Bảo hiểm Xã hội An Giang phát động phong trào thi đua, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2020
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giao, ngày 20-10-2020, Bảo hiểm Xã hội tỉnh An Giang đã phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề: “Đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu 3 tháng cuối năm 2020″.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trao thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Tiêu chí thi đua đối với tập thể: tăng cường truyền thông và phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) đạt từ 100% trở lên so chỉ tiêu năm 2020: đạt và vượt chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ nợ thấp hơn chỉ tiêu được giao; cân đối dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT kịp thời; thực hiện chi trả các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
Đối với cá nhân: tích cực tham gia phong trào thi đua lập được thành tích xuất sắc, tiêu biểu; thể hiện vai trò nổi bật trong lãnh, chỉ đạo và có sự đóng góp thiết thực đối với các chỉ tiêu của phong trào đề ra của đơn vị; có giải pháp, sáng kiến đã ứng dụng vào thực tiễn hoạt động đạt hiệu quả cao trong công tác.
Theo Phó Giám đốc quản lý, điều hành Bảo hiểm Xã hội An Giang Nguyễn Thị Tím, để thực hiện đạt mục tiêu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai kế hoạch và đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2020. Theo đó, các địa phương tổ chức nhiều cuộc ra quân trực tiếp tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện trong 3 tháng cuối năm 2020 để hoàn thành chỉ tiêu về BHXH, BHYT được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, HĐND, UBND tỉnh giao.
Video đang HOT
Bảo hiểm Xã hội tỉnh yêu cầu, toàn tỉnh ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu về BHXH, BHYT, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) thành công và tạo phong trào tuyên truyền sâu rộng, xuyên suốt. Tổ chức kết hợp các hình thức tuyên truyền, vận động trực tiếp đến tận khu dân cư, hộ gia đình. Qua đó, nắm bắt tình hình dư luận xã hội về những vấn đề người dân cần được giải đáp có liên quan đến chính sách BHXH, BHYT; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia, quyền lợi thụ hưởng chính đáng, hợp pháp của người dân, về tính nhân văn, chia sẻ cộng đồng.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn triển khai tuyên truyền, vận động trên các địa bàn dân cư, khóm, ấp, đến hộ gia đình tại các xã, phường, thị trấn. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân chưa tham gia, chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; người đã tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đã đến kỳ đáo hạn.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến những các quyền lợi được thụ hưởng khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; mục đích, ý nghĩa, lợi ích, tính ưu việt, tính cộng đồng của chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; đối tượng tham gia; thủ tục và phương thức đóng; mức đóng; hạn sử dụng của thẻ BHYT; tra cứu về BHXH, BHYT…
Phấn đấu trong đợt tuyên truyền phát triển tăng mới đạt từ 21.000 người tham gia BHYT hộ gia đình trở lên. Vận động 12.000 người tham gia BHXH tự nguyện để đạt chỉ tiêu năm 2020 Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong đó, bưu điện phát triển tăng mới 1.850 người; đại lý thu của UBND xã, phường, thị trấn phát triển tăng mới 10.150 người.
Cao điểm đợt tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện diễn ra từ ngày 20-10 đến 22-12. Tổ chức tuyên truyền tập trung tại hội trường UBND xã, phường, thị trấn hoặc Văn phòng khóm, ấp. Điểm tuyên truyền là nơi tập trung dân cư, nơi có nhiều người dân chưa tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; chia các nhóm nhỏ trực tiếp đến tại các khu thương mại, chợ hoặc đến tận nhà người dân thực hiện tuyên truyền, vận động tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Kết thúc đợt tuyên truyền, Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ khen thưởng cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, bên cạnh tuyên truyền, giải pháp quan trọng cần tăng cường công tác đôn đốc thu, giảm nợ 3 tháng cuối năm. Đối với thu từ ngân sách: rà soát nhu cầu kinh phí do ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT các nhóm đối tượng năm 2020, phối hợp Sở Tài chính bổ sung kinh phí còn lại của quý IV-2020 cho các huyện, thị xã, thành phố kịp thời trong tháng 11-2020. Phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí 30% hỗ trợ đối tượng cận nghèo năm 2020 từ nguồn ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố trong tháng 12-2020.
Đối với thu từ các đơn vị sử dụng lao động: thường xuyên đôn đốc thu, nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đối với các đơn vị chậm đóng 2 tháng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp gửi thông báo lần 1, lần 2 trực tiếp đến lãnh đạo đơn vị theo quy định. Đối với những đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện thanh tra đột xuất theo quy định. Các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, không khắc phục sai phạm sau khi thanh tra, Bảo hiểm Xã hội phối hợp công an rà soát, bổ sung hồ sơ chuyển xử lý hình sự theo quy định.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và ngành Bảo hiểm Xã hội, đến cuối năm 2020 phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Đẩy mạnh thanh toán bảo hiểm xã hội trực tuyến
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa hiện đang hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động, người dân thực hiện các ứng dụng trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao ứng dụng trực tuyến, tiết kiệm nguồn kinh phí cho xã hội.
Triển khai 2 dịch vụ
Theo BHXH tỉnh, dịch vụ đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho đơn vị sử dụng lao động và liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, báo cáo tình hình thay đổi lao động là 2 trong số các dịch vụ công đã được tích hợp, đưa vào thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ giữa cuối tháng 8.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trực tuyến.
Để triển khai 2 dịch vụ này, trước đó, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và xây dựng phương án, quy trình điện tử đối với thủ tục đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tái cấu trúc quy trình liên thông và xây dựng, tích hợp dịch vụ.
Theo thống kê, trên toàn quốc, dịch vụ công đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu BHTN của người lao động hàng tháng. Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với BHXH thì số tiền tiết kiệm của toàn xã hội khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
Phối hợp thực hiện
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, hiện nay, các đơn vị lao động hàng tháng đều làm bằng hình thức thủ công (chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động). Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này. Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 7.661 doanh nghiệp với 88.606 người đã tham gia đóng BHXH. Như vậy, nếu thực hiện dịch vụ sẽ giúp tiết kiệm cho toàn xã hội hàng năm với số tiền lớn.
Đối với dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình thay đổi lao động, đây là dịch vụ liên thông giữa ngành BHXH và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc thực hiện dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất); đồng thời, giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Việc thực hiện được dịch vụ liên thông điện tử này, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội hàng năm trên toàn quốc tối thiểu 344 tỷ đồng.
Được biết, đầu tháng 9, BHXH tỉnh đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sử dụng lao động đề nghị phối hợp với đơn vị thực hiện, thông tin, tuyên truyền về các nội dung. Cụ thể, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể thực hiện giao dịch điện tử, thanh toán theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với cơ quan BHXH tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam kèm tại liệu hướng dẫn. Bên cạnh đó, để thuận lợi trong thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH về thu, chi BHXH, BHTN, BHYT, mọi người dân cần mở tài khoản cá nhân để giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH nhằm thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT dễ dàng, thuận lợi ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng, không dùng tiền mặt Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã coi trọng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM). Điều này góp phần...