Báo Financial Times viết về cuộc đời “vua trà Việt Nam”
Tờ báo kinh tế Financial Times (FT) vừa có bài viết nói về cuộc đời của “vua trà Việt Nam” – Trần Quý Thanh.
Tờ báo kinh tế Financial Times (FT) vừa có bài viết nói về cuộc đời của “vua trà Việt Nam” – Trần Quý Thanh.
Mở đầu bài viết, Financial Times viết, sau gần 40 năm, Tập đoàn Tân Hiệp Phát do “ vua trà Việt Nam” Trần Quý Thanh (Dr.Thanh) sáng lập đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước giải khát lớn nhất trong nước.
Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực của con người vốn ham học hỏi và đam mê kinh doanh này.
Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh. Ảnh FT.
Từ cậu bé mồ côi…
Sau khi mẹ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1962, ông Thanh, khi đó mới 9 tuổi, đã được đưa tới một trại trẻ mồ côi ở miền Nam Việt Nam.
Trong quãng thời gian đó, có những khi ông bị nhốt cả đêm với… lợn vì cãi nhau với bạn bè. Nhưng cũng từ đó, ông chiêm nghiệm ra một điều rằng: “Muốn tồn tại thì phải chiến đấu đến cùng”.
Vào năm 1977, hai năm sau giải phóng Sài Gòn, ông Thanh bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất men. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, tình trạng lạm phát cao khiến giá men sụp đổ vào năm 1979. Sau đó, ông chuyển sang ngành sản xuất đường rồi tiếp đến là vàng,…
“Tôi đã kiếm được rất nhiều tiều. Trong một ngày, tôi có thể kiếm được ba chỉ vàng. Một chỉ có thể mua được một ngôi nhà và khi đó, tôi có thể mua tới ba ngôi nhà một ngày”, ông Thanh nhớ lại.
Vào năm 1992, Chính phủ quyết định sẽ cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Năm 1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, lần đầu tiên mở cửa cho các ngành thương mại quốc tế phổ biến sau 20 năm. Không bỏ lỡ cơ hội đó, người đàn ông sinh năm 1953 đã quyết định thành lập cơ sở sản xuất bia Bến Thành.
… trở thành ông chủ Tân Hiệp Phát
Video đang HOT
Mặc dù khởi nguồn của Tân Hiệp Phát là sản xuất bia từ năm 1990 nhưng sau 10 năm, công ty này chuyển hướng sang lĩnh vực nước giải khát.
Khi đó, công ty đã trở thành nhà sản xuất đồ uống tư nhân lớn nhất Việt Nam, với khoảng 5.000 nhân viên trên toàn quốc và chỉ nằm dưới thị phần so với công ty sản xuất nước ngọt đa quốc gia như Coca-Cola.
Ông chủ Tân Hiệp Phát. Ảnh Bizlive.
Theo ước tính của các chuyên gia phân tích thị trường, Tân Hiệp Phát chiếm giữ 20-30% thị phần của thị trường nước giải khát trong nước. Trong năm 2011, theo số liệu mới nhất từ Nielsen, thị phần của công ty bao gồm các sản phẩm như trà thảo dược, nước tăng lực và sữa đậu nành là khoảng 24%.
Những sự kiện đáng nhớ của Tân Hiệp Phát đó là: Năm 2001, ra mắt sản phẩm nước tăng lực mang nhãn hiệu Number. Năm 2006, ra mắt Trà Xanh Không Độ. Năm 2009, tung ra sản phẩm Dr Thanh trên thị trường… Từ đó, Tân Hiệp Phát trở thành cái tên nổi lên trên thị trường nước giải khát tại Việt Nam.
Chiến thuật “tập trung và khác biệt”
Sau sự thành công của Number One, Tân Hiệp Phát tiếp tục gây tiếng vang với sản phẩm trà xanh không độ rồi trà thảo mộc Dr.Thanh.
Ông Thanh lựa chọn chiến thuật “tập trung và khác biệt” với quan niệm “không cung cấp cho thị trường những sản phẩm mình có, chỉ cung cấp những sản phẩm thị trường cần”.
“Vua trà Việt Nam” Trần Quý Thanh luôn coi yếu tố quyết định đối với nghiệp kinh doanh là sự hiểu biết về thị trường tiêu dùng trong từng giai đoạn phát triển của xã hội.
Bên cạnh việc điều hành Tân Hiệp Phát, ông Thanh còn đạt được tấm bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Southern California . Mỗi ngày, ông đều dành nhiều tiếng đồng hồ để đọc sách, nâng cao kiến thức và sự hiểu biết.
Theo ông Thanh, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, ông luôn giữ quan điểm, chiến đấu đến cùng để tồn tại và khẳng định: “Chúng tôi sẽ cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài”.
Sau nhiều thập kỷ chiến đấu để tồn tại trong một trong những môi trường khắc nghiệt nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Thanh chia sẻ rằng, những thách thức đến từ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những thách thức mà ông đã chuẩn bị đón nhận trong suốt cả cuộc đời.
An An (Theo FT)
Theo_Kiến Thức
"Tuyệt đối không uống nước giải khát có lợn cợn, bất thường"!
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng, với sản phẩm nước giải khát hay bất cứ sản phẩm thực phẩm nào, khi phát hiện có bất thường về cảm quan, như màu sắc, mùi vị... thì tạm thời ngừng sử dụng, thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về thực phẩm để có biện pháp xử lý.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải
Thưa ông, đầu năm 2015 cơ quan chức năng đã thanh tra công ty Tân Hiệp Phát nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện sản phẩm chứa cặn. Vậy tại sao thời gian gần đây, các sản phẩm của công ty này được phản ánh liên tục vì có cặn, lợn cợn?
