Bạo lực khắp cả nước, Pháp bắt giữ 1.400 người
Nhà chức trách Pháp đã bắt giữ 1.400 người sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại hàng loạt thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Toulouse hôm 8/12.
Bạo lực một lần nữa nổ ra tại Pháp khi các cuộc biểu tình tiếp tục bùng phát hôm 8/12. Tại nhiều thành phố lớn, cảnh sát chống bạo động phải sử dụng đạn hơi cay và vòi rồng để trấn áp trong bối cảnh hàng nghìn người thuộc phong trào “Áo khoác vàng” đốt phá xe cộ, phá các cửa hàng.
Hơn 1.400 người bị bắt
Trong ngày 8/12, hơn 125.000 người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn trên toàn nước Pháp như Paris, Marseille, Nice và Nantes. Các cuộc tuần hành biến thành bạo động tại Paris, Bordeaux và Toulouse khi những kẻ quá khích bắt đầu đốt cháy các chướng ngại vật trên đường phố.
Khoảng 1.400 người bị bắt trên toàn nước Pháp. Tại thủ đô Paris, nhiều người biểu tình bị bắt giữ trước khi họ có thể tiếp cận khu vực trung tâm của các cuộc biểu tình tại đại lộ Champs Elysees.
Cảnh sát Pháp lập thành hàng rào cản bước người biểu tình tại Paris hôm 8/12. Ảnh: Getty.
Khoản 89.000 nhân viên an ninh được triển khai trên toàn nước Pháp trong ngày 8/12. Chỉ riêng tại Paris, nhà chức trách triển khai 8.000 cảnh sát, tăng gần gấp đôi so với con số 4.600 của tuần trước. Hiến binh Pháp, một trong hai lực lượng cảnh sát quốc gia, đã triển khai 12 xe bọc thép trấn giữ tại các vị trí trọng yếu của thủ đô Paris.
Khác với các cuộc bạo động trước tại Paris, cảnh sát chống bạo động đã sử dụng chiến thuật mới, trấn áp những kẻ gây rối ngay trước khi những người này ra tay.
“Tình trạng bạo lực không thể chấp nhận được đã được khống chế. Tình hình đã được kiểm soát, dù vẫn còn một số điểm nóng tại các tỉnh”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner tuyên bố.
Ông Castaner cho biết 118 người biểu tình cùng 17 cảnh sát chống bạo động bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 8/12. Con số này chỉ bằng một nửa so với 400 người bị thương của cuộc biểu tình cuối tuần trước. Từ khi bất ổn nổ ra từ tháng trước, 4 người đã thiệt mạng.
Tại nhiều khu vực trên khắp nước Pháp, nhà chức trách phải triển khai các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại do bạo lực nổ ra. Các bảo tàng tại thành phố Bordeaux đồng loạt đóng cửa, trong khi thành phố Lyon phải triển khai nhiều biện pháp an ninh cho lễ hội Ánh sáng đang diễn ra tại đây.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 8/12 tại Paris. Ảnh: AFP.
Điểm nóng tại Paris
Tại thủ đô Paris, tình trạng bất ổn không leo thang tới ngưỡng đỉnh điểm của tuần trước, vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn phát ra các cảnh báo về bạo lực.
Video đang HOT
Khải Hoàn Môn, biểu tượng thiêng liêng của nước Pháp bị người biểu tình bao vây hồi cuối tuần trước, được bảo vệ nghiêm ngặt với 8 xe bọc thép trấn giữ các con đường tiếp cận chính.
Công nhân thành phố Paris đã phải dỡ bỏ hơn 2.000 hàng rào kim loại, rào chắn xây dựng và nhiều vật liệu khác để tránh bị người biểu tình sử dụng làm vũ khí. Cư dân sống tại các khu vực giàu có của Paris cũng rời khỏi nơi ở để đề phòng bất trắc.
Người biểu tình quậy phá và đốt cháy các miếng gỗ bảo vệ cửa kính các cửa hàng. Ảnh: AFP.
Cảnh sát bao vây người biểu tình tại hai đầu đại lộ Champs Elysees, khu vực gần dinh tổng thống và quảng trường Concorde để tránh các đám đông hòa vào làm một khiến tình trạng mất kiểm soát.
Sau buổi sáng tương đối tĩnh lặng, các phần tử quá khích và gây rối chuyên nghiệp tại Paris bắt đầu phá rào chắn gỗ gắn trên cửa kính của các cửa hiệu để cướp bóc.
Trên đại lộ Champs Elysees, cảnh sát nhanh chóng bắn đạn hơi cay để trấn áp những phần tử phá hoại trước khi dùng dùi cui giáp lá cà, buộc những kẻ gây rối phải rút lui.
