Báo Mỹ: Khủng hoảng tài chính Trung Quốc được cảnh báo từ rất lâu
Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại trường đại học danh tiếng Harvard (Mỹ), từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.
Giáo sư Kenneth Rogoff, chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng tài chính – Ảnh: AFP
Trong bài viết đăng ngày 25.8, tờ The New York Times (Mỹ) cho biết giáo sư Rogoff đã từng dự đoán chính xác cơn khủng hoảng nợ tại châu Âu và trong nhiều năm qua đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc là mối đe dọa tiếp theo cho nền kinh tế toàn cầu. Và những gì ông dự đoán đang trở thành hiện thực, The New York Times bình luận.
“Trong kinh tế học, nhiều việc đến chậm hơn bạn dự đoán và rồi chúng lại xảy ra nhanh hơn ước tính của bạn”, vị giáo sư, vốn là một kỳ thủ cờ vua cự phách, dẫn lại câu nói của Rudu Dornbusch, nhà kinh tế học nổi tiếng người Đức.
The New York Times cho biết giáo sư Rogoff nghiên cứu về khủng hoảng tài chính như sự nghiệp chính của mình. Sau đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, ông tham gia viết quyển sách mang tựa đề This Time is Different (tạm dịch: Lần này thì khác), một tác phẩm phân tích các cuộc khủng hoảng tài chính trong suốt 8 thế kỷ.
Trong phân tích từng đợt khủng hoảng, giáo sự Rogoff đã rút ra kết luận rằng mọi cuộc khủng hoảng tài chính đều phát sinh từ một vấn đề – đó là quá nhiều nợ.
“Trung Quốc là một ví dụ điển hình của Lần này thì khác”, giáo sư Rogoff nhận định, hàm ý bác bỏ nhiều lý giải khác nhau mà Trung Quốc từng đưa ra để tự thuyết phục mình, cũng như các nước khác, rằng nước này có khả năng trữ nợ mà vẫn có thể miễn nhiễm với khủng hoảng.
“Kinh tế Trung Quốc rất dễ bị tổn thương, (nước này) có quá nhiều nợ”, ông bình luận.
Nợ công chiếm đến 282% GDP
Video đang HOT
Một nhà đầu tư Trung Quốc quan sát bảng điện tử cập nhật diễn biến chứng khoán – Ảnh: Reuters
Do tính không minh bạch của thị trường tài chính Trung Quốc, hiện tổng số nợ của quốc gia này vẫn là một bí ẩn, theo The New York Times.
Tổng nợ quốc gia trên sổ sách của Trung Quốc tăng từ 7.000 tỉ USD hồi năm 2007 lên 28.000 tỉ USD vào giữa năm 2014, theo báo cáo đăng tải hồi đầu năm của công ty tư vấn tài chính McKinsey & Company (Mỹ), chi nhánh Trung Quốc.
“Tỷ lệ nợ công trên GDP của Trung Quốc là vào khoảng 282%, lớn hơn rất nhiều so với Mỹ hoặc Đức. Có một số yếu tố liên quan đến nợ công nước này gây lo ngại, chẳng hạn như phân nửa số nợ có dính dáng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản, trong khi tín dụng đen chiếm đến gần phân nửa các khoản nợ mới và nợ công của nhiều chính quyền ở các tỉnh thành kém bền vững”, theo báo cáo của McKinsey & Company.
Giáo sư Rogoff còn bình luận thêm rằng có nhiều lý do mang tính chính trị khiến Trung Quốc phải thuyết phục thế giới và cả người dân nước này rằng họ đủ khả năng kiểm soát thị trường tài chính đang biến động và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của mình.
“Suy thoái tài chính dẫn đến bất ổn xã hội, vốn sẽ đưa đến bất ổn chính trị. Đó là điều đáng sợ thực sự”, ông nói.
Ngoài ra, vị giáo sư này còn chỉ ra một yếu tố khác góp phần vào khủng hoảng tài chính Trung Quốc. “Vụ cháy nổ nhà kho hóa chất ở Thiên Tân góp phần vào khủng hoảng”, giáo sư Rogoff cho hay. Vụ cháy nổ xảy ra hôm 12.8, khiến hơn 120 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.
