Bạo hành ngành y: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi?
Nói về những vụ tấn công bác sĩ luôn là những luồng dư luận trái chiều nhau. Người khẳng định kẻ hành hung cần nghiêm trị, người cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Và ai sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc tranh luận đang không có hồi kết này?
Theo nghiên cứu về Bạo hành y tế của BS. Nguyễn Ngọc Thiệu đăng tải trên rpubs.com, đã có 36 vụ tấn công nhân viên y tế được ghi nhận từ năm 2011 đến 02/2018, xảy ra trên 20 tỉnh thành, với 50 y bác sĩ bị tấn công dẫn đến các mức độ chấn thương khác nhau, bị hiếp dâm và cả tử vong, cơ sở khám chữa bệnh bị đập phá. Tất cả các vụ hành hung trên đều xảy ra ở những cơ sở y tế công lập và do người nhà bệnh nhân gây ra.
Trong đó, chỉ riêng năm 2017 đã có 17 vụ và 2 tháng đầu năm 2018 đã có 3 vụ xảy ra.
Điều đáng chú ý là mỗi vụ việc được đăng tải trên truyền thông đều nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có những ý kiến cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Họ đặt câu hỏi: “Thế sao lại bị đánh?”, “Làm việc sao mà bị đánh? Sao nhiều y bác sĩ lại được bệnh nhân yêu quý?”, “Phải làm sao thì mới bị đánh chứ?”. Một số khác lại chia sẻ những bức xúc về thái độ coi thường, lạnh nhạt, thiếu thân thiện mà họ từng gặp phải như một cách ám chỉ rằng bác sĩ bị đánh cũng là đáng.
Những ý kiến phản biện luôn khẳng định rằng: “Trong từng trường hợp cụ thể hãy nêu ra kết luận. Sự việc cần nhìn từ 2 phía” hay “Hàng vạn việc tốt chẳng ai thấy còn việc xấu chỉ là 1 con sâu làm rầu nồi canh lại bị mọi người lên án”, “Thật quá bất công với ngành y tế, cứu sống nhiều người bệnh thì không được khen nhưng chỉ bị một lỗi nhỏ thôi là làm rùm beng lên”…
Ngay cả trên diễn đàn chống bạo hành Y tế do BS Võ Xuân Sơn lập, những tranh luận như vậy cứ lặp đi lặp lại, không có hồi kết bởi không ai đưa ra được một thông tin liên quan đến sự việc cụ thể, chủ yếu là những nhận định mang tính khái quát và nặng tính đổ lỗi cho nhau.
Theo BS Trần Văn Phúc, thuật ngữ “không có lửa làm sao có khói” đã phản ánh những sai lầm trong công tác truyền thông.
Video đang HOT
“Cách đây 5-6 năm, nếu gõ các từ khóa các lỗi của bác sĩ sẽ thấy tràn ngập các vụ tiêu cực, sai sót hiện lên. Trong khi các việc làm được không được đưa lên, dẫn tới ám thị vào đầu người bệnh, người làm chính sách và cả lãnh đạo rằng ngành y tế có nhiều sai sót.
Trên thực tế, y tế cũng nằm trong dòng chảy chung của xã hội và khi xã hội phát triển thì y tế cũng phát triển, chứ không bao giờ tách rời, lao dốc một mình”.
Một nguyên nhân khác khiến thuật ngữ trên trở nên thông dụng chính là ngành y đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng niềm tin”.
“Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất. Quá khứ khó khăn vậy nhưng bệnh nhân đặt trọn niềm tin, tính mạng cho người thầy thuốc. Nhưng trong thời buổi này, do ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, người bệnh trở nên nghi ngờ rằng mình bỏ tiền ra chữa bệnh nhưng chưa chắc đã mua được dịch vụ tốt”, BS Phúc chia sẻ.
