Báo động về tốc độ tan chảy của sông băng trên toàn cầu
Giới khoa học cảnh báo mọi sông băng trên thế giới đều đang tan chảy với tốc độ rất nhanh chóng, trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu và có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người.
Đây là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học tại 10 cơ sở khác nhau phối hợp thực hiện và công bố trên tạp chí Nature.
Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland, ngày 15/8/2019. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Chuyên gia về sông băng Étienne Berthier thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể đo lường sự thay đổi của từng sông băng trong số hơn 220.000 sông băng trên hành tinh, ngoại trừ các sông băng ở Greenland và Nam Cực.
Theo chuyên gia Étienne Berthier, chủ yếu dựa vào những hình ảnh được truyền về từ vệ tinh Aster – do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 1999, các nhà nghiên cứu nhận thấy các sông băng đã “thất thoát” trung bình 267 tỷ tấn băng mỗi năm, tính từ năm 2000 đến năm 2019. Tình trạng băng tan nhanh đặc biệt xảy ra ở dãy núi Alpes, Iceland và Alaska. Tại những khu vực có khí hậu ôn hòa và ẩm ướt hơn, băng có xu hướng tan chảy chậm hơn. Mặc dù vậy, không nơi nào trên Trái Đất tránh được tình trạng sông băng tan chảy, kể cả phía Tây dãy Himalaya, nơi trước đây có lượng băng ổn định hoặc thậm chí đã từng tăng lên.
Tại New Zealand, trong 5 năm qua, các sông băng giảm độ dày 1,5 mét/năm – một con số kỷ lục. Trong khi trước đó 20 năm, những con sông này hầu như không bị hao hụt về thể tích. Điều khiến các nhà nghiên cứu thấy kinh ngạc và lo ngại là mức độ gia tăng của hiện tượng sông băng tan chảy: từ mức trung bình 227 tỷ tấn băng tan mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, con số này đã tăng lên thành 298 tỷ tấn trong giai đoạn 2015-2019. Lượng băng tan chảy đã góp 21% vào sự gia tăng mực nước biển kể từ đầu thế kỷ 21.
Video đang HOT
Theo một bài viết khác trên tạp chí khoa học Nature, những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính sẽ có tác dụng tích cực trực tiếp hạn chế sự gia tăng mức độ tan chảy của các sông băng. Các nhà khoa học cho rằng nếu con người kìm hãm được sự tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thì lượng băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao sẽ giảm tới 50%.
Ở một nghiên cứu khác cũng công bố trên tạp chí Nature, giới chuyên gia báo động rằng tại Nam Cực – nơi có lượng băng lớn nhất thế giới, tình trạng băng tan nhanh có thể dẫn đến việc nước biển gia tăng ở mức không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, sông băng tan chảy không chỉ ảnh hưởng tới mực nước biển. Nhà nghiên cứu Étienne Berthier cho biết các lưu vực sông băng bao phủ ít nhất 25% diện tích đất đai toàn cầu và là nơi sinh sống của gần 1/3 dân số thế giới. Các sông băng trữ nước ở thể rắn và cấp nước cho các con sông vào mùa Hè. Do đó, khi không còn sông băng trong khu vực, tuyết sẽ tan nhanh hơn nhiều và gây nguy cơ thiếu nước vào mùa Hè tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Thời cơ và thách thức từ chính sách khí hậu của Mỹ
Nếu nhắc đến những "dấu ấn" trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden, chắc chắn phải kể tới chính sách trong vấn đề biến đổi khí hậu với những thay đổi mang tính bước ngoặt so với chính quyền tiền nhiệm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/ TTXVN
Việc ông Biden chỉ vài giờ sau khi nhậm chức ký sắc lệnh hành pháp đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như nhanh chóng bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên của Nhà Trắng về khí hậu, cho thấy đây là một trong những ưu tiên chính sách của Mỹ. Thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là chủ đề của hội nghị quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Biden chủ trì kể từ khi lên nắm quyền.
Có thể nói vấn đề biến đổi khí hậu là một nội dung quan trọng của đảng Dân chủ trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ngay từ thời điểm bắt đầu đường đua tới Nhà Trắng, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn dắt quốc tế trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris năm 2018.
