Báo Nga: Thời kỳ khó khăn của Trung Quốc
Ngày 25/8/2015, Tờ “Bình luận quân sự” (Nga) đã cho đăng bài viết với tiêu đề như trên của học giả Nga Igor Kabardin. Xin được giới thiệu tiếp bài viết này.
Ngày thứ hai 24/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc có phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2007 (hơn 8%) và theo sau nó là các thị trường chứng khoán toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đã được viết và nói tới từ lâu, nhưng cuối cùng đã được thế hiện rõ qua những gì đã nhìn thấy được. Cách đây không lâu, Trung Quốc đã làm cả thế giới phải chú ý khi phá giá đồng nhân dân tệ.
Tuy quy mô phá giá không quá lớn nhưng nó phản ánh một lựa chọn khó khăn mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải quyết định.
Một mặt, tiếp tục làm mất giá đồng nhân dân tệ vói nhiều khả năng là có thể kích hoạt lại nền kinh tế ,nhưng mặt khác – nếu như vậy (tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ) thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào mức sống của dân chúng vốn đang cực kỳ bất mãn trước sự chia rẽ giàu nghèo.
Nhưng như thế chưa phải là hết. Sự sụt giảm của thị trường vốn hiện này, có nhiều khả năng là liên quan không chỉ đến các thảm họa công nghệ mới đây mà còn liên quan đến bối cảnh chính trị không ổn định bên ngoài Trung Quốc.
Thị trường Thượng Hải lao dốc ngày 27/7.
Tháng 9 tới, trong cuốn lịch chính trị của Trung Quốc được mở đầu bằng ngày lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc chiến tranh Trung – Nhật… và kỷ niệm ngày kết thúc các cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương.
Còn một ngày nữa, không phải là ngày lễ – đó là ngày ký kết Hiệp ước hòa bình San Fransisco 8/9/1951. Hiệp ước hòa bình này có tiếng ở chỗ là chính nó đã “đẻ” ra phần lớn các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, kể cả những tranh cãi về quy chế của Đài Loan .
Ngày 13/8/2015, Chánh văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các quan chức cao cấp Mỹ tại Washington. Bắc Kinh cần Mỹ thôi ủng hộ Đài Loan, tuy nhiên Trung Quốc có vẻ như đã có trong tay các phương án khác thay thế.
Trước chuyến thăm trên (của Vương Nghị) một tuần, tờ Global Times đã cho công bố thông tin về việc PLA bắt đầu triển khai đóng tàu sân bay nguyên tử cho Hải quân để bổ sung thêm cho tàu sân bay “Liêu Ninh”. Đế quốc tự coi mình là trung tâm trời đất này lại sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn.
Chiến lược “quay lại Châu Á” của Mỹ không chỉ tính đến sự hiện diện của chính các lực lượng Mỹ ven bờ biển Trung Quốc mà còn hướng tới việc xây dựng một lực lượng đối trọng khu vực để kiềm chế Bắc Kinh. Về mặt lý thuyết, chỉ có 3 nước có thể trở thành đối trọng như vậy đối với Trung Quốc – đó là Nga, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tuy nhiên, Liên Bang Nga không có ý định trở thành đối thủ của Trung Quốc vì những lý do dễ hiểu. Nhật Bản chưa thật sự đủ mạnh để có thể đối đầu toàn cầu mặc dù đã được Mỹ tăng cường tiềm lực bằng cách trả lại quần đảo Ryukyu và cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại. Đối với Ấn Độ thì tình hình địa chính trị của nước này rất đặc thù và khó để sử dụng hết các khả năng của Ấn Độ để làm suy yếu Trung Quốc.
Từ cuối năm ngoái (2014), bối cảnh chung tại Châu Á ngày càng trở nên căng thẳng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng Ấn Độ tràn ngập tin tức về việc các tàu ngầm Trung Quốc thăm các cảng của Shri Lanka và Pakistan.
Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tiễu cho Việt Nam, còn Philippines rất quan tâm đến việc mua các phương tiện kỹ thuật đang được thanh lý nhưng còn rất tốt của Nhật Bản: tàu mang máy bay lên thẳng lớp “Shiran”, các máy bay tuần tiễu “Orion”, các tàu ngầm.
Indonesia cũng đã công khai tuyên bố là sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên20 tỷ đô la do quan ngại “mối đe dọa Trung Quốc” – dù trước đó nước này không quá can dự đến các cuộc tranh chấp của các nước láng giềng.
Video đang HOT
Cũng cần phải bổ sung thêm vào “danh mục những vấn đề” – các vụ khủng bố ở Thái Lan, – chúng đã ngay lập tức được báo chí địa phương (Thái Lan) gắn với những phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ ở Đông Turkestan (Tân Cương).
Trước đấy, báo chí đưa tin là Trung Quốc và Thái Lan đã đạt được sự nhất trí xây dựng kênh đào (Kra – qua eo đất hẹp ở Nam Thái lan – ND) và mặc dù các thông tin rò rĩ này bị các quan chức cả hai nước tức giận bác bỏ, nhưng như các cụ nói là không có lửa làm sao có khói.
Có nhiều cơ sở để cho rằng các đòn tấn công khủng bố (vùa qua tại Thái Lan) không chỉ nhằm vào nước này, mà còn nhằm vào chính vị thế của Trung Quốc ở Thái Lan. Trong trường hợp tình hình phát triển không thuận lợi thì các cuộc đàm phán bí mật về việc xây dựng kênh đào qua eo đất Kra (nối biển Adaman với Biển Đông) sẽ bị gác lại vô thời hạn.
Cùng lúc đó, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Nếu các cuộc đấu súng qua biên giới dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện (xác suất này là có mặc dù không lớn), thì Bắc Kinh phải đối mặt với một sự lựa chọn không hề dễ dàng: bảo vệ đồng minh hay là không.
Nếu chọn phương án một – Trung Quốc sẽ phải tham gia vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn, – còn nếu chọn phương án hai – Trung Quốc sẽ mất mặt và tình hình mất ổn định trong nước sẽ gia tăng. Trong khi đó thì Mỹ – một nước đã từng dành rất nhiều nỗ lực để làm tan băng xung đột giữa hai miền Triều Tiên, những gì đang xảy ra là có lợi cho họ.
Trung Quốc buộc phải tính tới tất cả các thực tế trên. Để chống lại Trung Quốc, một kế hoạch đã từng được sử dụng chống Liên Xô, và sau đó chống Nga cũng sẽ (hoặc đã) được triển khai – làm suy yếu nước này thông qua việc tạo ra những điểm (khu vực) xung đột và gây mất ổn định ở ngoại vi Trung Quốc. Trong những điều kiện như vậy, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một cách phản ứng thích hợp đối với các thách thức đó.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga cũng rất phức tạp, dù có đủ lời cam kết các kiểu về tình “hữu nghị” và các cuộc tập trận chung. Tháng 6 năm nay, phía Nga mới biết là Trung Quốc đã lẳng lặng tham gia vào các biện pháp cấm vận chống Nga. Tháng 8/2015, Trung Quốc ra lệnh cấm xuất khẩu các máy bay không người lái chất lượng cao, các siêu máy tính, cố tình quên không dành cho “người bạn thân” Phương Bắc (Nga) một ngoại lệ nào cả.
Trong tình huống như vậy, Bộ Ngoại giao Nga có thể sẽ sớm nhắc nhở “đối tác” (Trung Quốc) rằng ” tình cảm đồng minh ” không phải là một dịch vụ giá rẻ và quyết không thể là “miễn phí”. Cũng tương tự như vậy với đường biên giới “yên ổn” kéo dài hàng nghìn km. Trong trường hợp ngược lại, Liên Bang Nga có quyền quay ngoắt 180 độ và bắt đầu lên tiếng thảo luận về những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tất nhiên, một sự thay đổi đột ngột như vậy trong chính sách đối ngoại của Nga là khó xảy ra, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn.
