Báo Mỹ loan tin Hamas từng muốn tấn công Israel như vụ khủng bố 11.9, Iran nói gì?
Các tờ báo lớn của Mỹ trích dẫn hàng loạt hồ sơ của Hamas do quân đội Israel tìm được cho thấy lực lượng tại Dải Gaza đã dày công chuẩn bị cho vụ tấn công Israel ngày 7.10.2023.
Tờ The New York Times ngày 12.10 trích dẫn biên bản 10 cuộc họp của Hamas từ tháng 1.2022 đến tháng 8.2023, được các binh sĩ Israel phát hiện trong máy tính của Hamas tại thành phố Khan Younis ở Dải Gaza, cho thấy các thủ lĩnh lực lượng này đã chuẩn bị kế hoạch tấn công Israel từ ít nhất là tháng 6.2021.
Người Palestine bên cạnh chiếc xe tăng của Israel bị phá hủy trong vụ tấn công ngày 7.10.2023. ẢNH: REUTERS
Kế hoạch được nhắc đến là “dự án lớn”, được các thủ lĩnh Hamas bàn bạc với các đồng minh là Hezbollah và Iran. Báo The Wall Street Journal và The Washington Post cũng được quân đội Israel cung cấp các biên bản cho thấy sự liên quan của Iran trong việc lên kế hoạch và tài trợ cho âm mưu tấn công. Trong một lá thư, một quan chức Iran xác nhận cấp 10 triệu USD cho cánh quân sự của Hamas. Thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza Yahya Sinwar sau đó đề nghị thêm 500 triệu USD trong 2 năm.
“Chúng tôi hứa với các ông rằng chúng tôi sẽ không phung phí một phút hay một đồng xu nào trừ khi nó đưa chúng tôi đến việc đạt được mục tiêu thiêng liêng này”, báo Mỹ dẫn điều được cho là ông Sinwar viết trong một bức thư vào tháng 6.2021.
Các tài liệu mà The Washington Post có được, được phát hiện vào tháng 11.2023 tại miền bắc Gaza, miêu tả nhiều phương án tấn công Israel. Các mục tiêu tiềm năng gồm trung tâm thương mại, trung tâm chỉ huy quân sự, tổ hợp 3 tòa tháp Azrieli tại Tel Aviv, nơi có nhiều văn phòng, trung tâm thương mại lớn và ga tàu.
Tổ hợp 3 tòa tháp thuộc Trung tâm Azrieli tại Tel Aviv. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TIMES OF ISRAEL
The Washington Post so sánh kế hoạch này với vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 tại Mỹ, khi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và các mục tiêu khác bị tấn công. Tuy nhiên, kế hoạch này cuối cùng bị loại bỏ vì Hamas xác định không đủ khả năng để đánh sập các tòa tháp tại Tel Aviv.
Đến tháng 9.2022, Hamas có vẻ đã sẵn sàng tấn công với các mục tiêu đầu tiên là căn cứ quân sự, sau đó là khu dân cư, theo The New York Times. Tuy nhiên, vụ tấn công thực tế chỉ diễn ra sau đó 13 tháng.
Tờ báo trích dẫn biên bản cuộc họp của quan chức cấp phó của ông Sinwar là ông Khalil Al-Hayya với chỉ huy cấp cao của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammed Said Izadi vào tháng 8.2023 tại Li Băng cho thấy Hamas đã đề nghị Iran hỗ trợ tấn công ban đầu. Ông Izadi nói Iran và Hezbollah hoan nghênh kế hoạch nhưng cần chuẩn bị môi trường.
Hamas sau đó quyết định tự hành động vào ngày 7.10.2023. Dù không tham gia trực tiếp nhưng Hezbollah một ngày sau đó bắt đầu phóng rốc két về phía miền bắc Israel.
Vụ phát nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah kế hoạch được chuẩn bị kĩ lưỡng
Theo The New York Times, nguyên nhân Hamas quyết định hành động là vì Israel sắp triển khai một hệ thống phòng không và đang tiến nhanh đến việc bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út, nước được cho là đối thủ của Iran trong khu vực. Bên cạnh đó, Hamas cũng nhận thấy thời cơ dựa trên tình hình nội bộ Israel, thời điểm đó đang trải qua cơn bất ổn chính trị liên quan nỗ lực cải cách tư pháp.
