Báo Mỹ: Tin tặc Trung Quốc dùng hình ảnh ngư dân Việt Nam để tấn công mạng
Những ai quan tâm đến tình hình châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đọc email chứa thông tin và hình ảnh cho thấy cảnh hải quân Thái Lan chĩa súng trấn áp ngư dân Viêt Nam. Nhưng ít ai ngờ email này ẩn chứa mã độc từ tin tặc Trung Quôc.
Tờ Wall Street Journal (My) vừa có bài hé lộ chiêu thức tấn công mạng của tin tặc Trung Quôc và mối liên hệ giữa tin tặc và quân đội nước này – Anh: AFP
Những người mở email trên đã vô tình tải về một phần mềm được lập trình để lùng sục thông tin nhạy cảm trên máy tính của họ để truyền lên internet, theo bài viết đăng tải ngày 23.9 của tờ Wall Street Journal (Mỹ).
Theo một báo cáo mới đây từ các chuyên gia an ninh Mỹ, “đạo diễn” vụ email này chính là Ge Xing, thành viên của một đơn vị trinh sát thuộc quân đội Trung Quốc.
Wall Street Journal cho biết Ge không mang dáng vẻ của tin tặc. Người này có giấy chứng nhận là chuyên gia trong một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến công nghệ, đó là chính trị Thái Lan. Ge thường xuyên đăng đàn trên mạng xã hội Trung Quốc, chia sẻ hình ảnh mình mới lên chức cha, hoặc hình ảnh mình là một người thích chạy xe đạp, sở hữu một chiếc xe hơi Volkswagen Golf màu trắng. Một số chia sẻ khác thậm chí còn có nội dung chỉ trích chính phủ.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm, sẽ thấy Ge có các hoạt động trực tuyến liên quan đến một nhóm các tin tặc Trung Quốc chuyên tấn công các mục tiêu mang ý nghĩa lợi ích chiến lược đối với chính phủ Mỹ, Wall Street Journal dẫn báo cáo từ 2 hãng an ninh mạng của Mỹ là ThreatConnect và Defense Group (DGI).
Washington trong vài tháng gần đây đã trở tay không kịp với một loạt đợt tấn công mạng và tin tặc được cho thuộc nhà nước Trung Quốc là nghi phạm hàng đầu của các đợt tấn công này. Đơn cử là trường hợp thông tin cá nhân nhạy cảm của hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ lưu trong hệ thống máy tính của Phòng Quản lý Nhân sự (OPM) của chính phủ Mỹ đã rơi vào tay tin tặc hồi tháng 6.
Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt với cáo buộc của Mỹ về các vụ tấn công mạng, đồng thời khẳng định chính nước này cũng là nạn nhân của tin tặc. “Trộm cắp bí mật thương mại và tấn công hệ thống máy tính chính phủ đều là hành động phạm pháp. Những hành động này cần bị trừng trị theo pháp luật và các công ước quốc tế có liên quan”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Video đang HOT
Mối liên hệ giữa tin tặc và quân đội
Một binh sĩ Trung Quốc đang làm việc trên máy tính – Ảnh: AFP
Tờ báo Mỹ cho biết báo cáo của ThreatConnect-DGI giúp hé lộ một khía cạnh ít người biết về các chiến dịch điện tử của Trung Quốc, đó là mối quan hệ giữa quân đội nước này và một nhóm tin tặc hiếu chiến nói tiếng Trung Quốc đang theo đuổi các mối quan tâm của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Thông qua các tài khoản trực tuyến có liên quan đến ông Ge, báo cáo của 2 hãng an ninh mạng Mỹ chỉ ra mối liên hệ giữa 78020, một đơn vị tình báo của quân đội Trung Quốc mà Ge đang là thành viên, có trụ sở đặt tại tây nam Trung Quốc, với nhóm tin tặc có tên gọi là Naikon. Các chuyên gia an ninh mạng Mỹ khám phá ra rằng chính nhóm này đã thâm nhập vào hệ thống máy tính chủ chốt của nhiều quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
“Những gì chúng tôi thấy được từ các vụ tấn công mạng của Trung Quốc chính là họ có rất nhiều nhóm khác nhau được chỉ đạo tung quân ra ngoài để thu thập hàng đống thông tin”, ông James Mulvenon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Tình báo của DGI, nhận xét.
Hai tài liệu nghiên cứu về tình hình chính trị Thái Lan xuất bản hồi năm 2008 của Ge có xác nhận người này làm việc cho 78020, được giải thích là một phòng kỹ thuật do thám có trụ sở ở thành phố Côn Minh, theo Wall Street Journal.
