Bao giờ HN bắt đầu hạn chế xe buýt để giảm ùn tắc?
Bắt đầu từ tháng 11.2015, một số tuyến xe buýt chạy qua tuyến đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy (Hà Nội) vào giờ cao điểm sẽ bị hạn chế nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đang nghiên cứu phương án giảm một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, hiện có 9 tuyến xe buýt chạy. Dự kiến sẽ điều chỉnh tần suất của 5 tuyến (02; 21; 27; 22; 39) đi qua trục đường Nguyễn Trãi.
Tuyến đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy có 12 tuyến xe buýt chạy. Theo đó, điều chỉnh 5 tuyến (16A;16B; 27; 34; 49) đi qua trục Xuân Thủy – Cầu Giấy. Xe buýt chạy qua các tuyến này sẽ lưu thông qua đường Nguyễn Phong Sắc- Trần Thái Tông.
“Chúng tôi dự kiến đến đầu tháng 11.2015 sẽ bắt đầu hạn chế xe buýt chạy qua đường có rào chắn (Nguyễn Trãi, Cầu Giấy) vào giờ cao điểm. Việc hạn chế xe buýt, không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi lại của người dân”, ông Hải nói.
Bắt đầu từ tháng 11, một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm sẽ bị hạn chế nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Theo ông Hải, hiện nay trên đường Nguyễn Trãi, xe buýt đang vận chuyển khoảng 70 lượt xe/h; đường Cầu Giấy xe buýt vận chuyển khoảng 60 lượt xe/h. Khi điều chỉnh, xe buýt chạy qua đường Nguyễn Trãi sẽ giảm xuống còn 30 lượt xe/h; đường Cầu Giấy giảm còn lượt 30xe/h.
“Nếu như trước đây người dân mất khoảng 10 phút để chờ xe buýt trên đường Nguyễn Trãi thì khi điều chỉnh hạn chế xe buýt, người dân sẽ phải chờ khoảng 15 phút. Như vậy, việc người dân chờ thêm vài phút không ảnh hưởng nhiều, nhu cầu đi lại của người dân trên các tuyến đường này vẫn đảm bảo”, ông Hải nói.
Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhu cầu đi lại bằng xe con tương đối thấp, trên 10%. Do vậy, trong trường hợp ùn ắc giao thông gia tăng, có thể nghiên cứu phương án hạn chế xe ô tô đi vào giờ cao điểm. Thay vào đó, sẽ phân luồng ô tô đi đường vòng, qua các tuyến đường không ùn tắc.
Video đang HOT
Trước đó, trong buổi họp với Sở GTVT Hà Nội về giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Tp. Hà Nội) cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 dự án, trong đó 23 điểm rào chắn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, tuyến đường Cát Linh – Hà Đông; tuyến đường Nhổn – Ga Hà Nội hay xảy ra ùn tắc giao thông.
Ông Thắng cho rằng, việc tổ chức giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Sở GTVT cần tính toán, phân tuyến để các phương tiện ô tô đi đường vòng, nhưng bù lại giao thông đỡ ùn ứ. Vào giờ cao điểm, chỉ cần một chiếc xe buýt đi vào đường Cầu Giấy (nơi có công trình đường sắt trên cao đang thi công) sẽ gây ra ùn tắc. Tuy nhiên, nếu Sở GTVT nghiên cứu, phân tuyến xe buýt chạy qua tuyến đường khác thì lưu lượng phương tiện sẽ giảm, người dân đi lại thuận lợi hơn.
Theo_Dân việt
Vào cuộc quyết tâm, áp lực giao thông giảm
Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội về tăng cường lực lượng vào các giờ cao điểm để đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị đã được cụ thể hóa bằng sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng CSGT, CSCĐ, CSTT và Công an cơ sở.
Sẵn sàng các phương án, vị trí
Ngay từ 6h sáng nay 19-10, tại ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, ngoài lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn có thêm nhiều chiến sĩ CSCĐ thuộc Đại đội 8, Trung đoàn CSCĐ phân luồng, điều hành giao thông. Từng động tác chỉ huy giao thông mạnh mẽ, tiếng còi hiệu lệnh dứt khoát của các chiến sĩ CSCĐ hòa nhịp với CSGT, điều tiết phương tiện đi theo đúng làn đường, phần đường tránh ùn tắc.
Các chiến sĩ thuộc Đại đội 8, Trung đoàn CSCĐ được tăng cường hỗ trợ cho Đội CSGT số 7 phân luồng chống ùn tắc tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi
Mới đầu giờ sáng song lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này đã rất đông. Ở mỗi chiều đường của ngã tư trên. có 4 CBCS gồm CSGT, CSCĐ làm nhiệm vụ. Giữa ngã tư là chỉ huy của Đội CSGT số 8 làm nhiệm vụ điều tiết, chỉ đạo chung. Bên cạnh đó, tại khu vực lối rẽ còn có lực lượng CSTT tham gia phân luồng giao thông. Cách đó không xa, ở các ngõ nhỏ, lối ra vào đường lớn trên dọc trục đường Nguyễn Trãi đều có lực lượng CAP sở tại ứng trực.
