Bão mạnh đổ bộ châu Âu làm ít nhất 10 người chết
Sau khi càn quét khu vực Bắc Âu, cơn bão Xaver đã đổ bộ vào khu vực Đức và Hà Lan với sức gió giật 158 km/h, gây ngập lụt tại rất nhiều nơi. Tổng cộng 10 người đã tử vong vì bão với hàng trăm nghìn gia đình bị ảnh hưởng.
Theo hãng tin AFP, nạn nhân mới nhất là một phụ nữ lớn tuổi tại Thụy Điển, được phát hiện đã chết dưới tuyết bên ngoài căn hộ của mình.
Cũng tại Thụy Điển, một người đàn ông đã thiệt mạng do cây đổ trong ngày 6/12, trong khi hai thủy thủ người Philippines bị bão hất văng khỏi một chiếc tàu của Hà Lan trong vùng nước lạnh giá. Đến nay những người này vẫn mất tích trong khi chiến dịch cứu hộ đã bị hủy bỏ.
Cơn bão muộn cuối Đông khiến nhiều khu vực tại Bắc Âu thiệt hại nặng
Bão Xaver, sau khi quét qua Anh khiến hai người thiệt mạng hôm thứ Năm, đã ập vào Đức với sức gió giật tới 158 km/h. Bão cũng gây nhiều thiệt hại tại Hà Lan, Ba Lan và khu vực phía Nam bán đảo Scandinavia.
Khắp khu vực Bắc Âu, các lực lượng ứng cứu khẩn cấp đã gặp nhiều khó khăn trong việc di tản người dân khỏi các khu vực ngập lụt, và khắc phục thiệt hại do cây đổ đè vào nhà, các tuyến đường cao tốc, đường sắt cũng như đường dây điện.
400.000 hộ gia định tại Ba Lan đã bị mất điện trong khi 50.000 người tại Thụy Điển và 4000 gia đình tại Đức cũng rơi vào cảnh tượng tương tự. Hàng nghìn hành khách đi máy bay cũng bị mắc kẹt do hàng trăm chuyến bay bị hủy tại các sân bay Amsterdam, Berlin, Hamburg, Gdansk và các sân bay khác. Hơn 1000 người đã phải qua đêm tại sân bay Copenhagen, Đan Mạch.
Nước biển dâng cao nhất trong nhiều thập niên – gây ra bởi gió mạnh cùng thủy triều dâng cao – đã đập mạnh vào các tuyến đê ở phía Bắc nước Đức và Hà Lan, tuy nhiên không gây ra thiệt hại.
3 người đã thiệt mạng tại Ba Lan do cây đổ đè lên xe gần thị trấn Lembork ở phía Bắc, người phát ngôn lực lượng cứu hỏa Bogdan Madej cho biết.
“3 người đã chết tại chỗ, một người khác được đưa vào nhập viện”, ông Madej cho biết thêm.
Trước đó tại Scotland, một lái xe tải đã thiệt mạng đã thiệt mạng khi xe bị lật đè lên các xe khác, trong khi một người đàn ông lớn tuổi đi xe máy đã bị cây đổ đè trúng người tại Nottinghamshire, miền Trung nước Anh.
Cũng ngày thứ Năm, một phụ nữ 72 tuổi đã thiệt mạng tại Đan Mạch sau khi gió mạch khiến chiếc ô tô của người này bị lật.
Video đang HOT
Tại miền Bắc nước Đức, bến tàu sông Elbe tại thành phố Hamburg chìm sâu hơn 6m dưới nước – mức cao thứ hai chỉ sau kỷ lục năm 1825 – khiến chỉ còn ngọn của các cột đèn còn nhô trên mặt nước.
Cũng tại Hamburg, một cây bị đổ đã làm trật đường ray một tuyến tàu hỏa, khiến chiếc tàu đâm vào một trụ cầu. Các nhân viên cứu hỏa đã giải thoát 6 hành khách từ chiếc tàu, trong đó có một người bị thương nhẹ.
