Bão Haiyan suy yếu dần và đi sang Trung Quốc
Lúc 9h sáng nay, sau khi hoành hành ở Quảng Ninh khiến nhiều ngôi nhà tốc mái, bão Haiyan với sức gió mạnh nhất còn khoảng 62-74 km một giờ (cấp 8) đã di chuyển tới khu vực biên giới Việt – Trung và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo hướng đi của bão Haiyan sáng 11/11. Ảnh: NCHMF
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, sáng sớm nay, tâm bão đã đi vào các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh. Đến 9h, tâm bão nằm trên khu vực biên giới Việt – Trung, sức gió mạnh nhất trong khoảng 62-74 km một giờ. Trong 24 giờ tới, bão đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh ven biển Bắc Bộ sáng nay có gió giật cấp 9 – 11, Bãi Cháy, đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) giật cấp 13. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ mưa to như Quảng Hà (Quảng Ninh) mưa 161mm; Bạch Long Vĩ 149mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 370mm, Đình Lập (Lạng Sơn) 291mm… Khu vực ven biển và các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 – 4,5 mét, sóng biển cao 2 – 4 mét.
Trước đó, khi đổ vào đất liền lúc 2h30 sáng nay, bão Haiyan trở thành cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở Quảng Ninh. Suốt một đêm quần thảo dữ dội, tới sáng 11/11, mưa tại Quảng Ninh đã tạnh, chỉ còn gió cấp 5, 6. Tính đến 8 giờ sáng nay, chưa có ghi nhận thiệt hại về người trong bão Haiyan tại địa phương này.
Suốt nhiều giờ qua, mưa lớn và gió giật hoành hành trên nhiều địa bàn của tỉnh.Tại thành phố Hạ Long, rạng sáng nay cây cối gãy đổ hàng loạt, 12 nhà dân bị tốc mái, đường sụt lún, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn. Hạ Long được xác định nằm trong tâm của cơn bão khi đổ bộ đất liền, do đó điện lực tỉnh đã cắt điện khu vực rộng gồm toàn bộ thành phố này cùng Vân Đồn và Cẩm Phả. Cầu Bãi Cháy được phong tỏa trong đêm để đảm bảo an toàn và đến sáng nay đã được mở cửa trở lại cho xe lưu thông.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh may mắn không có thiệt hại nào về người, các tuyến đê và tàu thuyền vẫn an toàn. Tuy nhiên, một cột ăng ten phát thanh truyền hình cao 52m tại thành phố Uông Bí đã bị gẫy đổ, vắt ngang sang mái ngói nhà dân rồi chọc thủng một mái tôn. Ngoài ra còn có một nhà bè tại Hạ Long bị sóng đánh chìm, 5 ngôi nhà cấp 4 bị sập, gần 100 ngôi ngà bị tốc mái, hàng loạt cây xanh bị gãy cành, bật gốc.
Huyện Tiên Yên của Quảng Ninh thống kê có 15 nhà sập, 129 nhà tốc mái, một cột phát sóng di động bị đổ, hàng trăm hộ dân đã bị ngập dù mưa không lớn. Nguyên nhân là do triều cường ngoài biển dâng cao khiến nước sông dâng lên hơn 4 mét, gần sát mặt đường giao thông thị trấn. Nước vẫn tiếp tục dâng, nên UBND huyện đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân tại vùng trũng đến nơi an toàn.
Chị Phan Thị Thu Hương ở Tiên Yên (Quảng Ninh) sáng nay cho biết, chưa bao giờ chị chứng kiến gió giật mạnh và mưa to như đêm qua. Gió xoáy mạnh được mô tả là khủng khiếp đã khiến nhà chị tung hết mái, mưa giột khắp nhà. “Cả nhà đứng ngồi không yên, lo lắng và sợ hãi”, chị nói. Còn Anh Đỗ Thành Nam ở Thành phố Hạ Long thông tin, đến sáng nay mưa đã tạnh song gió vẫn giật liên hồi. Từng đợt sóng nối đuôi nhau vỗ mạnh vào bờ, cao khoảng 3m.