Tranh thủ khi dòng phương tiện dừng chờ đèn đỏ, chúng tôi hỏi chuyện Thiếu úy Nguyễn Đăng Dương, chiến sĩ CSCĐ Đại đội 8, Trung đoàn CSCĐ. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt trẻ măng, Thiếu úy Dương cho biết, rất vui mừng và tự hào khi được chỉ huy đơn vị tin tưởng, giao trách nhiệm phối hợp cùng với Đội CSGT số 8 đảm bảo ATGT, chống ùn tắc trên tuyến Nguyễn Trãi, Quang Trung theo Mệnh lệnh của Giám đốc CATP Hà Nội. Thiếu úy Dương cũng là 1 trong số 200 CBCS CSCĐ được Trung đoàn CSCĐ tăng cường hỗ trợ cho lực lượng CSGT tham gia phân luồng.
Với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng, dòng phương tiện qua ngã tư này được duy trì thông thoáng, không gặp phải ùn tắc
Từng tham gia nhiều kỳ cuộc bảo vệ, hướng dẫn lớn nên những động tác phân luồng, chỉ huy giao thông của CSGT không những Thiếu úy Dương mà tất cả các CBCS trong đơn vị đều thuần thục. Chính vì vậy, chứng kiến những động tác điều hành, phân luồng của CSCĐ giữa ngã tư, nhiều người dân không khỏi bất ngờ. Bác Nguyễn Văn Thành, ở Hà Đông đi làm tại Đống Đa cho biết: "Thật không ngờ CSCĐ lại điều hành giao thông chuyên nghiệp không thua kém gì các đồng chí CSGT. Nếu có thêm các đồng chí hỗ trợ cho CSGT thì chắc chắn ùn tắc sẽ được kiềm chế, người dân đi làm sẽ được thuận lợi rất nhiều".
Thông tin nhanh với PV, Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT cho biết, thực hiện Mệnh lệnh của Giám đốc CATP Hà Nội, ngoài bộ phận trực ban, xử lý vi phạm hành chính, tất cả CBCS khác của đơn vị đều ra đường chống ùn tắc. Chỉ riêng ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi đã có gần 20 CBCS CSGT, CSCĐ làm nhiệm vụ. Sự phối hợp hỗ trợ của CSCĐ, CSTT và Công an quận, huyện...đã tạo sức mạnh liên hoàn, giúp khơi thông những điểm, nút giao thông lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ.
Những động tác điều hành, phân luồng, chỉ huy giao thông của CSCĐ rất thành thục, không thua kém CSGT đã tạo ra sự yên tâm, chấp hành từ người dân
"Thứ hai đầu tuần đi trên tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Trãi để đến cơ quan ở Đống Đa làm việc, ùn tắc luôn là nỗi ám ảnh đối với tôi. Tuy nhiên, trong sáng nay ở ngã tư nào, điểm giao cắt nào cũng có bóng dáng của lực lượng Công an đã giúp cho giao thông được thông thoáng. Cảnh tượng phải đứng hàng chục phút giữa ngã tư, giữa những điểm nút để nhích từng vòng xe đã không còn. Thật sự cảm phục tinh thần trách nhiệm của các đồng chí Công an"-bác Nguyễn Mạnh Hằng nhận xét.
Lan tỏa tinh thần quyết liệt, nghiêm túc
Không chỉ trên trục Nguyễn Trãi, Quang Trung, hàng loạt các tuyến phố trọng điểm khác trên toàn thành phố theo Mệnh lệnh của Giám đốc CATP đều được tăng cường các lực lượng tham gia hỗ trợ CSGT phân luồng chống ùn tắc, đảm bảo TTĐT. Trên trục đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, ngoài CSGT thuộc Đội CSGT số 6 còn có những màu áo xanh CSTT của CAP Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch.... ở khắp các ngã tư, điểm phương tiện quay đầu để hướng dẫn giao thông. Ngoài những trục đường chính trên địa bàn, tại các tuyến đường xương cá, đường nhỏ, CSTT và dân phòng, tự quản cũng tham gia phân luồng, nhắc nhở người dân không được dừng đỗ phương tiện trái quy định gây cản trở giao thông.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng
Từ sáng sớm, tại cầu 361 Nguyễn Khang nối vào phố Vũ Phạm Hàm và đường Láng, lực lượng CSTT đã được CAP Yên Hòa tăng cường hướng dẫn phân luồng giao thông. Dù ở đầu cầu bên đường Láng đã được cắm biển cấm ô tô rẽ phải vào phố Vũ Phạm Hàm, song nguy cơ xảy ra ùn tắc tại đây lúc nào cũng rình rập bởi lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Trực tiếp chỉ đạo CSTT làm nhiệm vụ, Thiếu tá Đào Trọng Nghĩa, Trưởng CAP Yên Hòa cũng mướt mồ hôi với những động tác, còi hiệu lệnh chỉ huy giao thông, giúp cho toàn tuyến Nguyễn Khang, kéo dài đến Trần Duy Hưng... được thông suốt.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng CAQ Cầu Giấy cho hay, ngay sau khi Mệnh lệnh của Giám đốc CATP Hà Nội được ban hành, trong chiều tối 18-10, Ban chỉ huy CAQ đã triệu tập CBCS quán triệt ý nghĩa, mục đích, tinh thần của Mệnh lệnh trên.
Lực lượng CSTT của CAQ Cầu Giấy lâu nay vẫn thường xuyên phối hợp với CSGT làm nhiệm vụ phân luồng thì nay tinh thần, ý thức trách nhiệm và cả niềm vinh dự đã được nhân lên nhiều lần. "Thực hiện Mệnh lệnh của Giám đốc, chúng tôi đảm bảo trên tất cả những tuyến đường thuộc địa bàn các phường quản lý sẽ không để xảy ra ùn tắc giao thông"-Đại tá Nguyễn Văn Sơn quả quyết.
Tại khu vực dưới đường cao tốc trên cao, lực lượng CSTT của CAQ Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng tham gia phân luồng, điều hành giao thông
Cũng giống như CAQ Cầu Giấy, lực lượng CSTT của CAQ Hoàn Kiếm làm nhiệm vụ từ sáng sớm theo đúng Mệnh lệnh của Giám đốc. CSTT ở Công an phường đều được phân công phối hợp với Đội CSGT số 1 để phân luồng giao thông. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng CAQ Hoàn Kiếm cho hay, 9 CAP trên địa bàn quận được thí điểm sử dụng xe đạp chuyên dụng cho CSTT đi tuần tra, nhắc nhở đảm bảo ATGT, TTĐT, đều được huy động tối đa trong hai khung giờ cao điểm sáng và chiều, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng phương tiện, người dân dừng đỗ, vi phạm trật tự đô thị trên vỉa hè, lòng đường, góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT phân luồng, chống ùn tắc, đảm bảo đường thông hè thoáng.
Bên cạnh lực lượng nòng cốt là CSGT, CSCĐ, CSTT thuộc CAP, Công an các quận, huyện, theo đúng Mệnh lệnh của Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng CSTT CATP Hà Nội cũng huy động 100% CBCS thuộc các Đội tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự công cộng tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông cũng như chống ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tại khu vực đường Giải Phóng gần cổng bệnh viện Bạch Mai, Trung úy Nguyễn Như Quyết, cán bộ thuộc Đội Tuần tra kiểm soát số 1, Phòng CSTT cũng đang tất bật phân luồng giao thông với CSGT số 4. Cách đó không xa dưới gầm cầu vượt ngã tư Vọng, hai CSTT thuộc Phòng CSTT hối hả điều tiết dòng phương tiện qua ngã tư này được thông suốt, an toàn.
Lực lượng CSTT, CS113 CAQ Cầu Giấy được huy động ứng trực phân luồng, đảm bảo ATGT trên trục đường Xuân Thủy, Cầu Giấy
Thông tin với PV, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội cho biết: Ngay sau khi Mệnh lệnh của Giám đốc được ban hành, chúng tôi đã có Thông báo 391 quán triệt, triển khai 100% chỉ huy và CBCS trong đơn vị để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở tình hình thực tế của địa bàn, các đơn vị sẽ bố trí hợp lý quân số CSCĐ, CSTT, CS113...hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ. "Chúng tôi quyết tâm đảm bảo tuyệt đối ATGT, phòng ngừa hiệu quả ùn tắc, đảm bảo TTĐT theo đúng Mệnh lệnh Giám đốc đã ban hành; đảm bảo tuyệt đối ATGT phục vụ các kỳ cuộc, sự kiện lớn của Thủ đô và cả nước sắp diễn ra trên địa bàn thành phố; đồng thời tạo chuyển hóa rõ nét về công tác đảm bảo ATGT, TTĐT trên địa bàn Thủ đô..."-Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định.
Theo_An ninh thủ đô
Hà Nội: Sáng 19-10, 200 CSCĐ "xuống đường" chống ùn tắc Sáng 19-10, 200 cảnh sát cơ động (CSCĐ) cùng cảnh sát trật tự, công an các quận, huyện đã được triển khai ra đường để chống ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở Hà Nội. Chiến sĩ CSCĐ tham gia điều khiển giao thông tại nút giao thông cầu Chương Dương Việc triển khai lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ)...