Bão Haiyan đe dọa Việt Nam như thế nào
Với hậu quả kinh hoàng gây ra cho Philippines khi quét qua, bão Haiyan khiến người dân Việt Nam lo sợ khi tiến vào Biển Đông. Nhưng trái với dự đoán ban đầu, thay vì đổ bộ khu vực miền Trung, bão lại ập vào miền Bắc khi đã suy yếu.
Thông tin về cơn bão Haiyan với sức hủy diệt chưa từng có được phát đi khiến người dân Việt Nam lo lắng về cơn bão được đánh giá là mạnh nhất từ truớc tới nay sắp tiến sát miền Trung. Hình ảnh một vùng rộng lớn ở Philippines trở thành bình địa với những ngôi nhà xơ xác, người chết nằm la liệt trên đường, người sống vật vờ như những bóng ma đã ám ảnh mọi người.
Bản tin đầu tiên của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, siêu bão với sức hủy diệt chưa từng có trên Trái đất sẽ đi vào biển Đông, tiếp cận đất liền sớm nhất tại Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế, sau đó có khả năng đi dọc các tỉnh Quảng Trị – Nghệ An. Ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên bàn giải pháp đối phó.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm bằng tất cả các giải pháp, lực lượng nhằm giảm tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau dừng tất cả các cuộc hội họp, tập trung sẵn sàng chống bão. Hai Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến các tỉnh mà cơn bão có thể đi qua để thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống.
Đường đi được cho là khá lạ của siêu bão Haiyan. Ảnh: NCHMF
“Dân có thể không chết do bão nhưng chết do lũ nên tuyệt đối không thể để tâm lý chủ quan. Nếu để dân chết do lơ là thì trách nhiệm thuộc về chúng ta”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh lập tức có Công điện khẩn yêu cầu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải Quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Quân chủng Phòng không không quân… phối hợp với chính quyền địa phương giúp nhân dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ.
Quân khu 4 và 5 lập Sở chỉ huy tiền phương, huy động hàng chục nghìn chiến sĩ, hàng trăm xe lội nước, thiết giáp, tàu thuyền, thậm chí cả máy bay trực thăng sẵn sàng bước vào chiến dịch giúp dân chống bão.
Lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Bưu chính Viễn thông… cũng ngay lập tức có công điện gửi các tỉnh, lập Sở chỉ huy tiền phương để làm nhiệm vụ. Bộ Y tế thành lập các đội cấp cứu lưu động để ứng phó trong bão, kịp thời cứu chữa người dân gặp nạn. Bộ Công thương chuẩn bị mặt hàng thiết yếu cung ứng cho các địa phương, đồng thời yêu cầu các thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên phải xả nước đón lũ. Công ty điện lực Việt Nam lên phương án túc trực, phòng trường hợp lũ lên đến đâu sẽ cắt điện đến đó.
Khắc phục hậu quả của những cơn bão lớn nhỏ vừa qua chưa xong, người miền Trung lại tháo dỡ mái nhà, chằng buộc cửa kính, đắp cát hộ đê để đón bão Haiyan. Những lô cốt, hầm hào thời chiến được họ dọn dẹp để làm nơi trú ẩn khi bão vào. Dân ở vùng trũng được di dời lên cao, từ nhà cấp 4, xập xệ lên nhà kiên cố, từ vùng ngoài đê vào bên trong. Tàu thuyền ngoài khơi cũng được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa vào bờ hoặc neo đậu an toàn trên các đảo.
Cả đất nước cùng thấp thỏm hướng về đồng bào miền Trung.
Hàng trăm nghìn người dân ở nhiều địa phương đã được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Trí Tín.
Video đang HOT
10h sáng 9/11, tâm bão Haiyan cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220 km về phía bắc đông bắc, với sức gió tối đa 163 km/h (cấp 15). Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, đảo trưởng đảo Song Tử Tây cho biết từ 2h sáng trời đã bắt đầu mưa, gió rít liên hồi. Khoảng 8h30, gió giật hơn 133km/h, mức sóng cao 3 – 4m, gió giật cấp 8-9. Nhiều cây cối trên đảo gãy đổ, một số nhà dân bị tốc mái.