Một tấm biển quảng cáo bị gió bão đánh tơi tả tại Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Tại Hải Phòng, sau một đêm thức trắng chống chọi với bão, sáng nay mưa đã ngớt, gió cũng bớt giật. Đại tá Nguyễn Văn Nam, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng thành phố cho biết, các địa bàn trọng điểm hứng bão như Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cát Hải chưa có thiệt hại nào về người. Lúc 8h sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có cuộc họp với UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và những giải pháp ứng phó với hoàn lưu sau bão.
Khu vực nội thành Hải Phòng, nhiều cây xanh bị đổ gẫy, biển quảng cáo bị bay. Lực lượng quản lý đô thị đã kịp thời thu gom chúng để không gây mất an toàn giao thông. Công nhân trạm bơm cũng được điều động túc trực suốt đêm để tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng cho thành phố. Các khu nhà tập thể xuống cấp cũng được các lực lượng phòng chống bão chằng chống, chống sập và sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải bị mất điện trên diện rộng. Có 3 ngư dân bị mắc cạn ở khu vực Gò Đông quận Hải An vẫn giữ liên lạc với đất liền và trong ngày hôm nay bộ đội biên phòng sẽ đưa ngư dân vào bờ.
Ông Đào Minh Đông, Phó chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết, sáng nay gió liên tục giật mạnh cấp 13. “Đêm qua là đêm mất ngủ đối với quân dân ở đảo. Sóng to, gió lớn liên tục nhưng may mắn chưa có người thiệt mạng. Hiện gió vẫn mạnh”, ông Đông cung cấp thêm.
Tại Hà Nội, hiện trời vẫn tiếp tục mưa có gió mạnh nên xuất hiện hiện tượng gãy cành, đổ cây. Các công ty thoát nước đang tích cực làm việc để chống ngập úng. Tại một số tuyến phố cây đổ chắn ngang đường, tuy nhiên lực lượng CSGT đã được huy động nhằm hạn chế việc ách tắc. Mực nước sông Hồng và sông Nhuệ đang dâng cao cộng với lượng mưa được cảnh báo sẽ lên tới 200 mm khiến khoảng 20 điểm của thành phố có khả năng ngập úng cục bộ.
Trước đó từ chiều 10/11, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo khẩn gửi các trường học trên địa bàn thủ đô yêu cầu cho học sinh nghỉ học ngày hôm nayđể phòng tránh những thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương khác ở miền bắc như Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng có quyết định cho học sinh nghỉ học tương tự.
Tại Nam Định, sáng nay mưa đã ngớt và gió giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khi triều cường lên cộng với cấp độ gió sẽ đánh mạnh vào hệ thống đê, kè, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và nông nghiệp của địa phương.
Thiệt hại ban đầu là toàn bộ bãi ngao ở phía ngoài đê của tỉnh gần như sẽ mất trắng vì toàn bộ cọc tiêu và rào lưới đã bị cuốn trôi. Một mối lo khác là nếu lượng mưa lớn theo dự kiến lên 200 ml cộng gió mạnh sẽ gây ngọt hóa cho các đàm nuôi tôm dọc bờ biển. Nếu nước biển xâm mặn vào gây thiệt hại rất nặng cho rau mùa vụ đông.
Đường phố Hạ Long sáng nay ngổn ngang cây đổ do bão. Ảnh: Đỗ Thành Nam
Diễn biến cơn bão Haiyan đổ bộ đất liền đêm 10/11 và rạng sáng 11/11:
Lúc 3h30 sáng 11/11, Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, bão Haiyan đang rất lớn ở khu vực Bãi Cháy và Cô Tô với sức gió giật cấp 13, Vân Đồn gió giật cấp 12, lượng mưa dưới 100 mm. Thời điểm này, bão Haiyan đã đổ vào Quảng Ninh được khoảng hơn một tiếng.
