Bảo hoàng hơn vua
Quốc hội Mỹ theo đuổi đồng thời hai mục đích riêng của Mỹ với bộ luật mơi vê đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga trực tiếp sang Tây Âu.
Với 377 phiếu thuận và chỉ có 48 phiếu chống, hạ viện Mỹ đã thông qua bộ luật mới về trừng phạt những công ty và cá nhân tham gia hoặc trợ giúp việc thực hiện công trình xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga trực tiếp sang Tây Âu, không phải quá cảnh qua bất cứ quốc gia Đông Âu nào bởi dẫn ngầm xuyên Biển Bắc. Bộ luật này có tên gọi chính thức là Luật về bảo vệ an ninh năng lượng cho châu Âu. Quốc hội Mỹ biện minh cho bộ luật này với lập luận là tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ làm cho nước Đức bị lệ thuộc vào Nga về năng lương.
Anh minh hoa.
Nội dung của bộ luật và những biện luận của quốc hội Mỹ không hề đả động gì đến lợi ích của Mỹ nên chỉ có thể thấy từ đó là Mỹ coi việc bảo về an ninh năng lượng cho châu Âu là lợi ích của Mỹ. Điều đáng nói ở đây là ngay chính nước Đức và những thành viên EU cũng như Nato khác tham gia dự án Nord Stream 2 lại không yêu cầu Mỹ tự nguyện đứng ra bảo vệ an ninh năng lượng cho họ. Họ thậm chí còn kiên quyết phản đối việc Mỹ cản phá dự án này cũng như ý định của Mỹ lợi dụng các biện pháp chính sách trừng phạt đơn phương trong chuyện trên danh nghĩa và về pháp lý chẳng liên quan gì đến Mỹ để cản phá việc thực hiện dự án ấy. Hơn nữa, phía Mỹ đâu có lạ gì thực tế là chính dự án này góp phần rất quan trọng và quyết định vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước châu Âu liên quan. Thật rất khôi hài và thô thiển trên mọi phương diện khi Mỹ “bảo hoàng hơn vua” trong chuyện này.
Quốc hội Mỹ theo đuổi đồng thời hai mục đích riêng của Mỹ với bộ luật này chứ đâu có chuyện phía Mỹ “vô tư” khi tỏ ra chỉ vì lợi ích của các nước châu Âu. Thứ nhất, quốc hội Mỹ muốn ngăn cản các nước châu Âu tăng cường quan hệ với Nga, đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. EU và Nato nói chung và nhiều thành viên của hai tổ chức ấy nói riêng hiện có mối quan hệ chẳng ổn thoả gì với Nga. Trong bối cảnh tình hình như thế mà các nước châu Âu vẫn thúc đẩy mạnh mẽ và kiên định quyết tâm thực hiện dự án này thì đủ để thấy bản thân Nord Stream 2 quan trọng như thế nào đối với họ. Phía Mỹ chủ ý không chỉ phân hoá các thành viên EU và Nato kia với Nga mà còn tìm mọi cách cản phá các mối quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Nga để qua đáy vừa dễ chi phối các nước này trong quan hệ với Nga vừa tối đa hoá được áp lực đối với Nga trên mọi phương diện.
Thứ hai, quốc hội Mỹ chủ trương dùng luật này để buộc các nước ở châu Âu không nhập khẩu khí đốt của Nga mà nhập khẩu khí đốt hoá lỏng của Mỹ, thu hẹp thị trường khí đốt của Nga và khai phá thị trường ở châu Âu cho khí đốt của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cố xuý mạnh mẽ cho bộ luật này vì nó chính là công cụ đắc dụng mới giúp ông Trump thực hiện phương châm “Nước Mỹ trước hết” trên phương diện bán sản phẩm của Mỹ ra nước ngoài. Trong cuộc xung khắc thương mại đã phát động nhằm vào EU, ông Trump đã công khai gắn việc EU phải chấp nhận mua nhiều khí đốt hoá lỏng của Mỹ hơn vào triển vọng thoả thuận thương mại. Cả với Trung Quốc hay nhiều đồng minh và đối tác chiến lược lâu nay khác nữa của Mỹ, ông Trump cũng đều hành xử như vậy. Mặt khác, ông Trump nhờ đấy mà có được thêm một con chủ bài mới nữa để xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và EU.