Nhưng càng về chiều, cường độ gió càng giảm đi. Trạm khí tượng thủy văn đặt trên đảo cứ 15 – 20 phút lại thông báo tình hình bão để các chiến sĩ và người dân yên tâm. Rất may là khi qua đảo, tâm bão ở cách xa khoảng 300km nên đảo không bị ảnh hưởng nhiều.
Trưa 9/11, bầu trời ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) âm u, gió mạnh dần lên. Là một trong những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng của bão, một nửa số dân trên đảo với khoảng 10.000 người sống gần bờ biển được chuyển đến trú trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế kiên cố, vùng cao. Thời điểm này, nhiều nơi thuộc Thừa Thiên – Huế trời cũng bắt đầu đổ mưa. Tại xã bãi ngang Hải Dương, thị xã Hương Trà, hàng trăm hộ dân nhanh chóng thực hiện lệnh di dời tránh siêu bão.
Nếu như 2 ngày trước, bãi Haiyan được dự báo có khả năng đổ bộ thẳng góc với các tỉnh miền Trung thì trưa 9/11, Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho biết bão đổi hướng di chuyển, ít có khả năng vào sâu trong đất liền mà tiếp cận gần và đi dọc bờ biển các tỉnh miền Trung rồi ngược lên phía bắc với phạm vi ảnh hưởng lớn. Theo đó, Haiyan chỉ tiếp cận bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi cho đến Nghệ An vào khoảng sáng đến trưa 10/11 và khi đến Hà Tĩnh, Nghệ An, tâm bão mới thật sự nằm trong đất liền.
Nhưng trên thực tế, một loạt các tỉnh Trung Trung Bộ chỉ bị ảnh hưởng của bão Haiyan chứ không chịu sự tàn phá của cơn bão có sức gió lên đến 149km/h này. Các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… chỉ có mưa nhỏ. Đến trưa 10/11, ảnh hưởng của bão đã chấm dứt ở khu vực Trung Trung Bộ. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào bắt đầu đưa dân trở về nhà, các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình tạm dừng công tác di dân.
Dù bão không đi qua song các tỉnh Trung Trung Bộ vẫn có ít nhất 10 người thiệt mạng. 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thuộc Quân khu 4 có 6 người chết, trong đó Thừa Thiên Huế 2 người, Quảng Bình 1, Nghệ An 1 và Hà Tĩnh 2 người. Ngoài số người thiệt mạng nói trên, địa bàn quân khu 4 còn có 19 người bị thương khi chằng chống nhà cửa. Ở quân khu 5 (Nam Trung Bộ), số người chết do bão Haiyan là 5 người (Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người).
14h ngày 10/11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nghệ An – Quảng Trị khoảng 270 km về phía đông. Với vận tốc khoảng 30 – 35 km một giờ, theo dự báo khi đó đến rạng sáng 11/11, tâm bão sẽ nằm trên vùng bờ biển các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ, với sức gió tối đa 102 km một giờ (cấp 10). Sau đó bão di chuyển vào đất liền các tỉnh phía đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trước tình hình này, các địa phương miền Bắc nhất là khu vực ven biển đã cấp tập chuẩn bị. Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu sơ tán dân 6 huyện ven biển, hoàn thành trước 18h cùng ngày. Ninh Bình thực hiện cấm biển, các tuyến đò trên sông, tạm ngừng hoạt động vận tải từ 10h ngày 10/11 cho đến khi bão tan. Từ 3h sáng 10/11, lệnh cấm biển ở Nam Định được ban bố. Toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh này đã vào nơi trú ẩn. Lệnh sơ tán dân ở 3 huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy cũng được đưa ra. Thái Bình thì lập Sở chỉ huy tiền phương tại đồn biên phòng Cửa Lân (Tiền Hải), phát lệnh di dân.
Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) ngập nặng sau bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
16h ngày 10/11, một lần nữa Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương lại phát đi bản tin tâm bão Haiyan có sự thay đổi. Là một cơn bão vô cùng mạnh với đường đi khó lường, chiều 10/11, bão dịch chuyển về phía bắc và dự kiến trong đêm, tâm bão sẽ đi vào ba tỉnh Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh. Các địa phương Bắc Trung Bộ trở vào lúc này là vùng an toàn.
Chiều tối 10/11, các tỉnh được dự báo là vùng tâm bão gồm Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội… đã bắt đầu có mưa. Công tác neo đậu tàu thuyền, di dân đến vùng an toàn, đắp cát kè đê…đã được các tỉnh chuẩn bị chu đáo. Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng huy động hơn 1.500 cán bộ chiến sỹ cơ động sẵn sàng ứng cứu, nhất là những nơi đê xung yếu của Đồ Sơn, tuyến đê Hoàng Châu, Tràng Cát, Vinh Quang …Các tàu tìm kiếm cứu nạn sẽ neo đậu tại những vị trí xung yếu (Khu vực Phù Long – Cát Hải) để sẵn sàng ứng cứu.
0h30 ngày 11/11, Haiyan đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng. Tại vùng biển Đồ Sơn gió rất lớn, cường độ mạnh, mưa nặng hạt. Vùng ven biển, sóng biển dâng lên rất cao. Lực lượng an ninh chắn khắp mọi ngả đường nghiêm cấm người dân ra ngoài. Sức gió mỗi lúc một mạnh hơn khiến người dân Đồ Sơn phải thốt lên: “Đây không phải bão bình thường nữa. Nó quá to. Nhà gạch 2 tầng kiên cố mà gió bão còn như muốn kéo đổ”.
Thời điểm này ở Quảng Ninh, gió cũng giật mạnh, mưa lớn khiến những người lái ôtô dọc đường Hạ Long đã phải dừng xe bởi “gió thổi quá mạnh, cảm giác như xe sắp bị nhấc lên. Còn ở Nam Định thì một thanh niên cho VnExpress biết “Thật kinh khủng. Gió giật liên hồi với cường độ cực mạnh. Tiếng va đập, đổ vỡ vang lên liên tục”. Tại Thái Bình, gió và mưa dữ dội khiến cây xanh trên đường Hùng Vương bị quật gãy cành la liệt, khu hội chợ triển lãm trước UBND tỉnh bị đổ sập. Các khu vực xã Phú Khánh, Phường Phú Xuân, Quang Trung, Trần Hưng Đạo…bị cắt điện.
Đến 3h30 sáng 11/11, bão Haiyan quần thảo dữ dội ở khu vực Bãi Cháy và Cô Tô với sức gió giật cấp 13, Vân Đồn gió giật cấp 12, lượng mưa khoảng 100 mm. Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đây là cơn bão mạnh chưa từng có trong nhiều năm qua. Vì vậy nhiều tàu thuyền bị đứt neo, lực lượng chức năng chủ yếu liên hệ với ngư dân qua điện thoại để hướng người dân chèo chống trước khi chờ lực lượng cứu hộ ra giúp đỡ.
Ở Hải Phòng mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió giật mạnh, những tiếng loảng xoảng và âm thanh như máy nổ vang lên khắp nơi. Một số tuyến đường trong nội đô Hải Phòng đã bắt đầu ngập nước. Hàng loạt các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên…cũng có mưa to, gió lớn.
Đến 9h sáng 11/11, bão Haiyan với sức gió mạnh nhất còn khoảng 62-74 km một giờ (cấp 8) đã di chuyển tới khu vực biên giới Việt – Trung.
