Báo Nga: NATO vu khống Nga muốn tấn công hạt nhân vào Thụy Điển
Quốc hội Nga gọi báo cáo của NATO cho rằng Nga định tấn công hạt nhân vào Thuỵ Điển là nhằm phỉ báng thành công của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và biện minh việc triển khai hệ thống tên lửa gần biên giới Nga.
Máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 tập trận thả bom trong cuộc diễn tập quân đội quốc tế Aviadarts ở trường bắn Dubrovichi gần Ryazan, Nga ngày 2.8.2015. NATO cho rằng các máy bay Tu-22M3 vào năm 2013 đã có cuộc tập trận mô phỏng tấn công hạt nhân vào Thuỵ Điển – Ảnh: Reuters
Theo hãng tin RIA ngày 4.2, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultkvist đã bình luận với hãng tin Thụy Điển TT về các thông tin trong báo cáo thường niên của Tổng thư ký NATO về sự mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Thụy Điển trong các cuộc tập trận của Nga 3 năm trước đây, ông nói rằng các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Thụy Điển là đáng quan ngại.
Báo cáo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga đã tiến hành 18 cuộc tập trận quy mô lớn trong năm 2013. Những cuộc tập trận này bị ông Stoltenberg cáo buộc là sự diễn tập cho một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào các nước thành viên và các đối tác của NATO, đặc biệt cuộc tập trận trong tháng 3.2013 là có chủ đích nhắm vào Thụy Điển.
Quốc hội Nga gọi những thông này trong báo cáo của ông Stoltenberg là một nỗ lực nhằm phỉ báng các thành công của Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và để biện minh cho việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới với Nga.
“Thụy Điển quan ngại về sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga trong khu vực. Tình hình tại đây xấu đi bởi những hành động khiêu khích của Nga, chẳng hạn gia tăng các hoạt động tập trận, do thám mà chúng ta được chứng kiến trong những năm qua, đặc biệt là sau việc sáp nhập Crimea và kể từ khi Nga gây xung đột căng thẳng với Ukraine”, Bộ trưởng Peter Hultkvist phát biểu với TT.
“Tôi không có bất kỳ lý do gì để phản đối hoặc bác bỏ những cứ liệu trong báo cáo hàng năm của NATO”, ông Peter Hultkvist nói tiếp.
Theo ghi nhận của tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter, trong báo cáo thường niên của NATO mới đây không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về các cuộc “tập trận – tấn công hạt nhân nhắm vào Thụy Điển” trong năm 2015 mà chỉ nói chung chung rằng Nga có phát triển hoạt động quân sự tại khu vực này.
Video đang HOT
Báo Dagens Nyheter cũng cho biết việc báo cáo (của NATO) nhắc tới những cuộc tập trận (của Nga) được coi như là lời xác nhận chính thức đầu tiên về thông tin mà tờ báo Thụy Điển Svenska Dagbladet đưa ra 3 năm trước đây, từng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận trong nước cũng như quốc tế.
Theo báo Svenska Dagbladet, ngày 29.3.2013, bốn máy bay ném bom Nga Tu-22M3, kèm theo hai tiêm kích Su-27, đã mô phỏng cuộc tấn công nhắm vào Thụy Điển trên không phận quốc tế trên đảo hoang Gotska Dandn. Các máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển lúc đó không thể cất cánh để ngăn chặn, vì nhiều phi công đang được nghỉ cuối tuần. Được thông báo, hai máy bay F16 của Đan Mạch đã cất cánh từ căn cứ của NATO tại Lithuania. Tuy nhiên, khi máy bay Đan Mạch tới nơi thì các máy bay của Nga đã không còn ở trong khu vực đó.
Các phương tiện truyền thông Thụy Điển lúc đó cho rằng mục đích có thể của các cuộc tập trận của Nga là nhắm vào một trong những cơ sở hạ tầng thông tin vô tuyến viễn thông của Bộ Quốc phòng Thụy Điển (FRA) ở gần Stockholm và căn cứ không quân ở tỉnh Smland ở miền nam Thụy Điển.
Máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 và tên lửa hành trình mang bên dưới – Ảnh: Reuters
Báo Dagens Nyheter nhắc lại rằng ông Carl Bildt, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, đã gọi nội dung bài viết của báo Svenska Dagbladet là vô căn cứ.
Nhưng ông Peter Hultkvist, lúc đó là chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Quốc hội, lại có quan điểm khác. “Sự kiện này là khiêu khích và cách tiếp cận vấn đề của chính phủ hồi đó đã bị chỉ trích. Những gì đã xảy ra là một sự xác nhận thực tế rằng Nga tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực của chúng ta, và xu hướng này tiếp tục gia tăng”, ông bình luận về sự kiện 3 năm về trước.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển giờ đây mới lên tiếng về sự kiện của 3 năm về trước, chỉ sau khi NATO có báo cáo về những sự kiện ấy, bị phía Nga coi là sự dựa hơi không đáng tôn trọng. Bản thân báo cáo của NATO cũng bị Nga coi là xuyên tạc, vu khống. Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng những cuộc diễn tập quân sự của mình không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào.
