Báo động về sốt rét kháng thuốc ở Đông Nam Á
Trong bài báo đăng trên tờ New England Journal of Medicine, nhóm nhà khoa học Anh kêu gọi hành động quyết liệt hơn trước tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan tràn tại Đông Nam Á.
Hồng cầu nhiễm sốt rét Ảnh: BBC
GS Nicolas White tại ĐH Oxford và cộng sự đã phân tích 1.000 mẫu máu ở 10 nước Á, Phi và phát hiện ký sinh trùng sốt rét phát triển đề kháng với những loại thuốc đang được sử dụng hàng đầu – trong đó có artemisinin – tại Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Đông Myanmar và Nam Lào. Nhóm nghiên cứu đặc biệt lo ngại về tình trạng này tại khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan vốn là nơi trước đây từng xảy ra sốt rét kháng thuốc. Xét nghiệm không cho thấy có sốt rét kháng thuốc ở Kenya, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo.
GS White nhận định: “Đông Nam Á kháng thuốc sốt rét quá nhiều, tồi tệ hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta cần có những hành động quyết liệt hơn, xem đó như là mục tiêu ưu tiên về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và không nên trì hoãn”. Ông cũng cho rằng các biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét như hiện nay là chưa đủ. Một nhà khoa học khác thuộc Học viện Vệ sinh và Y khoa nhiệt đới London, TS Brian Greenwood, cho rằng việc ký sinh trùng kháng thuốc artemisinin là thách thức chính trong nỗ lực kiểm soát bệnh sốt rét.
Video đang HOT
Theo Trúc Lâm
Người lao động
Sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh tùng-Côn trùng T.Ư cho biết: Các ca bệnh sốt rét kháng thuốc đã được phát hiện tại 4 tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Nam.
Theo tiến sĩ Dương, sốt rét kháng thuốc gây nguy hiểm bởi vì bệnh nhân phải kéo dài ngày điều trị. Nếu thông thường sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã hết ký sinh trùng trong máu nhưng với trường hợp kháng thuốc có thể phải 7-10 ngày. Đáng lo ngại, sốt rét kháng thuốc gây bệnh nặng hơn, ác tính, nguy cơ tử vong cao hơn. Việc điều trị khó khăn hơn vừa phải dùng thuốc kết hợp, vừa phải điều trị dài ngày. Tỷ lệ bệnh nhân bị sốt rét kháng thuốc tại một số vùng trọng điểm của nước ta chiếm từ 10-20% các ca mắc sốt rét. Việc điều trị cần được áp dụng theo phác đồ mới ban hành trong năm 2014, cập nhật về thuốc điều trị (liều lượng, sử dụng thuốc kết hợp) để đạt hiệu quả, tránh tử vong.
Sốt rét kháng thuốc gây bệnh cảnh nặng, tăng nguy cơ tử vong - Ảnh tư liệu
Triệu chứng mắc sốt rét - Ảnh tư liệu
Kí sinh trùng sốt rét ở người - Ảnh tư liệu
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc do việc tuân thủ điều trị không đúng liều, không đủ thời gian. "Nhưng đặc biệt, đã phát hiện nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc là do ký sinh trùng sốt rét có biến đổi gen. Người ta đã xác định được ký sinh trùng có đột biến gen (gen K13) khiến chúng có khả năng kháng thuốc điều trị sốt rét. Tại Việt Nam cũng đã tìm thấy ký sinh trùng kháng thuốc này trên bệnh nhân sổ rét kháng thuốc", tiến sĩ Dương thông báo.
Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 11.070 bệnh nhân mắc sốt rét; 29 trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số bệnh nhân mắc giảm 34,7%, số bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 30,9% và số tử vong do sốt rét giảm 2 trường hợp. Tuy nhiên, tiến sĩ Dương nhận định, nguy cơ sốt rét quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét rất cao ở nhiều địa phương do: số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số tỉnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương cũng cảnh báo thêm về việc đã ghi nhận các ca mắc sốt rét là những người đi xuất khẩu lao động về từ một số quốc gia ở châu Phi. "Các trường hợp xuất khẩu lao động đi về từ vùng có sốt rét cần lưu ý khi có sốt cao kéo dài cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, tránh để bệnh nặng có thể gây tử vong", tiến sĩ Dương khuyến cáo.
Liên Châu
Theo TNO
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đang lan rộng TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trên thế giới hiện 109 nước có lưu hành sốt rét. Số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét ngày càng giảm. Tuy nhiên, tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đang tăng lên và có xu hướng lan rộng và đã ghi nhận tại...