Video đang HOT
Ông Hòa cho biết chưa xác nhận thiệt hại về người. “Đây là cơn bão mạnh chưa từng có trong nhiều năm qua, vì thế nhiều tàu thuyền bị đứt neo. Lực lượng chức năng chủ yếu liên hệ với ngư dân qua số điện thoại của họ để hướng dẫn họ chèo chống, trước khi chờ lực lượng cứu hộ ra”, ông nói.
Tại Hải Phòng mưa ngày càng nặng hạt, gió giật mạnh. Ông Nguyễn Bá Tiến, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản. Độc giả Thanh Bình chia sẻ với VnExpress, những tiếng loảng xoảng và âm thanh như máy nổ vang lên khắp nơi. “Nhà mình rung lắc từng đợt, không biết có trụ nổi không nữa. Hai con đang ngủ ngon, nếu có chuyện xấu xảy ra thì tôi không biết sẽ làm thế nào”.
Một số tuyến đường trong nội đô Hải Phòng đã bắt đầu ngập nước. Ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Hải Phòng cho biết, một tàu Trung Quốc bị hỏng máy trên biển và 3 ngư dân của Cát Hải đang mắc kẹt ở bãi bồi cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Ông Bùi Trung Nghĩa, Chỉ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, đang bàn biện pháp để cứu ba ngư dân này.
Tại Thái Bình, gió và mưa càng ngày càng mạnh hơn. Trên đường Hùng Vương, cây xanh bị gió quật gãy cành la liệt. Các biển quảng cáo bị đánh rách, khu hội chợ triển lãm trước UBND tỉnh bị đổ sập. Các khu vực xã Phú Khánh, Phường Phú Xuân, Quang Trung, Trần Hưng Đạo…bị cắt điện.
Tại Nam Định, bạn Thanh Chương nói với VnExpress: “Thật kinh khủng. Mưa gió ở thành phố mà thế này thì dân gần biển và tâm bão chịu sao nổi”. Anh cho biết, gió giật liên hồi với cường độ cực mạnh. Tiếng va đập, đổ vỡ vang lên liên tục.
Tại Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn nhưng chưa có hiện tượng ngập, gió rít từng hồi. Dù không bị mất điện song các con đường đều vắng người qua lại, thi thoảng có chiếc ô tô, xe tải hối hả lao đi trong mưa. Tiếng gió rít liên hồi được nghe thấy rõ khi có mặt trên các tòa nhà cao tầng. Lác đác trong các ngôi nhà, một số người dân vẫn ngồi trước màn hình để theo dõi diễn biến của bão Haiyan.
Nhiều phương tiện thô sơ không kịp thu dọn đã bị gió quật đổ. Ảnh: Nguyên Anh.
Bạn đọc Tuấn Tú cho hay, dù mới chỉ là ảnh hưởng của bão nhưng hàng cây dưới nhà lúc vặn sang trái, khi sang phải. Gió giật một lúc, ngọn cây đứng thẳng, sau đó lại bị giật. “Nếu cứ tiếp tục, một vài tiếng nữa chắc chắn cây sẽ đổ khá nhiều”, Tú nói.
Bằng trực giác, Tú cảm nhận bão đang vào đất liền, vì theo anh, gió mạnh lên từng giờ nên bão sẽ không đi là là ven biển mà đâm trực diện vào Bắc bộ. “Tôi nhớ có câu nói về bão “khi gió ngừng thổi, điều tồi tệ nhất mới bắt đầu”. Năng lượng của Haiyan rất lớn, khi tan nó sẽ chơi nước bài cuối cùng là trút toàn bộ năng lượng còn lại và mưa xuống đất, mưa sẽ rất to và mạnh”, anh nói và nhắn nhủ bà con hãy cẩn thận, kê cao đồ vật trong nhà để chống bão.
