Báo Nga: Mỹ đang thổi phồng mối đe dọa với Trung Quốc
Sputnik dẫn lời chuyên gia cho rằng, rất khó có thể xem Trung Quốc đang thực sự gây bất ổn như thế nào ở Thái Bình Dương.
Tờ Sputnik (Nga) ngày 1/7 dẫn bình luận của nhà phân tích chính trị Alexander Mercouris về nguy cơ xung đột ở Biển Đông và các kịch bản có thể xảy ra. Ông Mercouris là một nhà quan sát quốc tế ở London (Anh), đặc biệt quan tâm đến Nga và pháp luật.
Hiện Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận chung lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ tổ chức (từ ngày 30/6) và Mercouris cho rằng cuộc tập trận đã làm nổi bật những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Wasington.
Video đang HOT
Tàu khu trục Lan Châu của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP
“Một mặt, Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên đối đầu với nhau ở Biển Đông và các nơi khác. Mặt khác, họ không muốn phải xác định rõ ràng là kẻ thù của nhau trong thời điểm hiện tại”.
Theo ông, sự tham gia của Trung Quốc vào RIMPAC năm nay rõ ràng là một sự thỏa hiệp. Rất nhiều quan điểm ở Mỹ xem Trung Quốc là kẻ thù, điển hình như Thượng nghị sĩ John McCain “chống Trung Quốc suốt đời”.
Alexander Mercouris bình luận, còn về phần mình, Trung Quốc không coi Mỹ là kẻ thù. Từ những năm 1970 Bắc Kinh đã thông qua chính sách “giấu mình chờ thời” và xác định không thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Bắc Kinh đang tập trung vào phát triển kinh tế, địa chính trị nhiều hơn.
“Trung Quốc đang trở thành một quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Họ vẫn chưa phải cường quốc toàn cầu như Mỹ. Vì vậy người Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra rằng, họ đang chuẩn bị để làm việc trong một hệ thống do Mỹ dẫn đầu”, Alexander Mercouris nói.
Ông cho rằng, vấn đề đối với Washington là nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có thể một ngày nào đó sẽ vượt qua Mỹ. Điều này đã dẫn đến cuộc xung đột ở Biển Đông, nơi Mỹ đã đẩy Bắc Kinh vào một bế tắc quân sự.
“Chính là Mỹ tự đưa mình vào các xung đột ở Biển Đông. Chính Mỹ đã cố gắng thành lập một “đường dây” giữa các nước Thái Bình Dương và họ đang rõ ràng chống lại Trung Quốc, mặc dù không ai nói ra. Chiến lược Mỹ xoay sang châu Á là để kiềm chế Trung Quốc. Và dĩ nhiên chính Mỹ đang thổi phồng mối đe dọa với Trung Quốc.
Tuy nhiên sẽ là vấn đề nếu Mỹ coi việc biến Trung Quốc thành kẻ thù sẽ giúp họ duy trì vị trí thống trị của mình. Rất khó có thể xem Trung Quốc đang thực sự gây bất ổn như thế nào ở Thái Bình Dương, người Mỹ nên xem lại cách tiếp cận của họ với châu Á.
Nếu một nước bên ngoài khu vực như Mỹ ra khỏi đây, tất cả các nước trong khu vực từng có một mối quan hệ lịch sử lâu dài với Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ đi đến một thỏa hiệp với Trung Quốc. Nếu Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp sẽ làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ và kéo dài”, Alexander Mercouris nhận định.
Những diễn biến và tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc trên thực tế không như học giả Mercouris bình luận trên Sputnik. Suốt thời gian qua, Trung Quốc khiến dư luận quốc tế bất bình với những hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, bồi đắp các đảo nhân tạo, kéo tên lửa máy bay ra khu vực Trung Quốc nhảy vào tranh chấp (và chiếm đóng bất hợp pháp) ở Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trong khi đó, Mỹ luôn khẳng định tôn trọng và mong muốn Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, chính giới Mỹ đã nhiều lần khẳng định Washington tôn trọng và mong muốn Trung Quốctrở thành cường quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự và luật pháp quốc tế hiện đại.
Ngày 30/6, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc tại Bắc Kinh (diễn ra từ ngày 5-7/6), Ngoại trưởng Kerry nói rõ rằng nếu Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”. Động thái này như là tín hiệu cho thấy Mỹ tăng cường kiềm chế Bắc Kinh, nhất là trước cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào đầu tháng 9 tại TP Hàng Châu – Trung Quốc.
Trong khi đó, về phía Nga, truyền thông nước này nhiều lần dẫn tuyên bố của quan chức Nga về quan điểm của Moscow liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông. Gần đây, trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, Đại sứ Nga tại Bắc Kinh, ông Andrei Denisov nói với báo chí rằng, những cáo buộc Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không có cơ sở thực tế. Ngược lại, ông cho rằng, Bắc Kinh quan tâm đến bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo Đất Việt