Mối quan hệ giữa Thụy Điển và Nga trở nên căng thẳng trong vài năm gần đây, trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn về việc Crimea và Sevastopol đã trở thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3.2014, trong đó phần lớn người dân đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Moscow khẳng định việc tổ chức cuộc trưng cầu ở Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Tuy nhiên Thụy Điển vẫn tích cực ủng hộ Kiev trong việc coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine.
Từ chuyện này, Ukraine đã mời cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt làm thủ tướng nước mình thay cho đương kim thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, với lý do ông Yatsenyuk thiếu khả năng điều hành nền kinh tế.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
NATO từ chối bình luận về cảnh báo Nga tấn công Thụy Điển
NATO cho biết không nói thêm gì ngoài những điều đã đề cập trong báo cáo mới đây cảnh báo Nga có ý định tấn công hạt nhân vào Thụy Điển, theo TASS ngày 4.2.
Chiếc Su-27 của Nga được cho nằm trong bài diễn tập mô phỏng tấn công Thụy Điển - Ảnh: Reuters
Phía Nga vẫn chưa có động thái nào về những báo cáo của NATO. Tuy nhiên hãng tin TASS của Nga cho biết đã đặt câu hỏi với NATO và được thông báo rằng tổ chức này "không có gì để bình luận thêm vào những điều đã nói trong báo cáo".
Trước đó, báo tiếng Anh của Thụy Điển The Local đăng tải thông tin về việc một báo cáo thường niên do NATO đưa ra vào ngày 28.1, nói rằng đợt tập trận của Nga cách đây 3 năm chính xác là nhằm mô phỏng tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Thụy Điển.
"Là một phần trong việc tái vũ trang quân sự toàn diện của mình, cuộc thao diễn quân sự của Nga đã đạt tới mức độ cao nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh", The Local dẫn báo cáo của NATO.
Theo đó, vào ngày 29.3.2013, đội máy bay chiến đấu của Nga đã bay qua Vịnh Phần Lan và đến khu vực cách biên giới Thụy Điển ở đảo Gotland từ 18 đến 24 dặm (khoảng 29 đến 38,5 km). Địa điểm này cũng chỉ cách thủ đô Stockholm của Thụy Điển 160 km, theo Business Insider.
Câu chuyện này lan truyền trên các mặt báo quốc tế. Thời điểm ấy quân đội Thụy Điển đã phản ứng chậm chạp và phải nhờ đến NATO. Một số phương tiện truyền thông Thụy Điển cũng suy đoán rằng bài tập tấn công của Nga mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân nhưng không thể xác nhận.
Tuy nhiên, một báo cáo của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khẳng định bài tập trên nằm trong những sự chuẩn bị của Nga cho những đợt tấn công hạt nhân nhằm vào các thành viên NATO. Bản báo cáo này phát hành ngày 28.1 như đã nêu, nhưng mới chỉ thông báo rộng rãi ở Thụy Điển vào ngày 3.2.
"Trong 3 năm qua, Nga đã tiến hành ít nhất 18 cuộc tập trận quy mô lớn, một trong số đó có sự tham gia của hơn 100.000 binh sĩ. Những cuộc tập trận này mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các thành viên NATO (ví dụ tập trận ZAPAD) và các thành viên khàc (ví dụ mô phỏng tấn công Thụy Điển vào tháng 3.2013)", Business Insider dẫn báo cáo của ông Stoltenberg.
Quân đội Thụy Điển được cho cũng đang chuẩn bị tinh thần đối mặt những diễn biến quân sự xấu nhất với Nga - Ảnh: AFP
Báo cáo này cũng xác nhận 4 máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 và 2 tiêm kích Sukhoi Su-27 đã tham gia vào bài tập tấn công kể trên. Ngoài ra, những địa điểm có khả năng là mục tiêu tấn công gồm căn cứ quân sự ở Smaland, miền nam Thụy Điển, và cơ quan thông tin tình báo bên ngoài Stockholm.
Mối quan hệ giữa Thụy Điển và Nga căng thẳng trong vài năm nay. Vài ngày trước,The Local cũng dẫn tin tức rò rỉ từ quân đội cho biết Thụy Điển đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Nga trong tình huống xấu nhất.
Bộ Quốc phòng Nga trong khi đó nhiều lần tuyên bố rằng những cuộc diễn tập quân sự của họ không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Nga mượn IS khoe trực thăng: Dìm hàng Trung-Mỹ Nga đánh giá trực thăng là vũ khí không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tự nhận trực thăng Nga là lựa chọn tối ưu. Điểm mặt khách hàng tiềm năng Tuần báo thông tin công nghiệp-quốc phòng VPK của Nga nhận định trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng hoạt động và...