Báo Le Monde: Trung Quốc, cường quốc quen thói cưỡng bức
Trong bài phân tích mang tựa đề “Trung Quốc, (siêu) cường cưỡng bức”, báo Le Monde của Pháp nhận định, nền kinh tế thứ nhì thế giới và có ngân sách quốc phòng cũng thứ nhì thế giới, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang ở thế tiến công.
Trực thăng bay theo đội hình trên bầu trời Bắc Kinh, chuẩn bị lễ kỷ niệm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, 12/06/2015. REUTERS/Stringer
Trong bài phân tích mang tựa đề “Trung Quốc, (siêu) cường cưỡng bức”, báo Le Monde của Pháp nhận định, nền kinh tế thứ nhì thế giới và có ngân sách quốc phòng cũng thứ nhì thế giới, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang ở thế tiến công, RFI thuật lại.
Từ dự án “Con đường tơ lụa”, nhằm trang bị cơ sở hạ tầng cho Đông Nam Á và Trung Á, những món tín dụng khổng lồ hứa hẹn cho các nước châu Phi và châu Mỹ la-tinh, cho đến việc thành lập các định chế cạnh tranh như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành sách lược ngoại giao kinh tế với nhiều mục tiêu chiến lược khác nhau.
Cùng với việc tăng tốc hiện đại hóa quân sự, và chủ nghĩa đại quốc trắng trợn tại Biển Đông, sự tả xung hữu đột này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi, siêu cường Trung Quốc mang lại được những gì.
Sách Trắng quốc phòng của Bắc Kinh hồi cuối tháng Năm mới đây đã thẳng thừng nêu ra trung tâm các quan ngại là “an toàn của các lợi ích viễn hải về năng lượng và nguồn lợi thiên nhiên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, cũng như các định chế, con người và tài sản ở ngoại quốc”.
Le Monde cho rằng, sức bật kinh tế vừa là cái cớ vừa là sự cần thiết cho sự bành trướng trên biển đã được lập trình.
Trong Hội nghị trung ương về đối ngoại hôm 28 và 29/11/2014, ông Tập Cận Bình đã nêu ra điều mà nhà nghiên cứu Timothy Heath của Jamestown Foundation mô tả là một “chiến lược cất cánh thực sự của siêu cường Trung Quốc”.
Bắc Kinh, thông qua các chính sách kinh tế “hy vọng làm cho số phận của các quốc gia mới nổi dậy và thịnh vượng ở châu Á – đang ngày càng tăng lên – phải lệ thuộc vào Trung Quốc với tư cách đại cường. Đồng thời khiến Hoa Kỳ phải đứng bên lề trong tương lai khu vực”.
Video đang HOT
Bắc Kinh đặt mục tiêu khá xa: hải quân Trung Quốc với mỗi một tàu sân bay, không có căn cứ quân sự nào ở nước ngoài. Djibouti có thể là nơi đầu tiên cho Trung Quốc đặt căn cứ – việc tham gia chống hải tặc ở vùng vịnh Aden được phương Tây cho là tích cực.
Khả năng khác là các hải cảng Trung Quốc xây dựng, như ở Sri Lanka – hiện đang có phong trào bài Hoa, và Pakistan, nơi các dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đòi hỏi các điều kiện an ninh vững vàng.
Không thành lập một khối riêng, không dùng quân đội xâm lăng một nước khác, siêu cường Trung Quốc, theo Le Monde, sẽ linh hoạt, gia trưởng và thực dụng. Tuy nhiên Bắc Kinh thành công trong việc sử dụng vũ khí áp bức về kinh tế. Các vụ bắt bí trong thương mại, đầu tư và du lịch rất nhiều lần đã được tung ra để ép các nước châu Á (Nhật Bản, Philippines) và châu Âu.