Theo ông Mark Stokes, giám đốc viện nghiên cứu chính sách Dự án 2049 (Mỹ), đơn vị này là một trong hơn 20 đơn vị trực thuộc quân đội Trung Quốc có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, phân tích và khai thác sơ hở của các hệ thống máy tính.
78020 chịu sự quản lý của Quân khu Thành Đô, vốn là đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh tại Khu tự trị Tây Tạng, cũng như tại vùng biên giới Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ. Quân khu này còn có một đơn vị chuyên thâm nhập vào các hệ thống máy tính có liên hệ với Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng, ông Stoke tiết lộ.
Do Quân khu Thành Đô phụ trách an ninh biên giới, nên “việc họ thu thập thông tin tình báo về Biển Đông là hợp lý”, chuyên gia này nhận định.
Wall Street Journal đã liên hệ với bộ phận phụ trách tuyên truyền của đơn vị 78020, nhưng đã bị từ chối trả lời phỏng vấn. Một phát ngôn viên của Quân khu Thành Đô và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không phản hồi yêu cầu bình luận của tờ báo Mỹ.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Mỹ đưa thêm tình tiết vụ tấn công mạng trước cuộc hội đàm Obama-Tập
Một ngày trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ tung thêm tình tiết về vụ tin tặc, được cho có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, tấn công mạng chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ tung thêm tình tiết vụ tin tặc trước hội đàm Obama - Tập - Ảnh: Reuters
Cơ quan quản lý nhân sự liên bang (OPM) ngày 23.9 cho biết tin tặc đã thâm nhập vào hồ sơ an ninh của OPM và lấy cắp dấu vân tay của 5,6 triệu nhân viên liên bang, tờ The New York Times cho hay. Như vậy, dữ liệu dấu vân tay của Mỹ bị lấy cắp nhiều hơn so với công bố trước đó. Cơ quan này từng cho biết chỉ có 1,1 triệu dấu vân tay bị tin tặc lấy cắp.
Dữ liệu vân tay bị đánh cắp thêm này đang nằm trong giai đoạn phân tích của Cơ quan quản lý nhân sự liên bang và Bộ Quốc phòng, theo Reuters. Vụ đột nhập và lấy cắp dữ liệu được phát hiện vào mùa xuân năm 2015.
Giới chức Mỹ tiết lộ thêm thông tin về vụ tin tặc tấn công ngay trước thềm cuộc hội đàm của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. An ninh mạng dự kiến sẽ là vấn đề được Tổng thống Mỹ đặt ra cho Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 24.9.
Reuters cho biết giới chức Mỹ nói rằng chưa có bằng chứng cho thấy có sự lạm dụng dấu vân tay nhưng lo sợ đến vấn đề phản gián qua vụ lấy cắp này.
"Các chuyên gia liên bang cho rằng tính đến nay, khả năng lạm dụng dữ liệu vân tay là hạn chế", OPM cho biết trong thông báo. Cơ quan này cho biết chưa thông báo cho các nạn nhân có dấu vân tay bị đánh cắp.
Nhưng rõ ràng việc sử dụng vân tay đang phát triển khi sinh trắc học được sử dụng thường xuyên hơn để đảm bảo danh tính, trong cơ sở chính quyền đòi hỏi an ninh cao và thậm chí cả trên máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone cũng sử dụng dấu vân tay, theo The New York Times.
Người phát ngôn Nhà Trắng, Josh Earnest cho biết hôm 23.9 Mỹ đang điều tra vụ đánh cắp dữ liệu của hơn 21 triệu nhân viên liên bang. Người này phủ nhận việc tiết lộ thêm thông tin của OPM có liên quan đến chuyến thăm của ông Tập, nhưng lại cho rằng cần thiết sau khi OPM đã xin phép Quốc hội Mỹ về việc công bố trên.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, người chỉ trích việc quản lý lỏng lẻo an ninh mạng của giới chức Mỹ, nói rằng việc công bố của OPM là bằng chứng tiếp theo để giới chức "quảng bá" hơn là "cảnh báo đe dọa an ninh quốc gia", theo Reuters.
Một trong những vấn đề được lo ngại nhất là bằng việc lấy cắp vân tay này, Trung Quốc hoặc quốc gia khác có thể sử dụng chúng để xác định cơ quan tình báo, nhân viên quốc phòng hoặc các nhà thầu chính phủ, The New York Times cho hay.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Chủ tịch Trung Quốc nói nước này không liên quan vụ tấn công mạng Chính phủ Trung Quốc không tiến hành những vụ tin tặc tấn công mạng và cũng không ủng hộ điều này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trước thềm chuyến thăm Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một buổi lễ ký kết hợp tác với Vua Jordan Abdullah II tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc...