Bao giờ thi hành án Nguyễn Đức Nghĩa?
Nguyễn Đức Nghĩa nghe tòa tuyên án
Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án tử hình đối với Nguyễn Đức Nghĩa, hắn vẫn còn có quyền hy vọng một cơ hội cuối cùng để được sống cho dù cơ hội ấy là không nhiều.
7 ngày cuối cùng
Sáng 12/11, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên phúc thẩm cho biết, ngày thi hành án chết của Nghĩa chưa thể xác định thời gian, dù anh ta đã phải lĩnh án tử hình.
Ông Thơm cho biết, theo Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản liên quan, sau khi bị tuyên án tử hình, và bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án còn có thời gian 7 ngày để làm đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước.
Hồ sơ vụ án cũng được chuyển tới Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Trong thời hạn 2 tháng, hai cơ quan này kiểm tra lại vụ án một lần nữa, để đảm bảo việc kết án tử hình là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; và ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án.
Theo Điều 278, BLTTHS quy định: Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án được tiến hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất kể lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Ông Thơm đặt giả thuyết, nếu vụ án được tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần được minh oan cho họ.
Video đang HOT
Bà Chuân, mẹ của bị cáo tại phiên xử
“Thông thường, trong các vụ án, tối thiểu là một năm mới thi hành án tử hình bởi người ta còn cần có thời gian để xem xét hết các hồ sơ, các thủ tục, các tình tiết liên quan khác để đảm bảo bản án thực hiện đúng người đúng tội”, lời ông Thơm.
Cũng theo luật sư Thơm: Bản án tử hình được thi hành nếu có quyết định không kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước (nếu tử tù có đơn xin ân giảm).
Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, chánh án tòa án đã xử sơ thẩm vụ án ra quyết định thi hành án, và lập hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện tòa án, VKS, công an. Tử tù được đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị và quyết định bác đơn xin ân giảm. Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn.
Việc chôn cất người bị xử bắn do hội đồng thi hành án đảm nhiệm. Pháp luật không quy định cho thân nhân tử tù đến nhận lại xác. Nhưng tùy trường hợp cụ thể, hội đồng thi hành án có thể xem xét giải quyết.
Tâm sự của một tử tù được tái sinh
Tử tù tái sinh Phạm Khắc Thủy
Tôi từng được tiếp xúc với một phạm nhân bị tuyên án tử hình vì tội ma túy. Phải sống những ngày chờ chết, anh ta như được tái sinh khi được Chủ tịch nước ân giảm. Qua câu chuyện với phạm nhân này, tôi nhận thấy một điều khá rõ- sự khoan hồng đã thực sự lay động được trái tim tội lỗi của anh ta. Đó là phạm nhân Phạm Khắc Thủy, (SN 1963, tiểu khu 10, TT Mộc Châu, Sơn La) đang thụ án tại trại giam Nam Hà.
Trong phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa, ngòai những tranh cãi của các luật sư về những tình tiết trong vụ án nhằm gỡ tội hoặc buộc tội cho bị cáo, người ta còn dễ dàng nhận ra hai luồng tư tưởng của luật sư Ngô Ngọc Thủy và luật sư Phạm Hồng Bách. Nếu như ông Thủy tin rằng, với sự phát triển văn minh, trong tương lai, người ta sẽ dần loại bỏ án tử hình, thì luật sư Bách có ý kiến cho rằng, vẫn cần đến án tử hình để cái ác được nghiêm trị, đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của luật pháp.
Trong trại giam, Thủy kể: “Khi nghe tòa tuyên án tử hình tôi mới thấy quý cuộc sống này biết bao nhiêu, phải đối mặt với cái chết tôi mới thấy hết giá trị của cuộc sống. Lúc đó tôi nghĩ dù thế nào thì cũng đã quá muộn rồi khi mà mình đã quá ngu dại, đã đem cả tính mạng của mình ra để đổi lấy những đồng tiền tội lỗi. Tiền có bao nhiêu cũng chả có ý nghĩa gì nữa khi mà cuộc sống đã kết thúc. Lúc đó một nỗi sợ xâm chiếm tôi – sợ phải chết…”.
Khi được đưa về trại tạm giam, vì là tử tù nên Thủy bị cùm 24/24. “Những ngày tháng chờ chết là những ngày tháng kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi khi mà bên cạnh là những tử tù và thỉnh thoảng, vào 3 giờ sáng, người ta lại mang một người đi thi hành án”, Thủy nói.
Tuy nhiên, sau đó Thủy được viết đơn xin ân giảm và 6 tháng sau, anh ta nhận được quyết định ân giảm xuống án chung thân. Kể về lần nhận quyết định giảm án, Thủy cười, mắt ánh lên niềm vui. “Buổi sáng hôm đó thật đặc biệt, khi cánh cửa phòng giam mở ra, cán bộ quản lý trại giam nói: Hôm nay anh Thủy có tin vui nhé. Tôi cũng chưa biết là chuyện gì, cho đến khi được nghe Quyết định ân giảm thì nước mắt tôi chảy giàn giụa vì sung sướng”.