Theo tờ báo, tranh luận xung quanh các hậu quả của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc không phải là không quan trọng. Nhất là khi, như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, tác giả bản báo cáo về quan hệ Trung-Mỹ đã đánh giá, rằng hy vọng về dân chủ hóa Trung Quốc nhờ sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và toàn cầu hóa, chỉ là hoang tưởng.
Ông Rudd viết: “Ông Tập Cận Bình không cảm thấy rằng khi vừa dấn sâu vào cải cách thị trường để đạt được mục tiêu, đồng thời áp đặt thêm những hạn chế về tự do chính trị cá nhân, là một nghịch lý. Trên thực tế, ông ta còn coi đây là tinh túy của mô hình Trung Hoa trước chủ nghĩa tư bản, trước tự do dân chủ phương Tây, mà ông Tập cho là hoàn toàn không thích hợp với Trung Quốc”.
“Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập chỉ có thể thành hiện thực khi đạt được hai mục tiêu thiên niên kỷ đã được vạch rõ: tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa trên đầu người từ 2010 đến 2021, và đưa Trung Quốc thành nước phát triển từ nay đến 2049.
Sự tích cực xúc tiến “mô hình Trung Quốc” và nâng cao năng lực kinh tế là cơ sở cho một sự đô hộ mới. Le Monde kết luận, và như vậy thế giới cần phải cân nhắc trước vai trò siêu cường Trung Quốc tương lai, cho một thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hẳn đi.
Theo VOV/Bizlive
Vì sao Trung Quốc "quân sự hóa" Biển Đông?
Cách tiếp cận "quân sự hóa" Biển Đông trong tranh chấp lãnh thổ phản ánh sự thiếu hiểu biết về quân sự của "siêu cường khu vực" Trung Quốc.
Đó là nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược hàng hải của Hàn Quốc và là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Kỹ thuật hệ thống quốc phòng của Đại học Sejong ở thủ đô Seoul.
Trung Quốc từng đưa tàu sân bay Liêu Ninh thị uy ở Biển Đông.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon, trong khi đề ra sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển", Trung Quốc đang ráo riết tiến hành các hoạt động nạo vét "đắp đảo nhân tạo" ở 7 rạn san hô và bãi cát ngầm đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang xây dựng các căn cứ hải quân-không quân trên những "hòn đảo" mới được bồi đắp trái phép này. Đó là các cầu cảng, đường băng sân bay dài 3.000 mét, căn cứ của các đơn vị đồn trú được trang bị radar và trọng pháo bảo vệ bờ biển.
Chiến lược hải quân lỗi thời
Liệu hành động "quân sự hóa" Biển Đông này có thực sự giúp Trung Quốc trở thành một "cường quốc hải quân thực sự" như những lời hô hào của Chủ tịch Tập Cận Bình?
Biển Đông là nơi qua lại của 1/3 tổng số tàu thương mại trên thế giới và có trữ lượng dầu khí khá dồi dào. Do đó, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng về địa chiến lược và kinh tế. Trong những tháng gần đây, căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN liên quan đến việc Trung Quốc bồi đắp các rạn san hô thành đảo lớn. Trước hành động quyết đoán ngang ngược của Trung Quốc nhằm thống trị toàn bộ Biển Đông, tất cả các quốc gia Đông Nam Á - đặc biệt là các nước có yêu sách lãnh thổ tranh chấp của Trung Quốc - đều tăng cường lực lượng hải quân.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Hải quân Trung Quốc (PLAN) dường như đã bỏ qua thực tiễn chiến tranh hải quân hiện đại vốn dựa vào lực lượng hải quân viễn chinh thường trực trên biển và sẵn sàng đi tới các điểm nóng trên thế giới.
Thực ra, Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực trở thành lực lượng hải quân hiện đại, có khả năng hoạt động ở những vùng biển xa. Hải quân Trung Quốc đã có trong tay một tàu sân bay, nhiều tàu khu trục thế hệ mới và nhiều tên lửa hiện đại.
Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường mở rộng lực lượng tàu ngầm của mình và triển khai một đơn vị đặc nhiệm ở Ấn Độ Dương.Mạng Defence News của Mỹ đưa tin Hải quân Trung Quốc đang xem xét tính khả thi của việc thành lập một hạm đội thứ tư ở Ấn Độ Dương. Đó là chưa kể Cảnh sát biển Trung Quốc được coi là "hải quân thứ hai", một lực lượng liều lĩnh đã dùng vòi rồng tấn công và đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, khi các tàu này cố ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam.
Nhưng việc Trung Quốc quân sự hóa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông, triển khai các đơn vị đồn trú, xây dựng cảnh biển, đường băng trên các hòn đảo mới đắp,... xem ra không có gì liên quan đến tham vọng biển xa của Hải quân Trung Quốc.
"Lợi bất cập hại"
Biển Đông có điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt và việc tiến hành tuần tra hải quân trong mọi điều kiện thời tiết là khá khó khăn. Nếu không được xây dựng với quy mô rất lớn, cầu tàu bến đậu của những hòn đảo nhân tạo sẽ không đủ sức bảo vệ tàu đánh cá trước các cơn bão thường xuyên.
Việc Không quân Trung Quốc vận hành máy bay chiến đấu Su-27SKs trên các hòn đảo nhân tạo cũng không mấy dễ dàng. Điều này đòi hỏi năng lực hậu cần, bảo dưỡng tiên tiến và đội ngũ phi công lão luyện. Hơn nữa, những chiếc Su-27SK được triển khai trên "đảo nhân tạo" dễ bị vệ tinh phát hiện bởi và dễ bị các máy bay không người lái tầm xa tấn công.
Việc quân sự hóa Biển Đông chính là một sự lựa chọn chính trị sai lầm của Trung Quốc, chứ không phải là một biểu hiện linh hoạt của quân đội.
Trong hơn 10 năm qua, quá trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc thường đi kèm với các hành động hung hăng quyết đoán. Điều này đã khiến cho các nước ASEAN láng giềng cảm thấy lo ngại và phát đi các tín hiệu sai lầm đến Nhật Bản và Mỹ. Đây không phải là cách để Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải đích thực.
Rõ ràng, Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa lớn và nước này chuyển giao nhiều tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển cũ cho các lực lượng hải quân ASEAN. Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã lên tiếng ủng hộ các cuộc tuần tra chung Mỹ-ASEAN trên Biển Đông. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng ráo riết tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân: nâng cấp các căn cứ, mua tàu chiến tàu ngầm và vũ khí tiên tiến của nước ngoài.Trong suốt bề dày lịch sử, hầu hết các cường quốc hàng hải muốn thống trị các vùng biển của họ để bảo vệ lợi ích thương mại quốc gia đều phải đối mặt với thâm hụt nghiêm trọng các nguồn lực tài chính và quân sự.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Sukjoon Yoon, tranh chấp Biển Đông đang cản trở con đường trở thành "cường quốc hải quân" của Trung Quốc và ý đồ "quân sự hóa" Biển Đông không mang lại kết quả tích cực nào cho nước này. Trung Quốc chỉ có thể trở thành một "cường quốc hải quân" thực sự, nếu biết cách điều chỉnh tư duy chiến lược lỗi thời, cả trong quân đội lẫn trong giới lãnh đạo chính trị.
Minh Châu (Theo RSIS)
Theo kienthuc
Mỹ đừng tưởng nền tảng siêu cường của họ là mãi mãi Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang là siêu cường suy nhất trên toàn cầu. Khoảng cách giữa nước Mỹ và phần còn lại của thế giới về mọi mặt là tương đối xa, và nhiều giá trị Mỹ cũng đang ngày càng phổ biến và ảnh hưởng trên khắp thế giới. Lý giải cho nền tảng sức mạnh vượt trội...