Vậy nên, mặc dù an ninh được tăng cường nhưng các vụ hành hung ngày càng nhiều, các bác sĩ trở nên lẻ loi, bị cô lập, không được dư luận bảo vệ. Chưa kể, cứ có sự vụ xảy ra là bị đình chỉ công việc, kèm theo đó là những tai tiếng, hệ lụy…
Bàn về giải pháp giảm thiểu tình trạng bạo hành y tế, BS Phúc cho rằng cần có chính sách phù hợp, trong đó đời sống của cán bộ y tế phải được đảm bảo. Để khắc phục “khủng hoảng niềm tin” cần nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ, siết chặt đầu vào, làm sao đào tạo ra đội ngũ y bác sĩ đồng đều ở các tuyến. Trong đó, cần cả hướng dẫn giao tiếp, giáo dục y đức.
BS Phúc cũng chỉ ra việc tăng cường bảo vệ an ninh bằng đội ngũ chuyên nghiệp (vệ sĩ, công an) trước mắt là rất tốt nhưng về lâu dài sẽ cho thấy “xã hội chúng ta đang có vấn đề khi 1 nơi chăm sóc sức khỏe lại luôn phải có công an bảo vệ”.
“Đẩy mạnh nền y tế, trả y tế là 1 lĩnh vực của xã hội, đặt đúng vào dòng chảy ko phải là con đường riêng thì sẽ thành công”, BS Phúc tin tưởng.
Tuy nhiên, những giải pháp BS Phúc đưa ra không thể 1 sớm 1 chiều thực hiện thành công được.
Cùng với đó các kiến nghị về “sự hợp tác chặt chẽ với bên công an, có quy định cụ thể bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút phải có mặt khi có cuộc gọi từ phía bệnh viện; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về cách đưa tin những tai biến y khoa, những vụ bạo hành y tế; kiến nghị Quốc hội có những sửa đổi về luật, nếu không có được bộ luật riêng về chống bạo hành trong y tế thì cũng cần sửa lại những điều khoản của Bộ Luật hình sự có liên quan đến vấn đề bạo hành y tế, tăng hình thức xử phạt lên…” của BS Xuân Sơn hiện vẫn chưa hề có hồi âm nào từ phía các cơ quan chức năng.
Hậu quả là ở thời điện hiện tại, cách duy nhất để tự bảo vệ mình của các bác sĩ là phòng thủ – làm chặt chẽ quy trình nhất có thể như làm thật nhiều xét nghiệm, tiến hành các hội chẩn và thực hiện chuyển chỗ nọ chỗ kia… để tránh bị tiếng là “tạo lửa”, giảm nguy cơ bị người nhà bệnh nhân tấn công.
Và khi đó, người cuối cùng chịu thiệt sẽ là bệnh nhân.
Theo Trần Phương (Dân trí)
Áp lực nghề y
Chưa bao giờ bệnh viện lại "nóng" như vậy. Bác sĩ thường được ví như "mẹ hiền" nhưng "mẹ hiền" lại đang bị đánh ngày càng nhiều, mà người đánh lại chính là những "đứa con" đang được mẹ hiền chăm sóc, chạy chữa.
Cứu người thì phải được người biết ơn, tôn trọng là lý lẽ hết sức bình thường ở đời. Nhưng đối với các nhân viên y tế Việt Nam, điều này đôi khi lại quá xa vời.
Nhân viên y tế bị đánh vì những lý do hết sức "không thể tin" được. Chạy chữa không nhanh, không đúng như yêu cầu của người nhà: đánh. Cấm quay phim ở nơi không cho phép: đánh. Chữa rồi mà bệnh nhân vẫn đau: đánh. Trả lời quá văn tắt: đánh. Cảm thấy ngứa mắt: đánh... Trong khi chữa bệnh cần quy trình, bác sĩ không phải là "thần tiên" để vung đũa thần là bệnh nhân khỏi bệnh, hết đau. Còn người nhà, bệnh nhân lại không phải bác sĩ, không thể "chỉ định" bác sĩ phải chữa trị bệnh theo ý muốn của mình được.
Các bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức làm việc liên tục tiếp nhận các ca tai nạn nặng suốt dịp tết. Ảnh: Diệu Linh
Nhưng nghịch lý vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện, khi mà bệnh nhân ngày càng đòi hỏi quyền của mình nhiều hơn, đòi hỏi được chữa bệnh tốt hơn, nhanh hơn, rẻ tiền hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phải xót xa: "Bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Bệnh nhân thì đòi được khám ngay, còn lấy điện thoại để quay và ghi âm để xem bác sĩ sơ sểnh gì thì đưa lên mạng, tố cáo thì làm sao bác sĩ yên tâm khám chữa bệnh được. Khi đó bác sĩ sẽ không sáng suốt khi khám chữa bệnh".
