Bão Nari uy hiếp, hơn 150.000 người miền Trung sơ tán
Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang khẩn cấp sơ tán hơn 150.000 dân phòng tránh nguy hiểm trước khi cơn bão Nari, được cho là mạnh tương đương với bão Wutip đang áp sát với cấp 12-13.
Mặc dù bão Nari chưa đổ bộ vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuất hiện những cột sóng dội vào bờ cao 5-7m uy hiếp các khu dân cư ven biển. Ảnh: Trí Tín.
Sáng 14/10, người dân các tỉnh miền Trung hối hả đưa tàu thuyền lên bờ, giằng buộc cố định chống va đập tại các vũng neo đậu. Hàng chục nghìn hộ dân ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng dùng bao tải xúc cát, dây thừng giằng mái nhà chắc chắn để chống bão số 11.
Mặc dù bão Nari chưa vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh lên cấp 8, giật trên cấp 10, những cột sóng lớn từ 5 đến 7 m liên tục dội vào bờ. Dọc theo hai bên trục đường chính của huyện đảo Lý Sơn, gió lớn đã quật đổ nhiều cây và giật sập nhà ông Đặng Oai ở thôn Tây, An Hải. Hàng chục hộ dân đã được di dời đến vùng an toàn.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 54.000 hộ dân với 216.000 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết, tỉnh đã yêu cầu các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, huyện đảo Lý Sơn và các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà di dời gần 5.200 hộ dân với 21.300 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng bão, ngập lụt, sạt lở núi…
“Bão số 11 đổ bộ vào thì công tác sơ tán dân đến các trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố an toàn hoàn thành trước 21h tối 14/10. Riêng các huyện miền núi cần dựng ngay lều bạt tạm, di dời dân đến ở khu vực an toàn đề phòng nguy hiểm tính mạng do sạt lở núi. Nếu bão đổ bộ tỉnh sẽ chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (15/10)”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhận định, do có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 11, nên vùng biển Quảng Ngãi từ chiều nay đến ngày 15/10 sẽ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-13; biển động dữ dội. Vùng ven biển các địa phương phía bắc Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 6, giật trên cấp 7; sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10-11. Trong đất liền sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. “ Cơn bão số 11 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và còn có khả năng đổi hướng khi vào gần bờ nên người dân cần cẩn trọng đề phòng”, ông Sỹ nói.
Trước diễn biến phức tạp của bão Nari, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán khẩn cấp khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 nhân khẩu tại vùng ven biển quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn… hoàn thành trước 17h chiều nay.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng lo ngại, có nguy cơ tâm bão số 11 (sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15) có sức tàn phá chẳng khác gì cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006.
Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu thuyền, ghe thúng vào bờ trú tránh bão. Ảnh: Trí Tín.
Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng Trung ương dự báo, bão số 11 đổ bộ kèm theo mưa to ở phía bắc Quảng Nam khiến mực nước các sông dâng cao nhiều khả năng vượt trên báo động 3.
Video đang HOT
Để chủ động đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Quảng Nam sẵn sàng phương án di dời khoảng 7.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu ở các xã ven sông biển, vùng trũng các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và phố cổ Hội An. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam đã gửi công văn khẩn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Điều lo ngại nhất hiện này là toàn tỉnh có 32 trong tổng số 73 hồ chứa nước thủy lợi đã đầy nước.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, thành phố đang huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ di dời khoảng 8.000 người dân ở hai phường ven biển Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đến nơi trú tránh bão an toàn. Số hộ dân nhà yếu, nhà tạm còn lại cũng buộc phải sơ tán đến nhà ở kiên cố; các khách sạn ven biển gần khu vực Cửa Đại được yêu cầu tuân thủ sơ tán du khách vào sâu khu vực bên trong an toàn.
“Việc sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm chậm nhất hoàn tất lúc 16h tối nay. Người dân neo buộc tàu thuyền, giằng chống nhà cửa đã hoàn tất trong hôm nay”, ông Sự nói.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẩn cấp vào các tỉnh miền Trung chỉ đạo công tác phòng chống bão Nari. Chiều nay, Phó Thủ tướng thị sát, làm việc với Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn về phương án phòng chống bão tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trước đó, chiều 13/10, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, đây là cơn bão tương đương hoặc mạnh hơn so với cơn bão số 10 vừa qua. Do vậy các tỉnh cần tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp phòng chống, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giảm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất do bão, lũ gây ra. Tập trung tuyên truyền, thông báo, cảnh báo tình hình diễn biến cơn bão cho người dân địa phương nắm rõ tình hình để có thể chủ động để ứng phó với bão lũ.
