Báo Đức: Tăng năng lực quốc phòng, ASEAN vẫn phải dựa vào Mỹ
Các nước ASEAN đang gia tăng năng lực quốc phòng do lo ngại các hành động gần đây của Trung Quốc, nhưng họ vẫn phải dựa vào Mỹ để giữ Trung Quốc ở khoảng cách an toàn, theo báo Đức Deutsche Welle ngày 18.8.
Đại tướng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng ngày 15.8.2014. Ông ủng hộ việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân một khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam – Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Bài viết trên báo Deutsche Welle (Đức) ngày 18.8 cho biết, các quốc gia ở Đông Nam Á có thể phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ ở một mức độ nhất định; cuối cùng họ phải tăng cường khả năng quân sự của mình để đối phó các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Video đang HOT
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI, ở Stockholm, Thụy Điển) cho biết năm 2013, khối ASEAN chi tiêu 35,9 tỉ USD cho quốc phòng, tăng 5% so năm trước và dự kiến đạt 40 tỉ USD vào năm 2016. Năm 2013, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt 145 tỉ USD, theo ước tính của Mỹ.
Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh là mục tiêu kinh tế – an ninh dài hạn của 10 nước ASEAN. Tuy nhiên mục đích của mỗi nước cũng khác nhau, theo ý kiến của ông Sam Perlo-Freeman, đứng đầu chương trình chi tiêu quân sự của SIPRI.
Không phải chi tiêu quân sự của ASEAN tăng là do lo ngại với Trung Quốc, chỉ trừ Việt Nam. ” Chỉ có sự gia tăng quốc phòng của Việt Nam rõ ràng là một phản ứng với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc và từ các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông”, chuyên gia Freeman nói.
Còn Campuchia, Thái Lan không có can dự vào các tranh chấp trên Biển Đông; và thậm chí Malaysia, Singapore cũng tăng rất ít chi phí quốc phòng những năm gần đây.
Mặc dù có ý kiến cho rằng cuộc xung đột hàng hải là một lý do chính gây nên tình trạng căng thẳng, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang quan tâm đến một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực. Lý do, theo ông Freeman là “điều này có thể gây ra những hậu quả xấu về kinh tế. Do đó, có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng ưu thế quân sự áp đảo của mình trong khu vực để cố gắng thiết lập chuyện đã rồi trên mặt biển và kiểm soát hiệu quả hơn các khu vực tranh chấp”.
Khu trục hạm USS John S. McCain (DDG 56) của hạm đội 7 Mỹ tại vịnh Subic, Philippines ngày 26.6.2014 tham dự tập trận chung CARAT 2014 với hải quân các nước Đông Nam Á – Ảnh: Hải quân Mỹ
Sự tập trung tăng cường và mở rộng các ngành công nghiệp quốc phòng không có nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á sẽ ngừng dựa vào Mỹ và các nhà cung cấp vũ khí của phương Tây. Ngược lại, nhu cầu quân sự ngày càng tăng làm cho khu vực này trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất vũ khí ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Bà Aude Fleurant, giám đốc Chương trình Nghiên cứu chi tiêu quân sự, sản xuất và chuyển giao vũ khí (thuộc SIPRI), nói với DW rằng, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á vẫn phải dựa vào Mỹ với một số lý do.
Đó là ở cấp độ toàn cầu, cả sự ổn định của khu vực và việc sử dụng không bị gián đoạn của tuyến đường hàng hải thương mại quan trọng qua Biển Đông vẫn còn phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ và sự hiện diện quân sự của nước này. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông đang gia tăng căng thẳng và khiến nhu cầu mua vũ khí trong khu vực này tăng theo.
Tuy nhiên, bà Fleurant cũng tin rằng đối với các nước này, việc phụ thuộc an ninh hoàn toàn vào Mỹ “sẽ là một sai lầm”, vì khi có chuyện thì họ sẽ đơn độc trước một Trung Quốc hùng mạnh trong khi có thể đối tác sẽ lảng tránh.
Mỹ vẫn là một thế lực trung tâm ở khu vực, và điều này vẫn còn diễn ra trong tương lai gần, bà Fleurant cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á cần phải có một sự cân bằng giữa việc tăng cường khả năng quốc phòng của mình và đồng thời sử dụng sự hỗ trợ quân sự Mỹ để cân bằng trước các thế lực cường quốc khu vực. Đó là cách để giữ Trung Quốc ở khoảng cách xa.
Theo Tin Nóng