Độc giả Mỹ Hưng thì tâm sự, dù được dự báo không nằm trong vùng nguy hiểm nhưng Hà Nội vẫn mưa lớn, gió dữ dội. Gió giật trên những mái tôn đùng đoàng, đồ dùng bị xê dịch đáng kể, cây cối oằn mình lắc lư. “Tôi không thể chợp mắt vì ngoài kia gió bão thật kinh khủng”, Hưng chia sẻ.
Lúc 0h30 ngày 11/11, Haiyan đang đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng. Tại vùng biển Đồ Sơn gió rất lớn, cường độ mạnh, mưa nặng hạt. Vùng ven biển, sóng biển dâng lên rất cao. Lực lượng an ninh chắn khắp mọi ngả đường nghiêm cấm không để người dân ra ngoài.
Trước sức gió mỗi lúc một mạnh, bạn Quang Hải ở Đồ Sơn, Hải Phòng thốt lên: “Trời ơi, tôi đang cảm nhận rất rõ cơn bão này. Đây không phải bão bình thường nữa. Nó quá to. Đây là cơn bão từ bé tới giờ 23-24 năm rồi tôi mới thấy to như thế. Nhà gạch 2 tầng kiên cố mà gió bão như muốn kéo tất cả ra. Cây cối ở 2 bên đường đã nghiêng ngả đổ hết rồi! Nhà cao tầng mà còn rung chuyển mỗi đợt gió giật! Gió hiện giờ chắc chắn phải trên cấp 12″.
Tại Hải Phòng, tất cả tàu thuyền đã cập bến an toàn. Tàu thuyền của ngư dân ở tỉnh khác cũng tập trung hết về vùng biển Ngọc Hải, được chính quyền địa phương giúp đỡ. Hầu hết các ngư dân đã lên trú ẩn trên bờ, chỉ một vài người ở lại cùng với bộ đội, dân phòng, lực lượng bảo vệ trật tự trông coi tài sản.
Tại khu vực Thủy Nguyên, Hải Phòng giáp ranh với Quảng Ninh, bạn đọc tên Hiệp báo về tòa soạn: “Hiện gió rất to, cây cối nghiêng ngả. Chưa có hiện tượng mưa lớn nhưng gió thì rất to, điện đã bị cắt . Mong sao bão sớm qua đi. Tôi thấy sợ”.
Bạn Đức Dũng cung cấp thêm, gió giật dữ dội ở chân cầu Bính. “Cầu mong cho đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ quê tôi, nơi mà gần tâm bão đi qua bình an vô sự. Thương lắm quê hương ơi”.
Tại Thái Bình, nhiều cây cối đổ rạp xuống đường. Ảnh: Đỗ Thái Sơn.
Tại Quảng Ninh, gió giật mạnh, mưa lớn. Anh Hải Ninh, đang chạy xe Innova dọc đường Hạ Long đã phải dừng xe. Điện thoại với VnExpress, anh cho biết, do gió thổi quá mạnh, nghĩ cố chạy nhanh về nhà nhưng khi chạy xe anh có cảm giác như xe sắp bị nhấc lên. “Tôi đã phải tạt xe vào lề đường tìm nơi khuất gió để đỗ xe”, anh Ninh cho hay.
Một độc giả từng công tác 2 năm ở Hạ Long cho hay, thành phố mưa rất to, gió rít từng hồi như muốn thổi tung tất cả . “Tôi chưa thấy lần nào bão to như lần này. Mong cơn bão chóng qua để cuộc sống bình yên lại cho chug tôi…cầu mong tổn thất sẽ không nặng nề như ở Philippin”.
