Bảo dưỡng 6 tháng/lần: Dân ôtô lo bị ‘chém’ đẹp
Hầu hết đại diện các DN ô tô tại Việt Nam khi được hỏi đều đồng tình và ủng hộ quy định mới về bảo dưỡng xe 6 tháng/lần, trong khi người có xe lại tá hỏa vì sợ tốn kém thời gian, tiền bạc cho một yêu cầu không có trên thế giới.
Hãng sản xuất “vỗ tay”
Thông tư số 53, do Bộ GTVT vừa ban hành, quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông đường bộ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Theo đó, sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân, DN bắt buộc bảo dưỡng xe sau một thời gian chạy nhất định.
Quy định bảo dưỡng định kỳ được tính như sau: Đối với ô tô con, đi từ 5.000-10.000 km hoặc thời gian 6 tháng phải bảo dưỡng. Ô tô chở người, ô tô chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên: Đi từ 4.000-8.000 km hoặc từ 3-6 tháng. Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng, rơmooc, sơmi rơmooc các loại, ô tô chuyên dùng: Đi từ 4.000-8.000 km thời gian đi từ 3-6 tháng.
Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông do chất lượng phương tiện không bảo đảm, buộc các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Trao đổi PV.VietNamNet, hầu hết đại diện các DN ô tô tại Việt Nam khi được hỏi đều đồng tình và ủng hộ. Theo đại diện một hãng xe có vốn đầu tư nước ngoài, quy định trên phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất là chủ xe nên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ 6 tháng 1 lần. Ở nhiều nước tiên tiến, quy trình bảo dưỡng cũng rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông cho hay, thông thường 6 tháng một lần, chủ xe vẫn đến các đại lý do nhà sản xuất uỷ quyền để bảo dưỡng, tối thiểu nhất cũng là thay dầu. Khi đó, nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra xe miễn phí. Nếu xe bình thường thì ra về, còn có hỏng hóc, hay có lỗi gì thì sẽ khắc phục và sửa chữa, thay thế kịp thời. Sau khi bảo dưỡng vẫn là nghiệm thu, ghi sổ… vì vậy quy định này ra đời không làm ảnh hưởng hay gây phiền nhiễu, phức tạp gì.
Người có xe lo bị “chém đẹp”
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia về ô tô và người có xe lại không đồng tình với quy định này.
Video đang HOT
Theo ông Dư Quốc Thịnh, Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, thì ngay cả các nước tiến tiến, chẳng hạn như CHLB Đức luôn yêu cầu xe ô tô phải chạy với tốc độ rất cao khi tham gia giao thông, cũng không có quy định đó. Họ chỉ yêu cầu kiểm định xe định kỳ, còn bảo dưỡng hay không là quyền của chủ xe.”Nếu xe có các linh kiện hỏng, lỗi, không thay thế, đến kỳ đăng kiểm sẽ không được chấp nhận và như vậy, sẽ không được tham gia giao thông. Thông tư 53 có vẻ đã gây ra sự chồng chéo và gây thêm phiền phức cho người sử dụng xe, nếu có các chế tài đi kèm”, ông Thịnh nhận xét.
Chủ xe lo tốn kém khi bắt buộc phải bảo dưỡng 6 tháng 1 lần.
Còn ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức, từng là chuyên gia thiết kế định hướng của tập đoàn xe hơi Volkswagen, khẳng định, trên thế giới không có nước nào ban hành quy định kiểu như vậy cả. Theo ông, quy định này chỉ làm lợi cho các nhà sản xuất ô tô, bởi nhiều khi bán xe không có lãi bằng việc bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Vì vậy, các nhà sản xuất đồng tình không có gì phải ngạc nhiên cả, nhưng phía người sử dụng xe sẽ gặp thêm phiền phức và tốn kém.
Ông Nguyễn Thế Hùng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thắc mắc, vậy những chủ xe không tuân thủ, không thực hiện bảo dưỡng định kỳ có bị làm sao không? Câu trả lời không tìm thấy trong Thông tư 53 do chưa có chế tài.
Nếu bắt buộc phải thực hiện, nhiều người còn lo ngại sẽ bị cơ sở bảo dưỡng “hành”. Trước đây, bảo dưỡng chỉ là khuyến cáo từ nhà sản xuất. Để thu hút khách hàng mang xe vào xưởng, họ thường kiểm tra miễn phí nhiều hạng mục. Nay bắt buộc bảo dưỡng, nhà sản xuất có duy trì như vậy không hay sẽ tính phí? Hoặc, để moi tiền khách hàng, người ta sẽ tìm đủ lỗi để bắt khách phải thay linh kiện mới, sẽ rất mệt mỏi – anh Hoàng Trung, Lò Đúc, Hà Nội, người đang chạy một chiếc xe Ford, đặt câu hỏi.
Hiện chi phí thay phụ tùng của khi sửa chữa bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam khá cao. Một chiếc vành đúc 16 inch nhập từ Trung Quốc có giá 600.000 đồng có thể bị nâng lên gấp 2-3 lần. Rõ ràng, nỗi lo bị “chém đẹp” mỗi khi đưa xe vào xưởng bảo dưỡng định kỳ đang hiển hiện với nhiều người.
Theo Trần Thủy
Vef – Autopro
Cảnh giác với hư hỏng cổ phuộc xe máy
Cổ phuộc bị hỏng hóc mà không được phát hiện, kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ có thể khiến xe mất lái hoặc gãy trục phuộc.