Trong mùa thu năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc phải bằng cách này hay cách khác chứng minh cho dân chúng của mình rằng nước này đã sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức. Nói đến vấn đề này thì phải đề cập đến một mối đe dọa nữa, và có thể đây mới là mối đe dọa chủ yếu đối với “Thiên Triều”.
Dân chúng Trung Quốc ngày càng bất bình trước sự bất bình đẳng, còn giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn loay hoay chưa đưa ra được một hình mẫu tương lai nào đủ sức hấp dẫn họ. Người Trung Quốc nói chung là một dân tộc không quá nổi tiếng về đức tính nhẫn nhục và họ dễ nổi nóng hơn nhiều dân tộc khác.
Giới lãnh đạo Trung Quốc và đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình quá hiểu đặc điểm tính cách này của “con dân” mình. Có lẽ vì thế mà dư luận này càng hiểu rõ hơn tại sao Chủ tịch Trung Quốc trong các cuộc họp với giới lãnh đạo nước này, – như các phương tiện thông tin đại chúng Hồng Kông khẳng định,- đã nhiều lần tuyên bố rằng đất nước (Trung Quốc) đang trên bờ vực sụp đổ.
Khách du lịch nước ngoài khi đang ngắm các tòa nhà chọc trời tại các thành phố của Trung Quốc có thể rất khó tin vào điều này, nhưng bản thân người Trung Quốc thì không có quá nhiều ảo tưởng (vào những tòa nhà chọc trời như vậy).
Trong bất cứ trường hợp nào, dù có hay không những biến động lớn đang chờ Trung Quốc ở phía trước – có một điều chắc chắn là các chuyên gia nghiên cứu đất nước này sẽ không thất nghiệp.
Theo Lê Hùng
Đất Việt
Trung Quốc có còn mạnh?
Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng tiền giảm giá và vụ nổ gây thiệt hại lớn ở kho cảng Thiên Tân là những chủ đề nóng về Trung Quốc mà các hãng truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải những ngày vừa qua.
Thực tế này khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ suy thoái. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu của "Thập niên Trung Quốc", thời điểm mà sự ảnh hưởng của cường quốc mới nổi này trên thế giới đang bước qua một ngưỡng quyết định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)
Tạp chí TIME đưa ra 5 thực tế giải thích vì sao sự lớn mạnh của Trung Quốc vẫn là điều chắc chắn, ngay cả khi nước này đối mặt với những tin tức tồi tệ.
Mùa hè khắc nghiệt
Các chỉ số kinh tế đều cho thấy một sự sụt giảm của Trung Quốc trong một khoảng thời gian - xuất khẩu giảm 8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ 12/6 đến 8/7, thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 32%. Ngày 27/7, thị trường này mất 8,5%, mức tụt giảm lớn nhất trong một ngày đơn lẻ.
Ngày 11/8, chính phủ Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để khởi động nền kinh tế đang chậm dần của nước này. Đến cuối tuần, giá trị đồng tiền này đã mất 4,4%, mức giảm lớn nhất trong 20 năm qua.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại nhưng vẫn ở mức mà bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng thèm muốn. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tiến đến vị trí số 1.
Năm 2014, tổng GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ tính theo sức mua. Theo cách tính này, Trung Quốc chiếm tới 16,32% GDP của thế giới năm 2014, lớn hơn Mỹ (16,14%).
Ấn tượng hơn cả quy mô nền kinh tế Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng. Năm 2000, xuất - nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 3% tổng lượng hàng hóa được mua bán trên toàn cầu. Nhưng năm 2014, con số này đã vọt lên hơn 10%.
Năm 2006, Mỹ là đối tác thương mại lớn hơn Trung Quốc của 127 nước. Đem so thì Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại lớn hơn Mỹ của 70 quốc gia. Ngày nay, các con số đó đều đã đảo chiều: 124 nước giao thương với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ.