Bão số 11 (tên quốc tế Nari) đang tăng cấp 15, 16, hướng vào các tỉnh ở khu vực miền Trung. Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây nguyên cho hay các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong hôm nay phải sơ tán 38.381 hộ dân với 155.544 người.
Dự báo chiều tối nay, tâm bão sẽ ập vào TP Đà Nẵng. Đến 16h, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (134-166 km/h), giật cấp 15, cấp 16. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 đến 4 m.
Trí Tín
Theo VNE
Bão Nari tiến sát miền Trung, Đà Nẵng gió đang giật rít liên hồi
Đà Nẵng, nơi được dự đoán sẽ là tâm bão Nari, lúc 20h, gió lớn giật liên hồi khiến nhiều mái nhà lợp tôn rung bần bật. Nhiều người hoảng sợ, đóng chặt cửa ở trong nhà. Nhiều nơi cây cối bị quật gãy, mái nhà đã bị tốc.
Con sông Hàn nước cuộn cao cả mét, đường phố vắng hoe người. Nhiều tuyến đường, khu vực ở trung tâm thành phố đã mất điện. Việc đi lại tại thành phố đã gặp rất nhiều khó khăn từ lúc 16h chiều nay. Có người đi xe máy trên đường bị gió quật ngã khiến nhiều người vội vã về nhà, không kịp mua lương thực dự trữ.
Sở chỉ huy phòng chống bão tại UBND TP Đà Nẵng đang túc trực để tiếp nhận và xử lý thông tin liên cơn bão số 11.
Bão Nari đã đến gần miền Trung. Ảnh chụp vệ tinh lúc 20h54.
Tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gió bắt đầu giật mạnh, mưa rào rào khắp nơi. Hàng nghìn người dân, nhất là người già, trẻ em ở làng chài Bình Hải co ro trong giá lạnh trú tránh bão Nari ở Trung tâm văn hóa Vạn Tường cầu mong cho cơn bão dữ chóng qua đi. Anh Vũ Trần, nhà tại khu vực Cảng Sa Kỳ, lo lắng: "Không biết tâm bão sẽ vào đâu đây". Do sự cố mất điện, hàng nghìn người trông chờ vào ánh nến, đèn pin cầu mong bão tan. Cả làng chài Phước Thiện và An Cường, xã Bình Hải nhà cửa đóng kín, đường làng vắng tanh. Cây cối hai bên đường oằn mình theo từng đợt gió lớn phát ra tiếng kêu răng rắc trong bóng tối rợn người.
Chiều nay, cơ quan chức năng đã hoàn tất sơ tán gần 2.000 hộ dân với hơn 7.700 nhân khẩu đến Đồn Biên phòng, Trung tâm văn hóa Vạn Tường. Còn ở huyện miền núi Trà Bồng cũng đã di dời hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở 8 điểm sạt lở, nứt núi đến nơi ở an toàn. Trước đó, lực lượng dân quân tự vệ cầm loa lưu động đi khắp đường làng kêu gọi người dân khẩn cấp sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm.
Người dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được di dời lên trường tiểu học Lê Văn Hiến tránh bão số 11.
Khu vực miền núi huyện Tây Giang và Đông Giang, Quảng Nam, mưa to theo từng đợt, gió giật ngày càng mạnh. Chính quyền các địa phương đã chuẩn bị kho thóc đủ dùng cho người dân trong 10 ngày nếu bị cô lập vì bão.
19h, tại huyện đảo Lý Sơn, gió rít tiếp tục phát ra từng chuỗi như tiếng hú, mưa như trút nước, sóng biển gầm gào trong đêm tối mịt mù. Bóng đêm bao trùm toàn huyện đảo vì sự cố mất điện.
Tại Thừa Thiên Huế,hầu hết cửa hàng kinh doanh đều đã đóng cửa. Các con đường đều đã vắng bóng phương tiện qua lại. TP Huế đang có mưa rất lớn kèm gió giật mạnh. Nước sông Hương cũng đang lên rất nhanh.
Thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) nơi giáp ranh với Đà Nẵng đang có gió giật mạnh, sóng lớn đổ dồn dập vào bờ kè ven đầm Lập An và vùng ven biển. Nhiều hộ dân đã được sơ tán đến nơi an toàn tránh bão.
Sân bay Phú Bài đã hủy toàn bộ chuyến bay từ sân bay Phú Bài cũng như các chuyến bay đáp xuống sân bay này. Hiện học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu nghỉ học tránh bão vào chiều nay.
Đồn Biên phòng Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) cũng dừng việc tìm kiếm thi thể hai anh em con cô con cậu là Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi) và Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi, cùng trú tại thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc). Trước đó, chiều ngày 13/10, do ảnh hưởng của bão số 11 nên vùng biển có sóng to, khi hai anh em đang đứng trên ghềnh đá thì bị sóng lớn ập đến và cuốn trôi.
