Bao giờ Trung Quốc hết phụ thuộc Nga về hàng không quân sự?
Theo các phương tiện truyền thông, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đang cố gắng để cho ra đời động cơ tuốc bin phản lực made in China nhằm trang bị cho chiến đấu cơ tàng hình J-20.
Tạp chí American Aviation Week cho rằng, Trung Quốc đang phát triển động cơ WS-15 sử dụng công nghệ động cơ tuốc bin phản lực R-79V-300 của Nga được trang bị trên máy bay chiến đấu siêu âm có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng Yak-141.
Với khả năng khai thác công nghệ của động cơ này, trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp cận dần đến việc tạo ra các động cơ có ống phụt xoay để sớm chế tạo máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng của giêng mình.
Được biết, vào năm 1992, Trung Quốc đã tiếp nhận một số thành tố của động cơ R-79V-300, vào năm 1998 đã ký một thoả thuận, theo đó Bắc Kinh sẽ nhận được các công nghệ bổ sung, trong đó có cả công nghệ liên quan đến buồng đốt và ống phụt xoay.
Video đang HOT
Tiêm kích tàng hình J-20
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang có một khoảng cách rất lớn trong việc phát triển động cơ máy bay quân sự cũng như dân sự, đây là “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển ngành công nghiệp hàng không dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Với mục đích thu hẹp khoảng cách này, Trung Quốc đã khởi xướng hai chương trình chiến lược trọng yếu trong lĩnh vực chế tạo động cơ đó là “động cơ máy bay” và “tuốc bin khí” và đang đầu tư rất nhiều công sức, tiền của cho mục đích này.
Hai chương trình này tiến hành phát triển để tạo ra các chi tiết của động cơ, bao gồm cả động cơ cho máy bay quỹ đạo và thiết bị bay siêu thanh.
Gần đây, trong trang web chính thức của mình, Trường đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh đã tiết lộ “lộ trình” chế tạo động cơ mới, đã làm cho độc giả sốc và ngạc nhiên.
Theo đó, việc phát triển các động cơ hiện đại của Trung Quốc đang đi vào “giai đoạn quyết định”. Sẽ tạo ra động cơ cho máy bay vận tải hạng nặng J-20, máy bay không người lái tấn công, máy bay không người lái trinh thám tầm xa, máy bay không người lái ném bom tàng hình.
Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển ít nhất 22 dự án động cơ hàng không với mục đích khác nhau, điều này tương đương với quy mô của người Mỹ.
Chỉ có điều, từ thiết kế ban đầu đến lúc có thể sản xuất loạt một động cơ hàng không cần phải mất một quãng thời gian trung bình là 30 năm hoặc lâu hơn. Ngoài ra, khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là rất lớn, do đó, Bắc Kinh phải đẩy nhanh tiến độ phát triển của mình, nếu như không muốn mãi mãi phụ thuộc vào Moscow.
Không chỉ động cơ hàng không, chính việc sản xuất máy bay kiểu copy của Trung Quốc vẫn chưa được như mong đợi của các nhà hoạch định quân sự của nước này.
Mới đây, tạp chí quân sự Kanwa Defense Review của Canada đã công bố bài liên quan đến việc sản xuất máy bay chiến đấu J-11B/BS bằng các hình ảnh vệ tinh và một số thông tin khác.
Theo đó, J-11B/BS (phiên bản một chỗ ngồi/ hai chỗ ngồi, do Trung Quốc sản xuất dựa trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-27SK/UB của Nga) cho đến giờ vẫn chưa thông qua chu trình kiểm tra tổng thể và vẫn đang còn phải đối mặt với một số vấn đề về kỹ thuật, đơn cử như hiện tượng máy bay bị rung lắc cao hơn mức bình thường trong các chuyến bay.
Theo tạp chí, chuyến bay đầu tiên của J-11 được thực hiện vào năm 2006, sau đó đã tổ chức sản xuất loạt. Theo các bức ảnh vệ tinh, đến tháng 4/2009 đã nhìn thấy tất cả có 16 chiếc, đến tháng 4/2010, thêm được 21 chiếc và đến tháng 3/2011 số lượng được tăng thêm 25 chiếc, trong đó có 14 chiến đấu cơ được sơn màu không quân hải quân.
Như vậy, trong 6 năm sản xuất mà công ty Shenyang Aicraft Corporation chỉ cho ra lò được có 62 chiếc J-11B/BS. Theo tạp chí, số lượng thực có thể ít hơn con số này, bởi vì hình ảnh từ vệ tinh có thể được nhân đôi.
Mặt khác, trong năm 2011, công ty sản xuất máy bay này vẫn còn xuất xưởng những máy bay J-8F, điều này chứng tỏ các chiến đấu cơ J-11B/BS và J-16 (một bản sao của Su-30MK2) vẫn chưa đủ khả năng lấp đầy khoảng trống J-8F mà chúng cần phải thay thế. Ngoài ra, chính vì không đủ số lượng máy bay chiến đấu hạng nặng, do đó Trung Quốc bắt buộc phải nhập Su-35 từ Nga, tạp chí viết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý đồ đích thực của Bắc Kinh trong thương vụ Su-35 không đơn thuần chỉ là lấp khoảng trống về số lượng các chiến đấu cơ mà là nhòm ngó những đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội và tiến bộ khoa học trên chiếc máy bay siêu cơ động thế hệ 4 Su-35 nhằm hoàn thiện hơn ngành công nghiệp hàng không đang bị tụt hậu của mình.
Liệu điều này có làm cho Bắc Kinh thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moscow về lĩnh vực động cơ máy bay quân sự, thậm chí cả máy bay quân sự?
Theo Đất Việt