Ông Rogoff cho hay thảm họa này đã làm giảm uy tín của chính phủ Trung Quốc do vẫn còn quá nhiều khuất tất chưa được giải đáp và các biện pháp xử lý vẫn chưa thỏa đáng.
Liệu kinh tế Trung Quốc có đang hướng đến “một cú hạ cánh khó khăn” mà có thể làm bùng phát một trận suy thoái toàn cầu?
Giáo sư Rogoff cho rằng với hàng ngàn tỉ USD dự trữ, Trung Quốc, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, có lẽ có đủ công cụ để ngăn một thảm họa tài chính đủ sức lan ra toàn cầu.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Chứng khoán Trung Quốc: Khởi đầu đại suy thoái?
Theo chuyên gia quốc tế, chứng khoán Trung Quốc đang lặp lại đợt sụp đổ nặng nề nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929, dấu hiệu của thời kỳ Đại suy thoái. Một luồng ý kiến khác cho hay đây không khác gì quả bong bóng dot-com tan vỡ năm 2000.
Nhà đầu tư Trung Quốc - Ảnh: AFP
Sau khi lao dốc và thổi bay 613 tỉ USD ngay phiên giao dịch đầu tuần, hôm 27.7, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm.
Bloomberg đưa tin theo nhà phân tích Tom DeMark, người dự báo chính xác điểm đáy của chỉ số Shanghai Composite vào năm 2013, chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm tiếp 14% nữa trong 3 tuần tới. Điều này mở rộng mức suy giảm của chứng khoán Trung Quốc kể từ ngày 12.6 đến nay lên 38%.
Tăng trưởng nhanh, suy giảm mạnh và nhanh chóng. Đường đi của chứng khoán Đại lục từ tháng 3 đến nay đang rất giống với những gì mà chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones từng trải qua khi suy giảm 48% năm 1929.
Đà lao dốc của chứng khoán Trung Quốc quét sạch 4.000 tỉ USD giá trị thị trường trong chưa đầy một tháng. Trong khi cơ quan quản lý chứng khoán nước này phủ nhận suy đoán rằng các nhà làm luật đang dần bớt hỗ trợ thị trường.
Nhà phân tích 68 tuổi, người sáng lập hãng DeMark Analytics (Mỹ) và có hơn 40 năm kinh nghiệm về thị trường chứng khoán cho biết: "Cái chết đã ở đó. Bạn không thể thao túng thị trường. Những nguyên tắc cơ bản điều khiển thị trường".
Chứng khoán Trung Quốc đang lặp lại lịch sử ở Phố Wall năm 1929? - Ảnh: AFP
"Ngày thứ ba đen tối" 29.10.1929 được xem là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Phố Wall hỗn loạn và đây là dấu hiệu khởi đầu thời kỳ Đại suy thoái kéo dài 10 năm ở khắp các nước công nghiệp phương Tây.
Tháng 2.2013, DeMark dự báo chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm, chỉ một ngày trước khi điều này thực sự xảy ra: chỉ số trên rơi đến 20% từ mức cao nhất trong 9 tháng. 4 tháng sau đó, ông lại cảnh báo về đáy của chứng khoán Đại lục, và chỉ số chuẩn rớt về mức thấp nhất 4 năm trong vòng vài ngày trước khi phục hồi.
Khác với nhận định của nhà phân tích DeMark, ngân hàng Deutsche Bank cho rằng khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc giống với sự tan vỡ của bong bóng dot-com, theo trang Business Insider.
Trong khi các đợt suy giảm hiện trông gần giống với những gì xảy ra ở phố Wall cách đây 87 năm, Deutsche Bank cho rằng những đợt đi lên lại gần như những gì mà NASDAQ đã chứng kiến vào cuối những năm 1990.
Theo cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan, bong bóng dot-com hình thành vào tháng 8.1995 và vỡ hồi tháng 3.2000 khi chỉ số tổng hợp NASDAQ đạt đỉnh cao nhất. Bong bóng dot-com vỡ và xẹp mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Chứng khoán châu Á trồi sụt trong ngày 26.8 Thị trường chứng khoán châu Á đã có sự đảo chiều bất ngờ vào sáng nay 26.8 (giờ châu Á) sau đợt bán tháo vào cuối ngày ở Mỹ tưởng chừng có thể làm phá vỡ sự ổn định của thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư Trung Quốc theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu giao dịch trong ngày...