Bão Hải Yến quật ngã tháp truyền hình TP.Uông Bí cao 52m
Đổ vào đất liền lúc 2h30 sáng nay, Haiyan (Hải Yến) trở thành cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở Quảng Ninh. Vào lúc gần sáng, cột tháp của Đài phát thanh – truyền hình TP.Uông Bí đã bị bão Haiyan quật ngã.
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh vừa xác nhận thông tin trên. Ngoài ra, ghi nhận tại Quảng Ninh đến thời điểm này cho thấy đã có 5 nhà cấp 4 sập hoàn toàn. 60 căn nhà khác bị tốc mái. Trong đó, riêng huyện Vân Đồn có 30 căn bị tốc mái.
Nhiều nhà lồng bè nuôi cá tại Vịnh Hạ Long đã bị sóng đánh chìm, tuy nhiên chưa thể xác định được số liệu cụ thể. Theo ghi nhận của Trạm khí tượng thủy văn Quảng Ninh, bão Haiyan đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 ở Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long.
Lúc 5g00, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km, vượt qua tỉnh Quảng Ninh, đi vào đất liền phía Nam Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng bảo, các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126mm, Cửa Ông 107mm, Bãi Cháy 109mm
Tại Hải Phòng, mưa to và gió giật rất mạnh. May mắn là do đang trong lúc triều thấp nên không có các đợt sóng mạnh tấn công vào bờ. Ở khu vực nội thành, nhiều cây xanh bị đổ gãy, biển quảng cáo bị bay. Lực lượng quản lý đô thị tại đây đã kịp thời thu gom không gây mất an toàn giao thông. Công nhân trạm bơm cũng được điều động túc trực suốt đêm để tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng. Các khu nhà tập thể xuống cấp cũng được các lực lượng phòng chống bão chằng chống, chống sập. Người dân tại đây được sơ tán đến nơi an toàn.
Ngay sau cuộc họp khẩn với lãnh đạo Hải Phòng tại UBND quận Đồ Sơn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở các âu thuyển, cảng cá trong đêm.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa) đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hải Phòng trong đêm (Ảnh: Tuổi trẻ)
Video đang HOT
Trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải vẫn mất điện trên diện rộng. 3 ngư dân bị mắc cạn ở khu vực Gò Đông quận Hải An vẫn giữ liên lạc với đất liền và trong ngày hôm nay bộ đội biên phòng sẽ đưa ngư dân vào bờ.
Ông Đào Minh Đông, phó chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết, sáng nay gió liên tục giật mạnh cấp 13. ” Đêm qua là đêm mất ngủ đối với quân dân ở đảo. Sóng to, gió lớn liên tục nhưng may mắn chưa có người thiệt mạng. Hiện gió vẫn mạnh”, ông Đông cho biết.
Tại Hà Nội: mưa không quá lớn, nhưng gió vẫn tiếp tục giật với cường độ không suy giảm so với rạng sáng nay. Tại một số tuyến phố cây đổ chắn ngang đường, tuy nhiên lực lượng CSGT đã được huy động nhằm hạn chế việc ách tắc. Mực nước sông Hồng và sông Nhuệ đang dâng cao cộng với lượng mưa được cảnh báo sẽ lên tới 200 mm khiến khoảng 20 điểm của thành phố có khả năng ngập úng cục bộ.
Cây xanh gãy đổ trên đường phố Hà Nội
Tại Thái Bình, đến 0g ngày 11-11, gió bão trên địa bàn tỉnh Thái Bình có chiều hướng mỗi lúc một mạnh hơn. Gần như toàn địa bàn tỉnh Thái Bình đã có mưa, có nơi mưa vừa, đến mưa to.
Cùng với mưa, sức gió mỗi lúc một gia tăng. So với thời điểm khoảng 9g tối chỉ có gió cấp 6,7 thì đến 0g ngày 11-11 gió đã tăng cấp 8,9, nhiều lúc giật tới cấp 10. Ngay tại xã Nam Cường (huyện Tiền Hải), một trong những nơi giáp đê biển, gió mạnh tới cấp 10, giật tới cấp 11.