Video đang HOT
Hiện tại, dự án Nord Stream 2 đã được thực hiện hoàn tất khoảng 90%. Bộ luật này của Mỹ không phá huỷ được nó mà chỉ cản trở tiến độ xây dựng dự án và hoạt động sau này của nó ở mức độ nhất định. Nhưng hệ luỵ không thể tránh khỏi là mối quan hệ giữa Mỹ với các nước ở châu Âu và Nga nói chung sẽ thêm khúc mắc, về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nói riêng vì các nước này và Nga sẽ buộc phải đáp trả Mỹ. Các đối tác này không những chỉ càng thêm quyết tâm thực hiện mà còn buộc phải cùng hội cùng thuyền với nhau để bảo vệ những lợi ích cơ bản và chiến lược lâu dài của họ.
Theo kinhtedothi.vn
Dòng chảy phương Bắc 2 "vượt qua" Đan Mạch
Rào cản cuối cùng trong tiến trình hoàn tất đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Tây Âu đã được chính quyền Đan Mạch gỡ bỏ ngày 30-10.
Sau hơn 2 năm chần chờ, chính quyền Đan Mạch đã chính thức cho phép nhà thầu xây dựng Nord Stream 2 xây dựng đoạn ống dẫn khí đốt từ Nga qua Đức xuyên qua biển Baltic, ngang lãnh hải của mình. Đây là rào cản cuối cùng trong tiến trình hoàn tất đường ống xuất khẩu khí đốt của Nga sang Tây Âu.
Sự kiện được cho là một thắng lợi của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, vốn đã đầu tư một nửa trong số khoảng 10 tỷ USD vào dự án, bên cạnh các đối tác Tây Âu là Đức, Pháp, Áo, Anh, và Hà Lan.
Trong một thông cáo, nhà điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 AG tuyên bố hài lòng về quyết định của chính quyền Đan Mạch, trong lúc lãnh đạo Gazprom là ông Alexei Miller, thì khẳng định "công việc xây dựng có thể được hoàn thành trong 5 tuần lễ". Trên thị trường chứng khoán Moscow, giá cổ phiếu của Gazprom lập tức tăng thêm 3%.
Đang viếng thăm Hungary, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức hoan nghênh Đan Mạch, "một tác nhân có trách nhiệm", biết "bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình, lợi ích của các đối tác chính ở châu Âu". Ông Putin cũng không quên nhắc nhở châu Âu về lợi ích của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng của mình bằng cách mua khí đốt của Nga.
Hơn 2 năm sau khi đạt được thỏa thuận về nguyên tắc tại diễn đàn kinh tế Saint Petersburg tháng 12-2015, tháng 4-2017 Gazprom và 5 đối tác châu Âu tìm được đồng thuận tài chính cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, đưa khí đốt của Nga sang đến tận miền Bắc nước Đức, xuyên qua lòng biển Baltic.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một diễn đàn năng lượng ở Moscow tháng 10-2019.
Tổng chi phí dự án ước tính lên tới gần 10 tỷ USD, 50% trong số đó do cổ đông duy nhất cả dự án, là Gazprom tài trợ. Phần còn lại chia đều cho 5 đối tác của Gazprom gồm Engie của Pháp, liên doanh Shell của Anh và Hà Lan, hai tập đoàn Đức Uniper và Wintershall cùng với OMV của Áo.
"Chúng ta đang viết một trang sử mới cho ngành năng lượng khí đốt của châu Âu", cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nord Stream 2 AG, phát biểu nhân lễ ký kết thỏa thuận về tài chính giữa Tập đoàn Gazprom và 5 đối tác châu Âu tại Paris, tháng 4-2017.
Dài 1.220 cây số, Nord Stream 2 nối liền ngôi làng Ust Luga, miền Tây nước Nga với Greifswald, miền Bắc nước Đức, dự tính đi vào hoạt động cuối năm 2019. Đường ống cho phép cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt của Nga cho châu Âu. Cuối năm 2016, khí đốt của Nga bảo đảm 1/3 nhu cầu tiêu thụ của EU, tỷ lệ này gần như không suy giảm từ sau khủng hoảng Urkaine và vụ bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Khác với dầu mỏ, khí đốt không nằm trong danh sách trừng phạt Nga của châu Âu. Dự án này cho phép bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh dự trữ ở Biển Bắc đang ngày càng trở nên khan hiếm.
