Bảo dưỡng ô tô cận Tết: Làm sao để không bị chặt chém, luộc đồ?
Dạo qua các gara, trung tâm chăm sóc ô tô cận Tết không khó để nhận ra cảnh nhộp nhịp, chật kín xe đến tút tát, bảo dưỡng.
Khách hàng nên đưa xe tới các cơ sở sửa chữa uy tín để tránh bị “luộc đồ” – Ảnh: Tùng Lê
Dạo qua các gara, trung tâm chăm sóc ô tô cận Tết không khó để nhận ra cảnh nhộp nhịp, chật kín xe đến tút tát, bảo dưỡng. Khi khách hàng càng đông thì cũng là lúc chủ xe cần chú ý để tránh bị chặt chém, làm ẩu, đánh tráo phụ tùng.
Xếp hàng đặt lịch vì quá đông
Sáng 23/1 có mặt tại Trung tâm chăm sóc xe hơi Việt Đức Autospa (87 Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy, Hà Nội), PV ghi nhận khung cảnh xe chờ làm dịch vụ chật kín. Ông Lê Đăng Doanh (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ chiếc xe Toyota Land Cruiser BKS 30E-876.35 vừa bàn giao xe cho trung tâm này chia sẻ, năm nào vào dịp gần Tết cũng mang xe đi tút tát, sửa chữa. “Chỗ nào xước nhiều thì sơn lại, xước ít chỉ cần đánh bóng. Vì biết dịp này đông khách nên tôi đã phải đặt lịch làm sơn trước cả tuần”, ông Doanh cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Lê Đức Nguyên, Giám đốc Việt Đức Autospa cho biết: “Nhiều khách hàng do không xếp lịch nên có khi mang xe đến rồi lại phải mang về do quá đông. Trong tháng cận Tết này, lượng xe tới làm dịch vụ tăng gấp đôi so với tháng trước. Nhân viên nhiều lúc còn phải làm thêm giờ. Ví dụ như trước đây, vài ngày mới có 2 – 3 xe phủ Ceramic nhưng 10 ngày nay đã có tới hơn 10 xe tới làm dịch vụ này”,.
Vào dịp giáp Tết, dịch vụ sơn xe, dọn nội thất tổng thể, đánh bóng và phủ Ceramic là những hạng mục đắt khách nhất. Theo anh Nguyên, giá sơn xe tại trung tâm của anh thông thường khoảng 600.000 – 700.000 đồng cho một chi tiết. Chi tiết lớn hơn, tiền sơn sẽ nhiều hơn. Đắt nhất là sơn phần nắp capo, thường có giá từ 1,6 – 2 triệu đồng tùy từng loại xe.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ gara Thái Hoàng (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Hiện các gara cạnh tranh khá mạnh nên sẽ ít xưởng tăng giá các dịch vụ. Chỉ có phụ tùng đội giá đôi chút. Gara chúng tôi có cả phương án cho khách hàng tự gọi phụ tùng đến để thay thế và chỉ lấy công thay đồ. Kể cả sơn, khách hàng cũng có thể tự chọn loại sơn mình thích và chúng tôi chỉ thu tiền công dịch vụ”.
Không chỉ làm đẹp ô tô, dịch vụ bảo dưỡng xe cũng đang rất ăn nên làm ra trong dịp này. Kỹ sư Lê Văn Tạch, chủ gara ô tô Lê Văn Tạch (đường Trần Tử Bình, phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, lượng khách trong dịp gần Tết này tăng khoảng 30 – 40% so với bình thường. Hiện nay mỗi ngày trung bình có khoảng 4 – 5 xe nhưng cũng có ngày đỉnh điểm lên tới cả chục xe. Khách tới gara dịp này hầu hết đều bảo dưỡng tổng thể xe.
Anh Phan Việt Anh, nhân viên đại lý Toyota Long Biên (số 9 đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, cuối năm, lượng khách hàng tới làm dịch vụ rất đông, đỉnh điểm có ngày lên tới 200 lượt xe ra vào làm dịch vụ trong khi ngày thường chỉ khoảng 100 lượt. Khách hàng chủ yếu mang xe tới để thay dầu, bảo dưỡng cấp nhỏ và sơn. Giá thay dầu tại hãng tùy từng xe có thể dao động từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Xe sơn cũng tương tự không cố định. Có xe chỉ sơn hết từ 5 – 6 triệu đồng nhưng cũng có xe sơn tới cả hơn chục triệu đồng. “Chi phí cao hơn nhưng nhiều người vẫn lựa chọn mang xe vào hãng để bảo dưỡng, sơn sửa bởi tại đây, chất lượng, tiêu chuẩn, phụ tùng được đảm bảo”, nhân viên Toyota Long Biên cho biết.
Video đang HOT
Gần Tết, trung tâm bảo hành bảo dưỡng, gara, chăm sóc xe đều đông khách – Ảnh: Tùng Lê
Làm sao để tránh bị chặt chém, luộc đồ?