Khác với những phần tử pháp hoại, những người biểu tình Áo khoác vàng không tham gia vào hành vi cướp bóc. Trên đại lộ Champs Elysees, một số người mang áo khoác vàng đã chủ động thay thế rào chắn bảo vệ các cửa hàng bị những phần tử phá hoại hủy hoại.
Nhiều người biểu tình Áo khoác vàng thất thần khi đám đông những kẻ cơ hội phá cửa sổ của một cửa hàng thời trang, cuỗm đi những hộp giày thể thao đắt tiền trên một đại lộ sang trọng gần Khải hoàn môn.
“Đây đúng là một cơn điên, hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Franck Morlat, một lái tàu đi từ miền Trung nước Pháp tới Paris tham gia biểu tình, cho biết.
Trong khi người biểu tình bắt đầu phá cửa sổ các câu lạc bộ golf, một người biểu tình Áo khoác vàng lái xe cứu thương tên Stephanie cho rằng những vụ bạo lực thật đáng buồn, nhưng “nếu không có chúng thì sẽ chẳng có gì thay đổi”.
Cảnh sát Pháp trấn áp các phần tử quá khích. Ảnh: AFP.
Người biểu tình cũng phóng hỏa đốt một cửa hiệu thuộc trên đại lộ Champs Elysees và chặn lối vào tòa nhà bằng một cây thông đã bị đốt cháy rụi. Cảnh sát Pháp triển khai lực lượng lớn binh sĩ giải tán đám đông trên đại lộ này và dỡ bỏ các chướng ngại vật được dựng lên vội vàng.
Người biểu tình gào thét đòi Tổng thống Macron từ chức và chửi rủa cảnh sát cũng như giới truyền thông có mặt tại hiện trường.
Tại các khu vực khác, bạo lực không kém phần căng thẳng cũng nổ ra. Một số xe cảnh sát được huy động để kiểm soát người biểu tình bị đốt cháy. Sau đó, nhà chức trách phải điều động xe thiết giáp để phân tán người biểu tình và phá vỡ các chướng ngại vật. Tại quận Marais, cảnh sát kỵ binh được triển khai để truy đuổi những kẻ phá hoạt tấn công các cửa hàng kinh doanh.
Sự tức giận của người nghèo
Những người biểu tình lấy ý tưởng Áo khoác vàng từ những chiếc áo huỳnh quang cảnh báo nguy hiểm, nhằm truyền đi thông điệp phản ánh tình trạng kinh tế khốn đốn của họ.
Ban đầu, lực lượng chủ yếu tham gia biểu tình là người lao động nghèo tại nông thôn và các vùng ngoại ô. Đây là tầng lớp bị ảnh hưởng trực tiếp và chống lại kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính quyền Pháp.
Tuần trước, khi chính quyền Tổng thống Macron nhượng bộ và hủy bỏ kế hoạch tăng thuế, cơn giận của người dân vẫn không suy giảm. Một bộ phận công chúng Pháp bất bình với chính sách kinh tế của vị tổng thống 40 tuổi cùng tình trạng mức sống người dân đang lao dốc.
Người lao động Pháp bất bình với chính sách kinh tế của Tổng thống Macron. Ảnh: AFP.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đăng đàn nói về tình trạng các cuộc bạo động ở Pháp. Trong một dòng tweet trên trang Twitter cá nhân, ông Trump bóng gió về việc các vụ biểu tình là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc nước Pháp xem xét lại cam kết đắt đỏ của mình với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
“Những ngày và đêm thật buồn tại Paris. Đây có thể là thời điểm chấm dứt Hiệp định Paris đắt đỏ và nực cười để mang tiền về cho người dân thông qua việc giảm thuế”, Tổng thống Trump viết.
Thủ tướng Pháp Edouard Phiippe cho biết Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu về tình trạng bạo lực trong tuần tới. Ông Macron bị chỉ trích nặng nề khi giữ im lặng trước công chúng kể từ khi phong trào Áo khoác vàng nổ ra.
Sau ngày thứ 7 bạo lực, quyết tâm và động lực của những người biểu tình Áo khoác vàng không hề suy chuyển.
“Mọi việc chỉ thay đổi nếu người dân từ các vùng đổ tới Paris và buộc giới chính trị gia phải lắng nghe. Chúng tôi đã lái xe cả đêm, chúng tôi không thể chấp nhận hệ thống hiện tại thêm nữa, nó không đại diện cho chúng tôi”, Julien Lezer, một thợ điện sống tại vùng Var bên bờ Địa Trung Hải, nói.