Sự kiên cường của Trung Quốc
Bất chấp những bất ổn mới đây, nền kinh tế Trung Quốc vẫn rất mạnh. Một phần là bởi các nhà lãnh đạo đã dành nhiều thập niên để tạo dựng các kho dự trữ ngoại hối và ngày nay chúng có giá trị 3,7 nghìn tỷ USD, cao nhất thế giới.
Quan trọng hơn nữa, đó là ban lãnh đạo chính trị dưới quyền ông Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, chứng kiến 414.000 quan chức bị kỷ luật và 200.000 người khác bị kết tội.
Những việc làm cương quyết như vậy đã giúp cho chính phủ của ông cải thiện được tín nhiệm trong dân chúng.
Đẩy mạnh sự thịnh vượng (và ảnh hưởng)
Một ban lãnh đạo thống nhất còn giúp ích cho Bắc Kinh theo đuổi chiến lược toàn cầu toàn diện.
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư trên khắp thế giới. Các khoản vốn nước này rót vào châu Phi tăng từ 7 tỷ USD năm 2008 lên 26 tỷ USD năm 2013, giúp cho lục địa này xây dựng được nhiều tuyến đường mới, cả đường bộ lẫn đường sắt và cảng biển.
Ở Mỹ Latinh, Trung Quốc còn cam kết đầu tư 250 tỷ USD trong thập niên tới đây, tạo cho Bắc Kinh một nền móng vững chắc ở phương Tây. Điều này giúp cho cường quốc châu Á gia tăng sự ảnh hưởng ra bên ngoài khu vực, đảm bảo các nguồn cung dài kỳ về những mặt hàng mà nước này cần để tiếp sức cho nền kinh tế, tạo việc làm cho lao động trong nước và giúp mở thêm các thị trường mới cho xuất khẩu.
Trung Quốc còn muốn dùng tiền để tái định hình cấu trúc tài chính thế giới. Mới đây, Trung Quốc mở Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Trong số 57 nước tham gia như các thành viên sáng lập có một số đồng minh của Mỹ, bất chấp sự phản đối từ Washington. Với các sáng kiến như AIIB, Bắc Kinh sẽ tiếp tục rót vốn cho các dự án hạ tầng trong những năm sắp tới.
Thách thức
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức dài hạn.
Đến năm 2050, ước tính lực lượng lao động của nước này sẽ giảm 17%. Về nhân khẩu học - vào năm 1980, tuổi trung bình của lực lượng lao động ở Trung Quốc là 22,1; năm 2013 là 35,4 và đến năm 2050 là 46,3.
Một lực lượng lao động già hóa được ví như một ngôi sao bóng đá tuổi cao: cần nhiều tiền hơn và không năng suất như thời trẻ.
Ô nhiễm tiếp tục khiến Trung Quốc phải trả giá - chưa đầy 1% trong tổng số 500 thành phố của nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng không khí mà Tổ chức Y tế thế giới đặt ra.
Bộ Môi trường Trung Quốc thừa nhận, gần 2/3 lượng nước ngầm và 1/3 nước bề mặt "không phù hợp cho tiếp xúc của con người".
Một nghiên cứu mới ước tính, 4.000 người Trung Quốc chết sớm mỗi ngày do ô nhiễm không khí.
Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu, ban lãnh đạo nước này sẽ phải giải quyết nhu cầu lớn hơn của người dân về nước và không khí sạch.
Rõ ràng, sự lớn mạnh của Trung Quốc đang làm thay đổi trật tự đã được thiết lập của thế giới. Thế nhưng, những yếu điểm của nước này cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu. Còn quá sớm để khẳng định yếu tố nào trong hai mặt kể trên gây bất ổn hơn, nhưng dù thế nào thì thế giới vẫn sẽ được định hình bởi cả những thành công lẫn thất bại của Bắc Kinh.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet
Mỹ đau đầu với Putin, chóng mặt vì Trung Quốc Sự cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến Mỹ đau đầu, trong khi sự bất định của Trung Quốc cùng với trục trặc trong nội tại của nền kinh tế nước này khiến Tổng thống Obama chóng mặt. Căng mình đối phó Truyền thông Mỹ vài ngày gần đây liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến...