Bão NORU giật cấp 16 khi tiến vào miền Trung; các cơ quan Trung ương chỉ đạo khẩn cấp ứng phó
Trong khoảng tối và đêm 25/9, bão NORU sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn Bão số 4. Bão di chuyển nhanh, hướng vào khu vực miền Trung nước ta. Dự báo đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão NORU ở cách Thừa Thiên Huế – Quảng Nam khoảng 220km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16. Các cơ quan trung ương về phòng, chống thiên tai liên tiếp ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó.
Dự báo vị trí và đường đi của bão NORU
Bão NORU giật cấp 16 khi tiến vào gần bờ biển Thừa Thiên Huế – Quảng Nam
Hồi 13 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên Huế-Quảng Nam khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.
Trong 72 đến 120 giờ, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru.
NORU là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, còn phức tạp khi đi vào Biển Đông
Sáng 24/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru và tình hình mưa lớn, lũ ở miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp các chuyên gia nhận định cơn bão Noru là một cơn bão mạnh với cường độ có thể đạt cấp 11-12, tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn cả khu vực Trung Bộ và còn phức tạp khi đi vào Biển Đông.
Các chuyên gia cũng lưu ý, các khu vực ven bờ, theo dõi cập nhật liên tục các bản tin khi bão.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đề nghị Trung tâm Dự báo tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục những thông tin mới nhất về cơn bão Noru để các đơn vị có phương án ứng phó kịp thời, khi bão vào biển Đông, khu trú các khu vực trọng điểm ảnh hưởng của cơn bão này.
Phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng cập nhật các thông tin ứng phó và các phương án tổ chức di dân khi bão gần bờ.
Các đơn vị Tổng cục Khí tượng thủy văn đảm bảo hoạt động trạm quan trắc ổn định từ hệ thống trạm đo gió, radar.., đường truyền và xử lý số liệu thông suốt đảm bảo phục vụ công tác dự báo cảnh báo.
Tiếp tục theo dõi và tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến tiếp theo về diễn biến của cơn bão.
Video đang HOT
CÔNG ĐIỆN SỐ 29/CĐ-QG CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO NORU VÀ MƯA LỚN KÉO DÀI
Sáng 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 29/CĐ-QG chỉ đạo ứng phó bão NORU và mưa lớn kéo dài.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với khu vực ven biển các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:
- Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
- Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.
2. Đối với trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi:
- Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
- Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
- Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
3. Đối với các Bộ, ngành:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
- Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
- Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan tại địa phương đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú; hướng dẫn, điều tiết giao thông khu vực dự kiến bão đổ bộ, mưa lớn, ngập lụt.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu cá, khu nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ chứa thủy lợi, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công.
- Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, nhất là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc và sẵn sàng tổ chức nhắn tin đến thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng; chỉ đạo các các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
- Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đề điều ứng phó bão NORU
Tổng cục phòng chống thiên tai vừa ban hành Công văn số 963/PCTT-QLĐĐ ngày 24/9/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó bão Noru chuẩn bị đi vào biển Đông.
Công văn nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trên khu vực ngoài khơi phía đông Philippines đã xuất hiện cơn bão Noru. Khoảng đêm 25/9 đến sáng 26/9 bão đi vào biển Đông.
Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê điều các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Để chủ động ứng phó với bão, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tổ chức kiểm tra các tuyến đê biển, đê cửa sông; triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Thứ hai, kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt các công trình trực diện biển và có giải pháp đảm bảo an toàn.
Thứ ba, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều.
Thứ tư, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.
Khoảng tối và đêm 25/9 bão đi vào Biển Đông
Ngày 23/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có công văn gửi Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc nhận định khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông trong những ngày tới.
Công văn nêu rõ: Sáng 23/9, áp thấp nhiệt đới có vị trí ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 132,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 1.200km về phía Đông, cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi về phía Tây và có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất trên 80%.
Đến khoảng tối và đêm 25/9, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa). Sau đó, bão còn có khả năng tiếp tục di chuyển nhanh về phía Tây, hướng về đất liền nước ta.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cung cấp thông tin cập nhật về diễn biến cơn bão.
Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 495/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hải quân Mỹ dự báo vị trí và đường đi của bão Noru.
Áp thấp ngoài khơi Philippines mạnh lên thành bão Noru, hướng về Biển Đông
Chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Noru – Báo Tiền phong đưa tin.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều khả năng đêm 25/9 đến sáng 26/9, bão Noru sẽ vượt qua Philippines đi vào phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành bão số 4 của mùa mưa bão năm nay.
Khi vào Biển Đông, bão có khả năng mạnh thêm, hướng về phía đất liền nước ta và gây ra đợt mưa lớn ở miền Trung trong khoảng 27-29/9. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đang theo dõi chặt chẽ và cập nhật diễn biến mới nhất về bão Noru.
Ông Lâm cũng cho biết, đêm nay (23/9) đến đêm mai (24/9) sẽ là đỉnh điểm của đợt mưa lớn đang diễn ra ở miền Trung, miền Bắc. Trong đó lượng mưa phổ biến khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị từ 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.
Dự báo mưa dông ở miền Bắc kéo dài đến khoảng 25/9. Từ 26/9 mưa giảm. Tuy nhiên ngay sau đó, miền Bắc, miền Trung có thể đối mặt với mưa rất lớn do bão số 4 gây ra. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Ông Lâm cho biết thêm, miền Trung đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay, trong đó đỉnh điểm là tháng 10 và 11. Khu vực này có thể đối mặt với nguy cơ mưa bão dồn dập, kéo dài theo khả năng xảy ra lũ lụt và sạt lở đất.
Dự báo trong tháng 10, tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực trên cả nước đều cao hơn hẳn trung bình nhiều năm, trong đó miền Bắc có thể cao hơn từ 20-40%, Nam Bộ có thể cao hơn 10-20%, miền Trung có thể cao hơn từ 20-50%. Đáng kể nhất là Tây Nguyên, lượng mưa trung bình trong tháng 10 năm nay ở khu vực này có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 40-80%.
Mưa lũ hoành hành Bắc bộ, Thủ tướng ra công điện ứng phó
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi UBND TP.Hà Nội và các tỉnh thuộc Bắc bộ, Bắc Trung bộ... yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ.
Theo đó, những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Lũ tràn về trong đêm khiến việc sơ tán, di chuyển tài sản của người dân ở xã Gia Thủy (H.Nho Quan, Ninh Bình) gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh MINH HẢI
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và các tỉnh chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương...
Tháng 9, giải ngân hơn 5.700 tỷ đồng cho các dự án giao thông Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hơn 50.300 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3, kết nối quận Long Biên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do 4 nhà thầu đảm nhiệm...