Tàu chở 460 tấn bột mì bị đánh chìm ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyên Anh.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, cơn bão đổ bộ khiến 7 người bị thương do quá trình chằng chống nhà cửa. Toàn tỉnh có 43 nhà đổ, 843 nhà bị tốc mái, cùng hàng chục phòng học, công trình phụ bị hư hỏng. 16 tàu thuyền đang neo đậu thì bị sóng đánh chìm, 2 cột ăngten bị đổ cùng nhiều cây xanh bật gốc. Có 6 trong số 8 huyện, thành phố bị mất điện hoàn toàn. Hàng trăm hộ dân ở huyện Tiên Yên đã bị ngập lụt do triều cường và nước sông dâng cao.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, ngoài 4 người mất tích trong bão Haiyan còn có 10 người đã thiệt mạng khi đang chuẩn bị đối phó với bão. 84 người khác bị thương, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam (33 người), Quảng Bình 20 người, Quảng Ngãi 16 người…
Phần lớn trong số 75 nhà sập và hơn 2.500 nhà tốc mái đều xảy ra ở Quảng Ninh. Bão làm hơn 50.000 ha hoa màu và lúa bị ngập, hỏng; hơn 1.000 m3 đường giao thông bị sạt lở, và 1 cầu bị hỏng. Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tàu HD 1089 chở 4 người neo đậu tại bến Cẩm Phả bị sóng đánh chìm; 2 người được cứu, 2 người mất tích đang được tìm kiếm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Haiyan là cơn bão rất lớn và phức tạp khiến Việt Nam phải đối phó cả trên biển và đất liền. Việc kêu gọi, kiểm đếm từng con tàu với 400.000 ngư dân là khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, khi bão đổ bộ vào mà không ai thiệt mạng là thành công lớn nhất.
“Mặc dù Hải Phòng – Quảng Ninh bị ‘đánh úp’, thời điểm biết chính xác bão vào địa bàn chỉ vài tiếng nhưng công tác phòng chống vẫn rất tốt. Cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã bám sát đúng đường đi của bão Haiyan nên người dân và các cơ quan chỉ đạo đã chủ động điều chỉnh ứng phó kịp thời”, ông Phát nói.
Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chống bão đã giảm được tối đa sự thiệt hại của người và tài sản. Các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương và người dân đã phối hợp chuẩn bị, phòng chống, giải quyết các vấn đề trong bão hiệu quả.
“Các địa phương cần rà soát và đánh giá lại những thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân có nhà bị tốc mái, thiệt hại hoa màu, đồng thời khắc phục các sự cố như đường điện để người dân sớm ổn định cuộc sống”, Phó thủ tướng nói.ủ Việt Nam trong công tác chuẩn bị phòng chống bão khi lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi động các phương án chuẩn bị sẵn sàng phòng chống bão ở mức độ cao nhất, 3 ngày trước khi bão đổ bộ. Các cấp chính quyền từ trung ương cho đến địa phương đã được đặt trong trạng thái phòng chống bão cao nhất, luôn sẵn sàng và được chỉ đạo thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nhất.
“Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sự chuẩn bị và các biện pháp đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện khi đối mặt với cơn bão này. Sự chỉ đạo của Chính phủ từ cấp cao nhất đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cơn bão và số người thiệt mạng”, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói.
Theo VNE
Hành trình chồng nạn nhân Cát Tường tìm vợ trong bão Haiyan
Bất chấp siêu bão Haiyan sắp đổ bộ, chồng nạn nhân bị bác sĩthẩm mĩ viện Cát Tường vứt xác phi tang, vẫn đi tìm thi thể của người thân tại cửa biển Ba Lạt (Thái Bình) và suýt bị đắm tàu vì biển động mạnh.
Tối 11/11, ông Phạm Gia Trung (cậu của anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) trao đổi với báo Đất Việt, cho biết, 2 ngày qua, gia đình đang tiến hành tìm kiếm thi thể của chị Huyền tại khu vực cửa biển Ba Lạt (tỉnh Thái Bình) bất chấp biển động mạnh do ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan.
Từ ngày 7/11, gia đình đã bắt đầu thuê tàu đi ra khu vực cửa biển Ba Lạt để tìm kiếm. Sáng 9/11, chiếc tàu do gia đình thuê chạy ra cồn cách cửa biển Ba Lạt chừng 4 km để tìm kiếm theo dòng chảy sông Hồng thì biển động mạnh, sóng lớn trong khi con tàu thì nhỏ đã suýt bị lật.
