Bão giật cấp 14 – 15 đổ bộ vào miền Trung
Chiều 29.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có công điện gửi các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 10.
Tại TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) người dân đã đưa thuyền bè lên nơi cao, buộc chặt vào nhau – Ảnh: Nguyễn Phúc
Cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã họp bàn biện pháp ứng phó.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dự báo đến 16 giờ hôm nay 30.9, tâm bão nằm trên vùng bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, tức là từ 103 – 133 km/giờ, giật cấp 14-15.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết bão sẽ đổ bộ, gây ảnh hưởng trực tiếp trên đất liền sớm nhất là khoảng 15-16 giờ hoặc có thể muộn hơn là 22-23 giờ hôm nay. Nhiều khả năng tâm bão đổ bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị nhưng các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế phải hết sức đề phòng. Cơn bão số 10 có sức mạnh tương đương bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng đầu tháng 10.2006.
Video đang HOT
Người dân thôn Cang Gián (xã Trung Giang, H.Gio Linh) chằng chống nhà cửa
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế có mưa lớn tập trung nhiều nhất trong hôm nay 30.9, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Thừa Thiên-Huế mưa có thể kéo dài đến ngày 2.10. Khu vực từ Đà Nẵng đến Nghệ An mưa phổ biến từ 200-300 mm; có nơi sẽ mưa đến 400-500 mm. Bão vào bờ đúng vào thời điểm triều cường nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến TP.Đà Nẵng đề phòng nước dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2-4 m. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng dần lên cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội biên phòng, đến sáng 29.9, toàn bộ vùng biển nguy hiểm trong bão số 10 đã không còn tàu thuyền hoạt động, đã có 49.877 phương tiện với 254.660 người được thông báo về đường đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong số 14 tàu cá có 97 ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Trường Sa, thì có 4 tàu chạy lên hướng bắc, số còn lại được hướng dẫn đi về phía nam để đảm bảo an toàn.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão; ở vùng xung yếu, nguy hiểm phải di dân trước trưa 30.9; triển khai các biện pháp neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi thủy hải sản. Ông Phát cũng đề nghị, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam theo dõi chặt chẽ công tác vận hành các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung, tránh tình trạng xả nước khi lũ các sông đang dâng cao do mưa lớn, sẽ gây thêm khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, từ sáng sớm 30.9 các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ra lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi, riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tùy tình hình thực tế để xem xét ban hành lệnh cấm biển. Liên quan đến 27 hồ chứa xung yếu, cần chuẩn bị phương tiện, nhân lực đề phòng sự cố trong mưa bão số 10, Phó thủ tướng yêu cầu thông báo trực tiếp đến các địa phương có công trình để có biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ dẫn đầu 2 đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống bão tại Thừa Thiên-Huế và Vinh (Nghệ An), sau đó sẽ di chuyển vào vùng tâm bão đổ bộ.
Khẩn trương chống bão
Bản đồ dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 – Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư
Cả tỉnh Quảng Trị, nơi dự kiến tâm bão đổ bộ, được đặt trong “tư thế báo động”, cấp tập triển khai các biện pháp phòng chống bão Wutip. UBND tỉnh Quảng Trị đã gửi công điện khẩn cho các địa phương, ban ngành sớm đôn đốc người dân không lơ là, chủ quan. Trước 10 giờ tối 29.9, phải hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, sơ tán dân. Theo kế hoạch, sẽ có tới 20.502 hộ dân/82.107 nhân khẩu thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt đặc biệt nguy hiểm, vùng lũ quét, vùng sạt lở bờ sông thuộc 141 xã, phường trong toàn tỉnh sẽ được di dời.
Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 29.9, toàn tỉnh có khoảng 2.884 hộ, 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn. Riêng bờ biển hai xã: Quảng Công, Quảng Ngạn (H.Quảng Điền) đã bị xâm thực lấn sâu vào khu dân cư, có khoảng 235 hộ cần phải sơ tán.
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết, hiện vẫn còn 65 tàu cá (2.237 lao động) của địa phương đang hoạt động trên biển. Đáng chú ý, tại Cù Lao Chàm (TP.Hội An), địa phương đang lo ngại tình trạng sạt lở diễn biến xấu. Đợt bão số 8, đã có hơn 1.000 khối đất đá từ công trình đường quốc phòng bị xói lở, tràn xuống gây ảnh hưởng đến hơn 25 ngôi nhà tại tổ 3, thôn Bãi Hương, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Chính quyền xã đảo hiện đã lập kế hoạch sơ tán toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
P.Hậu – M.Vọng – Phạm Văn – Ngọc Minh – VPM
Theo TNO
Công điện khẩn ứng phó với siêu bão USAGI
Sáng 21-9, văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 67 ứng phó với siêu bão USAGI.
Dự báo cơn bão rất mạnh đang hoạt động ở phía Bắc Đông Bắc đảo Lu Dông, Philippines sẽ đi vào vùng phía Bắc Biển Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17. Để chủ động đối phó với diễn biến của bão và mưa, lũ, các tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc thường xuyên, hướng dẫn các tàu đánh bắt xa bờ không đi vào khu vực nguy hiểm... Các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ theo dõi diễn biến mưa, lũ; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để chủ động phòng tránh...
Theo ANTD
"Kết nối biển Đông" hỗ trợ ngư dân ra khơi an toàn Việt Nam có khoảng 130.000 tàu cá, tuy nhiên, tính đến tháng 8-2013, chỉ có 9.400 tàu được trang thiết bị thông tin liên lạc, khiến cho công tác báo bão và ứng cứu trên biển gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp bà con ngư dân chủ động phòng tránh bão biển, báo cấp cứu và thực hiện các hoạt động cứu hộ,...