PGS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư cũng chia sẻ, nếu ai cảm thấy nhân viên y tế không vất vả thì đến xem các nhân viên bệnh viện làm việc một ngày sẽ rõ. Mỗi ngày BV Nhi T.Ư đón tiếp 2.200-3.500 bệnh nhi, có ngày lên đến 4.500, kèm theo 4.000-6.000 người nhà đi cùng. Mỗi bác sĩ khám từ 80-100 bệnh nhi/ngày. Khu vực nội trú, mỗi bác sĩ cũng phụ trách điều trị 10-20 bệnh nhi/ngày, điều dưỡng chăm sóc 20-30 cháu. Các thủ tục, giấy tờ, vấn đề an ninh, trật tự đều tăng theo cấp số nhân. Các bác sĩ làm quần quật, thậm chí không có thời gian để ngồi, để đi vệ sinh, ăn cơm suốt 6-8 tiếng, nếu là ca trực có thể tới 24 giờ mới được nghỉ. Các bác sĩ phải đối mặt với sự sống và cái chết, với nỗi đau đớn, mất mát của người bệnh, người nhà. Họ thường xuyên phải chịu đựng sự trách mắng, oán hận một cách vô lý. Nhưng họ vẫn buộc phải niềm nở, vui vẻ, hòa nhã vì nếu bị bệnh nhân phàn nàn, tố giác, họ có thể bị kỷ luật, trừ lương, đuổi việc. "Do áp lực công việc lên mỗi cán bộ là rất lớn, hàng năm khám chữa bệnh cho cán bộ phát hiện khoảng 10% cán bộ y tế có biểu hiện rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm...), nhiều trường hợp phải nghỉ làm, một số trường hợp chuyển nơi làm việc" - PGS Hải ngậm ngùi.
Đến phòng cấp cứu BV Việt Đức trong dịp tết sẽ hiểu. Các bác sĩ, điều dưỡng quay cuồng trong các ca tai nạn với nhiều cảnh máu me, cơ thể tổn thương vỡ mà bình thường bạn chỉ thấy trong phim kinh dị. Họ phải tranh thủ từng giây để giành giật sự sống trong tay Thần Chết. Bệnh nhân nào tỉnh thì đau đớn la hét, chửi rủa bác sĩ. Người nhà lo lắng, sợ hãi cũng kêu khóc, quát tháo, mắng chửi sỗ sàng bác sĩ. Phải là thần kinh thép và trái tim bao la rộng lớn, các nhân viên y tế mới có thể bình tĩnh cứu chữa người bệnh, kiên trì giảng giải cho người nhà, chống đỡ mọi sự căng thẳng, mệt mỏi tấn công mình từ khắp các phía.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số chia sẻ, trong một thăm dò nho nhỏ đối với 45 bác sĩ thì có đến 28 người (hơn 62%) cho biết, họ đã từng trải qua cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng, chán nản trong công việc. Một trong những mối lo đó là mệt mỏi vì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thái độ hỗn hào, xúc phạm, thậm chí đe dọa, tấn công. Do đó, đã đến lúc cần phải có những quy định nghiêm khắc hơn để bảo vệ nhân viên y tế khỏi bạo lực của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Những người không biết tôn trọng bác sĩ, có lẽ nên bị cấm đến bệnh viện.
Theo Danviet
Có dễ xử phạt VietJet Air với màn "chiêu đãi" U23 Việt Nam bằng bikini? VietJet Air từng bị xử phạt vì hành vi tương tự hồi năm 2012, nhưng nay đã có nhiều thay đổi trong luật định. Màn biểu diễn bikini trên chuyến bay đưa U23 Việt Nam từ Trung Quốc về Việt Nam đang bị cộng đồng mạng lên án. Liên quan tới vụ việc các cô gái mặc bikini nhảy múa, uốn éo trên...