Tại bang Schleswig-Holstein ở phía Bắc, dịch vụ ứng cứu khẩn cấp đã nhận được hơn 2000 cuộc gọi, trong khi các tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt làm 4 người bị thương. Nhiều nhà bị tốc mái và cửa sổ bị vỡ.
Tại Berlin, gió mạnh đã thổi lật cây thông Noel cao 13m bên ngoài dinh thự của Tổng thống Joachim Gauck.
Một số hình ảnh bão Xaver càn quét châu Âu
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Khám phá chiến lược Bắc cực của Trung Quốc - Kỳ 1: Cuộc đua của những 'ông lớn'
Trung Quốc đang tham gia "cuộc đua Bắc cực" một cách thận trọng với mục tiêu trọng tâm là kinh tế, theo một bài phân tích mới đây của tờ The Diplomat (Nhật).
Một con sói ở Bắc Cực - Ảnh: AFP
Trong 7 năm qua, 11 quốc gia gồm Ba Lan, Nga, Phần Lan, Pháp, Thụy Điển, Iceland, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Singapore, Canada và Nhật đã lần lượt bổ nhiệm đại sứ của mình ở Hội đồng Bắc cực (AC) nhằm phân tích và đánh giá tình huống mới nổi có tên gọi là "Cuộc đua Bắc cực". Nhưng mục đích thật sự của việc chỉ định đại sứ nói trên là nhắm đến khả năng khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản và sử dụng các tuyến hải trình Bắc cực để vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang châu Á.
"Ông lớn" Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc đua hấp dẫn và không kém phần khốc liệt này.
Vậy đâu là động cơ chính khiến Trung Quốc quan tâm mạnh mẽ đến khu vực nằm cách điểm cực Bắc của mình đến hơn 1.400 km như vậy?
Bắc cực có gì?
Vào năm 2008, Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước lượng Bắc cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí đốt hóa lỏng chưa được khám phá của thế giới. Nói cách khác, đó là 90 tỷ thùng dầu, hơn 47 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, và 44 tỷ thùng khí đốt hóa lỏng.
Ngoài ra, lợi ích tiềm năng từ hoạt động vận chuyển hàng hóa thương mại qua ngã Bắc cực có vẻ hấp dẫn hơn so với tuyến hải trình qua kênh đào Suez.
Cụ thể, trong tháng 8 và 9 năm 2009, hai tàu vận tải hạng nặng của Đức là MV Beluga Foresight và MV Beluga Fraternity đã chuyên chở hàng ống thép từ Arkhangelsk (Nga) đến Nigeria thông qua tuyến hải trình biển Bắc (NSR). Tuyến đường mới này đã rút ngắn được khoảng 3.000 hải lý, và tiết kiệm 200 tấn nhiên liệu cho mỗi tàu, trị giá tương đương 600.000 USD.
Một năm sau, tàu MV Nordic Barents của Hồng Kông đã vận chuyển quặng sắt từ Kirkenes (Na Uy) đến Thượng Hải trên cùng một tuyến đường, và tiết kiệm chi phí trên 180.000 USD.
Trong năm 2012, 46 tàu đã chuyên chở hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa thông qua NSR, tăng 53% so với năm 2011. Các nhà nghiên cứu dự đoán đến năm 2020, 30 triệu tấn hàng hóa sẽ được vận chuyển qua tuyến đường mới này.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là cơ hội xâm nhập các nguồn cá ở Bắc Băng Dương mà báo cáo của cựu đại sứ Trung Quốc tại Na Uy Đường Quốc Cường thì các "ngư trường mới" sẽ trở thành "kho dự trữ protein sinh học lớn nhất thế giới".
Trung Quốc là nước châu Á đầu tiên quan tâm và nỗ lực để trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Bắc cực, nhưng vì khoảng cách địa lý rộng lớn với Bắc cực đã giới hạn cơ hội của Bắc Kinh - ít nhất là với các thành viên AC - để thiết lập chương trình nghị sự và hình thành chiến lược tận dụng cơ hội mới ở Bắc cực.
