Bảo hiểm làm khó ngư dân
Nhiều trường hợp tàu cá bị nạn, ngư dân bị chết trên biển đã không được bảo hiểm chi trả, hoặc làm khó, chi trả không đầy đủ
Ông Nguyễn Thanh Lộc – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên – cho biết chiều 28-8, ông đã gặp lãnh đạo Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long, đề nghị giải quyết, hỗ trợ trường hợp thuyền viên Trần Ngọc Anh (SN 1976; ngụ huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), tử vong khi đang làm việc trên tàu cá PY-92042-TS của bà Lê Thị Thắm (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa).
Mua xong, khó đòi
Bà Lê Thị Thắm mua bảo hiểm cho 10 thuyền viên với mức phí 70.000 đồng/người/năm, mức hưởng 20 triệu đồng/người. Ngày 31-7, chồng bà là ông Lương Công Hay cùng 9 thuyền viên, trong đó có ông Trần Ngọc Anh, ra khơi. Sáng 10-8, ông Anh bị đau ruột thừa cấp, tử vong khi trên đường đưa về đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cấp cứu. Gia đình bà Thắm đã chi 30 triệu đồng lo hậu sự cho ông Anh. Theo hợp đồng với thuyền viên, ngoài số tiền này, nếu bảo hiểm không chi trả thì chủ tàu phải bồi thường thêm 20 triệu đồng, bằng mức đã mua bảo hiểm. “Tôi đã hỏi nhân viên bán bảo hiểm thì họ bảo đây là trường hợp bệnh đau chết chứ không phải tử vong do tai nạn nên không được bảo hiểm chi trả. Vì thấy bị làm khó nên tôi nhờ Công đoàn can thiệp” – bà Thắm kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Hồng Thi, Phó Giám đốc Công ty Bảo Long – Chi nhánh Phú Yên, nói đã nhận được phản ánh của LĐLĐ TP Tuy Hòa về trường hợp này. Tuy nhiên, do chủ tàu chưa cung cấp hồ sơ vụ việc nên chưa thể giải quyết. Với trường hợp này, ông Nguyễn Thanh Lộc nêu quan điểm: “Ngư dân vốn đã khổ rồi. Họ không may gặp nạn trên biển thì các công ty bảo hiểm cũng nên chia sẻ, trên cơ sở hợp đồng, quy định pháp luật mà giải quyết cho họ chứ không nên làm khó”.
Bà Lê Thị Thắm với lá đơn nhờ tổ chức Công đoàn can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên tử vong. Ảnh: Hồng Ánh
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết trong đợt bão số 12 vào cuối năm 2017, tàu của ông cũng như tàu của nhiều ngư dân trong nghiệp đoàn bị hư hỏng nhưng chỉ được bồi thường bảo hiểm 50% thiệt hại. Ông than vãn: “Tôi mua bảo hiểm thân tàu 100%, tiền sửa tàu 75 triệu đồng nhưng Bảo hiểm Bảo Minh trừ đầu này đuôi nọ, chỉ đền bù 32 triệu đồng”.
Video đang HOT
Một trường hợp khác là ông Trần Còn, chủ 2 tàu cá ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Ông Còn mua bảo hiểm cho hai tàu KH-95743-TS và KH-92486-TS tại Công ty Bảo hiểm Bảo Minh. Cả 2 tàu bị chìm trên biển do bị sóng đánh. Đối với tàu cá KH 92486TS đã được Bảo Minh bồi thường 1 tỉ đồng vì đầy đủ giấy tờ, còn đối với tàu KH-95743-TS, do trong hồ sơ thiếu bằng máy trưởng nên ông bị từ chối bảo hiểm.
Rườm rà, nhiêu khê
Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, mới đây, 1 ngư dân ở TP Cam Ranh cũng chỉ vì không có bằng cấp thuyền trưởng, máy trưởng nên không được bồi thường cho con tàu bị chìm. Người này khiếu kiện khắp nơi, cuối cùng chỉ được hỗ trợ chứ không được bồi thường.
Ông Én cho rằng theo quy định, chủ tàu phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng mới được bồi thường nhưng trên thực tế nhiều người mua bảo hiểm khi chưa có các loại bằng này, dẫn đến khó khăn trong giải quyết đền bù. Vì vậy, vừa qua, chi cục đã phối hợp với Trường ĐH Nha Trang đào tạo cấp bằng cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền cho ngư dân hiểu trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm. “Nhiều hãng bảo hiểm không muốn bán bảo hiểm tàu cá vì mức độ rủi ro vào chi trả đền bù quá lớn. Có trường hợp ở Khánh Hòa bồi thường đến 6 tỉ đồng nên công ty bảo hiểm rất sợ bán bảo hiểm cho tàu cá”- ông Én nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, thời gian qua, cử tri trong tỉnh phản ánh nhiều về việc công ty bảo hiểm làm khó khi giải quyết bồi thường tàu cá, thuyền viên bị nạn khi đang làm việc trên tàu. Riêng trong năm nay, còn khoảng 15 trường hợp tàu cá, thuyền viên chưa được bảo hiểm chi trả.
Tại kỳ họp HĐND mới đây, ông Phương đã đề nghị giải quyết vướng mắc này. Ông cũng cho biết sẽ làm việc với các công ty bảo hiểm để giải quyết bảo hiểm đối với những trường hợp thuyền viên tử vong khi đang làm việc trên biển.
