Bảo hộ công dân: Điểm tựa cho công dân Việt Nam
“Công tác bảo hộ công dân trong năm 2018 ghi nhận những vụ việc hết sức điển hình, phức tạp, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận…”, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Vũ Việt Anh nhấn mạnh trong buổi trả lời phỏng vấn dành riêng cho TG&VN.
Năm 2018, dư luận đặc biệt quan tâm đến hoạt động bảo hộ công dân (BHCD). Ông có thể khái quát đặc điểm nổi bật của công tác này trong năm qua?
Năm 2018 có thể đánh giá là một năm đầy biến động. Tình hình an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp trên cả khía cạnh an ninh truyền thống và phi truyền thống, tác động trực tiếp đến công tác BHCD Việt Nam ở nước ngoài.
Cụ thể, khủng bố, xung đột, tai nạn nghiêm trọng và thiên tai xảy ra bất ngờ và liên tục ở nhiều nơi trên thế giới; Không ít tàu cá/ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; Tình trạng công dân xuất cảnh hoặc cư trú trái phép ở nước ngoài, nhiều trường hợp công dân tử vong; Tình trạng công dân Việt Nam vi phạm luật pháp sở tại ngày càng tăng.
Cục trưởng Cục Lãnh sự Vũ Việt Anh.
Công tác BHCD năm 2018 ghi nhận những vụ việc hết sức điển hình, phức tạp, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận như: Hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Malaysia; Bảo hộ các lao động Việt Nam gặp nạn trên chuyến bay của Hãng hàng không Papua New Guinea ngày 28/9; Xử lý vụ 152 người Việt Nam được cho là bỏ trốn khi nhập cảnh Đài Loan tháng 12/2018; Khuyến cáo, BHCD Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn ở nước ngoài (ASIAD tại Indonesia, World Cup 2018 tại Nga, AFF Suzuki Cup 2018). Gần đây nhất, thực hiện các biện pháp BHCD đối với 15 người Việt Nam gặp nạn tại Ai Cập vào dịp Tết dương lịch vừa qua.
Cục Lãnh sự đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó khủng hoảng, thực hiện công tác tìm kiếm, hỗ trợ công dân Việt Nam tại nước ngoài trong các vụ động đất, thiên tai, hỏa hoạn hoặc khủng bố, tai nạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngoài ra, công tác BHCD còn ghi nhận sự tăng cường, chủ động trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân, doanh nghiệp để có thể tự bảo vệ lợi ích của bản thân, tránh rơi vào tình huống bất lợi khi ở nước ngoài cũng như kịp thời thông báo, liên hệ với các Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài khi gặp khó khăn.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác BHCD cũng được đẩy mạnh trong năm qua. Tổng đài bảo hộ công dân ( 84.981848484) đã tiếp nhận, giải đáp và xử lý 4.077 cuộc gọi, đạt hiệu quả trả lời 99%; đồng thời có hơn 650.000 tin nhắn Roaming gửi cho công dân khi ra nước ngoài để có thể liên hệ khi cần trợ giúp.
Cùng với đó, Quỹ BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng và hoạt động hiệu quả, đưa 380 công dân/ngư dân ta bị bắt giam, tù đày, gặp khó khăn ở nước ngoài về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập thăm hỏi nạn nhân trong vụ đánh bom. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ai Cập)
Đâu là những thuận lợi và khó khăn chính trong công tác BHCD, thưa Cục trưởng?
Video đang HOT
Năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả công tác BHCD như thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh nhanh các thông tin cần thiết, củng cố lập trường đấu tranh đối ngoại bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, các cán bộ làm công tác BHCD không quản ngày đêm, các dịp lễ Tết trực 24/7 xử lý những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp nhằm cung cấp kịp thời, nhanh chóng và chính xác thông tin cho người thân, báo chí và dư luận.
Cục Lãnh sự định kỳ hướng dẫn các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài làm việc với cơ quan chức năng sở tại, tạo thuận lợi cho công dân ta sinh sống, học tập, làm ăn hợp pháp; kịp thời BHCD bị bắt, tạm giữ, tạm giam do vi phạm pháp luật sở tại. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ đối với trường hợp gặp khó khăn; vận động, quyên góp hỗ trợ chi phí hỏa thiêu, vận chuyển tro cốt/thi hài công dân bị tử vong về nước.
Cục Lãnh sự cũng thường xuyên tổ chức và tham gia trao đổi, phát biểu tại các hội thảo, chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác BHCD tại các địa phương. Qua đó, công tác BHCD thời gian qua đã đáp ứng sự quan tâm của dư luận và sự mong đợi của người dân.
Tuy nhiên, trong công tác này còn không gặp ít khó khăn và thách thức, trong đó có vấn đề về nhân lực và kinh phí.
