh Khang từng"âm mưu" tranh đoạt quyền lực trước thềm Đại hội Đảng khóa 18 hồi cuối năm 2012. Nhiều nguồn tin cho biết, Chu Vĩnh Khang từng muốn ám sát ông Tập ít nhất hai lần, trước và sau cuộc họp của lãnh đạo ĐCS Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà hồi tháng 8-2012. Các kế hoạch gồm cài bom hẹn giờ tại phòng họp của ông Tập và tiêm thuốc độc trong lúc ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301. Khi đó, ông Tập đang giữ chức Phó Chủ tịch nước và được xác định sẽ trở thành người thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Theo báo Minh Kính, những âm mưu này đã bị phanh phui, nhờ một nguồn nặc danh tố cáo lên ban lãnh đạo cấp cao. Từ đó, ông Chu trở thành mục tiêu điều tra và gần như mất hết quyền lực trước khi chính thức về hưu hồi cuối năm 2012.
"Đào bới" mọi tình tiết
Ngay cả từ ngữ trong tin vắn của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc - Tân Hoa xã về chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang cũng được đem ra phân tích. Tờ Nhân dân nhật báo bình luận, so sánh với bản thông báo điều tra về vấn đề gây ra sai phạm nghiêm trọng của Bạc Hy Lai, trong văn bản thông báo điều tra ông Chu không sử dụng từ "đồng chí". Như vậy, khi bị chính quyền Bắc Kinh đưa vào mục tiêu "dẹp" quan tham, ông Chu còn thất thế hơn ông Bạc.
Cũng theo Nhân dân nhật báo, đây là quan chức cao cấp nhất bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc xử lý từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, "gần như không có ai ngạc nhiên trước tin này, dư luận như rũ bỏ được vô số nghi ngờ liên quan đến ông Chu trong thời gian trước. Điều gì đến sẽ đến, ông ta đã không còn là "đồng chí" nữa".
Liên quan đến một số thông tin đời tư của vị cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, trang Ifeng đưa thông tin đáng chú ý về việc mộ tổ gia đình ông Chu bị đào bới và mẹ ông này treo cổ tự tử. Theo đó, vào những năm 1990, ông Chu Vĩnh Khang từng mời thầy đến xem tướng. Thầy này cho biết tướng mạo của ông Chu rất tốt nhưng chưa leo lên được chức vụ cao là vì mộ tổ nhà họ Chu không hợp phong thủy. Sau đó, ông này đã nhiều lần gọi điện về quê nhà ở làng Tây Tiền Đầu, quận Tích Sơn, thành phố Vô Tích (Giang Tô) yêu cầu hai người em sửa sang ngôi mộ tổ. Tuy nhiên, sau một đêm mưa lớn vào mùa thu năm 2009, gia đình họ Chu bỗng phát hiện ngôi mộ tổ đã bị ai đó đào trộm. Sự việc mộ tổ của lãnh đạo Chu Vĩnh Khang bị đào trộm đã kinh động tới cơ quan cảnh sát Vô Tích, các cuộc điều tra được triển khai, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được thủ phạm.
Người dân địa phương còn cho biết, ông Chu rất ít khi về thăm quê. Những năm 1960, khi ông làm việc tại Liêu Ninh, 2 người em trai ở quê là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh đều không chăm sóc mẹ già Chu Tú Kim, nên muốn đẩy trách nhiệm này cho Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, khi bà Chu Tú Kim tới Liêu Ninh, không rõ cuộc sống có điều gì phiền muộn mà cuối cùng bà này đã treo cổ tự vẫn.
Quê nhà Tây Tiền Đầu cũng không nhận được nhiều đóng góp từ ông Chu. Trong quá trình sự nghiệp thăng tiến như diều gặp gió, ngoài một con đường cao tốc 8 làn xe hoàn thành vào năm 2011, nối trực tiếp làng Tây Tiền Đấu với thành phố Vô Tích, "gia đình họ Chu không cống hiến gì thiết thực cho quê hương" - hai người già trên 60 tuổi ở Tây Tiền Đầu cho biết.
Án nặng khó thoát
Trước khi có thông báo bị chính thức điều tra, những tin đồn về việc Chu Vĩnh Khang là "con cọp" lớn trong kế hoạch "đả hổ, diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện tràn lan, đặc biệt sau khi nhiều nhân vật được coi là "thân" Chu lần lượt sa cơ.
Theo Nhân dân nhật báo, trong 2 năm qua, sự việc liên quan đến Chu Vĩnh Khang đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trên nhiều diễn đàn dư luận của Trung Quốc bởi nhiều tình tiết tham ô tinh vi, phức tạp trong các vụ án liên quan đến quan chức địa phương và Trung ương hay Tập đoàn Dầu khí quốc gia đều liên kết tới một đầu mối quan trọng là "đại lão hổ" - Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, kể từ ngày 29-7, cái tên "Chu Vĩnh Khang" mới thực sự trở thành từ khóa "hot" trên trang mạng tìm kiếm Baidu của Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, từ khóa "Chu Vĩnh Khang bị điều tra" leo lên top đầu nội dung được quan tâm với 4,3 triệu lượt tìm kiếm chỉ trong vòng 2 giờ sau khi tin điều tra chính thức được đăng tải.
Điều đáng nói, bình thường Đảng Cộng sản Trung Quốc xử lý nội bộ đối với các quan chức cao cấp, nhưng lần này, nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ phơi bày hết sai phạm Chu Vĩnh Khang trước công chúng. Báo Le Figaro của Pháp nhận định, nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang phải chịu án nặng như tử hình hay tù chung thân. Cũng theo Le Figaro, mặc dù việc xử "ông trùm" ngành an ninh Chu Vĩnh Khang có thể phơi bày trước công chúng những mâu thuẫn trong nội bộ ĐCS Trung Quốc và điều đó có thể gây tổn hại đến hình ảnh ông Tập Cận Bình nhưng nó cũng giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực và nắm lấy quyền kiểm soát an ninh đất nước.
Con trai "hổ Chu" bị bắt giữ
Cùng lúc ông Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, ngày 29-7, Chu Bân - con trai cả của ông này bị cơ quan công tố thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc bắt giữ vì dính líu tới hoạt động kinh doanh phi pháp.
Sinh năm 1972, Chu Bân theo chân bố, bắt đầu sự nghiệp trong ngành dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Dựa vào thế lực của người bố, Chu Bân và các anh chị em xây dựng một đế chế kinh doanh lớn với phạm vi từ Bắc Kinh kéo dài đến Tứ Xuyên, thậm chí ra cả nước ngoài. Vào cuối năm 2013, Chu Bân đã bị điều tra. Trước đó báo chí Trung Quốc từng đưa tin Chu Bân là đối tác làm ăn với trùm xã hội đen Trung Quốc - Lưu Hán. Tuy nhiên, trang Ifeng dẫn một nguồn tin có thế lực lại khẳng định án kinh doanh trái pháp luật của Chu Bân không liên quan tới Lưu Hán.
Theo An Ninh Thủ Đô
Sau Chu Vĩnh Khang, sẽ có 'con hổ' bị điều tra? Nếu Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đi xa hơn trong việc xử lý các "con hổ" khác, điều này có thể làm nhiều chính trị gia cấp cao phải e dè... Sau một thời gian đồn đoán, cuối cùng giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính...