Bạo lực V.League đằng sau chiếc thẻ vàng của trọng tài
Nếu Đỗ Hùng Dũng không bị gãy chân, Ngô Hoàng Thịnh chỉ phải nhận thẻ vàng. Bạo lực sân cỏ V.League nảy mầm có phần không nhỏ từ nhận định của trọng tài.
Bốn ngày sau cú vào bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng gãy chân, mọi chuyện dần lắng xuống. Tiền vệ CLB Hà Nội chuẩn bị xuất viện, cầu thủ của TP.HCM trở về nhà, khóa mạng xã hội. Còn lại gì sau hình ảnh đau đớn trên sân Thống Nhất tối ngày 23/3? Đó phải là câu hỏi bạo lực sân cỏ xuất phát từ đâu.
Trọng tài và chiếc thẻ vàng
Nhìn lại hoàn cảnh diễn ra pha bóng ở phút 27, người xem có thể nhận ra ông Vũ Nguyên Vũ, trọng tài chính điều khiển trận đấu giữa CLB TP.HCM với Hà Nội ở vòng 5, đã ngay lập tức rút chiếc thẻ vàng từ trong túi ra. Chỉ cần chờ tiền vệ mang áo số 9 đứng dậy, trọng tài sẽ phạt Hoàng Thịnh thẻ vàng.
Trọng tài Vũ rất dứt khoát khi rút thẻ vàng, bởi ông chỉ đứng cách đó không hơn 20 m và có góc quan sát tốt. Nhận định của ông là tình huống này chỉ đáng thẻ vàng. Trong khi Hùng Dũng đau đớn nằm sân, Hoàng Thịnh hoảng loạn, ông Vũ gặp áp lực rất lớn từ các cầu thủ Hà Nội vì quyết định rút thẻ vàng của mình.
Thủ môn Tấn Trường là người ức chế nhất lúc đó. Anh lao lên để chỉ cho trọng tài thấy chấn thương của đồng đội mà trọng tài chỉ phạt thẻ vàng. Phản ứng dữ dội của đội khách, nếu chiếu theo chủ trương mới của Ban trọng tài VFF, ai phản ứng là người đó nhận thẻ vàng. May mắn là điều đó không được áp dụng.
Cho đến khi Hùng Dũng rời sân bằng xe cấp cứu, người ta mới biết Hoàng Thịnh rời sân vì chiếc thẻ đỏ trực tiếp. Một quyết định chính xác, nhưng tiếc là không kịp thời. Chiếc thẻ vàng mà ông Vũ rút ra trước đó đã nói lên một thực trạng là bạo lực sân cỏ đang không được các trọng tài kiểm soát được bằng thẻ phạt.
Nhiều người đặt dấu hỏi khi thấy trọng tài Vũ Nguyên Vũ rút thẻ vàng chờ sẵn Hoàng Thịnh. Mãi sau khi Hùng Dũng rời sân, Hoàng Thịnh mới nhận thẻ đỏ. Ảnh: Quang Thịnh.
Ông Đoàn Phú Tấn, nguyên Trưởng ban Trọng tài VFF kiêm Phó ban kỷ luật VFF, đặt vấn đề: “Thẻ đỏ hay thẻ vàng là do động tác thực hiện lỗi, hay do hậu quả có gãy chân hay không?”. Trọng tài Vũ Nguyễn Vũ có lỗi khi “rút thẻ vàng” trước rồi mới phạt thẻ đỏ hay không? Câu trả lời nằm ở bảng phân công trọng tài vòng 6.
Chúng ta hãy nhớ lại 6 năm về trước (13/9/2015), trung vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) đạp gãy chân Trần Anh Khoa (CLB Đã Nẵng), trọng tài Phùng Đình Dũng cũng rút ra một chiếc thẻ vàng rất dứt khoát. Ngọc Hải tiếp tục thi đấu trên sân, còn anh Khoa từ đó về sau không thể trở lại sân cỏ với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp.
Hai pha bóng, hai hậu quả tương tự nhau và suýt nữa giống nhau nếu trọng tài Vũ không “sửa sai” bằng chiếc thẻ đỏ cho Hoàng Thịnh. Tuy nhiên, những đồng nghiệp của ông thì khác. Nhiều pha vào bóng nguy hiểm chỉ nhận được chiếc thẻ vàng ở mùa giải 2021 nếu khán giả để ý kỹ hơn.