Nhiều pa-nô quảng cáo, lều bạt bị bão giật sập tại Thái Bình
Theo ghi nhận của phóng viên lúc 23g30, Thái Bình đã có những thiệt hại đầu tiền do bão Haiyan. Trên nhiều tuyến phố tại trung tâm tỉnh Thái Bình, gió bão đã làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho một số khu vực. Rất nhiều tuyến phố trên địa bàn tỉnh như Lý Thường Kiệt, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi, Lý Bôn, đã có hiện tượng mất điện cục bộ.
Một số khách sạn lớn cũng đã phải dùng máy phát điện để thay thế vì điện lưới mất cục bộ. Còn trên đường phố cũng đã xuất hiện các biển, tấm quảng cáo bị gió quật rơi xuống lòng đường.
Theo ANTD
Hà Nội lên phương án di dân, tích lương thực
Tại cuộc họp khẩn sáng 10/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các quận, huyện có phương án di dân khỏi vùng mưa bão trong tình huống khẩn cấp.
Nguy cơ ngập lụt ở Hà Nội là rất lớn.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Hà Nội, thành phố sẽ phải đối mặt với lượng mưa lớn 200-300mm, do vậy, nhiều khu vực nội thành sẽ xảy ra úng ngập cục bộ. Ngoài ra, các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thanh Oai, Mê Linh sẽ bị ngập nặng, xảy ra sạt lở đất, vỡ đê...
Dự báo của Hải quân Mỹ, tâm bão Haiyan sẽ đi qua Hà Nội. Ảnh:nrlmry
Tại cuộc họp, các quận huyện đã báo cáo các phương án chuẩn bị chống bão trên địa bàn, Tổng công ty thương mại đã chuẩn bị khoảng 6 triệu gói mỳ ăn liền, hàng triệu lít nước uống, ngành y tế đã dự phòng thuốc men, cán bộ y tế tại các điểm ngập...
Hà Nội đã xây dựng 12 tình huống, từ ngập úng nội ngoại thành với khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng cho đến vỡ đê Hữu Hồng, Tả Hồng từng khu vực, vỡ đê khu vực ngoại thành như Tả Bùi, Tả Tích, Hữu Cầu, Mỹ Hà... để các đơn vị liên quan có phương án xử lý.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện chủ động lên phương án di dân khỏi những vùng úng ngập, khi nhà cửa có nguy cơ sập, đảm bảo an toàn và tính mạng của người dân. Ông yêu cầu lãnh đạo các cơ quan thuộc thành phố phải kiểm tra rà soát công tác chống báo, cử người ứng trực 24/24h.
Đặc biệt, các địa phương có nguy cơ úng ngập phải nhanh chóng bơm tiêu nước, giảm mực nước trong các hồ đập, giải tỏa các kênh dẫn đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát diễn biến của thời tiết, để cho phép học sinh trên địa bàn nghỉ học khi cần thiết.
Chủ tịch thành phố cũng lưu ý đơn vị thoát nước ứng trực đầy đủ người và phương tiện, chuẩn bị tiêu thoát nước theo phương án đã duyệt và phối hợp với các ngành khác khi có tình huống phát sinh. Hiện các hồ điều hòa tại nội đô, đặc biệt là hồ Yên Sở đã được hạ cốt nước xuống tới mức thấp nhất.
Sau cuộc họp, lãnh đạo thành phố Hà Nội chia thành 4 đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường các khu vực trọng điểm như trạm bơm Yên Sở, các tuyến đê dọc sông Hồng...
Trước đó, trao đổi với PV, ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố đã có 2 công điện chỉ đạo các ban ngành, quận huyện tích cực phòng chống lụt bão, đặc biệt chống ngập khu vực nội và ngoại thành. Văn phòng Ban chỉ đạo thường xuyên cập nhật dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn về cơn bão Haiyan, dự kiến Hà Nội sẽ đón lượng mưa lớn từ 200 đến 300mm.
Theo Xahoi
Bão số 14 đang tiến sát bờ, Bắc bộ bắt đầu mưa gió lớn Bão số 14 đang tiến sát bờ, các tỉnh ven biển vùng tâm bão như Thái Bình, Hải Phòng mưa gió đang mạnh dần lên, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ). Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có...