Báo Mỹ: Trung Quốc muốn thống trị Ấn Độ Dương
Hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc triển khai thường trực tới Ấn Độ Dương và có kế hoạch sử dụng các cảng làm nơi cất giấu vũ khí bí mật và để hỗ trợ các hoạt động quân sự, tờ National Interest tại Washington đưa tin.
Một tàu tuần tra của hải quân Trung Quốc (Ảnh: CNS)
Tạp chí Mỹ cho hay Trung Quốc muốn thống trị Ấn Độ Dương sau khi Bắc Kinh triển khai tàu đổ bộ Changbaishan và một tàu ngầm tới khu vực.
Trung Quốc đã cố gắng tự đưa nước này thành một “nhân vật” quan trọng tại Ấn Độ Dương bằng cách tăng cường các chiến dịch chống hải tặc, các cuộc tập trận hải quân và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải. Các hoạt động này đã làm gia tăng lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có thực hiện các chiến lược hàng hải hung hăng hơn trong tương lai.
Các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc đã cập cảng Colombo tại Sri Lanka 2 lần hồi năm ngoái và Bắc Kinh được cho là đã thiết lập các cơ sở quân sự tại nước này. Trung Quốc cũng nắm giữ cổ phần chi phối tại cảng Hambantota ở đông nam Sri Lanka. Với các cổ phần lớn, các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã giành quyền điều hành 4 bến tàu tại cảng. Đổi lại, Sri Lanka được nới lỏng các điều kiện vay vốn.
Video đang HOT
Dù Bắc Kinh nói rằng các hành động trên nằm trong dự án “Con đường Tơ lụa trên biển” nhưng đã có những lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách củng cố chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm kiềm tỏa, bao vây Ấn Độ.
Trung Quốc cũng có thể thiết lập các căn cứ đa mục đích tại Ấn Độ Dương với khả năng hỗ trợ hậu cần cấp thấp, cho phép Bắc Kinh sử dụng một cảng thương mại để hỗ trợ các hoạt động quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc đe đậy một nơi cất giấu vũ khí bí mật.
Quân đội Trung Quốc đã phủ nhận chuyện từng thiết lập một căn cứ như vậy, nhưng Cộng hòa Seychelles được cho là đã mở cửa cảng của nước này cho các tàu Trung Quốc tham gia chiến đấu chống hải tặc tại Vịnh Aden và Tây Ấn Độ Dương vào năm 2011.
Bắc Kinh cần “sự hiện diện hàng hải” nếu muốn thống trị Ấn Độ Dương. Sự hiện diện của Trung Quốc có thể thách thức vai trò của hải quân Ấn Độ và giảm ảnh hưởng của New Delhi trong khu vực.
Theo Dantri/Want China Times
Mỹ ngừng mở rộng quan hệ quân sự với Trung Quốc
Lầu Năm Góc trong tuần này đã tuyên bố tạm ngừng việc mở rộng quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, khẳng định Washington sẽ không đồng ý tổ chức một cuộc giao lưu quân sự cấp cao mới cho tới khi hai nước có thể nhất trí về những qui định nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên không.
Tuy nhiên, các chuyến trao đổi đã được lên kế hoạch vẫn diễn ra đúng lịch trình.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ ngày 29/1 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay với quyết định trên, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ thể hiện quan ngại rằng việc mở rộng quan hệ quân sự với Bắc Kinh trong 18 tháng qua đã không thể ngăn chặn Trung Quốc tìm cách tăng cường những tuyên bố chủ quyền của nước này ở châu Á.
Các quan chức cho hay lãnh đạo hải quân của Mỹ và Trung Quốc đề xuất để một tàu sân bay Mỹ tới thăm Trung Quốc, song Lầu Năm Góc đã hoãn đưa ra quyết định cho tới khi hai bên hoàn tất một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên không.
Ông Obama (trái) trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2014 (ảnh: AFP/TTXVN)
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, cho rằng các chuyến giao lưu quân sự với Bắc Kinh có nguy cơ để lộ quá nhiều thông tin, trong đó có thể bao gồm cả những thông tin quan trọng về chiến lược quân sự của Mỹ. Theo ông, hoạt động đó sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc hiểu rõ hơn về cách thức Mỹ phản ứng với một tình huống.
Giới chức Lầu Năm Góc khẳng định họ có một qui trình chặt chẽ nhằm đảm bảo những thông tin nhạy cảm không được chia sẻ trong các cuộc giao lưu quân sự với Trung Quốc. Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định việc hoãn cử tàu sân bay tới thăm Trung Quốc chính là một ví dụ cho thấy điều đó.
Lãnh đạo Mỹ-Trung đã nỗ lực mở rộng quan hệ quân sự và cải thiện việc trao đổi thông tin liên lạc. Chủ trương này là nội dung chính trong thỏa thuận mà Chính phủ Mỹ đạt được với Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama hồi tháng 11/2014. Trong khuôn khổ chuyến thăm, giới chức hai bên đã tuyên bố đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên biển, sau vụ một tàu Trung Quốc áp sát quá gần tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Hải quân Mỹ trên Biển Đông hồi năm 2013.
Washington và Bắc Kinh cũng hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ trên không, sau vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc bay vòng qua một máy bay do thám P-8 của Mỹ hồi tháng 8/2014. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng việc đạt được thỏa thuận này phức tạp hơn nhiều thỏa thuận trên biển, đồng thời nhấn mạnh việc duy trì các chuyến giao lưu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ là một nền tảng trong cách tiếp cận của Mỹ nhằm duy trì ổn định tại châu Á.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Khám phá đất nước Haiti qua tuần lễ văn hóa tại Hà Nội "Tuần lễ văn hóa Haiti tại Việt Nam" nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa, âm nhạc, ẩm thực của Haiti, quốc đảo ở vùng Caribê vốn còn xa lạ với phần đông người dân Việt Nam. Đại sứ Haiti Jean Lesly Benoit phát biểu tại buổi lễ khai mạc "Tuần lễ văn hóa Haiti tại Việt Nam". Nhân kỷ niệm Quốc khánh...