Bạo lực đằng sau tấm thẻ
Video đang HOT
Ngay vòng đấu đầu tiên trong trận CLB Đà Nẵng tiếp CLB TP.HCM, tiền vệ Phan Thanh Hậu mếu máo rời sân trong đau đớn khi bị Võ Ngọc Toàn đốn ngã từ phía sau. Thanh Hậu may mắn không bị gãy chân hay đứt dây chằng, nhưng anh phải ngồi ngoài từ sau đó cho đến trước vòng 6 mới bình phục hoàn toàn.
Ngọc Toàn thậm chí không nhận một chiếc thẻ nào của trọng tài Nguyễn Viết Duẩn. Thanh Hậu nói: “Pha bóng như thế lỡ may trúng, tôi nghĩ tôi gãy chân rồi. Đá bóng chỉ có đôi chân, chúng ta phải biết giữ chân cho nhau”. Tình huống này cũng không được VPF báo cáo lên ban kỷ luật để xử lý phạt nguội.
6 năm trước, trọng tài Phùng Đình Dũng đã phạt Quế Ngọc Hải thẻ vàng. Sau đó, Anh Khoa bị dứt dây chằng, giã từ sự nghiệp thì Hải mới bị cấm thi đấu 6 tháng. Ảnh: Thanh Tùng.
Gần đây nhất là pha bóng ở phút 79 trong trận đấu vòng 4 giữa Bình Dương và Hải Phòng. Cầu thủ Lê Mạnh Dũng của đội khách vào bóng nguy hiểm hất tiền đạo Ngô Hồng Phước lên trời. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà cho Bình Dương hưởng lợi thế nhưng sau đó cắt còi để phạt thẻ vàng với số 20 của Hải Phòng.
Hồng Phước ôm chân nằm đau đớn trong khi bên ngoài, ban huấn luyện CLB Bình Dương phản ứng dữ dội, vẫn chỉ là một chiếc thẻ vàng cho các pha vào bóng nguy hiểm chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Thanh Hậu nghỉ vài vòng đấu, Hồng Phước may mắn rút chân trụ kịp thời nên có thể thi đấu tiếp sau đó.
Cựu trung vệ Danny van Bakel cho rằng: “Tôi chỉ hy vọng những gì diễn ra ở sân Thống Nhất sẽ là bài học cho tương lai. Các trọng tài đều rút thẻ đỏ với những pha tắc bóng bằng hai chân. Với cú vào bóng của Hoàng Thịnh, ngay cả khi Hùng Dũng có nhảy lên và né được, trọng tài cũng cần rút thẻ đỏ”.
Theo số liệu thống kê của VPF trước vòng 6, đã có 5 chiếc thẻ đỏ được rút ra. Trong số này, 2 thẻ đỏ dành cho 2 cầu thủ SLNA (Hoàng Văn Khánh và Thái Bá Sang) vì lỗi “ngăn cản đối phương ghi bàn trước cơ hội rõ rệt”, 2 thẻ đỏ gián tiếp vì lỗi phản ứng trọng tài (Nguyễn Văn Ngọ và Kelly). Hoàng Thịnh là trường hợp duy nhất bị truất quyền thi đấu vì lỗi vào bóng thô bạo.
Số liệu thẻ đỏ không phản ánh được các pha bóng bạo lực trên sân cỏ V.League 2021. Trường hợp gãy chân của Hùng Dũng là hình ảnh tiêu biểu và tạo được sự quan tâm. Dù gì thì tiền vệ sinh năm 1993 là tuyển thủ quốc gia, học trò cưng của HLV Park Hang-seo. Nếu chúng ta theo dõi kỹ ở giải chuyên nghiệp, còn rất nhiều pha bóng thô bạo không được chú ý, bị trọng tài bỏ qua, phạt thẻ vàng cảnh cáo.
Bóng đá là môn đối kháng, tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào và với bất cứ cầu thủ nào. Ảnh: Quang Thịnh.
Ở mùa giải 2021, Ban trọng tài VFF có chủ trương mạnh tay với các phản ứng của cầu thủ, thành viên ban huấn luyện với trọng tài. Điều này ngay lập tực được áp dụng triệt để và không ít cầu thủ, thành viên đội bóng bị phạt thẻ vàng, thậm chí là thẻ đỏ gián tiếp. Thế nhưng, chủ trương chống bạo lực sân cỏ thì có từ lâu và luôn dấy lên mỗi khi có trường hợp đặc biệt, nhưng vấn nạn này vẫn còn.
Cách thi đấu của trung vệ Phạm Mạnh Hùng của đội Hải Phòng ở mùa giải 2020 đã rất phản cảm. Báo chí có đủ tư liệu về lối chơi bóng, vào bóng của cầu thủ xứ Nghệ, anh cũng từng bị “lên án” nhiều lần nhưng rồi đâu cũng vào đó. Mạnh Hùng chỉ nhận 4 thẻ vàng sau 16 trận đấu, không một thẻ đỏ. Và cách hành xử của anh với các trọng tài cũng không giống ai.
Một khi trọng tài còn sợ cầu thủ, ngại đội chủ nhà, chỉ dám rút thẻ vàng cảnh cáo các lỗi nghiêm trọng, thì bạo lực sân cỏ không bao giờ mất đi. Nó chỉ tiềm ẩn và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, với bất cứ ai chứ không riêng gì với tuyển thủ quốc gia. Còn hay không những pha vào bóng như Hoàng Thịnh, phần còn lại của mùa giải sẽ cho khán giả thấy. Ban trọng tài VFF không thể không có động thái quyết liệt hơn như cách áp dụng với các cầu thủ phản ứng.
Hoàng Thịnh và sự bất lực trước lối đá kỹ thuật
Hoàng Thịnh khiến Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương nghiêm trọng sau pha vào bóng thô bạo. Trong nhiều trường hợp, đó là sự bất lực.
Cú vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng không mang đại diện cho cả trận đấu, nhưng nó là bằng chứng cho thấy CLB TP.HCM thua kém so với đội Hà Nội trong thất bại 0-3 tại vòng 5 V.League tối 23/3.
Sâu xa hơn, nó là biểu tượng cho một tư duy bóng đá lỗi thời, phi thể thao của Hoàng Thịnh
Pha bóng bạo lực của Hoàng Thịnh
Lịch sử đối đầu trước trận nghiêng hẳn về phía CLB Hà Nội với 5 chiến thắng tuyệt đối trong 5 trận gần nhất. Họ bước ra sân Thống Nhất với tư cách đương kim á quân, toàn thắng 2 trận vừa qua. Đối thủ của họ đang chật vật ở nhóm giữa bảng xếp hạng, loay hoay với bài toán phụ thuộc Lee Nguyễn.
Trước chấn thương rùng rợn của Hùng Dũng, CLB Hà Nội vắng cả Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu vẫn áp đảo đối thủ. Choáng váng vì mất Hùng Dũng, họ vẫn thể hiện được bản lĩnh, đè bẹp chủ nhà với tỷ số 3-0.
Không ai biết chính xác Hoàng Thịnh đã nghĩ gì khi vào bóng. Đó là tình huống không may như người ta thường bao biện? Là phạm lỗi chiến thuật để ngăn đối thủ phản công? Dù lý do là gì, những cú vào bóng kiểu đó thực sự rất đáng lên án.
Mùa trước, Hoàng Thịnh cũng có một pha bóng nguy hiểm với Quang Hải khi CLB TP.HCM đấu Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến.
Hoàng Thịnh có lẽ cũng hiểu điều đó. Tiền vệ sinh năm 1992 trưởng thành từ SLNA, là một trong những sản phẩm tốt nhất của lò đào tạo này nhiều năm qua. Anh vẫn mang nhiều chất Nghệ dù đã lưu lạc qua không ít CLB. Những khó khăn về tài chính trong nhiều năm tạo đặc thù riêng cho bóng đá xứ Nghệ. Trước và sau Hoàng Thịnh, nhiều cầu thủ SLNA đã trưởng thành, chơi bóng theo cách dữ dội ấy.
SLNA đã dùng tinh thần máu lửa ấy bù đắp cho những thiếu thốn về vật chất và hạn chế về chuyên môn. Cầu thủ trẻ SLNA lên đội một thường rỉ tai nhau rằng không biết trình độ ra sao, vào sân là phải máu.
Hệ quả của lối chơi quyết liệt ấy thường là các chấn thương. Những năm qua, các tai nạn khủng khiếp nhất của bóng đá Việt Nam thường tới từ cầu thủ xứ Nghệ. Đó là trường hợp của Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa, Trần Đình Đồng với Nguyễn Anh Hùng và mới đây là Ngô Hoàng Thịnh với Hùng Dũng.