Thủy đã ôm chầm lấy người quản giáo mà khóc nức nở như một đứa trẻ. “Lúc đó tôi mừng tới độ đi còn không vững, phải có người dìu đi. Người quản giáo thì vỗ vai tôi: Thế là anh thoát chết rồi nhé, về bảo vợ con mổ gà ăn mừng đi” – Thủy vui vẻ kể về những phút giây không thể quên của đời mình.
“Cái cảm giác lâng lâng vì được thoát án tử cho đến giờ tôi vẫn còn cảm nhận rất rõ. Lúc đó tôi nghĩ, thế là mình đã có cơ hội để được gặp lại vợ, có cơ hội để dạy dỗ con cái. Cái ngày hạnh phúc tuyệt vời đó tôi không bao giờ quên và tôi sẽ cố sống thật tốt để không phụ sự khoan hồng của Nhà nước” – Thủy nói.
Theo VNN
"Sẽ sống sao khi chồng chết, con chết"
Người mẹ sụp đổ khi Nghĩa bị tuyên án tử hình
Khi thấy vết thương trên đỉnh đầu mẹ, hắn hỏi thăm: "Đầu mẹ bị làm sao? Ngày mai mẹ không phải lên thăm con ngay đâu.."
Xuyên suốt phiên tòa, gương mặt Nguyễn Đức Nghĩa lạnh lùng, không chút biểu cảm. Bị cáo Nghĩa chỉ bật khóc khi nghe luật sư cho biết bố hắn vừa mất vì một vụ tai nạn giao thông. Tại phiên tòa, mẹ Nghĩa đã cầu xin bố nạn nhân tha thứ và đề nghị HĐXX giảm án. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị từ chối.
Ngang ngược
Ngày 11/11, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa- sát thủ giết người yêu cũ, cắt đầu, phi tang xác nạn nhân gây rúng động dư luận. Mở đầu phiên xét xử, Thẩm phán Trần Đình Dần (chủ tọa) đã tóm tắt lại diễn biến vụ án kể từ khi xác nạn nhân Linh được tìm thấy trên tầng thượng tòa nhà chung cư G4, Trung Yên (Cầu Giấy).
Những tình tiết phạm tội ghê rợn của Nghĩa khi ra tay hạ sát nạn nhân. Hành vi của bị cáo đã bị VKSND Hà Nội truy tố tội giết người với tình tiết tăng nặng "phạm tội giết người man rợ" và bị TAND cùng cấp tuyên phạt mức án tử hình. Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, bị cáo Nghĩa đã làm đơn kháng cáo và cho rằng hắn không giết người man rợ như quy kết.
Theo giải thích của Nghĩa, việc hắn chặt xác nạn nhân ra nhiều khúc được thực hiện sau khi nạn nhân đã chết nên hành vi của hắn chỉ phạm "tội che giấu man rợ". Nghĩa cũng phủ nhận cáo buộc sát hại chị Linh vì mục đích cướp tài sản vì nếu muốn lấy tài sản của nạn nhân, hắn có cơ hội, nhiều cách để lấy.
Bị cáo Nghĩa bật khóc khi nghe tin bố mất.
Trước thái độ quanh co của bị cáo, Thẩm phán Dần hỏi: "Động cơ nào khiến anh giết nạn nhân?". Nghĩa ngang ngược, từ chối trả lời với lý do nội dung này hắn đã khai tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, khi được Chủ tọa giải thích, Nghĩa mới chịu khai là khi thấy Linh nói người yêu của Linh vừa gọi điện đến, do cơn ghen bùng phát nên mới ra tay sát hại nạn nhân?
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều người tham dự đã không còn được chứng kiến cảnh bà Phạm Thị Chuân (mẹ Nghĩa) dựa vào vai chồng mỗi khi nghe gia đình nạn nhân trách móc. Ông Hùng đã mất trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách đây ít ngày. Giờ đây, ngồi kế bên bà Chuân là chị gái của Nghĩa, cả hai người phụ nữ ấy ngồi co ro ở hàng ghế cuối.
Mỗi khi Nghĩa cất lời khai tàn độc lúc ra tay sát hại nạn nhân, bà Chuân lại gục đầu vào vai cô con gái để khóc. Theo lời bà Chuân, nhiều lần gia đình bà tìm đến nhà ông Ba, mong muốn khắc phục một phần hậu quả do Nghĩa gây ra nhưng đều bị gia đình nạn nhân khước từ. Vì lẽ đó, ngày 8/11, gia đình bà đã mang 50 triệu đồng mang đến cơ quan thi hành án của Hà Nội nộp để gửi cho gia đình nạn nhân. Mong gia đình ông Ba nhận, coi đó như một niềm an ủi nhỏ nhoi với vong linh người đã khuất...
