Báo Nga: Mỹ “đừng hòng” kêu gọi châu Á trừng phạt Moscow
Theo Tiếng nói nước Nga, các nước châu Á lại phải chịu áp lực trước sức ép từ phía Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang thực hiện chuyến công du các nước trong khu vực, thúc giục họ phải tham gia các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu chống lại Nga.
Ngoại trưởng Mỹ (Photo: East News/AP)
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, vào ngày thứ Sáu sẽ đến Nhật Bản. Theo lời ông, cơ hội thành công là rất mong manh. Ông ta thú nhận rằng, các nước châu Á chắc không áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Video đang HOT
Cũng theo Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc ngay từ đầu không ủng hộ Hoa Kỳ trong vấn đề này. Hơn nữa, trong khi Washington lần đầu áp dụng lệnh trừng phạt chống lại nước Nga thì Bắc Kinh đã ký kết hợp đồng khí đốt với Moscow trị giá 400 tỷ USD.
Và bây giờ, khi phương Tây đang cố gắng bóp nghẹt ngành năng lượng Nga, thì các nhà sản xuất thiết bị dầu khí hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Nga.
Trong bối cảnh đó, chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ đã không mang lại kết quả mong muốn và rõ ràng đã gây tác động tiêu cực đến hình ảnh của Washington.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, bất kỳ áp lực của Hoa Kỳ lên Hồng Kông – trung tâm tài chính của châu Á – thúc giục họ phải tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga đều là vô ích. Hồng Kông sẽ tuân thủ đường lối của Bắc Kinh.
Do yếu tố Trung Quốc, Tokyo phải ủng hộ Hoa Kỳ trong vấn đề trừng phạt Nga. Hoa Kỳ hứa sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp có nguy cơ trực tiếp từ phía Trung Quốc. Vì thế Tokyo không thể không tuân theo đồng minh chính của mình trong vấn đề các biện pháp trừng phạt chống Nga, Tiếng nói nước Nga bình luận.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông ông Valery Kistanov, Tokyo không muốn và không thể tranh cãi nghiêm trọng với Moscow: “Thủ tướng Abe không muốn mất đi những thành tựu trong sự hợp tác với Nga. Tình hình của Nhật Bản khá phức tạp, họ không muốn xúc phạm Nga và đồng thời muốn đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.
Mỹ không hài lòng với điều này, họ yêu cầu Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, chứ không phải những biện pháp mang tính hình thức. Nhưng, Nhật Bản không thể từ chối dầu khí của Nga, đó là mối nguy cơ chết người đối với Tokyo. Nhật Bản cũng không thể dừng lại hoạt động của các nhà máy lắp ráp ô tô trên địa bàn Liên bang Nga – bước đi này sẽ giáng đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, bây giờ Tokyo tiếp tục mặc cả về vấn đề này”.
Nỗ lực của Hoa Kỳ ép buộc Hàn Quốc tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga đã bị thất bại. Seoul hiểu rõ rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga sẽ đánh vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhưng, khác với châu Âu, Seoul xuất phát từ những cân nhắc thực dụng chứ không phải chính trị. Ngoài ra, Hàn Quốc không muốn tham gia các biện pháp trừng phạt Nga do yếu tố Trung Quốc.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga Alexander Vorontsov cho biết: “Khác với Nhật Bản, vị thế của Hàn Quốc trên vũ đài quốc tế là vững chắc hơn. Nước này đang cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí cố gắng lôi kéo Bắc Kinh về phía mình để cùng nhau chống Bắc Triều Tiên.
Có nghĩa là, Seoul phải tính đến lập trường của Trung Quốc trong vấn đề trừng phạt Nga cũng như trong các vấn đề khác trong khu vực, bao gồm cả vấn đề an ninh. Và các biện pháp trừng phạt chống Nga, đặc biệt nếu nhiều nước trong khu vực sẽ áp dụng các biện pháp này, sẽ làm gia tăng sự căng thẳng và bất ổn. Hàn Quốc bắt đầu thực thi chính sách xây dựng trong quan hệ với Trung Quốc.
Vì thế, Seoul chú trọng quan điểm của Trung Quốc hơn quan điểm của Mỹ, và đánh giá khách quan những hậu quả có thể có từ các biện pháp trừng phạt chống Nga”.
Hôm 31/7, tại New Delhi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga. Song, tại một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói rõ: New Delhi ủng hộ Nga về mặt chính trị, vì thế khó có thể thuyết phục Ấn Độ phải thay đổi lập trường đã được tuyên bố trước đây.
Theo NTD/Bizlive