Bao giờ hết cảnh ôm thịt chó bỏ chạy?
Người kinh doanh mong muốn được bán thịt chó có nguồn gốc để không bị phạt.
Sáng 25-9, cơ quan chức năng phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM lại tổ chức kiểm tra và xử phạt những điểm bán thịt chó trên tuyến đường TMT-13.
Như bao lần trước, những người bán thịt chó nhanh tay quăng “vật chứng” vô nhà, khóa cửa rồi bỏ chạy tán loạn. Có người còn vấp té sóng soài. Cuối cùng, cơ quan chức năng tịch thu những phần thịt chó sót lại cùng bàn, ghế, cân, thau…
Phạm luật… bất đắc dĩ
Thế nhưng chiều cùng ngày, những điểm bán thịt chó nói trên lại hoạt động bình thường. Hàng chục con chó thui vàng rượm để trên sạp bốc mùi thơm phức.
PV hỏi một bà bán thịt chó: “Mới bị kiểm tra sáng nay mà chị không sợ à?”. “Tôi bán thịt chó chứ đâu phải bán hàng cấm mà sợ. Chúng tôi kinh doanh cũng muốn chấp hành quy định pháp luật. Cơ quan chức năng lấy lý do thịt chó tôi bán không nguồn gốc nên tịch thu. Vậy cơ quan chức năng chỉ tôi chỗ cung cấp thịt chó có nguồn gốc để tôi mua rồi bán lại đi” – bà này nói.
Sau khi nghe PV thuật lại câu chuyện, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, thừa nhận mong muốn được bán thịt chó có nguồn gốc của người kinh doanh là hoàn toàn chính đáng.
“Hiện chó không nằm trong diện kiểm soát giết mổ nên đòi hỏi kinh doanh thịt chó phải có nguồn gốc là điều không dễ. Cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý vừa xong thì người kinh doanh lại tiếp tục bày thịt chó ra bán, không thể giải quyết căn cơ” – ông Tâm nói.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết mới đây UBND phường ra quyết định phạt hai quán “cầy bảy món” do không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP).
“Chủ quán rất muốn có được giấy chứng nhận ATTP. Tuy nhiên, chủ quán cho biết thịt chó lấy từ mối quen nên không thể chứng minh nguồn gốc. Đây chính là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng không thể cấp giấy chứng nhận ATTP cho các quán. Chủ quán rất muốn sử dụng thịt chó có nguồn gốc để chế biến nhưng không biết tìm đâu ra. Chúng tôi chỉ phạt một lần không có giấy chứng nhận ATTP chứ không thể phạt nữa” – ông Tuấn bày tỏ.
Video đang HOT
Tiểu thương ôm thịt chó bỏ chạy khi cơ quan chức năng phường Trung Mỹ Tây, quận 12 đến kiểm tra, xử phạt. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Đề xuất xây dựng cơ sở giết mổ chó
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết trên địa bàn phường cũng có ba quán “cầy bảy món”. “Cả ba quán đều không có giấy chứng nhận ATTP. Tuy nhiên, đây không phải lỗi do chủ quán mà do thịt chó dùng chế biến không chứng minh được nguồn gốc. Do vậy đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở chứ không phạt” – ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, Nhà nước chỉ vận động người dân không ăn thịt chó chứ không cấm. “Còn người ăn thì còn người bán thịt chó. Trong khi người kinh doanh cũng muốn bán thịt chó có nguồn gốc rõ ràng. Bài toán này đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền” – ông Nghĩa nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tâm kiến nghị cần đưa loại hình kinh doanh thịt chó vào nề nếp để không gây khó cho địa phương và người bán. Cơ quan thẩm quyền có thể nghiên cứu chỉ cho phép giết mổ chó cỏ.
Ông Tâm còn kiến nghị TP.HCM có thể nghiên cứu xây dựng cơ sở giết mổ chó tập trung. “Chó đưa vào đây giết mổ sẽ được cơ quan thú y thực hiện đúng như quy trình kiểm soát giết mổ đối với heo, bò theo Thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT.
Chó nuôi hao hụt ngày càng nhiều
Khoảng 80% chó đưa vào lò giết mổ trái phép thuộc diện bắt trộm. Trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây, thống kê của cơ quan thú y cho thấy bình quân mỗi năm chích ngừa dại cho khoảng 600 con chó. Tuy nhiên, trong năm 2018, tới thời điểm này thì lượng chó được tiêm ngừa dại ít hơn rất nhiều vì đã bị bắt trộm. Nhà tôi nuôi hai con chó, hiện không còn con nào vì bị trộm chó “cho vào tròng”.