Theo các nhà phân tích quốc tế, rõ ràng nguồn tài nguyên quý giá đang nằm dưới các lớp băng của Bắc cực từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Nhưng một số nước như Nga và Canada lại tỏ ý nghi ngờ mối quan tâm của Trung Quốc với Bắc cực mang nặng yếu tố địa chính trị.
Nhà nghiên cứu Lý Chấn Phúc thuộc Đại học hàng hải Đại Liên, trong một bài viết đã nói rằng, "Bắc cực có giá trị quân sự đặc biệt", và "bất cứ ai kiểm soát được tuyến hải trình Bắc cực sẽ kiểm soát được tuyến hàng hải mới của kinh tế thế giới và chiến lược quốc tế".
Trong năm 2008, 5 cường quốc Bắc cực là Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã ký Bản tuyên bố Ilulissat với nội dung các thành viên AC nên giải quyết êm thấm mọi tranh chấp chủ quyền, và cùng nhau chia sẻ khai thác Bắc cực.
Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt Bản tuyên bố Ilulissat vì cho rằng đó là âm mưu của AC nhằm gạt nước này ra khỏi cuộc chơi.
Năm 2008, đại tá Hàn Húc Đông, giáo sư Đại học quốc phòng Trung Quốc, đã nôn nóng kêu gọi, "khả năng sử dụng vũ lực là điều không thể loại trừ khỏi Bắc cực, vì tính chất phức tạp của các tranh chấp chủ quyền", theo The Economist.
Năm 2009, Trợ lý ngoại trưởng Hồ Chính Dược đã tuyên bố các nước vùng cực phải "bảo đảm sự cân bằng quyền lợi của các quốc gia duyên hải cũng như lợi ích chung của cộng đồng thế giới".
Tháng 3.2010, chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Doãn Trác nói rằng "Bắc cực thuộc về tất cả các dân tộc trên thế giới và chẳng nước nào có thể tuyên bố chủ quyền với nó cả". Và vị này còn nói thêm rằng Trung Quốc phải có quyền với nguồn tài nguyên Bắc cực.
Mặc dù những tuyên bố nói trên đã được làm mềm đi trong cả hai tuyên bố chính thức và báo chí nhà nước nhưng những phát ngôn quen thuộc của Trung Quốc đã lộ ra một chút đe dọa. Bắc Kinh sau đó đã phải nhấn mạnh sự tôn trọng của mình đối với Hội đồng Bắc cực, và hạn chế nghiêm ngặt những tuyên bố nóng vội, nhằm nghiên cứu lại chiến lược ngoại giao của mình.
Cụ thể, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu tại một cuộc họp báo hồi đầu năm 2013 rằng, "các nước Bắc cực và các nước không thuộc Bắc cực cần phải hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại Bắc cực, dựa trên việc công nhận lẫn nhau và tôn trọng các quyền của nhau cũng như sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau".
Động cơ ẩn giấu sau những tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh là nhằm mục đích xác định Bắc cực như là lãnh thổ quốc tế, và bất kỳ thay đổi nào đều có liên quan đến các quốc gia trên thế giới, theo The Diplomat. Đồng thời, Bắc Kinh cũng nỗ lực giảm nhẹ những ám chỉ cho rằng Trung Quốc không hài lòng với sự cân bằng quyền lực hiện tại ở Bắc cực.
Theo TNO
Khám phá chiến lược Bắc cực của Trung Quốc - Kỳ 2: Tham vọng xây dựng vị thế toàn cầu Bắc Kinh lập luận rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), Bắc Băng Dương là tài sản chung của nhân loại, và sự biến đổi khí hậu ở đây đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh lương thực của Trung Quốc, đặc biệt là lũ lụt ở vùng duyên hải. Một đoàn xe đi...