Cũng theo The New York Times, Hamas đã tránh các cuộc leo thang lớn với Israel từ năm 2021 nhằm đánh lừa giới lãnh đạo Tel Aviv trong lúc chuẩn bị cho âm mưu lớn.
Israel và Hamas chưa bình luận gì về những thông tin trên.
Phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ các thông tin cho rằng những biên bản do The New York Times trích dẫn là ngụy tạo, theo CNN. “Trong khi các quan chức Hamas tại Doha đã tự nhấn mạnh rằng chính họ cũng không biết trước chiến dịch và toàn bộ việc lên kế hoạch, ra quyết định và chỉ đạo đều do cánh quân sự của Hamas tại Gaza thực hiện, bất kỳ nỗ lực nào nhằm liên kết việc này với Iran hay Hezbollah, dù là một phần hay toàn bộ, đều không có độ tin cậy và xuất phát từ tài liệu ngụy tạo”, phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố.
Một người phát ngôn của Hezbollah cũng nói với CNN: “Như Tổng thư ký đã tử vì đạo của Hezbollah (Hassan Nasrallah) đã nói, Hezbollah không biết về chiến dịch Bão Al-Aqsa do Hamas thực hiện ngày 7.10.2023″. Bão Al-Aqsa là tên gọi mà Hamas đặt cho cuộc tấn công lãnh thổ Israel năm ngoái.
1 năm bùng phát lửa đạn Trung Đông
Sau 1 năm kể từ khi lực lượng Hamas (Palestine) bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7.10.2023, xung đột ở Trung Đông chưa bùng nổ thành chiến tranh toàn diện, nhưng vẫn liên tục leo thang và gây nhiều bất ổn không chỉ ở khu vực này.
Phá vỡ nhiều giới hạn
Trong chưa đầy 6 tháng qua, Iran đã 2 lần tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel (vào đêm 13.4 và đêm 1.10). Đây là điều chưa từng xảy ra dù hai bên từng có không ít căng thẳng cũng như suốt nhiều năm Israel giao tranh quyết liệt với các lực lượng thân Iran.
Dải Gaza bị tàn phá nặng nề sau 1 năm bùng nổ xung đột. ẢNH: REUTERS
Cũng từ việc Iran phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công Israel vào đêm 13 rạng sáng 14.4 đã cho thấy chiến sự khu vực đang khiến nhiều nước liên đới. Trong cuộc tấn công vừa nêu, thông qua mạng lưới dày đặc mà Mỹ đã thiết lập, nước này cùng đồng minh đã hỗ trợ tích cực cho Israel để đánh chặn tên lửa và UAV của Iran.
Cụ thể, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa trên cùng các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Anh cũng gắn bó mật thiết với mạng lưới này, hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới. Chính vì thế, nếu cộng thêm các bên trực tiếp can dự như Iran, Hezbollah (Li Băng), Houthi (Yemen), các tay súng ở Syria, Hamas (Palestine), thì xung đột của Israel ở Trung Đông đang có sự can dự từ không dưới 15 quốc gia.
Không những vậy, chỉ 1 năm xung đột đã khiến cả Hezbollah lẫn Hamas bị thiệt hại chưa từng có về lực lượng lãnh đạo. Không chỉ nhiều chỉ huy cấp cao thiệt mạng, ông Ismail Haniyeh là lãnh đạo cao nhất về chính trị của Hamas cũng đã bị giết hại ngay tại Iran khi đến thăm nước này. Tel Aviv được cho là đứng sau cái chết của ông Haniyeh. Tương tự, gần như toàn bộ cấp lãnh đạo cao nhất của Hezbollah cũng đã thiệt mạng. Chỉ trong 2 tháng, phó tướng Fuad Shukr rồi lãnh đạo tối cao Hassan Nasrallah lần lượt mất mạng trong các cuộc tập kích của Israel.
Sau khi tiến quân vào Dải Gaza, Israel cũng đã lần đầu tiến quân vào Li Băng kể từ sau cuộc chiến tranh vào năm 2006. Cứ thế, tình hình khu vực không có dấu hiệu lắng dịu.
Bế tắc kéo dài
Trong khi đó, khủng hoảng nhân đạo ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Dải Gaza. Từ khi bùng nổ chiến sự đến nay, các vụ tấn công và xung đột ở Gaza đã khiến gần 42.000 người thiệt mạng và hầu như 2,3 triệu dân Gaza bị mất chỗ ở. Nhiều hoạt động nhân đạo đã được tiến hành nhưng không thể đủ sức giải quyết.
ĐỒ HỌA: HOÀNG ĐÌNH
Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đã khiến Israel gặp nhiều chỉ trích đồng thời làm cho Washington ngày càng khó khăn hơn trong việc hỗ trợ đồng minh Tel Aviv.
Chuyên gia Mark C. Schwartz (thuộc tổ chức RAND, Mỹ) đánh giá: "Chính quyền Mỹ đã chuyển từ sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel, sang sự thất vọng và thất vọng thực sự về cách Israel đang tiến hành cuộc chiến ở Gaza".
Tương tự, GS Michelle Grisé (cũng thuộc tổ chức RAND) đánh giá: "Trong năm qua, Mỹ đã tìm cách cân bằng việc cung cấp hỗ trợ cho Israel - dưới hình thức viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ bằng ngoại giao và hỗ trợ đàm phán - đồng thời giảm thiểu thiệt hại dân sự và ngăn chặn sự leo thang thù địch hơn nữa trong khu vực. Sự cân bằng này ngày càng trở nên khó duy trì khi chiến sự vẫn tiếp diễn ở Dải Gaza, đặc biệt là khi các hoạt động quân sự của Israel đã dẫn đến thương vong dân sự đáng kể ở Gaza. Trong khi đó, Iran và các lực lượng thân Iran tấn công Israel và tập kích vào tàu thương mại lẫn lực lượng Mỹ trong khu vực". Không những vậy, theo GS Grisé, cuộc chiến ở Trung Đông - mà cụ thể là từ các hành động của Israel - còn gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ.
Chuyên gia Schwartz dự báo chiến sự Trung Đông có thể khó hạ nhiệt trước giữa năm 2025. Mọi chuyện chỉ có thể xuống thang khi Israel ngừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và vấn đề con tin Do Thái đang bị Hamas bắt giữ được giải quyết.
Trong khi đó, khi xung đột còn tiếp diễn thì không chỉ khó giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, mà kinh tế thế giới cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng vì các tuyến hàng hải xung quanh khu vực Trung Đông đóng vai trò quan trọng trong giao thương toàn cầu.
Một năm sau ngày Hamas tấn công Israel: Người sống sót chưa nguôi nỗi đau
Israel tăng cường tấn công, Iran đẩy mạnh phòng thủ
Hôm qua (6.10), quân đội Israel thông báo mở chiến dịch trên bộ mới tại khu tị nạn Jabaliya ở miền bắc Gaza nhằm đối phó việc Hamas đang tái xây dựng lực lượng, theo AFP.
Song song đó, Israel những ngày qua duy trì cường độ oanh tạc các mục tiêu của Hezbollah tại Li Băng trong lúc chuẩn bị cho màn trả đũa Iran, sau khi hứng chịu đợt tấn công tên lửa của Tehran vào ngày 1.10 vừa qua. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng không nước nào có thể chấp nhận bỏ qua sau cuộc tấn công như vậy và nhấn mạnh Tel Aviv có quyền và bổn phận đáp trả Tehran. Quân đội Israel tuyên bố Israel sẽ đáp trả Iran theo cách thức, thời gian và địa điểm do Tel Aviv lựa chọn.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel cũng sẽ gặp phản ứng mạnh hơn nữa. Reuters hôm qua dẫn thông tin từ truyền thông Iran cho biết Bộ trưởng Dầu mỏ Mohsen Paknejad đã đến thăm các cơ sở dầu khí trên đảo Kharg giữa lúc rộ tin đồn Israel sẽ tấn công vào địa điểm quan trọng này. Iran xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 90% số đó được xử lý thông qua các cơ sở trên đảo Kharg.
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vụ tấn công khu vực nhân đạo ở Gaza Ngày 10/9, Cơ quan Phòng vệ Dân sự tại Dải Gaza cho biết, ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và hơn 60 người bị thương khi Israel không kích khu vực Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis, phía Nam vùng lãnh thổ này, nơi mà Israel trước đó chỉ định là vùng an toàn nhân đạo và là nơi tạm trú của...