Bạn Nguyễn Phương cho hay, 1h 11/11/2013 gió tại Tiên Yên giật liên hồi, rít khủng khiếp.”Không biết đến 5, 6 giờ sáng tâm bão mới vào thì khủng khiếp đến đâu, Nhiều người không kịp phòng chống. Đi mua xăng dầu chạy máy phát cũng khó; điện mất từ 19h ngày 10/11; cứ đà này chỉ còn đủ nhiên liệu chạy máy đến 08h00 ngày 11/11 là hết …Không nghĩ được tâm bão lại đổ trực tiếp đến Quảng Ninh”.
Lúc 23h45 ngày 10/11, Huyện đảo Cô Tô có gió mạnh trên cấp 10, nhiều cột sóng lớn. Tại nhiều tuyến đường, hàng chục cây đổ gãy. Đảo Bạch Long Vỹ mưa xối xả.
Ông Nguyễn Khắc Hạnh, Phó bí thư Đảng ủy phường Ngọc Xuyên, Quận Đồ Sơn, Hải Phòng, cho biết, từ khoảng 19h30 gió bắt đầu mạnh kèm theo mưa. Các con đường đã bắt đầu ngập nhẹ. Khoảng 200 hộ dân của phường đã được di chuyển đến nơi an toàn, được lực lượng quân đội cung cấp chăn màn để ngủ.
Hàng trăm người dân ở Quảng yên, Quảng Ninh phải tìm nơi an toàn trú bão.
Tại Hải Phòng, mưa to, gió đang mạnh dần và giật cấp 12, đường phố ít người qua lại. Một đoàn do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp xuống thị xã Đồ Sơn và lận cận để chỉ đạo phòng chống bão. Hiện trên 13.000 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn.Người dân tại một số khu tập thể cũ nát cũng đã được di chuyển ngay trong đêm đến nơi an toàn. Hiện một số nơi ở Hải Phòng mất điện.
Tại Nam Định,khu vực Giao Thủy, từ 19h, gió mạnh dần và giật trên cấp 6. Theo anh Hoàng Hải, một người dân địa phương thì bão chưa rõ rệt, tuy nhiên cả khu vực đã bị cắt điện. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định, từ đêm nay, Nam Định có mưa từ 100-200 mm, gió trong đất liền mạnh cấp 9. Trung tâm khuyến cáo cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 2-4 m. Sức gió và lượng mưa ở Nam Định đang tăng lên đáng kể. Có thể hoàn lưu bão tác động mạnh hơn so với dự báo.
Tại Quảng Ninh, gió đã mạnh dần lên. Một số nơi gió giật liên hồi. Thành phố Hạ Long đã ban hành lệnh cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Bãi Cháy. Tình trạng mất điện đã diễn ra ở một số phường thuộc thành phố Hạ Long.
Nhiều khu vực tôn công trường ngã rạp.
Tại Quảng Yên, một trong những trọng điểm chống bão của tỉnh Quảng Ninh, chính quyền đã di dân tại chỗ hơn 4.000 người dân ở ba xã Liên Vị, Liên Hòa và Tiền Phong. Huyện cũng đã lên phương án di dời 30.000 người ở đảo Hà Nam và hơn 10.000 người ở vùng trũng lên cao để tránh nguy cơ bị nước biển dâng cao gây nguy hiểm tính mạng.
Tại thành phố Thái Bình, gió ngày càng mạnh. “Tôi ở trong nhà đóng kín cửa những vẫn nghe tiếng gió rít và nước mưa quật vào cửa sổ”, chị Thanh Huyền, trú tại xã Vũ Lạc (TP Thái Bình) cho biết. Mặc dù từ sáng sớm nay, chính quyền địa phương đã phát loa nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa, đề phòng thiệt hại do bão gây ra, nhưng hiện tại, chị vẫn nghe thấy tiếng nhiều mảnh kim loại chà sát xuống lòng đường và va đập vào các vật cứng khác.
