Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người dân khó “mặn mà”?
Cho tới quí 2/2015, mới chỉ có 0,39% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, trong đó, đa phần là những người lao động đã đóng BHXH bắt buộc và đóng thêm để đủ số năm nhận lương hưu.
Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo “Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận – minh bạch – bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/9.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến quí 2/2015, có khoảng 11,6 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 11,45 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Những người này thuộc khu vực công, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và được hưởng 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất.
Đối với BHXH tự nguyện, hình thức này được áp dụng từ 1/1/2008 và họ chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất
Tuy nhiên, từ khi áp dụng tới nay, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, chủ yếu những người tham gia là người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nhưng thiếu số năm đóng nên họ đóng thêm để được nhận lương hưu.
Mặc dù Luật BHXH 2014 đã có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện như: không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng; linh hoạt trong phương thức đóng; hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách nhà nước nhưng tỷ lệ người tham gia cải thiện rất chậm trong thời gian qua. Nếu như năm 2013, tỷ lệ này là 0,36% lực lượng lao động thì tới nay, tỷ lệ này mới chỉ tăng 0,03 điểm phần trăm, đạt 0,39%.
BHXH tự nguyện không hấp dẫn người lao động (Ảnh minh họa)
Nhiều bất cập
Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, hiện nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện phần lớn là một bộ phận những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu. Việc thực hiện BHXH đối với lao động trong khu vực phi chính thức đang vấp phải rất nhiều rào cản.
Video đang HOT
Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Thu, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, một trong những bất cập lớn nhất đó là sự khác biệt trong chế độ bảo hiểm. Cụ thể, BHXH tự nguyện chỉ thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Đây chính là rào cản khiến người lao động ở khu vực này ít tham gia vào loại hình BHXH, nhất là đối với những lao động nữ.
Mặt khác, để hưởng hai chế độ dài hạn trên, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tới 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, cao hơn 14% so với người tham gia BHXH bắt buộc (chỉ là 8%).
Theo Ths. Trần Thị Thúy Nga, có rất nhiều thách thức khi thực hiện BHXH đối với lao động trong khu vực phi chính thức. Đó là những người lao động thuộc khu vực phi chính thức có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, sự quan tâm và hiểu biết của người lao động về BHXH còn rất hạn hẹp. “
Ngoài ra chưa kể nhiều lao động tự do đã đứng tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm để hưởng BHXH mà tham gia hay không. Bởi lẽ theo quy định thời gian đóng BHXH kéo dài, người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ phải đủ 20 năm đóng BHXH.
Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận, minh bạch và bền vững
Bà Nga cho biết, muốn thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện cần linh hoạt trong thực thi các chính sách. Theo đó, người lao động không nhất thiết đóng BHXH mỗi tháng 1 lần, mà đóng theo quý hoặc theo năm, thậm chí, 1 lần có thể đóng cho nhiều năm còn thiếu.
Bà Nga hy vọng, sau khi Luật BHXH 2014 thông qua, Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng để hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt phải đơn giản thủ tục khi tham gia, phải nhanh chóng thay đổi thái độ phục vụ của chính cán bộ của ngành BHXH.
Đồng quan điểm bà Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Phải công bằng, hiệu quả trong quản lý nguồn quỹ BHXH. Muốn vậy, phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt, cập nhật chính xác đóng hưởng. Đặc biệt phải xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột để người lao động có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu khi về hưu mới hút người dân tham gia.
Phạm Minh
Theo_VnMedia
Tạo hành lang pháp lý vận hành quỹ hưu trí tự nguyện
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định quỹ hưu trí tự nguyện nhằm nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và vận hành các quỹ này, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, dân số Việt Nam vào khoảng 90,5 triệu người, trong đó nhóm trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm 69% tổng dân số, 31% dân số thuộc nhóm phụ thuộc không nằm trong độ tuổi lao động.
Để đảm bảo trợ cấp cho người lao động khi về hưu, hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) ra đời vào năm 1995 đã bước đầu thiết lập được nền tảng cơ bản cho hệ thống an sinh xã hội với chương trình BHXH bắt buộc (bảo hiểm hưu trí bắt buộc). Tuy nhiên các chương trình BHXH hiện đang gặp nhiều thách thức và có thể ảnh hưởng đến sự bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh bảo hiểm hưu trí bắt buộc của BHXH, trong thời gian qua người lao động tự tích lũy và đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ tài chính để chi tiêu khi về già như mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, góp vốn kinh doanh.
Đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, tính đến hết năm 2014, đã có 42 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí với khoảng 12 nghìn hợp đồng bảo hiểm hưu trí, doanh thu phí bảo hiểm hưu trí đến hết năm 2014 đạt khoảng 190 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ điều kiện để triển khai được các chương trình bảo hiểm bổ sung bắt buộc do thu nhập của người dân phần lớn còn ở mức độ trung bình, việc hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện có vai trò quan trọng đối với người lao động, đối với xã hội. Trong đó, quỹ hưu trí tự nguyện là một mô hình các nước đều triển khai và có thể áp dụng tại Việt Nam hiện nay.
Bản chất hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện là người lao động và/hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào các tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí để quỹ thực hiện đầu tư, trên cơ sở kết quả đầu tư quỹ hưu trí chi trả cho người lao động theo số tiền đóng góp và lợi nhuận do hoạt động đầu tư mang lại. Nói cách khác, quỹ hưu trí tự nguyện là một loại sản phẩm tài chính mà người tham gia đóng góp tiền vào quỹ sẽ được nhận chi trả từ quỹ khi đến tuổi nghỉ hưu. Số tiền hưu trí mà mỗi cá nhân được hưởng phụ thuộc vào tổng số tiền đóng góp của chính mình và hiệu quả đầu tư của quỹ.
Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng chương trình hưu trí tự nguyện là không đơn giản và trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay tại Việt Nam, cần thiết xây dựng Nghị định về quỹ hưu trí nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và vận hành các quỹ hưu trí này, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia.
Theo đó, quá trình triển khai và áp dụng chương trình hưu trí tự nguyện trong 10 - 15 năm tới là sự chuẩn bị cần thiết và thích hợp khi cơ cấu dân số Việt Nam kết thúc "độ tuổi vàng" và bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Sau khi Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện được ban hành, việc triển khai và áp dụng chương trình hưu trí tự nguyện sẽ giúp Chính phủ đạt được 3 mục tiêu: 1- Khuyến khích và cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính để người lao động gia tăng tiết kiệm cho tương lai khi kết thúc tuổi lao động; 2- Đa dạng hóa các chương trình an sinh xã hội, giúp hình thành đồng bộ hệ thống hưu trí đa trụ cột tại Việt Nam, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho nhà nước trong dài hạn; 3- Phát triển thị trường vốn thông qua việc củng cố cơ sở nhà đầu tư vốn dài hạn.
Tham gia trên cơ sở tự nguyện
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 44 điều. Trong đó nêu rõ nguyên tắc hoạt động quỹ hưu trí. Cụ thể: Doanh nghiệp sử dụng lao động và cá nhân tham gia quỹ hưu trí trên cơ sở tự nguyện. Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch. Tài sản quỹ hưu trí được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát và tổ chức lưu ký.
Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích phát triển quỹ hưu trí thông qua các chính sách ưu đãi về thuế quy định tại pháp luật về thuế. Đồng thời, quản lý, giám sát hoạt động của quỹ hưu trí thông qua việc ban hành chính sách, chế độ đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia quỹ. Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn
Theo_Báo Chính Phủ
Đề xuất tăng lương tối thiểu đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Nếu thực...