Giám đốc Việt Đức Autospa khuyến cáo, do rất nhiều xe cùng đến làm dịch vụ dịp này nên có thể nhiều nơi cố ý làm qua loa, làm ẩu. Vì vậy, trước khi nhận xe, khách hàng nên kiểm tra thật kỹ các chi tiết sau khi được chăm sóc hay sơn sửa. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thông tin, khảo giá trước khi đưa xe đến cũng rất quan trọng bởi vẫn có nơi sử dụng đồ kém chất lượng khiến chiếc xe sau khi làm đẹp không được ưng ý hoặc chặt chém vô lý.
“Ví dụ trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu phủ Ceramic nguồn gốc từ Trung Quốc, với giá phủ toàn bộ xe khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian bảo hành thường rất ngắn, từ 3 – 6 tháng. Còn những nơi sử dụng dung dịch phủ Ceramic của Nhật Bản hay Thổ Nhĩ Kỳ có giá cao hơn hẳn, từ 8 – 12 triệu đồng, thời gian bảo hành trong từ 1,5 – 2 năm”, anh Nguyên cho biết.
Đưa ra lời khuyên với khách hàng, kỹ sư Lê Văn Tạch cũng cho biết, hiện nay, các gara thường sử dụng rất nhiều loại phụ tùng khác nhau, có loại chuẩn cũng có loại không chuẩn và điều này khách hàng hầu như sẽ không thể nhận biết được. Vì vậy khách hàng nên đưa xe tới các cơ sở sửa chữa uy tín, biết rõ chủ gara, tay nghề thợ để tránh bị “luộc đồ”. Bên cạnh đó cần kiểm tra tình trạng xe, thoả thuận rõ ràng các hạng mục bảo dưỡng cũng như giá cả. Với những nơi chuyên nghiệp, khách hàng sau khi bảo dưỡng xong có thể cảm nhận rất rõ được sự khác biệt.
Ngoài ra, trong dịp sát Tết này, để tránh bị chặt chém khi sửa chữa, bảo dưỡng xe, khách hàng cũng nên khảo giá phụ tùng thay thế khi được báo giá. “Phụ tùng có nhiều loại, nhiều hãng cũng như giá chênh nhau rất nhiều. Giá chỗ này cũng có thể khác chỗ kia. Nhưng nếu khảo sát phụ tùng cùng loại, cùng chất lượng mà giá chênh nhau nhiều, đó cũng là vấn đề”, kỹ sư Tạch chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người có kinh nghiệm sửa chữa, tân trang xe đều cho rằng chủ xe không nên làm các hạng mục lớn tốn nhiều thời gian và nhân công vào thời điểm cận Tết bởi khi đông khách thường các gara sẽ khó có thể làm cẩn thận. Ngoài ra đối với việc thay thế phụ tùng, khách hàng nên đảm bảo nguồn cung phụ tùng chất lượng. Nếu cần thay thế nhiều phụ tùng thì nên có mặt tại xưởng sửa chữa thời điểm thợ thay thế tránh gặp phải hiện tượng đánh tráo phụ tùng.
Theo Nghean24h.vn
Những bộ phận xe ô tô hay "dở chứng" cần kiểm tra, sửa chữa ngay trước Tết
Sau 1 năm sử dụng, nếu không bảo dưỡng đúng cách và thường xuyên, nhiều bộ phận trên ô tô sẽ "dở chứng" và bắt đầu hư hỏng, khiến tài xế tốn kém chi phí sửa chữa.
Sau quá trình sử dụng, nếu không bảo dưỡng đúng cách và thường xuyên, nhiều bộ phận trên ô tô sẽ "dở chứng" và bắt đầu hư hỏng, khiến tài xế tốn kém chi phí sửa chữa, đặc biệt gây phiền phức trong dịp nghỉ lễ Tết.
Dưới đây 6 bộ phận cần lưu ý, kiểm tra ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đèn xe
Sau 1 năm sử dụng, nếu không bảo dưỡng đúng cách và thường xuyên, nhiều bộ phận trên ô tô sẽ "dở chứng" và bắt đầu hư hỏng, khiến tài xế tốn kém chi phí sửa chữa.
Hệ thống đèn trên ô tô là bộ phận "nhạy cảm" bậc nhất. Thông thường, sau thời gian sử dụng, đèn xe dễ dính lỗi phát sáng chập chờn khi xe thường xuyên đi qua những địa hình lầy lội nhiều "ổ gà". Nguyên nhân xuất phát từ những va chạm, nguồn điện không ổn định, hoặc hiệu điện thế của ắc-quy vượt quá giới hạn hiệu điện thế của bóng.
Ngoài ra cũng không thể loại trừ khả năng hệ thống dây điện của xe ô tô bị đứt đoạn do bị chuột tấn công khiến cho đèn xe không sáng.