______________________________
Chủ lò mổ mua với giá tròm trèm 40.000 đồng/kg chó hơi. Sau khi giết thịt sẽ bán lại cho các chủ sạp với giá mỗi ký từ 75.000 tới 80.000 đồng. Chủ sạp sẽ bán lại cho khách giá từ 100.000 đến 140.000 đồng. Do quá lời, nhiều người lại khoái “cầy bảy món” nên hoạt động kinh doanh thịt chó vẫn tồn tại.
Ông NGUYỄN ĐỨC TÂM, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM
TRẦN NGỌC
Theo PLO
Đến năm 2021, Hà Nội sẽ không kinh doanh thịt chó ở nội thành
Hà Nội sẽ có lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm, tiến tới không kinh doanh, buôn bán giết mổ chó, mèo. Đến năm 2021, khu vực nội thành không kinh doanh thịt chó, mèo.
Hà Nội sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó ẢNH PHAN HẬU
Như Báo Thanh Niên đưa tin, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở, ngành và chính quyến các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Tuyên truyền người dân không ăn thịt chó
Ngoài yêu cầu chính quyền các địa phương triển khai ngay việc cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi; tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dịch, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm.
Chiều nay, 12.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Đoàn Hồng Phong, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội), cho biết văn bản nêu trên được UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 10.9, xuất phát từ nội dung tham mưu, đề xuất của cơ quan thú y, ngành nông nghiệp thành phố.
Theo ông Phong, đây là cũng là chủ trương của UBND TP.Hà Nội trong kiểm soát chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi và các điểm giết mổ, kinh doanh để phòng ngừa bệnh dại.
Giải thích về cơ sở của những đề xuất đã được chính quyền UBND Hà Nội thông qua, ông Phong cho rằng, những năm gần đây, việc kinh doanh, giết mổ chó, mèo; sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, chó mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh tả... Những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ chó, mèo hoặc sử dụng thịt chó, mèo còn tiềm ẩn nguy cơ bị mắc các bệnh truyền nhiễm...
Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn chó, mèo trên địa bàn có khoảng 493.000 con, trong đó nuôi giữ nhà khoảng 87,5%, số còn lại là nuôi làm cảnh, hoặc làm thực phẩm.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại ở các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ và Sóc Sơn. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, cơ quan thú y xác định có 2 mẫu lấy tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm dương tính với bệnh dại.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hà Nội ghi nhận 5.098 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Trong đó, số người bị chó cắn nhiều nhất, chiếm 87%; số người bị mèo cắn chiếm 11,7%; số người bị dơi, chuột, khỉ... cắn chỉ chiếm 1,3%.
Cũng theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.013 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm; giết mổ chó mèo; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo làm cảnh. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hồng Phong, công tác quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm đối với thịt chó, thịt mèo hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế về pháp lý.
"Trên thực tế, các điểm giết mổ chó, mèo không hình thành những cơ sở lớn như lò mổ, mà chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan cấp trên là Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chưa ban hành được quy trình kiểm soát giết mổ chó, mèo nên địa phương không biết dựa vào đâu để kiểm tra", ông Phong nói.
Kiên trì vận động, người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ
Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cũng cho hay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đối với các quận nội thành, nội thị địa phương, sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo.
Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán, thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
"Theo quan sát của tôi, trong giai đoạn hiện nay, người dân không có nhiều nhu cầu sử dụng thịt chó như trước nữa. Việc vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó và đối xử nhân đạo với con vật nếu làm kiên trì sẽ được người dân đồng thuận, ủng hộ", ông Phong nói.
Cũng theo văn bản của UBND TP.Hà Nội, Sở NN- PTNT Hà Nội sẽ là cơ quan phối hợp với các tổ chức về động vật như Hiệp hội Bản năng sống, Tổ chức Soi Dog... triển khai chương trình hợp tác về phòng chống bệnh dại.
Bên cạnh đó, Sở này cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức thành lập Trạm kiểm nghiệm bệnh vật nuôi và quản lý tiếp nhận chó, mèo thả rông.
Theo TNO
Nên cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo! Từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là góp phần làm giảm bớt những vụ trộm chó gây bất ổn trong xã hội; cải thiện hình ảnh người Việt trong mắt du khách Mới đây UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường côngtác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, trong...