Bảo hiểm “trọn gói” cho … trâu, bò
NTNN ra ngày 21.9 có chuyên đề “Gót chân Asin” của bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) phản ánh những bất cập, khó khăn của loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều mô hình triển khai bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả, như dịch vụ thú y trọn gói (DVTYTG) ở Quảng Nam…
Bảo hiểm từ khâu phòng bệnh
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, BHNN là dịch vụ cần thiết, giúp nông dân có một điểm tựa để yên tâm mở rộng quy mô đàn gia súc. “Quảng Nam không được chọn tham gia thí điểm BHNN, nhưng trong những năm qua tỉnh rất quan tâm đến việc này và đã xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, DN tích cực tham gia BHNN cho nông dân. Điển hình là mô hình bảo hiểm trâu bò của HTX Nông nghiệp Điện Quang” – ông Muộn nói.
Đến nay toàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai được 35 mô hình dịch vụ thú y trọn gói cho hơn 7.000 vật nuôi. Ảnh: Đoàn Hồng
Bà Trần Thị Phi Yến – Phó Giám đốc HTX Điện Quang (huyện Điện Bàn) cho biết, nhằm giúp nông dân giảm bớt rủi ro và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, từ năm 2009, HTX Điện Quang đã thành lập Quỹ Bảo hiểm chăn nuôi trâu bò. Quỹ được xây dựng trên tinh thần người dân tự nguyện đóng góp, trâu bò được mua bảo hiểm phải khỏe mạnh, chuồng trại tốt.
Video đang HOT
Hợp đồng được ký kết theo từng năm và có nhiều mức phí, từ 300.000 – 500.000 đồng/con/năm. Về quyền lợi, người tham gia sẽ được hưởng 80% chi phí khám bệnh và điều trị khi gia súc bị bệnh; 100% chi phí tiêm vaccine phòng bệnh theo quy định nhà nước. Trong trường hợp không may trâu bò bị chết, HTX có trách nhiệm chi trả bằng 80% giá trị thiệt hại theo giá thị trường cho người dân.
Lão nông Trần Kim Khương ở thôn Phú Tây, xã Điện Quang, người thường xuyên nuôi từ 3-5 con bò và tham gia đóng bảo hiểm với HTX mức 350.000 – 400.000 đồng/con/năm, chia sẻ: “Tham gia bảo hiểm, đàn bò của gia đình tôi được cán bộ thú y của HTX tiêm thuốc phòng ngừa dịch bệnh rất kịp thời nên chưa lần nào xảy ra dịch bệnh. Bởi vậy, tôi cũng như hàng nghìn hộ nông dân ở địa phương rất yên tâm chăn nuôi”.
Còn anh Nguyễn Quang Đại – cán bộ thú y của HTX cho biết, thời gian đầu do bà con nông dân chưa nắm hết lợi ích của bảo hiểm nên tham gia ít. HTX và địa phương phải tích cực vận động. Nhờ đó, bà con tham gia đóng bảo hiểm cho trâu bò ngày càng nhiều. Đến nay, xã Điện Quang đã có trên 2.000 con trâu bò được đóng bảo hiểm.
Mở rộng đối tượng bảo hiểm
Theo ông Nguyễn Đức Thành, ngoài gói bảo hiểm cho trâu, bò, gần 2 năm nay, được sự hỗ trợ về kinh phí của UBND tỉnh Quảng Nam, xã Điện Quang đã triển khai mạnh DVTYTG cho đàn heo. Hiện nay, có 100% số hộ chăn nuôi gia súc tham gia dịch vụ này, với hơn 4.205 con trâu bò và gần 1.000 con heo được bảo hiểm, mức dịch vụ trung bình 120.000 đồng/con/năm (số tiền này do Nhà nước hỗ trợ) và HTX Điện Quang đảm nhận triển khai, thực hiện cam kết với bà con nông dân trên địa bàn.
Qua tìm hiểu thực tế, nhiều hộ chăn nuôi ở Điện Quang cho hay, nhờ có bảo hiểm và tham gia DVTYTG mà gia súc của người dân được chăm sóc kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, người dân được cán bộ thú y, cán bộ kỹ thuật của xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, phổ biến các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại… nên hiệu quả chăn nuôi rất cao.
Theo ông Muộn, từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam, qua đánh giá cho thấy lĩnh vực quản lý, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh trong chăn nuôi là vô cùng quan trọng, vì thế ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trong đó có nội dung hỗ trợ thực hiện DVTYTG.
Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăn nuôi thú y (HTX nông nghiệp và nhóm các nhân viên thú y cơ sở) hợp đồng với các chủ vật nuôi, đảm nhận các dịch vụ như tiêm phòng, chữa trị khi vật nuôi bị bệnh, phối giống…, chi phí do hai bên thỏa thuận. Hợp đồng này được UBND cấp xã xác nhận, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho chủ vật nuôi 120.000 đồng/đơn vị vật nuôi ở năm thứ nhất. Nếu vật nuôi bị chết mà nguyên nhân do dịch bệnh, nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường một phần, trị giá bằng 30 – 80% giá trị vật nuôi…
Theo Danviet
Nông dân rủ nhau mua bảo hiểm cho... bò sữa
Xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) là một trong những địa phương triển khai thí điểm mua bảo hiểm cho bò sữa từ năm 2011.
Chỉ trong 1 năm, hơn 500 con bò sữa đã được Công ty Bảo hiểm PVI Đông Đô gắn số bảo hiểm, có sổ sách theo dõi quá trình phát triển và kiểm soát dịch bệnh. Nếu bò bị chết do dịch bệnh, thiên tai, chủ bò sẽ được hưởng số tiền bảo hiểm lên tới 35 triệu đồng/con, trong khi mức phí bảo hiểm cho 1 con bò sữa trong 1 năm chỉ bằng 4% giá trị con bò khi mua bảo hiểm. Chính vì thế, sau khi được tập huấn về chính sách bảo hiểm cho bò sữa, nông dân xã Tản Lĩnh rất phấn khởi, háo hức rủ nhau mua.
Chị Nguyễn Thị Nga (ở thôn Hát Giang) cho biết, năm 2012, giá trị 1 con bò sữa rất lớn, lên tới trên 60 triệu đồng. Mặc dù trong quá trình nuôi, gia đình luôn tuân thủ quy trình chăm sóc, tiêm phòng thú y nhưng vẫn không tránh được rủi ro. Vì vậy khi nhà nước triển khai chính sách thí điểm BHNN, năm đầu, gia đình chị đã thử mua bảo hiểm cho 3 con bò khỏe mạnh nhất đàn. Cũng năm đó, 2 con bò sữa có trị giá gần 100 triệu đồng của gia đình lần lượt mắc bệnh chết, muốn mua lại con khác để gây dựng đàn gia đình sẽ phải vay nợ anh em, hàng xóm. Thật may là nhờ tham gia BHNN, chị đã được chi trả 40 triệu đồng/con.
Gia đình chị Nghĩa đã yên tâm với đàn bò sữa nhờ tham gia BHNN. Ảnh: Hồng Vũ
Chị Nga chia sẻ: "Năm đó, do gia đình không thuộc diện nghèo, cận nghèo nên chúng tôi đóng mức phí bảo hiểm là 864.000 đồng/năm/con, số tiền này chỉ cần vài ngày khai thác sữa là đủ. Khi nhận 80 triệu đồng do công ty bảo hiểm chi trả, tôi mừng rơi nước mắt. Lúc đó mới thấy tham gia bảo hiểm, gia đình sẽ được chia sẻ rất nhiều. Sau đó, tôi mua tiếp bảo hiểm cho 7 con bò sữa để bảo vệ tài sản của gia đình, bởi nếu chẳng may xảy ra rủi ro thì tôi vẫn còn có vốn để tái sản xuất".
Chị Nguyễn Thị Nghĩa ở gần nhà chị Nga cũng cho hay, năm đầu mua bảo hiểm, 1 con bò sữa của gia đình bị chết do bệnh tụ huyết trùng nên chị được đền bù 40 triệu đồng. Chị chia sẻ: "Ban đầu tôi còn ngần ngại chưa muốn mua bảo hiểm cho đàn bò sữa vì không biết quyền lợi của mình có được thực hiện đúng như quy định hay không, nếu có được chi trả bồi thường thì thủ tục cũng phức tạp, rườm rà. Nhưng thấy các hộ trong xã tham gia được hưởng bồi thường nhanh gọn, nên tôi quyết định đóng phí. Nuôi bò sữa thì hầu như năm nào cũng gặp phải rủi ro do bệnh, nếu có bảo hiểm chi trả là coi như lấy lại được một phần vốn rồi".
Theo Danviet
"Gót chân Asin" của bảo hiểm nông nghiệp Từng được kỳ vọng như chiếc phao cứu sinh của sản xuất nông nghiệp, giúp nhà nông yên tâm đầu tư vào ruộng vườn... nhưng sau nhiều năm triển khai, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vẫn không thể nhân rộng. Nhu cầu về BHNN rất lớn, vậy đâu là "gót chân Asin" - điểm yếu khiến BHNN rơi vào tình trạng "đầu voi...