Chính vì vậy, tài xế cần phải thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện của ô tô. Đặc biệt, khi lái xe ô tô vào ban đêm hoặc lái xe đường dài, trước khi khởi hành chủ xe phải kiểm tra cẩn thận lại hệ thống đèn xe và mang theo đèn ô tô dự phòng.
Hệ thống cần gạt nước
Cần gạt nước cũng là bộ phận dễ bị hư hỏng nhất trên ô tô. Cần gạt rất thường bị gỉ sét do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước mưa, cộng thêm việc vệ sinh và chăm sóc xe không tốt sẽ khiến cho bộ phận này nhanh xuống cấp. Đáng nói, việc cần gạt mưa hoạt động kém hoặc bị hỏng hóc sẽ khiến tài xế gặp khó khăn trong trường hợp phải lái xe dưới trời mua do bị cản trở tầm nhìn.
Thông thường lưỡi gạt mưa là bộ phận hay hư hỏng ở hệ thống cần gạt nước do cấu tạo từ cao su, chịu ma sát và tác động của môi trường thường xuyên nhất. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên thay cần gạt sau 12 - 18 tháng. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa, hiện tượng lão hóa lưỡi cao su sẽ diễn ra nhanh hơn.
Các bộ lọc trên ô tô
Mỗi bộ lọc trên ô tô đều giữ những vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động vận hành của chiếc xe. Những bụi bẩn sẽ được các bộ lọc loại bỏ sạch sẽ, giúp cho động cơ hoạt động tốt hơn, từ đó tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
Theo các chuyên gia về ô tô, thông thường chủ xe cần kiểm tra thường xuyên và thay định kỳ lọc gió động cơ 1 - 2 lần/năm hoặc sau khi xe đã lăn bánh 20.000 km. Tuy nhiên, nếu xe chạy ở những khu vực bụi bẩn nhiều, các chủ xe nên kiểm tra bộ phận này thường xuyên hơn để động cơ luôn có đủ không khí để đốt cháy nhiên liệu tốt nhất.
Phanh xe
Phanh chính là một trong những bộ phận quan trọng nhất trên xe, giúp bảo vệ tính mạng cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ gặp vấn đề và bị hỏng hóc nhất. Những vấn đề thường gặp ở phanh xe như má phanh bị biến dạng, dầu phanh cạn, ống dẫn dầu bị gỉ sét và rò rỉ...
Thường thì sau khi di chuyển được quãng đường là 15.000 km - 20.000 km thì chủ xe nên đưa xe đến các gara có uy tín để kiểm tra và thay phanh xe. Đặc biệt, trước các chuyến đi đường dài hay đường đèo dốc cần phải kiểm tra, bảo dưỡng kỹ lưỡng phanh xe.
Ống dẫn nhiên liệu
Là một bộ phận thường xuyên bị gỉ sét, ăn mòn, rò rỉ thậm chí là bị thủng. Ống dẫn nhiên liệu hỏng hóc sẽ làm chiếc xe của bạn bị rò rỉ nhiên liệu, vừa hao xăng vừa có nguy cơ xảy ra cháy nổ nếu không cẩn thận.
Chính vì thế, bên cạnh việc kiểm tra thường xuyên, khi thấy xe đang di chuyển và có mùi xăng bất thường, chủ xe nên dừng ô tô ngay lập tức để xử lý kịp thời tình huống này.
Lớp sơn vỏ xe
Chỉ sau một năm sử dụng, sự xuống cấp của lớp sơn bóng vỏ xe sẽ thấy rõ rệt ngay cả khi xe không vị va quẹt. Nguyên nhân của việc này là do quá trình rửa xe không đúng kỹ thuật hoặc dùng khăn lau xe khi vỏ xe nhiều bụi bẩn. Khi đó, cát bẩn sẽ bám vào chiếc khăn và chà xát vào vỏ xe, làm xước sơn bóng.
Lời khuyên không nên dùng khăn lau xe khi vỏ xe bám bụi bẩn, mà chỉ lau sau khi rửa sạch với mục đích là lau khô nước. Khi rửa xe, phải dùng súng phụt nước áp suất cao phụt kỹ chất bẩn bám trên vỏ xe trước khi rửa lại bằng hóa chất chuyên dùng. Các khu vực vỏ xe bẩn hơn (như nẹp hông, các chắn bùn, cản trước và sau...) cần được rửa riêng
Theo Nghean24h.vn
Vợ cho 800 triệu mua ô tô mới: Rước xe cũ 300 triệu và hậu quả dám trái lời Nhiều người khuyên mua một chiếc ô tô mới, tôi kiên quyết mua ô tô cũ 300 triệu, còn 500 triệu đầu tư mua đất. Tôi năm nay đã 37 tuổi, lập gia đình được gần gần chục năm, đã 2 con nhỏ đang học lớp một và mầm non. Vợ chồng tôi đều quê ở Vĩnh Phúc nhưng làm việc ở Hà...