Cổ phuộc xe máy là một bộ phận cơ khí làm nhiệm vụ dẫn hướng và chịu lực tác động trực tiếp từ hệ thống giảm xóc trước. Những hỏng hóc của bộ phận này thường ít được để ý tới, nhưng chúng có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Nhẹ thì làm mất lái khiến xe khó điều khiển, nặng có thể làm gãy cổ phuộc gây nên những tai nạn đáng tiếc. Do đó, việc kiểm tra và bảo dưỡng cổ phuộc định kỳ là rất cần thiết cho những hành trình an toàn.
Triệu chứng
Nước vào làm gỉ sét cả bi, cổ phuộc
Triệu chứng hư hỏng cổ phuộc rất dễ phát hiện đó là khi vận hành xe vào đường xấu, ổ gà thấy có hiện hượng kêu lộc cộc ở phía đầu xe tác động lên tay lái. Khi chạy ở tốc độ cao xe bị chao đầu hoặc rung lắc khá lớn. Hoặc xe chạy không ổn định, khi phanh (nhất là khi chỉ sử dụng phanh trước) xe bị giật. Nếu hư hỏng lớn có thể nhận thấy tay lái khá nặng, kiểu như xe bị non hơi, vào cua không được chuẩn.
Nguyên nhân
Cổ phuộc là nơi chịu lực tác động rất lớn, bao gồm các bát phuộc (một số nơi gọi là côn phuộc) và các vòng bi để đảm bảo quá trình dẫn hướng nhanh chóng và nhẹ nhàng. Vì thế nếu không được bảo dưỡng định kỳ có thể gây nên hiện tượng mòn bát phuộc, sứt mẻ bi, gây nên hiện tượng rơ cổ phuộc. Khi vận hành lâu ngày, bị nước mưa vào, đất cát bám cặn cũng làm khô dầu mỡ khiến cổ phuộc bị nặng, mất tính dẫn hướng.
Một số trường hợp do đâm va, tai nạn hoặc đơn giản là đổ xe làm cổ phuộc bị cong vênh, nếu không được khắc phục ngay sẽ làm hao mòn bi và bát phuộc, từ đó gây rơ và làm lệch tay lái. Hoặc do quá trình sử dụng bị lỏng ốc giữ cổ phuộc (một số nơi gọi là áo phuộc hay ca-bi), khi vận hành cổ phuộc sẽ bị rung lắc gây hư hỏng. Autocar Vietnam cũng ghi nhận một số trường hợp do thợ bảo dưỡng xe lắp chồng bi hoặc lắp bi không đúng tiêu chuẩn (bi to nhỏ không đều) dẫn tới cổ phuộc không ổn định.
Nguyên nhân làm hư hỏng cổ phuộc cũng có thể đến từ chất lượng gia công hoặc các mối hàn kém chất lượng (thường gặp trên các xe do Trung Quốc sản xuất), khi vận hành một thời gian có thể làm nứt hoặc mòn cổ phuộc rất nhanh. Thói quen đi xe chở nặng mà chỉ sử dụng phanh trước của một số người cũng làm giảm tuổi thọ của cổ phuộc.
Một số thợ sửa xe máy lâu năm ở Hà Nội còn nói rằng ở trên các dòng xe của Piaggio do cấu tạo khóa cổ dạng ngang nên khi bị kẹt mà người sử dụng xe đánh tay lái nhiều cũng có thể làm rơ cổ phuộc.
Thay thế đồng bộ cả bi, bát phuộc.
Khắc phục và sửa chữa
Khi phát hiện cổ phuộc có vấn đề cần thiết phải đưa ngay xe đến các trung tâm sửa chữa để thực hiện việc kiểm tra tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trường hợp xe bị tai nạn cần phải thay toàn bộ bi, bát phuộc, ốc siết và các bộ phận liên quan, tổng chi phí cho việc thay thế này ước tính khoảng 200.000 VND. Nếu cổ phuộc chỉ bị han gỉ, khô dầu mỡ thì cần thay bi, đánh bóng lại bát phuộc, tra mỡ,... chi phí cho việc bảo dưỡng này khoảng 100.000 VND.
Kiểm tra và bảo dưỡng
Bạn chỉ cần dành khoảng vài phút là có thể tự mình kiểm tra được tình trạng ban đầu của cổ phuộc. Đầu tiên là vẫn ngồi yên trên xe, hai tay nắm chặt tay lái nhấn mạnh từng bên một. Nếu thấy có hiện tượng rơ thì cần siết lại ốc bắt tay lái với cổ phuộc hoặc thay miếng cao su giảm chấn. Tiếp theo, dựng chân chống giữa cho đầu xe lên cao, để tay lái cân bằng rồi thả tay ra, bánh trước từ từ chuyển về một bên là được nếu không chuyển động có thể do khô bi hoặc bó phuộc.
Bước kế tiếp là tiến hành ngồi xổm, hai tay nắm chặt hai đầu trục bánh trước hơi nâng lên, đẩy ra xe rồi kéo vào (giống như lắc trục) nếu thấy có độ rơ cần siết lại ốc giữ cổ phuộc, nặng hơn thì cần thay cả bộ bi và bát phuộc. Cần chú ý kiểm tra cả bu-lông bắt giảm xóc trước tránh trường hợp bị lỏng hoặc chẩn đoán nhầm hỏng cổ phuộc. Cần thực hiện bảo dưỡng định kỳ cổ phuộc (khoảng 6 tháng/lần), khi thấy hiện tượng khác lạ phải kiểm tra và khắc phục ngay.
Theo Trần Giáp - Autocar
Các chi tiết nhỏ thường bị lãng quên trong việc bảo dưỡng xe ô tô Có những chi tiết rất nhỏ bên trong xe, nhưng công năng và tính năng mà chúng đem lại là vô cùng hữu ích và lớn lao mà ít ai nghĩ đến. Việc bảo dưỡng cho những chi tiết này là khá quan trọng, tuy nhiên rất ít chủ sở hữu xe chú ý đến chúng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn...