Bao giờ mới biết đi bộ?
Đúng hơn nên hỏi: “Bao giờ lớp trẻ Việt ở thành phố mới biết đi bộ?”. Câu hỏi có vẻ hơi kỳ, nhưng đó là một sự thật, một tình trạng đáng quan tâm và không tầm phào chút nào.
Quan sát cuộc sống một em bé cư dân thành phố từ lúc mới chào đời đến tuổi trưởng thành những thập niên gần đây nhất. Mới lẫm nhẫm biết đi đã được bố mẹ bế vào mẫu giáo, sau đó chỉ lăn lê bò toài trên sàn nhà suốt ngày. Lên tuổi mầm, ra khỏi nhà là được đặt vào cái ghế mây hay ghế sắt trên chiếc xe máy đến trường mẫu giáo thường cách nhà không xa. Và bắt đầu từ đó, vào THCS, rồi THPT, bốn năm đại học, những năm đi làm cho đến tuổi già, ít nhất là đến khi về hưu, cậu hay cô bé của chúng ta nếu sống ở thành phố đều được ngồi xe của bố mẹ, xe ôm hoặc tự đi đây đi đó bằng xe máy, ô tô cá nhân hay xe buýt. Nhà thơ Nga Maiakovski có viết quảng cáo cho một hãng sản xuất núm vú bình sữa: “Bền lắm, bú tận tuổi thơ cho đến tuổi già”. Tưởng là cường điệu để bán hàng, nhưng đã thành sự thật đối với các cậu bé được chiều chuộng ngày nay.
Bỗng giật mình tự hỏi: “Vậy thì người ta đi bộ lúc nào nhỉ?”. Phải chăng sau khi về hưu thế hệ trẻ hôm nay mới tập đi bộ và đi rất chăm chỉ để chạy trốn bệnh tật, cái già và cái chết?
“Thế hệ trẻ hôm nay” tất nhiên không giống như thế hệ cha anh trước đây. Thế hệ trước đây đã từng đi về mỗi ngày hàng chục cây số qua sông qua suối đến trường vì thời đó mỗi chuyện chỉ có vài trường cấp tiểu học. Mội huyện cũng chỉ có dăm cái xe đạp, chủ xe thường là những ông tham, ông phán giàu có. Cả tỉnh có mấy chiếc ô tô. Và cả nước chỉ có một người được đi máy bay riêng, một chiếc bà già, đó là vua Bảo Đại. Tại các thành phố lớn, chỉ một số rất ít cậu ấm cô chiêu có xe ô tô nhà, sau này, từ những năm 50 thế kỷ trước, khi Honda chưa xuất hiện, thi thoảng học sinh con nhà giàu thường cưỡi những chiếc Velo Solex chạy hai mươi cây số giờ kêu phành phạch như cối xay lúa.
Bao giờ mới biết đi bộ?
Lớp trẻ ngày nay sung sướng hơn nhiều, rất nhiều. Đó là điều không ai chối cãi. Có xe máy, ô tô, sao không đi mà đi bộ? Nhưng hãy quan sát và so sánh bắp chân của các thế hệ. Đâu còn những đôi chân rắn chắc thách thức với mọi tình huống của cuộc đời vô thường, mọi địa hình trên trái đất? Đôi chân của lớp trẻ ngày nay trắng muốt như sữa, bụ bẫm như một thạch cao hình như không biết dùng để làm gì, đến tuổi nào đó tuy chưa già nhưng đã kêu đau bị bệnh gout hay đau khớp. Trên đường không còn người đi bộ, xe đạp hầu như cũng biến mất trên đường phố Hà Nội hay Sài Gòn. Những cơ thể rắn chắc, đẹp kiểu Hy Lạp thuở Olympic xưa vẫn còn, nhưng thường là những người chuyên nghiệp, trưởng thành từ các câu lạc bộ tập thể hình trong thành phố và xuất hiện như để trang trí trong các cuộc thi.
Dân Châu Âu, hay Mỹ giàu gấp nhiều lần người mình, đương nhiên. Ý thức luyện tập sức khỏe trong hoàn cảnh giàu sang đã thành một nếp nghĩ phổ biến của xã hội hiện đại, khi con người nhận ra là kẻ thù nguy hiểm nhất cho sức khỏe và tuổi thọ của mình chính là sự giàu sang, là những tiện nghi mà họ vẫn luôn mang về nhà vô tội vạ với sự tự hào thoái hóa. Thế mà họ vẫn không chống được nạn béo phì đang đe dọa tương lai của cả một nền văn minh cơ giới và tin học.
