Bạo lực y tế gia tăng trong đại dịch
Hàng trăm nhân viên y tế điều trị Covid-19 bị hành hung hoặc mạt sát, dọa giết tại nơi làm việc.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) về quyền y tế, các cuộc tấn công về cả thể chất lẫn tinh thần nhắm vào y bác sĩ sẽ gia tăng trong chương trình tiêm chủng và khi các biến thể mới tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia.
“Covid-19 căng thẳng, các cuộc tấn công sẽ tăng lên. Đó là điều đáng buồn. Nhân viên y tế vốn thiếu hụt, nhiều người đã chết. Trong khi đó, các nước phát triển tích trữ vaccine, nhà sản xuất không muốn chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ. Con người tự tạo nên một tình huống nơi vaccine còn khan hiếm hơn. Điều này gây thêm áp lực với nhân viên y tế”, báo cáo viên của LHQ, bà Tlaleng Mofokeng, nhận định.
Là một bác sĩ, bà Mofokeng cho biết các cuộc tấn công là “nỗi thất vọng”. Bạo lực ở môi trường y tế không mới, nhưng trong đại dịch, nó đến từ sự lãnh đạo yếu kém của chính phủ và sự thiếu đầu tư vào hệ thống y tế công cộng.
“Khi chính phủ thất bại, chính nhân viên y tế là người giải quyết tình trạng quá tải và đảm bảo toàn bộ hệ thống không sụp đổ. Nhưng họ có thể chịu đựng bao lâu?”, bà đặt câu hỏi.
Theo số liệu mới nhất của Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), 848 vụ bạo lực liên quan đến Covid-19 được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 12 năm ngoái. Maciej Polkowski, người đứng đầu sáng kiến Y tế Khẩn cấp của ICRC, cho biết con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng”, một góc của hiện tượng ngày càng phổ biến. Theo ông, rất nhiều vụ hành hung, mạt sát còn chưa được báo cáo.
Phân tích của ICRC cho thấy phần lớn vụ việc là người bệnh hoặc gia đình họ tấn công nhân viên y tế, đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng. Polkowski đưa ra ví dụ về bệnh nhân Covid-19 ở Naples, Italy. Tức giận vì phải chờ đợi, người này đã nhổ nước bọt vào y bác sĩ. Kết quả, toàn bộ khu điều trị phải đóng cửa, nhân viên cần xét nghiệm.
Video đang HOT
Một chiếc xe cứu thương bị thiêu rụi trong một cuộc biểu tình ở Villa las Rosas, Mexico, tháng 6/2020. Ảnh: EPA
Đôi khi, các phản ứng trở nên cực kỳ bạo lực. Tại Ấn Độ và Pakistan, người dân đập phá, lục lọi khu điều trị Covid-19 và hành hung nhân viên. Tại Mexico, họ ném thuốc tẩy vào y bác sĩ trên đường phố. Ông Polkowski cho biết xe hơi của một bác sĩ ở Tây Ban Nha từng bị sơn dòng chữ “lũ truyền nhiễm”. Người dân ở bờ Tây nước Mỹ biểu tình buộc các cơ sở điều trị Covid-19 rời khỏi khu vực.
Tại Anh, nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bị mạt sát, chửi mắng vì yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang khi vào viện. Số vụ gây hấn nhắm vào bác sĩ phẫu thuật cao chưa từng thấy.
Polkowski chỉ trích chính phủ vì đã không kiểm soát được lượng tin giả lan truyền trong cộng đồng. Ông nói: “Nhiều người lo lắng vì giới chức không thông tin rõ ràng về đại dịch. Họ hạ thấp mức nghiêm trọng, ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe con người. Vì vậy, bạo lực là hệ quả”.
Theo ông, hành vi bạo lực đến từ nỗi lo sợ của bệnh nhân và gia đình, rằng chính mình hoặc người nhà sẽ chết vì Covid-19. Việc không được phép thực hiện nghi thức mai táng do tình trạng giãn cách khiến nhiều người quẫn trí, tấn công nhân viên y tế.
Lực lượng an ninh quốc gia cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 20% các cuộc tấn công, Polkowski nhận định. Tại Myanmar, các đội ngũ y bác sĩ trên đường đón bệnh nhân Covid-19 bị chặn lại, khiến người bệnh tử vong một cách không cần thiết.
Tại Nicaragua, chính quyền liên bang nhiều lần đánh giá thấp quy mô đại dịch, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Nhân viên y tế bị sa thải vì sử dụng đồ bảo hộ cá nhân tại nơi làm việc.