Khi không thể giỏi hơn, anh có thể bù đắp bằng nhiều bạo lực hơn. Khi không thể tổ chức phòng ngự tốt hơn, anh có thể chấm dứt pha tấn công bằng một cú xoạc bóng. Lựa chọn thứ hai luôn dễ dàng. Đá xấu, tử thủ thì dễ hơn chơi đẹp và cống hiến. Phá bóng, triệt hạ thì dễ hơn tung 20 đường chuyền rồi ghi bàn. Triết lý ấy càng được cổ vũ trong bối cảnh khó khăn về tài chính, hạn chế về nguồn lực ở SLNA.
Ông Park sốc khi chứng kiến Hùng Dũng gãy chân. Ảnh: Quang Thịnh.
Cần loại bỏ bạo lực
Nhưng vì lựa chọn ấy dễ dàng quá, thành tựu mà nó mang lại thường không thể lâu dài. Kẻ chiến thắng bằng lối chơi ấy không hẳn là kẻ "mạnh" nhất.
CLB Hà Nội, đối thủ đã thắng đội TP.HCM hôm qua, chính là điển hình cho điều đó. Ở V.League, đội bóng này từng có hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ, nhưng không chọn cách chơi máu lửa và dễ dàng ấy. Họ đã mất hơn 10 năm xây dựng bản sắc, kiên trì với bóng đá đẹp dù điều đó từng khiến họ bị chê cười không ít.
Hai nhân vật chính của bi kịch tối qua, Hoàng Thịnh, Hùng Dũng, cũng là điển hình cho điều đó. Họ đều là tiền vệ giữa, nhưng mang 2 phong cách khác biệt.
Ngay cả chính Thái Lan cũng là một điển hình cho thứ bạo lực từ kẻ yếu. Trong giai đoạn cực thịnh, bóng đá Thái Lan từng được ca ngợi vì đá đẹp. Nhưng khi khoảng cách giữa người Thái và khu vực được thu hẹp, hàng loạt bê bối bạo lực sân cỏ của người Thái đã xuất hiển. Đòn bẩn của trợ lý tuyển Thái với HLV Park Hang-seo, cú đấm của U15 Thái Lan với đồng nghiệp Malaysia là những minh chứng hùng hồn cho điều đó.
"Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Thịnh phạm lỗi theo kiểu như vậy. Nhưng pha ra chân quyết liệt quá mức của Thịnh từng khiến đồng nghiệp bị ảnh hưởng, và khiến chính cậu ấy chấn thương." - BLV Quang Huy
Trong hầu hết trường hợp, bạo lực luôn là biểu hiện của sự bất lực. Khi anh không thể đường hoàng thắng người ta, anh phải dùng tới nắm đấm.
Cùng ngày với pha vào bóng rùng rợn của Hoàng Thịnh, một cầu thủ SLNA khác là Phan Văn Đức đã tỏa sáng rực rỡ với 2 bàn thắng siêu phẩm. Trong thế bị dẫn bàn, trên sân của Đà Nẵng, cả hai bàn của Văn Đức đều đẹp, thể hiện năng lực bóng đá vượt trội. Tuyển thủ Việt Nam không cần một cú vào bóng không cần triệt hạ. Anh tỏa sáng bằng điều căn bản và quan trọng nhất của một cầu thủ: Chơi bóng.
Giữa một tập thể SLNA dữ dội, những người xuất chúng nhất, đạt được thành công to lớn nhất lại là những ngôi sao mềm mại, ít máu lửa nhất. Văn Đức, Phạm Văn Quyến và cả Lê Công Vinh đều không có nhiều khí chất "đàn ông" theo tiêu chuẩn thông thường của bóng đá xứ Nghệ. Họ đều được yêu mến bằng lối đá hào hoa, mê đắm. Suốt sự nghiệp của Công Vinh và cả Văn Đức hiện tại, khó mà nhớ nổi một pha bóng thô bạo từ họ. Họ không cần được nâng đỡ bởi thứ bóng đá phi thể thao, là bằng chứng cho thấy nếu anh giỏi thật sự, không cần tới bạo lực.
Bóng đá của Hoàng Thịnh không phải của kẻ mạnh. Nó không đại diện cho tuyển Việt Nam, cho bóng đá Việt Nam hôm nay và không bao giờ là điều chúng ta muốn hướng tới.
Hùng Dũng nghỉ 1 năm và "bão chấn thương" ở đội tuyển Việt Nam Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đang đến gần, HLV Park Hang Seo liên tiếp nhận những thông tin không vui từ các học trò. Đội tuyển Việt Nam đến UAE mà không có lực lượng mạnh nhất. Chấn thương của Đỗ Hùng Dũng đang là tâm điểm của bóng đá Việt Nam. Dù Ngô Hoàng Thịnh sẽ phải nhận...