Báo Hàn Quốc bình luận về vai trò của Thủ tướng Việt Nam
Tờ The Korea Herald của Hàn Quốc số ra ngày 7/6 đã có bài bình luận về vai trò quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với tương lai Việt Nam. Dân trí xin giới thiệu bản dịch của bài viết này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bài phát biểu được dư luận đánh giá cao tại Đối thoại Shangri-La
Được truyền thông quốc tế khen ngợi trong suốt tuần qua, sau bài phát biểu gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2013, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trở nên nổi bật trên chính trường Châu Á . Vai trò quan trọng của ông củng cố niềm tin cho nhà đầu tư tới Việt Nam, ông là người không thể thiếu trong bối cảnh nền kinh tế mới nổi này đang bị thử thách bởi những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhiều học giả danh tiếng trên thế giới đã dành cho ông Dũng những lời ngợi khen, ủng hộ những thông điệp của ông về “xây dựng niềm tin chiến lược” như chìa khóa để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển. Từ sau chiến tranh tới nay, ông Dũng là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam có tầm ảnh hưởng như vậy tới chính trường quốc tế. Ông Dũng- vị thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam kể từ 1975, cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam- đều kinh qua chiến tranh. Ông là “con nhà nòi”, có cha là cán bộ kháng chiến và là người lính dũng cảm trên mọi mặt trận.
Ông từng kinh qua nhiều nhiệm vụ từ cơ sở tới T.Ư, từng là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng cũng từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bằng tài năng xuất chúng của mình và sự trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác ông đã “lật ngược” nhiều thế cờ khó. Ông đã tạo ra bước ngoặt cho Việt Nam.
Ông Dũng lên nhậm chức Thủ tướng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng nhưng Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế GDP 8,23% năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% so với năm 2005, và vượt kế hoạch 2 tỷ đô la. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, đầu tư nước ngoài tăng đột biến đạt trên 10 tỷ đô la, ODA cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ đô la.
Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO, và chính phủ Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam (PNTR). Quan trọng hơn, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trong suốt hai nhiệm kỳ của ông Dũng được đánh giá là khá ổn định. Ông đã đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, có chính sách cởi mở hơn trong quan hệ ngoại giao đa phương. Ông được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như một chính trị gia xuất sắc của Châu Á.
Là Thủ tướng, người lính của nhân dân, với ông Dũng không gì quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền đất nước. Suốt 30 năm qua, từ lúc cầm súng cho tới khi cầm bút ký vào những quyết định quan trọng liên quan tới vận mệnh đất nước, ông Dũng chưa bao giờ quên trọng trách đó của mình. Kiên quyết nhưng khôn khéo, đầy bản lĩnh, ông trở thành chính trị gia có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói thuyết phục về vấn đề biển Đông với quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Tại Shangri-La 2013, một lần nữa thông điệp về hòa bình được ông đưa ra dưới quan điểm cần xây dựng niềm tin chiến lược. Ông tỏa sáng khi bàn về một niềm tin giữa các nước với nhau nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, hòa bình khu vực và thế giới.
Video đang HOT
Cũng niềm tin ấy, ông Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới với Việt Nam và nhìn Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng. Ông chứng minh cho nhà đầu tư thấy họ có thể tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, bằng các chính sách tài khóa, bằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính công và chống tham nhũng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam.
IMF khẳng định thị trường tài chính Việt Nam đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần nhờ nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu. Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ. Cũng theo IMF, chính sách kinh tế của Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, mà nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trở lại, nổi bật là dòng vốn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện có 1500 nhà máy của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện ở Việt Nam. Thậm chí, ở thời điểm này, các doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch chi hàng tỷ USD vào Việt Nam qua các dự án công nghệ cao và trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Sau khi đã có tổ hợp sản xuất điện thoại di động trị giá 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, tháng 3 vừa qua, Samsung đã khởi động việc rót thêm 2 tỷ USD để xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao tại Thái Nguyên. Với dự án mới này, dự kiến mỗi năm tập đoàn cho ra đời thêm 100 triệu sản phẩm. Tập đoàn LG Electronics cũng đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD triển khai dự án điện tử, điện máy tại Hải Phòng.