Đức trông đợi nhiều vào khí đốt của Nga để chuẩn bị "sang trang" thời đại sử dụng năng lượng nguyên tử. Sau thảm họa Fukushima, Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào khoảng năm 2022. Đức hiện là khách hàng lớn nhất của các tập đoàn dầu khí Nga, mua vào 40 tỷ mét khối khí đốt một năm.
Trong khi đa phần các nước Tây Âu ủng hộ và tham gia dự án này cùng Nga thì một số nước Đông Âu, do Ba Lan dẫn đầu, chống đối đường ống Nord Stream 2. Ba Lan và nhiều nước Đông Âu, như Sloviania, Ukraine, Cộng hòa Séc lo ngại với Nord Stream 2, họ sẽ mất thu nhập khi khí đốt của Nga không còn phải đi qua lãnh thổ của các nước này để đến được Tây Âu.
Sự phản đối này đặc biệt được Mỹ ủng hộ. Dự án Nord Stream-2 càng được đẩy nhanh tiến độ thì Mỹ càng tỏ thái độ phản đối thẳng thừng hơn. Washington liên tục gửi các thông điệp "cảnh báo" đến tất cả những ai ủng hộ dự án này ở châu Âu. Theo giới quan sát, lý do phản đối này rất đơn giản: Mỹ muốn bán khí đá phiến của Mỹ cho thị trường lục địa già. Tuy nhiên, châu Âu không dại gì vì giá khí đốt của Mỹ bán cho họ cao hơn nhiều của Nga.
Một tiếng nói chống đối dự án Nord Stream 2 khác là Italy, bởi đường ống này cạnh tranh trực tiếp với một tuyến đường ống mà trong đó tập đoàn dầu khí ENI của Italy là một trong những cột trụ. Hai thành viên khác của EU là Phần Lan và Thụy Điển cũng phản đối dự án Nord Stream 2 với lý do công trình này hủy hoại môi trường thiên nhiên.
Tuy nhiên, những phản đối này chỉ mang tính hình thức vì Nord Stream 2 AG đã xin được giấy phép của hầu hết những quốc gia có đường ống này đi qua. Khi Nord Stream 2 đi được 83% quãng đường thì phải dừng lại trước lãnh hải của Đan Mạch.
Theo các chuyên gia, Đan Mạch đang muốn cho đồng minh Mỹ biết giá trị của họ. Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Moscow gần đây, Tổng thống Putin nói rằng: "Nếu họ không cho đường ống này đi qua, đó là quyền độc lập và tự chủ của họ. Chúng ta còn có những con đường khác để đi".
Đối với những nước ủng hộ, Đức dẫn đầu, dự án trên hết là một quyết định kinh tế để duy trì việc cung cấp khí đốt cho châu Âu với chi phí chấp nhận được. Không phải ngẫu nhiên mà ban điều hành Nord Stream 2 AG đã quyết định bắt đầu xây dựng đường ống Nord Stream 2 ngay cả khi chưa được sự chấp thuận của Đan Mạch. Trong trường hợp Đan Mạch không cấp phép, một tuyến đường vòng sẽ được phát triển một cách cẩn thận và sẽ không làm tăng chi phí của dự án.
Mặc dù rào cản cuối cùng đã được Đan Mạch dỡ bỏ nhưng đường ống này có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt cũng như bị làm khó bởi các quy định mới của EU về vận chuyển khí đốt, trong đó đáng chú ý là EU yêu cầu Gazprom "tách rời" các hoạt động sản xuất và phân phối.
Chưa kể, châu Âu không đồng ý để Nga gạt bỏ hoàn toàn vai trò của Ukraine trong hệ thống cung cấp khí của Nga cho châu Âu. Chính quyền Đức từng cho biết là dự án Nord Stream 2 chỉ có thể được khởi động nếu Gazprom vẫn duy trì việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua ngả Ukraine.
Trong tháng 10-2019, Nga và Ukraine đã tiến hành 3 vòng đàm phán dưới sự trung gian của EU để gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine, sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chưa có tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán này.
Mộc Thạch (tổng hợp)
Theo cand.com.vn
Mái vòm phòng không không thể xuyên thủng của Nga ở Bắc Cực Tất cả các sư đoàn Bắc Cực của Hạm đội biển Bắc Nga sẽ sớm được trang bị hệ thống S-400, qua đó tạo ra một mái vòm phòng không bao phủ khu vực. "Chúng tôi đang triển khai trang bị và tái trang bị phương tiện kỹ thuật mới. Năm nay, hệ thống tên lửa phòng không S-400 được trang bị cho...