Do ảnh hưởng bão Nari, vùng biển đảo Lý Sơn chiều 14/10 xuất hiện những cột sóng lớn 5 đến 7m dội vào bờ trắng xóa.
18h, tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gió lớn bắt đầu giật mạnh lên trên cấp 6, sóng biển dữ dội.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, gió lớn đã làm tốc mái hoàn toàn trường Tiểu học An Hải, khu chợ thôn Tây, xã An Hải, hư hỏng nặng một nhà dân và nhiều cây cối ngã đổ. Hiện tại, người dân huyện đảo Lý Sơn hoàn tất việc giằng chống tàu thuyền, nhà cửa. Chính quyền địa phương cũng đã di dời hơn 130 người dân ở vùng ven biển thôn Tây, xã An Vĩnh và Mom Tàu, xã An Bình đến vùng cao đề phòng nước biển dâng cao nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, gió lớn đã ập vào đảo Lý Sơn với tốc độ 28m/s (tương đương với cấp 11). Dự kiến từ đêm nay đến rạng sáng 15/10, tại huyện đảo Lý Sơn gió sẽ mạnh dần lên trên cấp 12, biển động dữ dội. Lượng mưa đo được đến chiều nay ở mức 140 mm.Trong cuộc họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, lưu ý các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế phải tiến hành sơ tán ngay người dân ở những vùng thấp trũng, nhà xiêu vẹo, kiên quyết không để người dân ở lại.
Nhiều người dân Đà Nẵng chiều nay đã giằng chống lại mái nhà. Ảnh: Mai Xuân Nhật.
Vị Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ quan hữu trách gia cố trụ ăng-ten, trụ phát sóng để không để xảy ra sự cố đáng tiếc như bão Wutip ở Quảng Bình; yêu cầu công an ba tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chốt chặn không cho xe lưu thông trên tuyến Ql 1A từ 18h chiều nay. Nhiều hành khách trên các xe khách Bắc - Nam sẽ phải nghỉ lại qua đêm nên cần thiết bố trí địa điểm tránh bão an toàn, thực phẩm và ước uống.
Tại Quảng Bình, mưa trên diện rộng, gió giật cấp 5, cấp 6. Nhiều gia đình đang hối hả lập lại mái nhà, chằng chống nhà cửa. Chỉ trong vòng 15 ngày mảnh đất nơi đây phải hứng chịu 2 cơn bão lớn, sau siêu bão Wutip hàng nghìn hộ dân vẫn chưa kịp khắc phục hậu quả.
Ngồi trên mái lợp lại ngôi nhà nhỏ bị tốc mái vừa qua, ông Trương Văn Tạo (83 tuổi, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) tâm sự, nhà ông tốc sạch mái vì bão Wutip nhưng chưa kịp sửa. "Nếu giờ bão đổ bộ chắc không ai kịp trở tay, thiệt hại sẽ khôn lường", ông lão lo lắng.
Đề chủ động ứng phó với bão Nari, chủ tịch Quảng Bình chiều nay đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị đình hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung ứng phó với bão, lũ. Tập trung kêu gọi tàu thuyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa. Đến 16h chiều, 3745 tàu thuyền khai thác thủy sản đã vào nơi tránh trú an toàn.
Tàu thuyền nhỏ được đưa lên bờ. Hiện gió cũng đã làm gãy nhiều cành cây, biển quảng cáo.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương, vào 1h sáng ngày 15/9, vị trí tâm bão ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 13 (134 - 149 km/h) và đến 4h sáng thì tâm bão ở trên đất liền các tỉnh này.
Trước khi vượt qua đảo Luzon (Philippines) để đi vào biển Đông và trở thành cơn bão thứ 11 trên vùng biển này, bão Nari đã đổ bộ vào miền bắc Philippines cuối tuần qua làm 13 người thiệt mạng, tốc mái hàng nghìn nhà cửa và hơn hai triệu người lâm vào tình cảnh mất điện.
Theo dự báo, năm 2013 sẽ có từ 11 đến 13 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.
Theo VNE
Đà Nẵng tất bật với bão số 11 Sáng nay, 14.10, gió bắt đầu thổi mạnh. Ven biển, những cột sóng cao dồn dập đánh vào bờ báo hiệu một cơn bão lớn đang tiến vào đất liền, mà theo chính quyền TP.Đà Nẵng, cơn bão này có sức gió tương đương với bão Xangsane vào năm 2006. Sóng biển bắt đầu tấn công vào khu dân cư, trong ảnh là...