Né tránh bồi thường
8 tháng sau vụ tai nạn chìm tàu, đến nay, dù nhiều lần khiếu nại nhưng ngư dân Phạm Ngọc Cường (trú xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn không được Bảo Việt Quảng Bình bồi thường thiệt hại.
Theo ông Cường, ngày 22-6-2017, ông Phạm Ngọc Hoàng và Công ty Bảo Việt Quảng Bình ký hợp đồng bảo hiểm cho tàu cá số QBI.D0.06.TC.17.HĐ 199 E92 (hiệu lực đến 22-6-2018) với tổng chi phí bảo hiểm 92.700.000 đồng. Thời hạn thanh toán bảo hiểm được chia thành 2 kỳ; mỗi kỳ thanh toán 50%, kỳ 2 thanh toán chậm nhất không quá 180 ngày. Ngày 5-9-2017, ông Cường mua lại tàu của ông Hoàng, được cấp số hiệu mới QB 93192 TS. Đến ngày 20-9-2017, Bảo Việt Quảng Bình cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cho tàu của ông. Không may là ngày 8-1-2018, tàu của ông bị tàu hàng Hùng Khánh 86 đâm chìm. Từ đó đến nay, ông không được chi trả bảo hiểm.
Lý do Bảo Việt Quảng Bình từ chối chi trả là vì ông không thực hiện thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 theo quy định nên hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ ngày 22-12-2017. Ông Cường cho rằng trong thời gian trước khi tàu cá QB 93192 TS bị đâm chìm, ông không hề nhận được giấy thông báo nộp tiền bảo hiểm kỳ 2 cũng như thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tàu cá của ông. Qua tìm hiểu, ông còn được biết thông báo thu phí bảo hiểm thân tàu kỳ 2 do công ty phát hành là vào ngày 11-12-2017 kèm thêm 1 thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cũng được ký vào ngày này. Ông Cường nghi phía công ty bảo hiểm cố tình “hợp thức hóa” hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
Về việc này, ông Trần Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Bảo Việt Quảng Bình, thừa nhận do bưu điện “gửi nhầm” địa chỉ nên thông báo đến tay chủ tàu hơi muộn. Dù vậy, ông vẫn quả quyết: “Công ty không né tránh việc bồi thường cho khách hàng nhưng phía khách hàng nộp phí không đúng quy định thì chúng tôi chấm dứt hiệu lực hợp đồng”.
H.PHÚC
HỒNG ÁNH – KỲ NAM
Theo nld.com.vn
Quảng Ngãi: Dồn dập tàu cá bị nạn và chìm trên biển do thời tiết xấu
Chỉ trong vòng 1 tuần, 3 tàu cá của ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã bị nạn và chìm trên biển. Rất may mắn, toàn bộ 13 ngư dân trên các tàu cá bị nạn đã được cứu sống và đưa vào bờ an toàn.
Sáng 11.8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - cho biết: Từ ngày 1-8.8, 3 tàu cá của ngư dân cùng ở xã Bình Châu đã bị nạn và chìm trên biển. Tuy ngư dân trên các tàu bị nạn may mắn không ai thương vong, nhưng toàn bộ tài sản bị mất, thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn và chìm trên biển.
Trường hợp bị nạn đầu tiên là tàu cá mang số hiệu QNg 90686 TS, hành nghề lưới vây của chủ tàu Nguyễn Hữu Ngọt, do ông Lê Hồng Sơn làm thuyền trưởng và 3 ngư dân đi cùng. Sau khi xuất bến vào ngày 1.8, tàu bị phá nước và được 1 tàu cá đang hoạt động ở gần đó đến lai dắt. Tuy nhiên do thời tiết trên biển xấu, sóng to và gió lớn nên tàu ông Ngọt bị chìm.
Tàu cá Quảng Ngãi cứu vớt ngư dân một tàu cá bị nạn.
Trường hợp thứ 2 là tàu cá QNg 95860 TS, công suất 450 CV, do ông Trương Văn Bảy làm chủ. Trên đường ra đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa vào sáng sớm 6.8, tàu này bất ngờ va vào gốc cây to đang trôi dạt trên biển dẫn đến thân tàu bị thủng một lỗ lớn. Mặc dù ngư dân đi trên tàu đã tìm mọi cách để khắc phục, nhưng không được nên phương tiện đã chìm. Tuy 3 ngư dân đi trên tàu này đã may mắn được cứu vớt, nhưng toàn bộ phương tiện và tài sản đã chìm xuống biển, thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Cách 2 ngày sau, vào chiều 8.8, khi đang hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 90679 TS, do ông Võ Sơn là thuyền trưởng kiêm chủ tàu và 7 thuyền viên đi cùng bất ngờ gặp giông lốc nên bị chìm. Rất may, toàn bộ thuyền viên trên tàu bị nạn đã được tàu cá của ông Phạm Văn Đạt, ở cùng xã đang đánh bắt ở gần đó cứu vớt.
Theo Danviet
Nhiêu khê chuyện bảo hiểm tai nạn tàu cá Chính sách Bảo hiểm thủy sản (BHTS) theo Nghị định 67/2014-NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản thực sự là niềm vui lớn cho ngư dân khi giúp chủ tàu giảm bớt gánh nặng tiền mua bảo hiểm. Ngư dân Trình A bày tỏ bất bình với những lý do Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đưa ra để từ chối...