“Tại Elysee, họ chi 300.000 euro cho việc trải thảm và 10.000 euro cho việc làm tóc”, nhà hoạt động vì người khuyết tật Axelle Cavalheiro đến từ Lyon phẫn nộ. Bà khẳng định người dân đang bị đánh thuế quá mức.
Duy Anh
Theo New York Times
Biểu tình "Áo vàng": Họ là ai?
Ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron thông báo sẽ áp dụng thêm một loại thuế xăng nữa để bảo vệ môi trường, nhiều người dân Pháp - chủ yếu là người nghèo - đã không khỏi phẫn nộ. Theo Bộ Nội vụ Pháp, đã có hơn 400.000 người xuống đường biểu tình, tạo thành phong trào "Áo vàng" làm điên đảo chính phủ.
Phong trào "Áo vàng" đến từ đâu?
Loại thuế xăng mới như "giọt nước" tràn vào chiếc ly "đời sống xã hội khó khăn" ở Pháp, khiến phong trào biểu tình bùng nổ trên toàn quốc. Ảnh: Reuters.
Ban đầu, những người biểu tình mặc áo phản quang vàng đều có gốc gác ở các vùng nông thôn. Họ là những người hàng ngày phải di chuyển rất xa để đi làm. Do đó, nhóm người này bị ảnh hưởng rất lớn từ việc giá xăng phải "cõng" thêm thuế bảo vệ môi trường mới.
Sau đó, phong trào đã ngày càng lớn mạnh với sự tham gia của tầng lớp trung lưu, tầng lớp lao động. Hai tầng lớp này đều cảm thấy chán chường, bức xúc với việc tiêu chuẩn sống bị hạ thấp và tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": lương quá cao để được nhận trợ cấp nhưng quá thấp để nuôi miệng ăn của bản thân và gia đình.
Được biết, phong trào "Áo vàng" không hề có một nhóm lãnh đạo chính thức nào mà được tổ chức thông qua các nhóm trên mạng xã hội. Những người tham gia biểu tình coi Tổng thống Macron và những cải cách của ông là nguồn cơn của mọi khó khăn, đau khổ.
Phong trào biến thành bạo lực như thế nào?
Bạo lực chỉ xảy ra tại Paris khi nhiều phần tử có hành động quá khích, phá hoại và cướp bóc. Ảnh: Getty.
Theo trang tin NPR, hầu hết những người biểu tình "Áo vàng" trên nước Pháp đều đấu tranh ôn hòa. Bạo lực chỉ nổ ra tại Paris khi một số phần tử quá khích phá hoại Khải Hoàn Môn, Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Vô danh, cướp phá các cửa hàng, phá hoại các tòa nhà và thậm chí là tấn công cả cảnh sát. Chính quyền Pháp nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ bạo lực, phá hoại được khởi xướng bởi các phần tử cực tả, cực hữu, côn đồ,...
Chỉ trong thứ Bảy (1.11) vừa rồi, các nhà chức trách đã bắt giữ 380 người vì các tội danh liên quan tới bạo lực, phá hoại. Về mặt vật chất, thủ đô Paris đã hứng chịu thiệt hại tổng cộng 3,4 triệu USD.
Những người biểu tình muốn gì?
Ban đầu, phong trào "Áo vàng" hướng tới việc xóa bỏ thuế bảo vệ môi trường lên dầu diesel. Hiện tại, những người biểu tình còn muốn chính phủ nâng mức thu nhập tối thiểu (đang ở mức 1.350USD/tháng sau thuế) lên để cải thiện đời sống.
Không chỉ có vậy, phong trào cũng kêu gọi Tổng thống Macron từ chức, giải thể Quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử mới
Tại sao phong trào có tên "Áo vàng"?
Những người biểu tình "Áo vàng" ở Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp). Ảnh: Getty.
Tại Pháp, những người đi xe motor buộc phải mang theo áo vest phản quang vàng theo mình. Khi tham gia biểu tình, những lái xe đã mặc luôn áo phản quang để chặn các con đường trên nước Pháp. Do đó, bất kỳ người nào khi tham gia phong trào đều mặc loại áo này, dù họ có phải tay lái xe motor hay không.
Theo Danviet
Khải Hoàn Môn tan hoang sau cuộc bạo động tồi tệ nhất 50 năm ở Pháp Khải Hoàn Môn, công trình được coi là một trong những biểu tượng huyền thoại của thủ đô Paris, đã chìm trong khói lửa và đổ vỡ sau các cuộc bạo động tồi tệ nhất trong 5 thập niên qua tại Pháp. Cuộc biểu tình "Áo vàng" ở Pháp đã biến thành bạo động hôm 1/12. Ban đầu, lực lượng này tập trung...