Đoàn thanh tra của Bộ đã thanh tra toàn diện Tân Hiệp Phát theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật nhưng không phát hiện sai phạm. Bởi chất lượng một sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể hôm nay đảm bảo nhưng ngày mai, chỉ cần một trong số hàng trăm yếu tố không đảm bảo thì sẽ dẫn đến không an toàn. Nên cũng không có gì lạ nếu trong đợt kiểm tra này, tất cả những yếu tố an toàn thực phẩm của doanh nghiệp được xác định đảm bảo nhưng tháng sau, năm sau lại có sản phẩm không an toàn.
Như một nhà hàng rất nổi tiếng ở Thụy Sỹ từng 3 năm liền được bình chọn là nhà hàng tốt nhất thế giới nhưng vẫn xảy ra 63 trường hợp ngộ độc thực phẩm. Vì thế, ở thời điểm thanh tra khẳng định đủ điều kiện vệ sinh không đồng nghĩa mãi mãi sản phẩm của doanh nghiệp đó đảm bảo an toàn".
Mới đây, Chi cục An toàn thực phẩm Cà Mau đã phản ánh về việc phát hiện một số chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát có cặn lơ lửng. Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin này chưa và sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã nhận được thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau liên quan đến phát hiện một số sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát có cặn lơ lửng. Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, tránh gây hoang mang cho dư luận xã hội, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức điều tra, xác minh thông tin phản ánh nói trên; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm việc bảo quản, phân phối sản phẩm; lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Chúng tôi yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau báo cáo rõ tình trạng tên sản phẩm, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tình trạng sản phẩm còn niêm phong không?. Các lô khác nếu có trên thị trường thì cảm quan như thế nào. Sau khi có báo cáo của địa phương, chúng tôi sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo.
Xin nói thêm, với những sản phẩm khi cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện một bất thường, chúng tôi luôn yêu cầu kiểm tra kỹ, thậm chí nếu có thể dứt khoát yêu cầu tạm dừng lưu thông trong quá trình kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Thưa ông, thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh phát hiện các chai nước giải khát có lợn cợn, phát hiện nấm mốc bên trong, thậm chí có cả dị vật. Những sản phẩm này có đạt tiêu chuẩn chất lượng không? Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi sử dụng nước giải khát, một mặt hàng nhu cầu sử dụng tăng rất cao trong dịp Tết?
Trước hết, một sản phẩm thực phẩm, nước giải khát khi được công bố lưu hành phải đạt các chỉ tiêu về các chỉ số xét nghiệm vi sinh, hóa chất, kim loại nặng, chỉ tiêu về các thành phần nguyên liệu và còn phải đảm bảo cả về cảm quan (có sản phẩm người ta dùng chất tạo đục, hay nước giải khát cho cả thành phần giống như thạch...).
Một sản phẩm đã công bố chỉ tiêu cảm quan, ví dụ công bố chỉ tiêu cảm quan là trong suốt, nhưng khi sản phẩm có dị vật, hoặc lợn cợn thì rõ ràng không đạt tiêu chí này. Khi phát hiện những sản phẩm như vậy, cả cơ quan chức năng và nhà sản xuất cần phải tìm hiểu nguyên nhân xem do quy trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình vận chuyển không đảm bảo hay do yếu tố nào khác.
Vì thế, tôi khuyến cáo với người tiêu dùng, khi sử dụng thực phẩm nói chung trong đó có cả rượu bia, nước giải khát mà thấy có trường hợp bất thường về cảm quan, ví dụ màu sắc, mùi vị thì tạm dừng sử dụng và báo ngay cơ quan chức năng.
Thưa ông, thời gian gần đây, liên tục các thông tin về an toàn thực phẩm được phản ánh. Khi tiếp nhận những thông tin này, Cục sẽ xử lý như thế nào?
Ở đây, phải hết sức minh bạch, trên quan điểm rõ ràng. Quan điểm của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương, của Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêu chí đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng. Người tiêu dùng luôn luôn ở tình trạng thế yếu. Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, như tôi đã nói, sẽ yêu cầu cơ quan chuyên trách an toàn thực phẩm tại địa phương kiểm tra, xác định, trong trường hợp phát hiện sản phẩm có bất thường thậm chí yêu cầu tạm dừng lưu thông ngay để điều tra, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó tiến hành các bước điều tra, tìm nguyên nhân, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm... để có câu trả lời chính xác sản phẩm đó có đảm bảo ATTP không.
Thời điểm Tết nguyên đán đang đến gần, ông có khuyến cáo gì cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm, nước uống an toàn trong dịp Tết?
Còn với người tiêu dùng, hãy luôn lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cần bảo đảm thực phẩm đúng cách vì thói quen tích trữ thực phẩm có thể khiến thực phẩm biến chất, gây hại cho người sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng có tiêu thụ lớn như thịt cá trứng, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, hạt có dầu. Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Ngoài ra sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ TƯ đến cấp xã phường, tập trung vào nhóm sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, thành phố lớn.
Hồng Hải (thực hiện)
Theo Dantri
Vinamilk là thương hiệu hàng đầu Việt Nam Vào ngày 24/5 vừa qua, Kantar World Panel đã phát hành báo cáo Brand Footprint năm 2016 (Dấu Chân Thương Hiệu) Bảng xếp hạng toàn cầu của những nhãn hàng tiêu dùng được chọn lựa nhiều nhất trên thế giới và của từng quốc gia. Tại Việt Nam, năm nay, công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk được đánh giá là nhãn...