Y bác sĩ biểu tình chống tình trạng bạo lực nơi làm việc tại Bệnh viện Cao đẳng Sư phạm Y tế Nepal ở Kathmandu, ngày 31/5. Ảnh: Reuters
Để đối phó với tình trạng bạo lực gia tăng, một số quốc gia đã hành động. Ấn Độ sửa đổi luật chống dịch khẩn cấp. Người hành hung y bác sĩ có thể lĩnh án 7 năm tù. Giới chức Sudan thông báo thành lập lực lượng cảnh sát chuyên trách bảo vệ nhân viên y tế trong thời kỳ đại dịch. Tại Algeria, bộ luật hình sự được sửa đổi để củng cố an toàn nơi làm việc cho y bác sĩ, trừng phạt các cá nhân phá hoại hạ tầng y tế.
Dự luật mới của Anh đề xuất tăng hình phạt từ 12 tháng lên hai năm tù cho người hành hung nhân viên cấp cứu. Y bác sĩ được gắn camera cá nhân trên cơ thể sau khi các cuộc tấn công gia tăng. Dữ liệu cho thấy hơn 3.500 nhân viên cứu thương đã bị hành hung vào năm ngoái, nhiều hơn 30% so với năm 2016-2017.
Đối với nhân viên y tế, bạo lực nơi làm việc có thể dẫn tới vấn đề sức khỏe tâm thần, kiệt sức, thậm chí tự tử, bà Mofokeng cho biết. Bà kêu gọi tăng cường giám sát và thu thập dữ liệu về các cuộc tấn công.
“Nhu cầu rất cấp thiết, nhất là trong những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi cần sự hành động từ tất cả các cấp, quốc gia thành viên phải làm điều đúng đắn”, bà nói.
Đi một mình trong ngõ vắng, cô gái bị tên cướp gí dao vào cổ
Thấy cô gái đi một mình trong ngõ vắng, Toàn rút dao giấu trong người, gí vào cổ khống chế cô gái, yêu cầu giao nộp toàn bộ số tiền mang theo.
Khoảng 23h50 tối 12/4, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận được cuộc gọi của chị Đỗ Thúy N. báo tin vừa bị đối tượng nam mặc áo sơ mi kẻ sọc xanh đen, áo khoác ngoài màu đen dùng dao gí vào cổ, khống chế dọa giết và yêu cầu chị phải giao nộp toàn bộ số tiền mang theo.
Sự việc xảy ra tại ngõ 136 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Quá sợ hãi, chị N. đã mở túi xách đưa toàn bộ số tiền khoảng 900.000 đồng cho đối tượng.
Đối tượng Nguyễn Văn Toàn.
Rất may, đúng lúc này, nghe tiếng động lạ bên ngoài, anh Trần Đình Kiên đứng ở trên tầng nhìn xuống hỏi có việc gì, thì chị N. kêu cứu và hô hoán, đồng thời giằng được con dao từ tay của đối tượng. Trong lúc giằng co, chị N. bị dao cứa chảy máu tay. Sợ bị lộ, đối tượng bỏ chạy về hướng trường Tiểu học Minh Khai.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 12 giờ, Đội CSHS Công an quận Bắc Từ Liêm đã xác định được nghi phạm chính là Nguyễn Văn Toàn (SN 1996, trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Qua đấu tranh, Nguyễn Văn Toàn đã khai nhận toàn bộ hành vi cướp tài sản của chị N. Do không có công ăn việc làm ổn định, không có tiền tiêu xài nên Toàn đã nảy sinh ý định cướp tài sản.
Ngày 11/4, khi đi ngang qua một quầy bán hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai, Toàn lấy trộm một con dao để làm hung khí cướp. Khoảng 23h30 ngày 12/4, khi đang đi trong ngõ 136 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Toàn nhìn thấy chị N. đang đi một mình nên đã nảy sinh ý định khống chế chị N., cướp tài sản.
Toàn rút con dao trộm được ở chợ đầu mối Minh Khai từ trước, giấu trong ống tay áo rồi tiến lại gần chị N., gí dao vào cổ và kéo chị N. vào trong ngách nhỏ của ngõ 136 đường Cầu Diễn, khống chế dọa giết, yêu cầu đưa tiền.
Trịnh Sảng tố Trương Hằng nhiều lần uy hiếp, dọa giết Phiên tòa giành quyền nuôi con giữa Trương Hằng và Trịnh Sảng đã diễn ra và chưa có phán quyết cuối cùng từ tòa án. Tối 6/4, phiền tòa giành quyền nuôi con thứ 2 giữa Trương Hằng và Trịnh Sảng đã chính thức diễn ra tòa án Denver, Hoa Kỳ thông qua hình thức livestream. Đặc biệt, Trương Hằng đích thân xuất...