Trên thế giới có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng chỉ có 94 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác lãnh sự và BHCD. Nhiều CQĐD kiêm nhiệm thêm một số nước, trong khi chỉ có 5-7 cán bộ, mỗi cán bộ phải thực hiện nhiều chức năng khác. Do đó, những vụ việc xảy ra ở nước kiêm nhiệm hoặc các địa phương xa xôi, cách trụ sở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hàng nghìn km, đi lại khó khăn, tạo cản trở lớn cho công tác BHCD.
Về kinh phí, Quỹ BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn hỗ trợ theo nguyên tắc tạm ứng trước cho công dân gặp khó khăn, hoạn nạn để giải quyết các sự cố; các khoản hỗ trợ không hoàn lại chỉ áp dụng cho trường hợp thực sự đặc biệt.
Ngoài ra, những yếu tố an ninh phi truyền thống như khủng bố, bắt cóc con tin, tội phạm liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em… vẫn diễn biến bất thường. Tình trạng di cư/lao động trái phép sang các quốc gia lân cận, các đường dây lừa đảo đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, buôn bán người diễn ra rất phức tạp với số lượng lớn; số lượng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển các nước vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu suy giảm. Đây thực sự là những thách thức lớn trong năm 2019.
Để làm tốt công tác này, Cục Lãnh sự sẽ tập trung vào những trọng tâm gì trong năm 2019?
Năm 2018, BHCD đã có nhiều đóng góp ý nghĩa cho công tác đối ngoại, góp phần tạo nên thành công tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam.
Trong năm 2019, để công tác BHCD tiếp tục là “điểm tựa vững chắc” cho công dân, Bộ Ngoại giao sẽ tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, chỉ đạo, phối hợp với các CQĐD Việt Nam đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho công dân, đặc biệt là Tổng đài BHCD, kịp thời đưa ra các khuyến cáo để công dân có thông tin cần thiết khi đi lại, lưu trú ở nước ngoài, nhất là cảnh báo đối với khu vực xảy ra khủng bố, thiên tai, chiến sự.
Tiếp đến, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư 92/TT-BTC về Quy chế hoạt động của Quỹ BHCD nhằm khắc phục hạn chế trong quá trình xử lý.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong xử lý và đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả hơn.
Đồng thời, kiện toàn các phương án BHCD trong tình huống khủng hoảng; đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp làm điểm tựa vững chắc cho công dân khi ra nước ngoài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Trong những ngày năm hết Tết đến, ông có nhắn nhủ gì với độc giả?
Những năm gần đây, công tác BHCD luôn là một trong những trọng tâm của Đảng và Nhà nước nói chung cũng như của Bộ Ngoại giao nói riêng. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bạn và những người thân yêu ở nước ngoài, cũng như để công tác BHCD được kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, mỗi công dân hãy lưu số Tổng đài BHCD vào danh bạ của cá nhân. Chỉ mất vài giây thao tác nhưng có thể giúp ích cho bản thân bất cứ lúc nào.
Xin cảm ơn Cục trưởng!
Theo Thegioi&VietNam
Những người lính trên mặt trận thời bình
Đánh giá vai trò của cán bộ ngoại giao như những người lính trên mặt trận thời bình, bảo vệ và phát huy lợi ích quốc gia, dân tộc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tô Anh Dũng nhấn mạnh, mỗi cán bộ phải luôn chú ý rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của đất nước và lấy đó làm kim chỉ nam trong hành động.
Theo ông, đâu là những điểm nổi bật trong công tác tổ chức cán bộ của Bộ Ngoại giao trong năm 2018?
Năm 2018, công tác đối ngoại tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước. Trong đó, công tác xây dựng ngành đã được triển khai tích cực, đồng bộ và bài bản dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ, có những đóng góp thầm lặng, hết sức thiết thực vào thành tích chung của Ngành, với một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực tổ chức cán bộ.
Thứ nhất, chúng ta đã triển khai mạnh mẽ việc hoàn thiện các văn bản pháp lý và rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, như tinh thần của Nghị quyết TW6. Bộ đã ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức đối với hầu hết các đơn vị; phê duyệt phương án sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục hoàn thiện Đề án tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Đối với các cơ quan đại diện (CQĐD) ở nước ngoài, tiếp theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật CQĐD, Bộ đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa, như Nghị định 104 quy định chi tiết một số điều khoản thi hành Luật và dự thảo nghị định thay thế Nghị định 157 về chế độ đối với cán bộ đi công tác nhiệm kỳ.