Đau đớn tột cùng
Ngồi ở hàng ghế thứ 2, gương mặt ông Nguyễn Văn Ba (bố nạn nhân Linh) đau khổ mỗi khi nghe Nghĩa diễn tả lại từng chi tiết giết con gái mình. Thỉnh thoảng, ông Ba lại lấy chiếc khăn mùi xoa để sẵn trong túi áo lau những giọt nước mắt. Giọng ông chợt lặng xuống khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc ông Nguyễn Đức Hùng (bố Nghĩa) đã tử nạn, liệu ông có tha thứ cho Nghĩa không? Không chút suy nghĩ, ông Ba thẳng thắn cho biết sẽ không chấp nhận xin giảm án cho Nghĩa.
Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau, ông Hùng mất, cá nhân ông Ba cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình. Còn việc xin giảm án cho Nghĩa thì ông sẽ không bao giờ đồng ý. Bởi lẽ điều này nó không đơn thuần là việc riêng của gia đình mà là trách nhiệm của cả xã hội trong việc đấu tranh, phòng chống cái ác.
"Tôi muốn loại trừ vĩnh viễn Nghĩa ra khỏi đời sống xã hội. Đến giờ phút này, gia đình tôi chưa nhận một đồng nào của gia đình bị cáo. Trước đây, ông Hùng và vợ có đến nhà, mang theo 30 triệu đồng mong được đền bù, tôi đã nói thẳng họ mang tiền về nhà mà dưỡng già đi"- ông Ba nói.
Phiên tòa với nước mắt và sự căm giận
Phần lớn thời gian trong phiên xét xử, gương mặt của bị cáo khá dửng dưng, lạnh lùng. Hắn trả lời rành rọt về hành vi phạm tội của mình. Nghĩa chỉ bật khóc khi luật sư Ngô Ngọc Thủy thông báo bố hắn vừa mất do tai nạn giao thông. Đôi vai hắn run bần bật, hai tay ôm mặt. Ở phía dưới, mẹ Nghĩa cầm khăn mùi xoa liên tục lau nước mắt khi nghe luật sư bào chữa cho con trai trình bày về "bi kịch gia đình", với mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Nghĩa.
Khi được tòa cho nói lời cuối cùng, Nghĩa nói: "Tôi xin lỗi gia đình chú Ba vì đã gây ra nỗi đau quá lớn! Tôi cũng xin lỗi gia đình vì đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Khi biết được tin bố mất, tôi khát khao được sống, được quay lại với gia đình, xã hội, được thắp cho bố một nén hương tạ lỗi. Tôi mong HĐXX và gia đình chú Ba khoan hồng, cho tôi một cơ hội được sống".
Bà Chuân năn nỉ ông Ba tha tội cho con.
Nghe con trai nói, bà Chuân đột nhiên đứng lên nức nở: "Xin quý tòa tha cho con tôi một cơ hội được sống. Chồng chết, con chết thì tôi sống làm sao được đây thưa quý tòa?". Nghe thấy mẹ khóc, Nghĩa quay lại nhìn mẹ mếu máo rồi cũng khóc nức nở.
Trong quãng thời gian chờ nghị án, bà Chuân rón rén lại gần ngồi phía sau ông Ba, lay lay vai của người đàn ông ấy van nài: "Ông Ba ơi, hãy tha thứ cho Nghĩa, ông độ lượng cho cháu một con đường sống". Trước sự khẩn thiết của bà Chuân, ông Ba im lặng, nhẹ nhàng gỡ đôi bàn tay của bà Chuân bỏ sang ngồi một hàng ghế khác.
Thấy mẹ năn nỉ, khóc lóc, kêu xin ông Ba tha thứ, Nghĩa quay lại phía mẹ xẵng giọng: "Mẹ không phải xin làm gì, người ta không cho thì thôi". Khi thấy vết thương trên đỉnh đầu mẹ, hắn hỏi thăm: "Đầu mẹ bị làm sao? Ngày mai mẹ không phải lên thăm con ngay đâu...". Rồi hắn hỏi bà Chuân: "Bố mất hôm nào hả mẹ?". Chưa để mẹ trả lời Nghĩa đã kể là khoảng một tuần qua, đêm nào hắn cũng mơ thấy bố.
Sau khi nghị án, xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, HĐXX phiên phúc thẩm đã bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình về tội giết người.
Theo Gia Đình XH
Những dòng cảm xúc trái ngược Nguyễn Đức Nghĩa khóc nức nở tại tòa Phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa được đông đảo dư luận quan tâm. Điều đáng nói là tội của Nghĩa thì đã rõ, nhưng mỗi người lại có những cảm xúc đan xen, trái ngược nhau khi dự tòa. Mỗi người một nỗi đau 8 giờ ngày 11/11, chiếc xe bít bùng chở Nguyễn Đức Nghĩa...