Xe quân đội vẫn ứng trực sẵn sàng cứu hộ. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Ở xã Vũ Lăng, Tiền Hải, bà Đỗ Thị Quế cho biết trời đang mưa to, gió giật cấp 9. “Nhà cửa của dân vùng này khá kiên cố nên cũng không phải vất vả chằng buộc chống bão”, bà Quế nói.
Từ Thái Bình, bạn đọc Quynhlan viết gửi về VnExpress:” Tuy ở trong trung tâm thành phố nhưng thấy gió rít liên hồi và giật rất mạnh. Mưa ít nhưng gió rất to, thỉnh thoảng lại thấy ngoài đường có tiếng đổ vỡ, kinh khủng lắm, chưa lần bão nào mà lại không an lòng như lần này, không ngủ được”.
Tối 10/11, trao đổi với VnExpress, anh Hoàng Nghĩa Thư, trực ban Cứu hộ cứu nạn Bộ tư lệnh Quân khu 4 cho biết, toàn địa bàn 6 tỉnh đã có 6 người chết, trong đó Thừa Thiên Huế 2 người, Quảng Bình 1, Nghệ An 1 và Hà Tĩnh 2 người. Ngoài số người thiệt mạng nói trên, địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thuộc quân khu 4 còn có 19 người bị thương khi chằng chống nhà cửa.
Việc giằng chống nhà cửa trước bão tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân. Ảnh: Trí Tín.
Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết số người chết do bão Haiyan là 5 người (Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người). Vị sĩ quan này cho biết thêm, Sở chỉ huy tiền phương vẫn được duy trì hoạt động nhằm sẵn sàng ứng phó với lũ sau hoàn lưu bão.
Theo VNE
Quảng Ninh có gần 1.000 ngôi nhà hư hại do bão Haiyan
Khi quét qua tỉnh Quảng Ninh rạng sáng nay, bão Haiyan làm 43 ngôi nhà đổ, 843 nhà tốc mái, gây hư hỏng một số công trình lớn như cột ăng ten truyền hình cao 52m và hiện chưa có ghi nhận thiệt hại về người.
Đêm 10/11 và rạng sáng 11/11, bão Haiyan đổ bộ vào Việt Nam, trực tiếp đi vào bờ biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Suốt một đêm quần thảo dữ dội, tới sáng 11/11, mưa tại Quảng Ninh đã tạnh và chỉ còn gió nhẹ. Tại thành phố Hạ Long, những cây cối gãy đổ được thu dọn khi trời sáng và người dân sinh hoạt bình thường trong ngày đầu tuần. Tỉnh Quảng Ninh ước tính thiệt hại ban đầu do cơn bão Haiyan gây ra khoảng 50 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trên cả nước đã có 13 người chết và 81 người bị thương do bão Haiyan. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn khi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối.
Cột ăng ten phát thanh truyền hình cao 52m tại thành phố Uông Bí đã bị gẫy đổ. Ảnh: CTV.
Báo cáo của UBND tỉnh cho hay, cơn bão đổ bộ khiến 7 người bị thương do quá trình chằng chống nhà cửa. Toàn tỉnh có 43 nhà đổ, 843 nhà bị tốc mái, cùng hàng chục phòng học, công trình phụ bị hư hỏng. 16 tàu thuyền đang neo đậu thì bị sóng đánh chìm, 2 cột ăngten bị đổ cùng nhiều cây xanh bật gốc. Có 6 trong số 8 huyện, thành phố bị mất điện hoàn toàn. Còn các công trình hồ đập, đê điều... vẫn đảm bảo an toàn.
Trong số các công trình bị hư hại, đáng chú ý có cột ăng ten Đài phát thanh truyền hình cao 52m tại thành phố Uông Bí bị đổ vắt ngang sang mái ngói nhà dân rồi chọc thủng một mái tôn. Một nhân viên của Đài cho biết, cột ăngten bị gãy được dùng để thu tín hiệu từ đài phát thanh truyền hình trung ương và Quảng Ninh, sau đó phát cho nhân dân ở vùng lõm. Sự cố sẽ làm gián đoạn việc thu và truyền phát sóng chương trình của đài truyền hình Việt Nam, Quảng Ninh. Cột ăng ten này được xây dựng năm 1992, gia cố năm 1994 và bảo dưỡng năm 2010.