Những cam kết của ông Biden về vấn đề này không chỉ được hiện thực hóa bằng quyết định quay trở lại Hiệp định Paris mà còn ở các động thái đảo ngược chính sách về khí hậu của nhiệm kỳ trước, trong đó có việc thu hồi giấy phép của đường ống dẫn dầu Keystone XL, áp đặt lệnh tạm hoãn các hợp đồng thuê mới để khoan dầu và khí đốt trên các vùng đất thuộc sở hữu của liên bang...
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ chủ trì ngày 22 - 23/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới này từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris năm 2015. Mức cắt giảm này được coi là sự tiếp nối mục tiêu của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama giảm lượng khí thải từ 26% - 28% vào năm 2025 so với mức năm 2005.
Cam kết này cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết tâm lấy lại uy tín và vị thế của Mỹ với vai trò là "thuyền trưởng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi những nỗ lực toàn cầu cắt giảm khí thải nhà kính. Mỹ cũng cam kết chậm nhất là tới năm 2024 sẽ tăng gấp đôi viện trợ để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Mức giảm phát thải mà Tổng thống Biden công bố là một trong những mục tiêu tham vọng nếu so sánh với các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn. Việc Mỹ lấy mức phát thải năm 2005 làm cơ sở để đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải, trong khi các nước châu Âu có xu hướng lấy năm 1990 làm cơ sở so sánh, thể hiện quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden lớn như thế nào. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến lượng khí thải của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới cho rằng họ cần thêm thời gian để giảm lượng khí thải do quá trình công nghiệp hóa gần đây hơn so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới "trở lại" với vấn đề khí hậu có thể tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho quyết tâm của các nước phát triển trong cuộc chiến cắt giảm phát thải sắp tới. Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận rằng mục tiêu mới của Mỹ mang tính chất "thay đổi cuộc chơi". Ngoài Mỹ, các đồng minh như Anh, Nhật Bản và Canada cũng nâng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính của mình, trong đó Nhật Bản đặt mục tiêu giảm lượng khí thải ít nhất 46% so với mức năm 2013 và Canada hiện cam kết giảm lượng khí thải từ 40% đến 45% so với mức năm 2005
Khói bốc lên tại nhà máy điện ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, mục tiêu về khí hậu mà Tổng thống Biden đặt ra cũng phải đối diện với sức ép từ ngay trong lòng nước Mỹ. Bên cạnh sự ủng hộ của phần lớn các thành viên đảng Dân chủ, kế hoạch khí hậu của ông Biden đang vấp phải những quan điểm chỉ trích từ những nhân vật theo quan điểm cấp tiến và bảo thủ. Một số nhóm theo quan điểm cấp tiến cho rằng mục tiêu của ông Biden chưa thể hiện đủ tham vọng và Mỹ cần phải đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 70% so với mức năm 2005 để kịp thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, nhiều thành viên của đảng Cộng hòa không muốn ông Biden quay trở lại Hiệp định Paris với lập luận rằng những mục tiêu mới sẽ có hại cho người lao động Mỹ. Những quan điểm này đang gây chia rẽ trên chính trường Mỹ, khi chính quyền của ông Biden luôn cho rằng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ mang lại nhiều việc làm mới thay thế các công việc liên quan đến năng lượng hóa thạch đang bị mất đi. Đây sẽ là thách thức đáng kể bởi dù phe Dân chủ có được đa số tại lưỡng viện Quốc hội sau cuộc bầu cử thượng viện bổ sung hồi đầu tháng 1 vừa qua, song Tổng thống Biden vẫn phải cần đến sự ủng hộ của phe Cộng hòa nếu muốn thông qua các luật quan trọng liên quan đến khí hậu và môi trường. Theo luật pháp Mỹ, cần phải có ít nhất 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện mới đủ để thông qua các luật về khí hậu quan trọng, có nghĩa là đảng Dân chủ cần phải có thêm ít nhất 10 thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa ủng hộ.
Bên cạnh đó, để thực hiện được các mục tiêu tham vọng này, Mỹ cũng như các nước cần tới sự trợ giúp của khu vực tư nhân, trong đó có vai trò thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho biết việc đạt được các mục tiêu phát thải sẽ yêu cầu huy động tài chính ở mức chưa từng có, đòi hỏi các chính phủ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới và điều này được cho là quá sức đối với chính phủ các nước.