Công tác Xây dựng Ngành đã có những đóng góp thầm lặng, nhưng hết sức thiết thực vào thành tích chung của ngành Ngoại giao trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: TA/TGVN)
Thứ hai, Bộ đã có nhiều biện pháp đổi mới mạnh mẽ để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết TW7. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng "đầu vào" và "nâng tầm" cán bộ thông qua việc cải tiến các nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong Bộ và cả bên ngoài, được nhiều Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao. Công tác quản lý cán bộ - nhất là quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm - tiếp tục được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và Nhà nước, góp phần hiệu quả xây dựng nguồn cán bộ kế cận các cấp đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ cũng rất quan tâm thực hiện chế độ, chính sách nhằm tạo động lực cho cán bộ, trong đó có việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 157 như nêu trên.
Một kết quả hết sức quan trọng và nổi bật khác trong năm 2018 là Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị Ngoại giao 30, trong đó xác định nhiệm vụ lớn giai đoạn tới của công tác xây dựng ngành và tổ chức cán bộ là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Ngành nói chung có những điểm nhấn gì mới thưa ông?
Trong năm 2018, cùng với kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ Ngoại giao đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng Ngành trên các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng.
Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ tăng hai bậc trong năm 2018. Công tác chỉ đạo, điều hành cũng có rất nhiều đổi mới như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến quy trình phối hợp, xử lý công việc, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành bộ máy và chất lượng xử lý công việc, đặc biệt trong bối cảnh một số đơn vị chuyển về khu nhà làm việc tại Mễ Trì. Vừa qua, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử và ban hành Chiến lược quản lý tri thức nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bố trí kinh phí hoạt động cũng như các mảng công tác hậu cần khác đã được triển khai bài bản, đều tay, góp phần phục vụ thắng lợi các hoạt động của Bộ và các cơ quan đại diện (CQĐD). Đáng lưu ý, công tác chi tiêu, tài chính đã được thực hiện hết sức nghiêm túc, không để xảy ra sai phạm và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bộ hết sức coi trọng công tác chính trị, giáo dục tư tưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo mật, bảo vệ chính trị nội bộ... Các hoạt động Đảng, đoàn thể trong năm với nhiều hoạt động phong phú, đổi mới đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo môi trường lành mạnh để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Ngoại giao cần những phẩm chất và kỹ năng gì thưa ông?
Cán bộ ngoại giao là những "người lính" trên "mặt trận thời bình" hiện nay để bảo vệ và phát huy lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, mỗi người phải luôn chú ý rèn luyện vững vàng về chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của đất nước, của nhân dân, và lấy đó làm kim chỉ nam trong hành động. Đây cũng là những chỉ đạo quý báu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Ngoại giao 30.
Về chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ ngoại giao cần không ngừng học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa và thành thạo ngoại ngữ... để đạt trình độ "ngang tầm khu vực và dần tiệm cận trình độ quốc tế" theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Đồng thời, phải luôn gìn giữ và kế thừa trí tuệ và truyền thống của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và của các thế hệ đi trước.
Bên cạnh đó, cán bộ ngoại giao cần luôn chú ý nắm bắt và đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra đối với Ngành trong bối cảnh hiện nay, trong đó có các nhiệm vụ nâng tầm đối ngoại đa phương và đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển - như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: "Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một sứ giả về kinh tế".
Ông có thể chia sẻ một số trọng tâm sắp tới của công tác xây dựng Ngành và Tổ chức cán bộ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị Ngoại giao 30?
Thời gian tới, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Ngoại giao từng bước hiện đại, Bộ Ngoại giao sẽ tập trung thực hiện một số công việc sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; trong đó cần sớm hoàn thành nhiệm vụ tổ chức lại Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị; xem xét, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, và sắp xếp lại, nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, triển khai quyết liệt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ; chuẩn hóa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - trong đó, chú ý phát huy vai trò của các thủ trưởng đơn vị trong đào tạo tại chỗ; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào về Ngành, nhất là đối với thế hệ cán bộ trẻ; và chuẩn bị đội ngũ để đảm đương một số nhiệm vụ đa phương quan trọng sắp tới.
Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có việc cải tiến cơ chế phối hợp, thông tin trong và ngoài nước; đẩy mạnh triển khai Chiến lược quản lý tri thức, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách hành chính; tăng cường quản lý, điều hành ngân sách và bảo đảm cơ sở vật chất của Bộ ngày càng quy chuẩn.., theo hướng từng bước hiện đại hóa ngành Ngoại giao.
Xin cám ơn Trợ lý Bộ trưởng!
Theo Thegioi&VietNam
Vị thế mới trên đường hội nhập Năm 2018, cùng với hàng loạt sự kiện đối ngoại trọng đại của Đảng và Nhà nước, chúng ta còn được chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu Các hoạt động đó đã góp phần giúp Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực, sâu rộng, khẳng định là...