Còn chúng ta? Một vài thế hệ ở thành phố không còn biết đi bộ là một môn thể dục ở tuổi gần đất xa trời. Phải chăng đó là mối nguy hiểm tiềm tàng chứa đầy hậu họa mà hầu như mọi người dân ở các thành phố lớn thản nhiên chấp nhận, thậm chí còn đó là ân huệ của phát triển, thoát nghèo? Béo phì chưa quá phổ biến nhưng đang đe dọa mọi tầng lớp dân số. Ở người giàu là thói chiều chuộng trẻ con hết mức và thiếu suy nghĩ. Với người nghèo là do thức ăn thức uống rẻ tiền với công nghệ hóa học “siêu đẳng” đang được nhập qua biên giới phía Bắc, nguy hiểm cho con người như một thứ vũ khí hóa học trá hình.
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Cấm học sinh dùng xe máy, kể cả xe đạp điện đang được “lách luật” để sử dụng ngày càng nhiều. Xin hãy dắt trẻ năm tuổi đến trường mẫu giáo, vừa đi vừa trò chuyện với con chứ không nên đặt chúng vào giỏ xe rồi giao cho cô giáo như một gói hàng vô cảm. Các nhà khoa học xếp hạng: tốt nhất cho sức khỏe, ý chí của con người đi bộ, thứ đến đi xe máy, xe buýt rồi ô tô và sau cùng là máy bay. Con người nếu không được thực sự lớn lên trên đôi chân của chính mình chắc chắn sẽ là một thảm họa cho cuộc đời vốn là vô thường, đòi hỏi con người phải vượt qua mọi hoàn cảnh khó định trước.
Video đang HOT
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
GS Phan Huy Lê lý giải về hiện tượng Võ Nguyên Giáp
"Thế kỷ 20 khép lại, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh vàVõ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20" - GS Phan Huy Lê.
PV: GS đã từng nêu quan điểm, để lý giải vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tạo nên nhiều kỳ tích như vậy, và được nhân dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới yêu quý đến vậy, phải nhìn ông dưới góc độ con người. Liệu GS có thể nói rõ hơn về quan điểm này được không?
GS Phan Huy Lê: Những người từng tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đềucó cảm nhận sâu sắc, dù chỉ một lần. Một vị tướng lừng danh, công lao lẫy lừng nhưng lại là một con người sống cực kỳ bình dị. Sự bình dị toát ra từ con người, không có gì che đậy, ông hết sức khiêm tốn, giản dị, đôn hậu từ cái nhìn tới khi nói chuyện, nói chuyện về mình hay nói chuyện về người khác.
Cứ khi nào người ta khen ông, ông đều nói: "Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân dân ta. Mình tôi thì làm được gì".
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN
Hay ông từng tâm sự rất chân thành: "Nhiều khi tôi cũng lạ, người ta khen tôi nhiều quá. Nhưng thực ra tôi nghĩ cũng đơn giản, tôi xem lại lịch sử từng làm như thế nào, bàn trong Bộ Chính trị, sau đó trở thành tư tưởng chỉ đạo.
Việc của tôi chỉ là cụ thể hóa ra thành kế hoạch. Nhưng cái nâng tôi lên là sự thực hiện của quân dân, ví dụ việc dùng súng trường bắn máy bay, bố trí trận địa pháo ở Điện Phiên Phủ trên không... Họ sáng tạo, sáng tạo liên tục, vượt qua sự bình thường của lịch sử, có nhiều điều tôi không hề nghĩ tới. Chính nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn và sáng tỏ hơn nhiều vấn đề".
Chính ông đã nghiệm ra, người Việt Nam có sức mạnh sáng tạo tiềm tàng nếu phát huy được sẽ đưa tới thành công. Về sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời về câu hỏi của nhiều nhà báo phương Tây: "Vì sao Việt Nam thắng được Mỹ?", rằng:"Sở dĩ ông không hiểu vì sao Việt Nam có thể chiến thắng Mỹ là vì chính người Mỹ không hiểu được người Việt Nam".
Điểm quan trọng nhất tạo nên ý chí, nghị lực và niềm tin phi thường của con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, vì độc lập dân tộc. Đó là nền tảng cơ bản tạo nên động lực, động cơ của vị đại tướng nhân dân, mà chỉ ở thế hệ ấy mới gặp được những con người tiêu biểu như vậy.
Trở lại trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam với lực lượng ban đầu gần như từ con số 0, vũ trang cho quân đội vô cùng thô sơ, vậy mà quân đội đã trưởng thành và đã chiến thắng được hai kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới. Thử hỏi nếu không có một động cơ cực kỳ trong sáng, một niềm tin sắt đá nâng, một trí tuệ sáng tạo, một tài năng mưu lược kiệt xuất nâng tầm con người lên, vượt qua được mọi trở ngại tưởng chừng không vượt qua thì liệu có ai thậm chí dám nghĩ tới hoài bão đó?
Suốt cả cuộc đời Đại tướng đã sống như thế, mọi người đều biết. Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua mình và vượt qua khó khăn một cách kiên nhẫn, bình tĩnh. Người ta sẽ phải nhớ tới thế hệ vàng thời Hồ Chí Minh bởi những con người như thế.
PV: Thưa GS, trong những ngày này, không có gì lạ khi các bậc lão thành và lớp người trung niên tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nhiều người rất ngạc nhiên trước nỗi đau xót mà lớp trẻ thể hiện. Phải hiểu tâm lý này của lớp trẻ như thế nào, thưa GS?
GS Phan Huy Lê: Lúc đầu tôi cũng thấy lạ, tại sao lớp trẻ lại xúc động và thương tiếc Đại tướng đến như vậy, phải hiểu tâm lý của lớp trẻ như thế nào? Sau khi suy nghĩ, nhất là có dịp tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy có thể tạm hiểu như thế này.
Dường như đối với lớp trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình tượng trong quá khứ huy hoàng, một biểu tượng cao đẹp mà ở đó lớp trẻ thấy được ước vọng của mình là đúng, là chính đáng và có thể thực hiện.
Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là Biểu tượng của ý chí Độc lập Tự do, của Nghị lực và Trí tuệ sáng tạo của dân tộc, Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì Dân, vì Nước. Qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những biểu tượng như vậy, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình.
Quả thật, thế kỷ 20 khép lại, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là ý của GS Trần Văn Giàu phát biểu nhân sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2001.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hội Khoa học Lịch sử ngày 8/3/1996. Ảnh GS Phan Huy Lê cung cấp
PV: Trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, khi đề cập đến những chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhà báo đã gọi đó là "chiến thắng bằng mọi giá". GS nghĩ thế nào về lý giải này, phải hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng, thưa GS?
GS Phan Huy Lê: Đấy là điểm mà tôi không đồng tình với Cecil B. Currey, một tác giả người Mỹ của cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - chiến thằng bằng mọi giá". Cuốn sách có nhiều phân tích sâu sắc, đánh giá trân trọng, nhưng kết luận như thế là không hiểu đúng về Võ Nguyên Giáp. Mục tiêu của ông là giành bằng được độc lập tự do cho đất nước, nhưng ông ý thức sâu sắc phải dành thắng lợi bằng cách ít tổn thất nhất cho quân đội và nhân dân. Khi quyết định một chiến dịch, một trận đánh, ông tính toán rất kỹ thắng lợi và tổn thất, tính đến tùng sinh mạng, từng giọt máu của quân sĩ và nhân dân. Hồi ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nêu lên nhiều chứng minh về tinh thần này. Đó chính là truyền thống quân sự Việt Nam, là tính nhân văn và trách nhiệm cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tính nhân văn đó xét cho cùng là xuất phát từ ý thức về sự tồn vong của dân tộc, một nước không lớn chống lại sự xâm lược của những thế lực hùng mạnh bậc nhất của thời đại.
Một ví dụ điển hình là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh ở trận Điện Biện Phủ. Nếu theo cách "đánh nhanh thắng nhanh" của cố vấn Trung Quốc thì hy sinh khủng khiếp mà chưa chắc đã giành thắng lợi. Đại tướng đã kiên quyết thay đổi phương chấm tác chiến, chuyển sang "tiến chắc, đánh chắc", phải mất thêm 2 tháng để chuẩn bị, nhưng nhờ đó mới giành được thắng lợi oanh liệt và ít tổn thất như thế. Xoay chuyển cục diện và nhận thức, dám chịu trách nhiệm, là tài năng và bản lĩnh của một vị Tổng tư lệnh mưu lược.
PV: Xin được hỏi một câu hỏi có tính cá nhân, có điều gì mà GS sẽ luôn nhớ khi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
GS Phan Huy Lê: Chỉ để chọn một thì hơi khó. Nhưng riêng với cá nhân tôi, dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bảo ông làm sử không chuyên nghiệp như chúng tôi, nhưng làm việc với ông mới thấy, ông là một nhà sử học lớn, nhà sử học bậc thày, làm việc hết sức cụ thể, chi tiết, đúng tư duy và phong cách nhà sử học.
Cái ông quan tâm đầu tiên là phải tìm bằng được tư liệu, biết giám định tư liệu; thứ hai là ông rất tôn trọng những khái niệm đã từng được khái quát và sử dụng trong các thời kỳ lịch sử, luôn lật đi lật lại để tìm hiểu cách giải thích cho đúng. Mọi khái quát đều phải chứng minh bằng tư liệu.
Ông từng bảo tôi rằng, "Cái rất gần giữa quân sự với sử học là phải coi trọng sự thật. Sử mà không coi trọng sự thật không còn là sử, quân sự mà không coi trọng sự thật thì thất bại ngay lập tức".
"Phải tôn trọng sự thật", ông nhắc đi nhắc lại "dù là sự thật cay đắng nhất cũng phải chấp nhận, từ sự thật đó mới tạo được thành công".
Theo Đất Việt
Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần tạo cơ hội việc làm cho lớp trẻ Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với lãnh đạo cần dựa trên nền tảng năng lực của mỗi người để quyết định; cần xem xét lại cơ chế đề bạt đối với lớp trẻ. Phương án kéo dài thời gian làm việc với lao động nữ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ luật Lao động được Quốc hội sửa...