Ông Trung kể lại: "Trên thuyền thời điểm ấy có 6 người, bao gồm cả Huy và ông Phạm Đức Quang. Khi gần vào đến cồn thì thuyền vướng vào cồn cát, đồng thời lúc đó biển đang động rất dữ, thuyền bị lật nghiêng, tất cả phải lao xuống để đẩy thuyền cân bằng trở lại".
Khuôn mặt hốc hác, thất thần của anh Nguyễn Hữu Huy tại điểm tìm kiếm chân cầu Thanh Trì
Ông Trung chia sẻ: "Dù không ở trên thuyền lúc đó nhưng khi gặp mọi người tại nhà, Huy vẫn chưa hoàn hồn. Nghĩ lại cũng thấy thật đáng sợ, giữa mênh mông cửa biển lúc đó chỉ có mỗi chiếc thuyền của nhà tôi. Nếu quả thật con tàu bị đắm lúc đó, thì mất mát của gia đình tôi càng không thể tưởng tượng nổi".
Cũng theo lời kể của người thân trong gia đình, hiện tại họ hàng nội ngoại của chị Huyền đều dồn nhân lực, vật lực vào công cuộc tìm kiếm. Một mũi tìm kiếm ở cửa biển Ba Lạt do anh Huy - chồng nạn nhân, ông Quang - cậu của anh Huy và một số người thân đảm nhận.
Một mũi tìm kiếm trên bờ theo lời chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm hoặc những lời báo mộng. Hai ngày qua (ngày 10 và 11/11) do tình hình mưa bão nên gia đình không thể tìm dưới sông vì quá nguy hiểm, chỉ còn cách tìm trên bờ.
Ông Phạm Gia Trung cũng chia sẻ: "Hiện tại gia đình đang rất lo lắng vì cơn bão này mang lại lượng mưa lớn, nước sông Hồng nhiều lên và chảy xiết. Nó có thể sẽ cuốn đi mọi hi vọng của nhà tôi. Nhưng dù thế nào, có tốn kém, mệt mỏi thế nào, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng".
Bà My, cô chồng của nạn nhân cho biết: "Từ sau khi cái chết của cháu Huyền được xác minh, thằng Huy gần như không ăn không ngủ, như người mất hồn. Chỉ thương nó đau lắm, buồn lắm nhưng vẫn cố nuốt nước mắt vào trong. Chỉ cần nghe thấy tin đồn về vợ nó, kể cả những lời báo mộng, lời ngoại cảm là nó cũng nằng nặc đi tìm vợ cho bằng được".
Anh Nguyễn Hữu Huy ít xuất hiện trước báo chí. Một lần trao đổi với anh trong đêm tìm kiếm ở sông Hồng, chân cầu Thanh Trì hôm 25/10, anh tâm sự qua hàng nước mắt: "Lúc này tôi không còn tâm trí để lo tính bất kỳ chuyện gì ngoài việc tìm kiếm thi thể vợ mình. Có tìm được cô ấy về, tôi mới yên tâm để dồn tâm sức chăm lo cho hai đứa con của tôi.
Chúng nó còn quá bé dại, không thể để chúng đối diện với sự thật mẹ nó chết oan khuất mà không tìm thấy xác. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí và nhân dân đã quan tâm đến gia đình tôi".
Theo Đất Việt
Sau bão Haiyan: Khoảng 30 người Việt ở Tacloban đang nguy kịch Hiện có khoảng hơn 30 người Việt Nam ở Tacloban (Philippines) sau cơn bão Haiyan đang nguy kịch vì thiếu lương thực và nước uống. Người dân Philippines còn sống sót sau trận bão Haiyan lịch sử đang lâm vào tình thế vô cùng khó khan - Ảnh: REUTERS Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 1.000 người Việt sống rải rác ở...