Theo thống kê của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sáng nay về bão Haiyan, có một số sự cố về tàu thuyền đã xảy ra. Cụ thể, lúc 20h10' ngày 10/11, tàu FuCheng 22 gồm 5 thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc) bị hỏng máy trôi dạt tại vị trí cách quần đảo Long Châu khoảng 7 hải lý ở phía đông nam. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cùng Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã phối hợp tổ chức cứu nạn con tàu này sau khi nhận tin báo từ thuyền trưởng.
Khu vực TP Hạ Long do có nhà cửa kiên cố nên hầu như không bị bão Haiyan tàn phá. Chỉ có khu lán trại của công nhân xây dựng ga tàu cảng Cái Lân bị tốc mái, một nhà ở phường Hà Trung bị sụt lún, một nhà bè bị đắm, một nhà bè bị vỡ, 3 nhà bè bị tốc mái.
Tại TP Cẩm Phả, một bè mảng bị trôi ở khu vực phường Cẩm Trung - Cẩm Thủy, nhưng đã được lực lượng cứu hộ đưa vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra một tàu cẩu bị dạt vào cảng của Nhà máy xi măng Cẩm Phả, khi sóng lặng sẽ được các lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ.
Huyện Tiên Yên thống kê có 15 nhà sập, 129 nhà tốc mái, một cột phát sóng di động bị đổ, hàng trăm hộ dân đã bị ngập dù mưa không lớn. Nguyên nhân là do triều cường ngoài biển dâng cao khiến nước sông dâng lên hơn 4 mét, gần sát mặt đường giao thông thị trấn. Nước vẫn tiếp tục dâng, nên UBND huyện đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân tại vùng trũng đến nơi an toàn.
Dù bão đã đi qua nhưng gió ở Hạ Long vẫn giật mạnh, sóng cao 3 đến 4m. Ảnh: Đỗ Thành Nam.
Hiện hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn mất điện. Công ty Điên lưc Quang Ninh va Xi nghiêp lươi điên Cao thê miên Băc cho biết, do cương đô gio giât manh nên đương dây 110kV tư Ha Long đên Mong Cai va cac đương dây trung thê tư Đông Triêu đên Mong Cai đêu bi sư cô, làm mât điên trên diên rông. Nganh điên lực đang huy đông toàn bô nhân lưc đê xư ly sư cô.
Các địa phương khác chịu ảnh hưởng của Haiyan cũng đang khắc phục hậu quả sau khi bão tan. Các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng tổ chức kiểm tra và thống kê thiệt hại. Tỉnh Thái Bình có một số vị trí đê, kè bị sạt lở cục bộ như đê Nam Hà, đê kè Vũ Lăng, Vũ Bình, đê Thụy Dũng, kè Nhân Thanh, Vũ Đông. Tỉnh có hơn 34.100 ha cây hoa màu mầu bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão.
Haiyan ảnh hưởng đến Nam Định trong thời điểm triều thấp nên không tác động lớn đến đê điều. Tuy nhiên, kè Mỏ Hải Thịnh 2 (huyện Hải Hậu) có mỏ số 4 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập 5m, mái đầu cánh mỏ phía đông bị sập khoảng 18m2. Mỏ số 5 thì hai bên thềm cơ thân mỏ bị lún võng sập, mỗi bên dài 35m, mái đầu cánh mỏ bị sập khoảng 10m2, mặt cánh mỏ bị sập 35m, một số cấu kiện bị mất.
Bão Haiyan cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện tại các địa phương phía Bắc gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định. Ông Vũ Trọng Phụng, Trưởng ban An toàn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) cho biết, lưới điện 110 kV có 6 lộ đường dây, 8 trạm biến áp gặp sự cố, nặng nhất là là Quảng Ninh khi 7 trạm biến áp bị ngừng hoạt động do mưa và gió lớn.
Đối với lưới điện trung áp, ngành điện phía Bắc bị mất 208 lộ đường dây, trong đó Quảng Ninh mất 64 lộ, Hải Phòng 55 lộ, Nam Định 31 lộ, Thái Bình 35 lộ... Hiện bão đã tan, ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của EVN NPC đang có mặt ở Quảng Ninh và Thái Bình để nắm bắt tình hình và khắc phục sự cố.
Riêng tại Hà Nội, sau cuộc họp trực tuyến bàn việc đối phó với cơn bão, Trung tâm Điều độ - Thông tin EVN Hà Nội đã hoãn lịch cắt điện ngày 11 và 12/11/2013, theo dõi tình hình mất điện do sự cố, ngập nước, sa thải nguồn điện... Trong cơn bão, đã có 12 đường dây trung áp gặp sự cố nhưng đã được khắc phục xong vào sáng nay.
Tại miền Trung, ngành điện đã khắc phục hầu hết các sự cố và cấp điện trở lại cho các phụ tải. Còn 63 trạm biến áp phân phối tại Quảng Bình và 5 trạm biến áp của tỉnh Quảng Nam bị sự cố với công suất 1,9 MW và dự kiến sẽ khắc phục xong hoàn toàn trong ngày hôm nay.
Một trường THPT ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) treo biển thông báo học sinh nghỉ học tránh siêu bão. Ảnh: Trí Tín.
Tại khu vực miền trung, mặc dù bão Haiyan không trực tiếp đổ bộ nhưng đến sáng nay, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi và Quảng Nam vẫn cho học sinh nghỉ học để tổng vệ sinh sau bão. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở giáo dục & đào tạo Quảng Ngãi cho biết, sáng nay, hơn 350.000 học sinh các cấp vẫn nghỉ học dù trời đã nắng ấm.
"Sở dĩ ngành giáo dục Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học hôm nay đến ngày 12/11 mới đến trường trở lại là để giáo viên, học sinh tổng vệ sinh trường lớp, nơi những ngày trước có hàng nghìn người dân đến trú tránh bão", ông Tựu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở giáo dục & đào tạo Quảng Nam cũng cho biết, một số vùng sạt lở núi, vùng ven biển trên địa bàn tỉnh hàng nghìn học sinh vẫn nghỉ học để dọn dẹp vệ sinh sau bão. Còn hầu hết học sinh ở các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình đã đến trường học tập trở lại sáng 11/11.
Bảo không đổ bộ, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác ứng phó, phòng chống mưa lũ. Sẵn sàng triển khai ngay các phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân khi có lũ xảy ra. Đặt biển cảnh báo và cử người canh gác tại các ngầm, tràn, tuyệt đối không để người và xe cộ qua lại khi ngập nước. Giám sát chặt chẽ về giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng tình hình thiên tai để tăng giá.
Người dân miền Trung đi tránh siêu bão trên đường trở về nhà. Ảnh: Trí Tín.
"Dù siêu bão không đổ bộ như dự báo ban đầu nhưng công tác sơ tán dân, chủ động phòng chống thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường là hết sức cần thiết. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm cho người dân trong quá trình sơ tán, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... bất cẩn để xảy ra tai nạn trong ứng phó cơn bão Haiyan". Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Theo VNE
Học sinh Hà Nội trở lại trường từ 12/11 Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, cơn bão Haiyan không gây hậu quả nghiêm trọng cho thành phố và chỉ đạo Sở Giáo dục thông báo cho học sinh đi học từ 12/11. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Nội, lượng mưa trung bình trên địa bàn thành phố là 40mm. Trong đó Trâu Quỳ là nơi...