Mới đây, Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất camera cho điện thoại thông minh của Samsung đã tăng vốn gấp 3 lần lên 36 triệu USD nhằm nâng công suất lên 25 triệu sản phẩm mỗi năm. Ngày 14/5 vừa qua, công ty TNHH Doosun Industries cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 14 triệu USD để xây một nhà máy in công nghệ cao phụ trợ cho Samsung. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết: “thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam theo các dự án của Samsung và LG”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ có niềm tin vào sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội mới “níu” chân được các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam thay vì đầu tư vào những “mảnh đất vàng” của Châu Á như Myanmar hay Philippin. Chính phủ của ông Dũng đã làm rất tốt điều đó, đã xây dựng được niềm tin cho nhà đầu tư. Và ông Dũng, vị nguyên thủ suất sắc của Châu Á, mỗi ngày vẫn miệt mài xây dựng niềm tin đó cho đất nước mình từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong điều hành đất nước cũng như các hoạt động ngoại giao. Ông là vị thuyền trưởng dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh trên con thuyền đưa Việt Nam ra biển lớn.
Theo Dantri
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Lời nhắc nhở kịp thời
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng có nhiều điểm nóng dễ bùng nổ. Vì vậy, lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự cấp thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược là lời nhắc nhở hết sức kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore.
Không khó để nhận thấy những điểm nóng đang trực chờ bùng nổ ở châu Á-Thái Bình Dương. Đó là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, là những căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông và quan trọng nhất là sự đối đầu ngày càng rõ rệt giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Điểm qua những điểm nóng này có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn có quan hệ với Trung Quốc, một quốc gia mới nổi đang thực thi chính sách trỗi dậy gây nhiều tranh cãi và đẩy khu vực đứng trước nguy cơ cận kề miệng hố chiến tranh. Sự khác biệt rõ rệt từ chuyên bố "trỗi dậy hòa bình" đến hành động "trỗi dậy cứng rắn" của Trung Quốc đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khiến nước này tự đánh mất lòng tin chiến lược của các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong bối cảnh môi trường an ninh đáng lo ngại như vậy, chủ đề "Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore không chỉ là một lựa chọn hay, mà còn là lời nhắc nhở kịp thời đối với Mỹ, châu Âu và các nước thành viên ASEAN.
Trên tạp chí Eurasia Review số ra ngày 3/6, Tiến sĩ Subhash Kapila thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ấn Độ - cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúng khi nhấn mạnh đến yếu tố "lòng tin chiến lược" trong thời điểm này.
"Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung đang trở thành chiến trường khốc liệt và bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ, Thủ tướng Việt Nam đã đúng khi truyền tải thông điệp cần phải có hòa bình và hợp tác dựa trên nhân tố hàng đầu là lòng tin chiến lược", Tiến sĩ Subhash Kapila nói.
Cũng theo Tiến sĩ Subhash Kapila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đúng khi cho rằng triển vọng diễn biến của an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc kiềm chế những hành động hung hăng và rằng Trung Quốc cần phải ghi nhận những ý kiến này.
"Nếu sự cạnh tranh và can dự mang những toan tính riêng, thể hiện sự bất bình đẳng, đi ngược luật pháp quốc tế và thiếu tính minh bạch thì sẽ không thể củng cố được lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển", nhà phân tích chiến lược nói thêm.
Không chỉ với Trung Quốc, thông điệp về "niềm tin chiến lược" cũng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là lời cảnh báo kịp thời gửi tới ASEAN trước những rạn nứt đang xuất hiện trong khối. "Nếu lời nhắc nhở đó không được lưu ý, khả năng chia rẽ trong ASEAN là điều khó tránh khỏi", Tiến sĩ Subhash Kapila chia sẻ thêm.
Cùng chia sẻ những quan điểm trên, các học giả Đức cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý một điểm rất quan trọng là phải xây dựng lòng tin chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương vào đúng thời điểm lòng tin ở khu vực này đã bị phá vỡ do tham vọng cường quốc của một số nước.
Thủ tướng đã đúng khi nhấn mạnh rằng chỉ xây dựng được lòng tin khi lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở giải quyết xung đột", Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á của Quỹ Khoa học và Chính trị (SWP), Viện chính trị và an ninh quốc tế Đức chia sẻ.
Cũng theo ông, ASEAN tiếp tục phải khẳng định vai trò trung tâm chứ không nên phó mặc cho Mỹ và Trung Quốc. ASEAN phải đoàn kết và đưa ra cấu trúc để có thể gắn kết các cường quốc vào cơ cấu của mình.
Cựu phóng viên Đức thường trú tại Hà Nội Hellmut Kapfenberger cũng nhấn mạnh tới yếu tố xây dựng và củng cố lòng tìn chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài viết "Hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Sinhgapore: Việt Nam kêu gọi các cường quốc" đăng trên tờ Thế giới trẻ, ông Hellmut Kapfenberger đặc biệt lưu tâm đến việc các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam, đang trông đợi Mỹ và Trung Quốc có những chiến lược và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia để góp phần mang lại hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho khu vực.
Giới học giả Mỹ cũng thực sự ấn tượng trước ý tưởng về thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Tôi tán thành quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đặc biệt nhấn mạnh đến lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương. Lòng tin luôn là yếu tố căn bản cho mọi mối quan hệ dù đó là quan hệ giữa cá nhân hay giữa các quốc gia với nhau", ông Andrew Billo, Trợ lý Giám đốc Chương trình Chính sách thuộc Tổ chức Nghiên cứu châu Á (Mỹ) nói.
Cũng theo ông, hiện ngày càng có nhiều cơ hội khuyến khích lòng tin, xây dựng lòng tin và xây dựng hợp tác giữa các nước, bất kể lớn nhỏ hay khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, tôn trọng luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng để duy trì đối thoại và định hướng các bên thực thi những thỏa thuận đã đạt được.
Nhiều tờ báo khác trên thế giới cũng đã trích dẫn những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà họ cho là đáng ghi nhận.
Tờ AsiaOne trích thuật ngữ mới mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra là "lòng tin chiến lược". Hãng tin Reuters trích lại nhiều câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đề cập đến vai trò của ASEAN, trong đó nhấn mạnh yếu tố cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh chứ không phải một ASEAN với các quốc gia thành viên phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích riêng của mình trong mối quan hệ với các nước lớn.
Tạp chí chính trị Thế giới đa cực của Nga đăng bài nhận định của Tổng biên tập Boris Vinogradov cho rằng việc Thủ tướng Việt Nam khai mạc Diễn đàn An ninh Shangri-La theo lời mời của Thủ tướng Sinhgapore Lý Hiển Long thể hiện sự coi trọng đặc biệt dành cho Việt Nam, quốc gia đang ngày càng giữ vai trò quan trọng và to lớn với chính trị khu vực và thế giới. Các báo Ấn Độ cũng có chung quan điểm này.
Có thể thấy, dư luận đánh giá rất cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì vừa có nội dung tốt, vừa bao quát được chủ đề mở rộng chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi các nước ASEAN, hoặc chỉ nói về bối cảnh của Trung Quốc-Việt Nam. Do đó, bài phát biểu đã đáp ứng được mong đợi của các nước.
Theo Dantri
Singapore đề xuất giải pháp xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông Thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-la lần tứ 12 tiếp tục thôi thúc các bên coi xây dựng lòng tin là giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Singaporore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 12. Trong phát biểu tại diễn đàn...