Quan điểm này càng được củng cố hơn trong nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, khi bà cho rằng trong lúc Tổng thống Biden đang thúc đẩy các nguồn lực để cắt giảm lượng khí thải, hoạt động của đầu tư tư nhân sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm "xanh" nền kinh tế toàn cầu. Không ít ý kiến quan ngại rằng cam kết của Mỹ tiến tới nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch có thể kéo dài từ chính quyền này sang chính quyền khác.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Nhà Trắng cần phải thúc đẩy hàng loạt chính sách lớn, đồng bộ đi kèm, một vấn đề mà Tổng thống Biden có thể sẽ gặp nhiều khó khăn từ ngay trong nội bộ đảng Dân chủ cũng như sự phản ứng từ đảng Cộng hòa. Bà Kate Blagojevic, người đứng đầu bộ phận khí hậu thuộc tổ chức Greenpeace của Anh, cho rằng những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden đòi hỏi cần phải triển khai chính sách trên thực tế và vốn đầu tư, và điều này đang tạo sức ép vô cùng lớn đối với chính quyền của ông Biden, ngay thời điểm chuẩn bị tròn 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
Tới thời điểm hiện tại, Nhà Trắng chưa đưa ra được một lộ trình cụ thể về kế hoạch làm thế nào để đạt được mức giảm khí thải. Những biện pháp ban đầu mà chính quyền Tổng thống Biden công bố gần đây mới chỉ dừng lại ở các động thái đơn lẻ như việc yêu cầu ngành điện không có carbon vào năm 2035, giảm lượng khí thải từ ống xả của xe và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho ô tô và xe tải; việc hỗ trợ nâng cao hiệu quả và điện khí hóa trong tòa nhà thông qua các chương trình trang bị thêm và áp dụng các mã năng lượng cập nhật cho các tòa nhà mới.
Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu vừa qua, Tổng thống Biden đã giới thiệu kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, tập trung vào việc điều chỉnh để xe điện có giá cả phải chăng hơn, khuyến khích xây dựng các trạm sạc xe điện, trang bị thêm các tòa nhà, thay thế ống dẫn và hiện đại hóa lưới điện của quốc gia. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Vấn đề là nhiều năm qua, khí hậu đã trở thành chủ đề mang tính đối kháng trong quan hệ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Do đó, "ẩn số" trong vấn đề này chính là khả năng Tổng thống Biden tìm được thỏa hiệp với một bộ phận trong đảng Cộng hòa.
Việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng loại bỏ năng lượng hóa thạch cũng là bài toán không dễ giải quyết. Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden là thúc đẩy tiến trình từ bỏ than đá, đồng thời "tấn công" vào hai ngành dầu lửa và khí đốt. Nếu gặp bế tắc hay phản đối tại Quốc hội, ông Biden phải tìm sự ủng hộ tại các bang, các địa phương... Tuy nhiên, trở ngại cũng sẽ đến từ các bang phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhất, như Texas, Wyoming, North Dakota, West Virginia, hay Oklahoma, vốn là thành trì của phe Cộng hòa
Rõ ràng một loạt biện pháp chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Biden thúc đẩy kể từ khi nhậm chức đang đem lại những tín hiệu tích cực không chỉ cho Mỹ mà còn đối với thế giới. Những tham vọng, cam kết của Mỹ trong vấn đề này góp phần tạo ra những giá trị nền tảng quan trọng trong việc thúc đẩy một nền kinh tế "xanh" toàn cầu, trở thành động lực mạnh mẽ và cũng là thời cơ để Mỹ thể hiện vai trò dẫn đầu của một cường quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường rất xa để Mỹ có thể biến những mục tiêu này thành hiện thực.
Ngắm 'siêu trăng hồng' trên khắp thế giới "Siêu trăng hồng" hiếm có được ghi nhận nhiều nơi trên khắp thế giới và tối 26/4 9 (múi giờ Bờ Đông Mỹ). "Siêu trăng hồng" tại New York (Mỹ). Ảnh: Daily Mail Tờ Daily Mail (Anh) cho biết "siêu trăng hồng" lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn trung bình. Mặc dù có tên là "siêu trăng hồng"...